Trong nghiên cứu này chưa phát hiện NLĐ bị bệnh nghề nghiệp, do đây là công ty mới được thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, thời gian quá ngắn nên NLĐ chưa phải chịu ảnh hưởng sâu sắc của MTLĐ để biểu hiện ra thành bệnh. Tuy nhiên, theo Occup Med (1989) đã chỉ ra NLĐ trong ngành giấy và bột giấy có nguy cơ cao đối với một số bệnh ung thư như ung thư phổi và một số u trung biểu mô ác tính . Trong nghiên cứu của P.R.Band, N.D.Lê và cộng sự (1997) cho thấy những công nhân lao động trong lĩnh vực sản xuất giấy Kraft có tỷ lệ tử vong do ung thư màng phổi, xương, thận cao. Đối với NLĐ có trên 15 năm tuổi nghề tỷ lệ tử vong do ung thu thận tăng từ 1,72% (95%CI: 0,80-3,22) lên 1,92% (95%CI: 1,04-3,26) . Cũng theo G.M.Matanoski và cộng sự đã chỉ ra tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tăng lên ở các nhà máy có sử dụng bột giấy Kraft .
Trong một nghiên cứu thuần tập do K.Toren, B.Jarvholm và cộng sự tiến hành (1994) đã khẳng định sau khi điều chỉnh tỷ lệ tiếp xúc với bụi giấy ở NLĐ dẫn đến làm gia tăng tỷ lệ NLĐ mắc các triệu chứng về hô hấp như: ho mãn tính, đờm mãn tính, thở khò khè và khó thở. Nhưng đối với bệnh hen suyễn thì chưa có được kết luận rõ ràng về mối tương quan . Cũng trong một nghiên cứu khác K.Toren cho biết NLĐ tiếp xúc với nồng độ bụi giấy cao (>5mg/m3) sẽ gây suy giảm chức năng phổi .
Theo nghiên cứu của A. Sancini (2014) ở 72 công nhân ngành công nghiệp giấy có tiếp xúc với tiếng ồn có nhóm chứng. Kết quả điều tra cho thấy, những công nhân có tiếp xúc với tiếng ồn (cả những công nhân đã bị khiếm thính) so với nhóm chứng không tiếp xúc với tiếng ồn thì giá trị huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương trung bình đều tăng mạnh (p<0,001), tần số huyết áp, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương cũng gia tăng (p<0,01 và
p<0,001), ngoài ra còn thấy sự bất thường về điện tâm đồ (p<0,05). Do vậy, các nhà nghiên cứu đã cho rằng tiếng ồn là một rủi nghề nghiệp tác động tới tim mạch ở NLĐ trong ngành công nghiệp giấy .
A.G.Fassa và cộng sự (1996) đã tiến hành nghiên cứu để xác định tình trạng bệnh lý và mối tương quan với tính chất công việc của từng bộ phận tương ứng trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy cho thấy đối với nhóm công nhân lao động trực tiếp tỷ lệ mắc các vấn đề về thính giác, đường hô hấp và tai nạn lao động cao hơn rất nhiều so với các bộ phận quản lý, hỗ trợ trong ngành (OR lần lượt là 2,5; 2,7; 4,7). Theo tác giả, các bệnh này có thể liên quan tới việc công nhân phải tiếp xúc với tiếng ồn cao, bụi, nhiệt độ thay đổi đột ngột, tiếp xúc với các hóa chất, sự gắng sức, tình huống rủi ro trong lao động .
KẾT LUẬN
Từ kết quả nghiên cứu và những bàn luận trên cho phép chúng tôi đưa ra một số kết luận như sau: