Đặc điểm của bệnh phân trắng lợn con

Một phần của tài liệu Áp dụng quy trình kỹ thuật trong phòng và trị bệnh phân trắng ở lợn con tại huyện Văn Quan - tỉnh Lạng Sơn. (Trang 26)

Bệnh phân trắng lợn con là một bệnh xảy ra phổ biến ở lợn con, không gây chết hàng loạt nhưng lại gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh có một số đặc điểm nổi bật là viêm ruột và dạ dày, có hiện tượng tiêu chảy nặng rất dễ gây chết.

* Nguyên nhân gây bệnh

Theo Phạm Sỹ Lăng và CS (1999) [7] bệnh phân trắng lợn con do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là ở lợn con với tác nhân chủ yếu là vi khuẩn E.coli, Salmonella, Proteus, Streptococcus và nhiều yếu tố khác về chăm sóc, điều kiện khí hậu.

Tác giả Hagan và Brunner (1990) [21] cho rằng nguyên nhân gây bệnh phân trắng lợn con là do vi khuẩn E.coli. Sau khi xâm nhập vào cơ thể lợn, vi khuẩn E.coli phát triển ở tế bào niêm mạc ruột non, sự xâm nhập này chủ yếu là do yếu tố kháng nguyên K quyết định như K88 (một loại protein lông).

Theo tác giả Smith và Gyles (1970) [23] vi khuẩn E.coli tiết ra một số loại độc tố đường ruột như LT và Sta làm lợn con bị nhiễm độc gây nên bệnh phân trắng ở lợn con.

Những nguyên nhân khác làm tăng mức độ mắc bệnh như:

-Chuồng trại ẩm ướt, lợn con đẻ ra bị nhiễm lạnh hoặc do thời tiết thay đổi đột ngột.

-Lợn chậm được bú sữa đầu, thiếu sắt, thiếu máu, thiếu vitamin A. -Thay đổi thức ăn của lợn mẹ, lợn mẹ bị stress.

-Lợn mẹ bị viêm vú đặc biệt do vi khuẩn E.coli gây ra, khi bú sữa của những lợn mẹ này thì lợn con sẽ bị tiêu chảy.

Theo tác giả Trương Lăng - Xuân Giao (2002) [8] cho rằng, nguyên nhân gây bệnh phân trắng lợn con do: Thành phần của sữa mẹ có nhiều chất khô, mỡ khó tiêu, từ đó vi khuẩn E.coli phân hủy sữa thành axit gây viêm dạ dày ruột. Do trữ lượng sắt của lợn con từ trong bào thai chưa đủ. Khi sinh ra không được cung cấp đầy đủ nhu cầu về sữa mẹ, thiếu Coban, B12 nên sinh bần huyết. Cơ thể suy yếu, không hấp thu đủ dinh dưỡng, sinh ra không tiêu và dẫn tới ỉa chảy. Lợn con từ sơ sinh đến 20 ngày tuổi, pH dịch vị trung tính, không có axit, đặc trưng là axit HCL tự do nên không có khả năng tiêu hóa protein. Nhược điểm này có thể là nguyên nhân đầu tiên gây phát sinh bệnh. Đối với lợn con một tháng tuổi trở lên, hàm lượng HCL và men pepsin dịch vị tăng lên nên tỷ lệ cảm nhiễm bệnh giảm rõ rệt. Thời tiết, tiểu khí hậu chuồng nuôi, chế độ ăn uống, vệ sinh chuồng trại đều ảnh hưởng đến tỷ lệ lợn mắc bệnh.

Theo Lê Hồng Mận và Bùi Đức Lũng (2003) [10] cũng cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do trực khuẩn E.coli gây nên và đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nguyên nhân làm tăng mức độ nhiễm E.coli là chuồng bẩn, bầu vú lợn mẹ nhiễm E.coli hay lợn mẹ ít sữa làm cho lợn con ăn các thứ bẩn, chăm sóc lợn mẹ kém, ăn thiếu chất làm sữa mẹ nghèo chất dinh dưỡng làm lợn con còi cọc, sức đề kháng giảm.

Theo Sử An Ninh (1993) [12] nguồn gốc sinh ra bệnh phân trắng có liên quan đến phản ứng thích nghi của cơ thể lợn với yếu tố stress, biểu hiện thông qua một số thành phần trong máu như đường huyết, sắt, kali, natri… .

* Dịch tễ học

Đây là bệnh rất phổ biến ở lợn con theo mẹ, đặc biệt là lợn con mới sinh đến 21 ngày tuổi. Có con mắc sau 2 đến 3 giờ sau sinh, còn một số con mắc muộn hơn khi đã 4 tuần tuổi.

