Trẻ em là tương lai của nhân loại, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển của loài người. Ý thức được tầm quan trọng chiến lược đó, từ lâu các nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu đánh giá đặc điểm phát triển và ảnh hưởng của môi trường lên sự phát triển của trẻ.
Nhân trắc học là bộ môn khoa học nghiên cứu về hình thái, thể lực con người, nhân trắc học thực sự trở thành một bộ môn khoa học với đầy đủ ý nghĩa và tính chính xác khi Fisher sử dụng môn thống kê toán học ứng dụng vào sinh học. Nhân trắc học hiện đại ra đời dựa trên nền móng là hệ thống các dụng cụ, phương pháp đo các kích thước của cơ thể con người và xử lý số liệu thu được bằng thống kê toán học do Rudoll Martin đề ra trong hai tác phẩm “Giáo trình về nhân trắc học” (1919) và “Kim chỉ nam đo đạc cơ thể và xử lí thống kê” (1924) [31]. Từ đó đến nay, con người đã đi sâu nghiên cứu các chỉ tiêu hình thái, sinh lí gắn liền với điều kiện tự nhiên xã hội, đặc điểm chủng tộc, chế độ dinh dưỡng, quá trình rèn luyện thân thể và phát triển theo lứa tuổi. Tiêu biểu là các công trình của P. Baskirov (1962) “Học thuyết về phát triển con người” đề cập đến quy luật phát triển cơ thể người dưới ảnh hưởng của điều kiện sống. F.Vandervael (1964) “Nhân trắc học” đưa ra những nhận xét toàn diện về các quy luật phát triển thể lực theo các chỉ số đánh giá thể lực với các đặc trưng thống kê trung bình cộng (X) và độ lệch chuẩn SD [42]. Kabanop và Trabopxcaia (1969) trong cuốn “Giải phẫu và sinh lí trẻ em” chỉ ra rằng trong quá trình phát triển trẻ em phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn có một đặc điểm riêng về tốc độ phát triển, cấu tạo và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, nhu cầu về dinh dưỡng và các điều kiện khác cũng như phản ứng của cơ thể
đối với môi trường sống. Do vậy, để nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em đạt kết quả tốt nhất cần nắm vững những đặc điểm này [23]. Mới đây, Sempé và Gpédron với tác phẩm “Tăng trưởng phong phú và sự nối tiếp” đề cập đến phương pháp nghiên cứu thể lực và sự phát triển cơ thể trẻ, đây là một trong những công trình nghiên cứu hoàn chỉnh và mang tính chất thời sự nhất trong thời gian này[14].
Tóm lại, trong thế kỉ XX, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu về thể lực và sự phát triển của trẻ em, phổ biến ở các nước phát triển như Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hungari, Tiệp Khắc, Ba Lan...Các công trình nghiên cứu này đề cập đến một số vấn đề như:
- Sự phát triển thể lực và nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực ở trẻ em, sự tăng trưởng các kích thước tổng thể và sự phát triển thể lực học sinh ở các lứa tuổi khác nhau. Các tác giả đưa ra những nhận xét là tốc độ phát triển mạnh nhất ở lứa tuổi dậy thì do ảnh hưởng của hoạt động của các cơ quan nội tiết trong thời kì chín sinh dục [9].
- Cường độ tăng trưởng và thời gian tăng trưởng phụ thuộc vào điều kiện xã hội và môi trường sống. Theo Bunank (1941) trẻ trai phải tới 25 tuổi mới kết thúc sự tăng trưởng về chiều cao, còn theo Ưnưxon (1962) thì đến 19 tuổi là chiều cao ngừng tăng trưởng. Những trẻ gầy còm thể lực kém phát triển, phần lớn thuộc những gia đình nghèo khó, do đó trẻ em ở thành phố phát triển thể lực tốt hơn trẻ em ở nông thôn [31].
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu các chỉ số hình thái, thể lực ở mọi lứa tuổi được bắt đầu từ những năm 30 của thế kỉ XX. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về sự tăng trưởng chiều cao, chức năng sinh lý của trẻ em là của một số tác giả người Pháp như Mondiere (1875), Huard, Bogot (1938) và Đỗ Xuân Hợp. Nhưng các công trình này còn lẻ tẻ, số liệu đơn giản, chưa được xử lí thống kê bằng phương pháp hiện đại nên kết quả còn hạn chế [9].
