Trong nghiên cứu của chúng tôi ở biểu đồ 3.1 , tuổi của bệnh nhân từ 16 đến 49 tuổi. Như vậy kết quả nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân đều trong độ tuổi sinh đẻ. Không có trường hợp nào phát hiện u LNMTC trước dậy thì hoặc sau mãn kinh. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi sớm nhất phát hiện
được là 16 tuổi. Lứa tuổi này có thể coi là rất sớm vì tuổi dậy thì của trẻ nữ khoảng từ 13-16 tuổi , mặt khác LNMTC được phát hiện ở đây là dạng u nang buồng trứng, tức là đã có một thời gian phát triển của tổn thương. Các trường hợp LNMTC ở lứa tuổi này thường liên quan đến dị dạng sinh dục . Tuy nhiên ở bệnh nhân của chúng tôi không có dị dạng về cấu trúc cơ quan sinh dục được phát hiện bằng siêu âm và nội soi ổ bụng. Tuổi mãn kinh trung bình từ 45-50 tuổi, của người Việt Nam là 47 ± 3 tuổi . Trong nghiên cứu của chúng tôi, trường hợp lớn tuổi nhất là 49 tuổi và các bệnh nhân từ 45-49 tuổi đều không có dấu hiệu mãn kinh. Vì vậy vấn đề điều trị cho các bệnh nhân này vẫn được đặt ra để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vì các lý do trên nên tỷ lệ gặp u LNMTC tại buồng trứng theo biểu đồ 3.1 ở các nhóm tuổi 16-20 tuổi và 45-49 tuổi là thấp nhất với 3% và 10,5%. Tỷ lệ gặp ở nhóm tuổi 21-25 tuổi là 16,4%; 26-30 tuổi là 14,9%; 31-35 tuổi là 25,4%; 36-40 tuổi là 17,9%; 41-45 tuổi là 11,9%. Như vậy nhóm tuổi có tỷ lệ gặp LNMTC tại buồng trứng theo nghiên cứu của chúng tôi là 31-35 tuổi. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 33,4 ± 7,9 tuổi. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả khác.
Bảng 4.1: So sánh tuổi trung bình bệnh nhân với các tác giả khác.
Tác giả Tuổi trung bình
Lee (2010) 30,1 ± 4,3
Benaglia (2009) 35 ± 4,5
Coccia (2011) 32,6 ± 5,6
Như vậy, mẫu nghiên cứu của chúng tôi là đang dạng về nhóm tuổi và đầy đủ thành phần. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về số lượng.