Thuốc chống đông

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng sử dụng thuốc trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên tại khoa tim mạch bệnh viện quân y 103 (Trang 29)

Trong lâm sàng, heparin không phân đoạn (UFH) được dùng để dự phòng quá trình lan rộng của huyết khối, ngăn ngừa xuất hiện huyết khối mới, huyết khối đại tuần hoàn và phòng tắc lại ĐMV. Heparin cũng ngăn cản hình thành cục máu đông bền vững do ức chế các yếu tố làm ổn định fibrin. Tuy nhiên, heparin có một số hạn chế là không có tác dụng thích hợp với thrombin đã gắn được vào mô hoặc gắn vào fibrin, chưa kể hiện tượng tái phát thiếu máu khi ngừng thuốc. Khi sử dụng heparin, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ các chỉ số đông máu để điều chỉnh liều thuốc phù hợp, nếu quá liều có thể gây biến chứng chảy máu [9],[15],[27].

Heparin trọng lượng phân tử thấp (HTLPTT): có tác dụng gần giống như heparin không phân đoạn, nhưng HTLPTT gắn đặc hiệu hơn với yếu tố X hoạt hóa (Xa), đề kháng với tác dụng ức chế của các tiểu cầu đã hoạt hóa. Ngoài ra, yếu tố IV của tiểu cầu vốn là chất ức chế mạnh heparin không phân đoạn song lại ít tác dụng lên HTLPTT dẫn đến ít hình thành cục máu đông. Do vậy, HTLPTT có ưu điểm là không cần phải thường xuyên xét nghiệm để đánh giá tác dụng chống đông, việc sử dụng đơn giản hơn, tác dụng kéo dài hơn. Ngoài ra, thuốc ít gây tai biến giảm tiểu cầu hơn so với heparin không phân đoạn. Các thuốc hay dùng là exonaparin (Lovenox), nadroparin (Fraxiparin) [17]. Enoxaparin liều khởi đầu cho đường tĩnh mạch trực tiếp 30mg, tiếp sau 15 phút tiêm dưới da 1mg/kg mỗi 12 giờ. Nếu bệnh nhân ≥ 75 tuổi, bỏ liều tiêm tĩnh mạch, giảm liều tiêm dưới da còn 0,75mg/kg mỗi 12 giờ. Nếu Clcreatinin < 30ml/phút, tiêm dưới da liều 1mg/kg mỗi 24 giờ không phụ thuộc tuổi. Duy trì trong suốt quá trình nằm viện của bệnh nhân được tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, tối đa tới 8 ngày [9],[15].

Fondaparinux (Arixtra) là một đồng dạng của pentasaccharide đặc hiệu. Fondaparinux kết hợp với antithrombin (AT) và hoạt hóa AT. Phức hợp fondaparinux - AT chỉ bất hoạt hóa yếu tố Xa và hoàn toàn không có ảnh hưởng trên thrombin. Như vậy, có thể gọi fondaparinux là một thuốc ức chế chọn lọc Xa

[31]. Sau khi bất hoạt hóa một phân tử Xa, phân tử fondaparinux tách ra khỏi phức hợp AT - Xa để tiếp tục gắn với một phân tử AT khác, do đó một phân tử fondaparinux có thể bất hoạt nhiều phân tử Xa. Một phân tử Xa có thể có thể kích hoạt sự tổng hợp của 50 phân tử thrombin. Điều này giải thích vì sao fondaparinux tuy ức chế chọn lọc Xa nhưng có hiệu lực chống đông mạnh. Liều điều trị: bắt đầu bằng liều 2,5mg tiêm tĩnh mạch, sau 2,5 mg tiêm dưới da một lần duy nhất trong ngày. Fondaparinux chống chỉ định đối với bệnh nhân suy thận nặng có độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút. Duy trì trong suốt quá trình nằm viện của bệnh nhân được tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, tối đa tới 8 ngày. Fondaparinux không được sử dụng làm thuốc chống đông trong can thiệp ĐMV qua da do nguy cơ hình thành huyết khối trong ống thông [15],[31],[33].

Thuốc chống đông kháng vitamin K (wafarin, sintrom) được sử dụng cho những bệnh nhân bị dị ứng aspirin, những bệnh nhân sau NMCT cấp có cơn rung nhĩ kịch phát hay rung nhĩ kéo dài, huyết khối bám thành. Thuốc cũng được phối hợp với aspirin cho bệnh nhân sau NMCT cấp không được đặt stent và có chỉ định dùng thuốc chống đông. Cần cân nhắc sử dụng nhóm thuốc này cho các bệnh nhân có rối loạn chức năng thất trái nặng, có hoặc không có suy tim ứ huyết [9],[15].

Thuốc ức chế trực tiếp thrombin không cần đồng tố (cofactor) (bivalirudin) là antithrombin III, tác động trực tiếp lên thrombin tự do hay đã gắn vào cục máu đông, có thể tạo tình trạng chống đông ổn định, kiểm soát được, dùng cho bệnh nhân bị biến chứng giảm tiểu cầu do heparin, kết hợp với streptokinase [6],[9],[15].

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng sử dụng thuốc trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên tại khoa tim mạch bệnh viện quân y 103 (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)