Sau năm 1954, Nhân trắc học được nghiên cứu rộng rãi và đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học như Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, các Viện nghiên cứu với các mục đích khác nhau. Kết quả là đã có rất nhiều công trình nghiên cứu ở hầu hết các lứa tuổi được công bố rộng rãi [theo 42]. Rất nhiều công trình được công bố, báo cáo ở Hội nghị hằng số Sinh học Việt Nam được tổ chức vào các năm 1968 và 1972. Các công trình này được đúc kết trong
tập san “ Hằng số Sinh học Việt Nam” được bộ Y tế xuất bản năm 1975 trong đó nêu ra khá đầy đủ các thông số về thể lực người Việt Nam ở mọi lứa tuổi [48]. Năm 1974, cuốn “Nhân trắc học và sự ứng dụng nghiên cứu trên người Việt Nam” của Nguyễn Quang Quyền ra đời, nó được xem là sổ tay cho những người nghiên cứu nhân trắc học ở Việt Nam [41]. Năm 1976 – 1980, Vũ Thị Chín đã nghiên cứu về các chỉ số phát triển sinh lí, tâm lí của trẻ từ 0 – 3 tuổi, xây dựng được biểu đồ phát triển hình thái như chiều cao, cân nặng và các kết quả được ứng dụng theo dõi sự phát triển của trẻ dưới 3 tuổi [6]. Lê Thị Hợp đã theo dõi sự tăng trưởng của trẻ em từ 8- 60 tháng tuổi ở hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng của Thành phố Hà Nội từ năm 1981- 1984 [theo 11]. Năm 1987 – 1989, Nguyễn Thu Nhạn và cs tiến hành theo dõi các chỉ số cân nặng, chiều cao, bệnh tật của trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội [33]. Tiếp đó, năm 1989, Thẩm Thị Hoàng Điệp và CS đã có một số nhận xét về sự phát triển chiều cao, vòng đầu, vòng ngực của người Việt Nam từ 1 – 55 tuổi [9]. Vào những năm 1990- 1992, các tác giả Nguyễn Ngọc Trâm, Lê Thị Khánh Hoà, Hàn Nguyệt Kim Chi [46] đã nghiên cứu các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng ngực, vòng cánh tay và bề dày lớp mỡ dưới da trên 1286 trẻ em dưới 6 tuổi ở nhà trẻ mẫu giáo tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh phúc, Hải Hưng, Hà Nội, Huế, Khánh Hoà, Bắc Thái, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy các chỉ số nghiên cứu vào thời gian này cao hơn so với các thông số trong “Hằng số sinh học người Việt Nam” và các chỉ số này ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ. Từ năm 1992 – 1994, Lê Nam Trà nghiên cứu trên 10380 trẻ sơ sinh đủ tháng tại bệnh viên phụ sản Hà Nội cho thấy, so với “ Hằng số sinh học người Việt Nam” năm 1975 thì chiều cao, cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh có tăng hơn và tăng đúng với trẻ sơ sinh ở các nước Đông Nam Á [45]. Trong 2 năm 1995 – 1996, Hàn Nguyệt Kim Chi và cộng sự đã nghiên cứu trên 10.339 trẻ em từ 1- 36 tháng tuổi và 11985 trẻ từ 37- 72 tháng tuổi tại Thành phố Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Ninh Bình, Hà Nam về các chỉ số cân nặng, chiều cao đứng, chiều cao ngồi, vòng ngực, vòng đùi, vòng cánh tay. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức tăng cân nặng có nhanh hơn so với mức tăng chiều cao [47]. Lê Minh Hà (2003) nghiên cứu sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi ở các địa bàn Yên Bái, Hà Nội, Phú Yên cho thấy chiều cao của trẻ phát triển tương đối đồng đều ở ba nơi
và chiều cao trung bình của trẻ có xu hướng cao hơn so với trẻ ở thập kỉ 90, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với số liệu của tổ chức y tế thế giới [11].
Ở Trường Đại học Vinh, Bộ môn nhân trắc học đã được đưa vào giảng dạy và đẩy mạnh nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỉ trước, tiêu biểu có các công trình của Nghiêm Xuân Thăng, Nguyễn Ngọc Hợi, Ngô Thị Bê, Hoàng Thị Ái Khuê đã nghiên cứu về các chỉ số hình thái, phát triển thể lực và thể chất của học sinh đồng bằng, thành phố Vinh, miền núi Nghệ An. Kết quả cho thấy các chỉ số hình thái, thể lực ở học sinh tăng theo độ tuổi khảo sát, có sự khác nhau giữa các khu vực nghiên cứu [2], [3], [16]. Ở lứa tuổi mầm non có một số công trình của Nguyễn Thị Chiên (1998) nghiên cứu một số chỉ tiêu thể lực, thể chất và trí tuệ của trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo ở thành phố Thanh Hoá [5]. Trần Thị Hương (2003), nghiên cứu thực trạng dinh dưỡng của trẻ em từ 1 – 3 tuổi tại các trường trên địa bàn thành phố Vinh. Bùi Bích Phương (2008) nghiên cứu thực trạng suy dinh dưỡng và ảnh hưởng của suy dinh dưỡng lên một số chỉ tiêu hình thái sinh lí của trẻ dưới 5 tuổi ở Diễn Châu - Nghệ An [40]. Đỗ Thị Hiền (2009) Nghiên cứu một số chỉ tiêu hình thái, thể lực ở học sinh mầm non tại 2 trường mầm non của Thanh Hoá và Thành phố Vinh [14].