4.1. Môi trường lao động
4.1.1.Vi khí hậu
Trước hết, theo nhiều nghiên cứu cho thấy các điều kiện vi khí hậu trong sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và hiệu quả lao động của NLĐ. Môi trường quá nóng, quá lạnh, quá ẩm hay quá khô đều làm căng thẳng trong quá trình điều nhiệt, suy giảm sức đề kháng, gây các bệnh theo mùa, tăng các bệnh liên quan tới thời tiết .
Theo kết quả nghiên cứu trình bày trong bảng 3.1, căn cứ theo quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động, các mẫu đo nhiệt độ tại các vị trí làm việc đều vượt quá TCCP. Khu vực dán có nhiệt độ trung bình cao nhất là 35,5oC, thấp nhất là tại khu vực máy sóng, khu vực xuất hàng đều có nhiệt độ trung bình là 34,6 oC. Nếu NLĐ phải làm việc trong môi trường lao động có nhiệt độ cao kéo dài, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, dẫn tới mất nước và muối, nếu không được bổ sung kịp thời có thể gây nhiều bệnh lý về tim mạch, thận hay stress nhiệt. Với tính chất công việc của công ty sản xuất bao bì Kinh Bắc thường xuyên phải làm việc tại một vị trí, cùng một tư thế trong quá trình làm việc nên với điều kiện nhiệt độ cao vượt quá TCCP sẽ rất dễ gây ra sự khó chịu cho NLĐ, nặng hơn có thể dẫn tới say nắng, say nóng. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với báo cáo kết quả quan trắc môi trường lao động của công ty cổ phần bao bì Việt An đợt I năm 2013 , trong báo cáo này chỉ có khu vực máy ghim và lò hơi vượt quá TCCP lần lượt là 32,1 oC, 33,1 oC. Tuy nhiên các khu vực lao động khác đều có nhiệt độ dao động từ 30,6oC đến 31,8 oC tuy chưa vượt quá giới hạn cho phép nhưng đều rất sát với TCCP. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi lại tương đồng với nghiên cứu tại công ty cổ phần giấy Sài Gòn (2013), tất cả các vị trí làm việc đều có nhiệt độ vượt quá TCCP . Giải thích cho điều này có thể là do cấu trúc phân
xưởng được làm bằng mái tôn và chế độ thông gió tại phân xưởng chưa tốt nên nhiệt độ tại các khu vực làm việc cao hơn so với TCCP.
Về độ ẩm, tại các vị trí đo độ ẩm trung bình trong môi trường làm việc dao động từ 57,5% đến 62,8% so với TCCP (TCVN- 5508 – 1991) tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép. Độ ẩm cao nhất tại khu vực xuất hàng là 62,8%, thấp nhất là 57,5% tại Khu vực máy sóng. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các khu vực làm việc là không lớn.
Kết quả nghiên cứu này tương đồng với kết quả báo cáo của công ty Bao bì Việt An, độ ẩm cao nhất đo được là 63%, thấp nhất là 58% và tất cả các vị trí đo độ ẩm đều nằm trong giới hạn cho phép . Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu tại công ty Giấy Sài Gòn, độ ẩm tại các vị trí dao động từ 47 – 49% . Điều này có thể là do nhiệt độ trong phân xưởng tương đối cao, nhà xưởng không kín, mặt khác do sản phẩm là giấy nên độ ẩm không cao.
Sự chuyển động của không khí (tốc độ gió trung bình) thấp nhất tại khu vực kho là 0,11m/s thấp hơn so với TCCP. Tuy nhiên, do khu vực này có ít công nhân lao động làm việc tại đó nên ít có ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ. Vị trí đo khác là vị trí Khu vực máy sóng có tốc độ gió trung bình là 0,18m/s thấp hơn so với TCCP.
Nghiên cứu này có sự khác biệt so với báo cáo của công ty bao bì Việt An đợt I năm 2013 và nghiên cứu tại công ty giấy Sài Gòn tất cả các vị trí đo tốc độ gió đều đạt TCCP , . Giải thích cho điều này có thể là do hệ thống thông gió của phân xưởng chưa hoạt động đúng năng suất hoặc phân bố chưa hợp lý.