Vi khuẩn E.coli tập trung chủ yếu ở ruột già nên phân gia súc là nguồn bệnh lớn, đặc biệt là gia súc mắc bệnh. Chúng cũng tồn tại trong đất, nước, chất thải và chất độn chuồng. Bệnh phân trắng lợn con có thể phát triển qua nhiều năm, nhiều nhất là cuối vụ đông và cuối xuân hè, sau nhiều trận mưa, khí hậu thay đổi đột ngột, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới 100%, tỷ lệ chết có thể tới 30 - 40 %.

Ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thời tiết: Thời tiết khí hậu là những yếu tố thường xuyên tác động đến cơ thể vật nuôi, ở lợn con khi nhiệt độ môi trường quá lạnh làm thân nhiệt giảm xuống, mạch máu ngoại vi co lại, máu dồn đến các cơ quan nội tạng, gây xung huyết đường ruột, làm trở ngại quá trình hấp thu dinh dưỡng. Nước từ mạch quản thấm vào lòng ruột làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn bị đình trệ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây thối rữa phát triển, thức ăn không được tiêu hóa sẽ sinh ra nhiều sản phẩm độc trung gian ngấm vào máu tác động lên thần kinh cảm giác trên niêm mạc ruột, quá trình xung huyết nặng thêm tạo nên một vòng tròn bệnh lý. Nhu động ruột tăng lên, để thải chất chứa ra ngoài, từ đó dẫn đến tiêu chảy, trong đó có bệnh phân trắng.

Khi nghiên cứu về stress lạnh đối với lợn con phân trắng theo tác giả Sử An Ninh (1991) [12] đã nhận định: stress lạnh và ẩm làm cho lợn con không giữ được mối cân bằng hoạt động của hệ thống não - tuyến yên - tuyến thượng thận làm biến đổi hàm lượng Fe++

và Na+, K+ trong máu, làm giảm sức đề kháng của lợn con, dẫn đến lợn con bị ỉa phân trắng.

* Vềđường truyền và quá trình phát sinh bệnh

Nhiều tác giả nhất trí cho rằng: Đường truyền bệnh phân trắng lợn con chủ yếu qua đường ăn uống. Khi lợn nhiễm bệnh, vi khuẩn E.coli phát triển nhanh trong đường ruột, chúng hủy hoại thành ruột và giải phóng ra độc tố, độc tố này xâm nhập vào dòng Lympho làm cho máu bị nhiễm độc và con vật chết. Ngoài ra, lợn con còn có thể nhiễm E.coli qua bào thai.

* Triệu chứng lâm sàng

Lợn con mắc bệnh lúc đầu vẫn bú bình thường, sau đó giảm dần. Lúc bệnh nặng, lợn con bú kém có triệu chứng sốt, đi lại xiêu vẹo, da khô, nhăn nheo, đầu to, bụng hóp, gầy sút nhanh, hậu môn dính bết phân. Niêm mạc nhợt nhạt, bốn chân lạnh, thở nhanh. Màu phân lúc đầu xanh đen sau chuyển sang xám, phân có mùi tanh khắm đặc trưng. Đôi khi còn nôn ra sữa chưa tiêu hóa có mùi chua. Bệnh kéo dài 3 - 4 ngày, lợn suy nhược nhanh, co giật, run rẩy và dẫn đến chết.

Theo Trần Văn Bình, Trần Văn Thiện (2006) [1] thì bệnh xảy ra với triệu chứng: tiêu chảy phân trắng hay màu vàng có lẫn bọt khí, đôi khi lợn con nôn.

Theo Đỗ Kim Tuyên và CS (2007) [17] cũng đưa ra một số triệu chứng bệnh phân trắng lợn con như sau: khi mắc bệnh lợn con bú kém, dáng ủ rũ, đi đứng siêu vẹo. Lợn con tiêu chảy da nhăn nheo, gầy nhanh, hậu môn dính bết phân màu trắng, lợn con hay khát nước, đôi khi nôn ra sữa chưa tiêu hóa.

Theo Lê Thị Tài và CS (2002) [14] cho biết triệu chứng của lợn con khi mắc bệnh là không sốt, phân lỏng, mầu trắng như vôi, lầy nhầy tanh khắm, có khi lẫn máu, lợn hay khát nước, đôi khi bị nôn. Bệnh xảy ra ở 2 thể cấp tính và mãn tính.

-Thể cấp tính: Gây chết nhanh, những lợn từ 7 - 10 ngày tuổi thường mắc ở thể này. Sau 1 - 2 ngày đi phân trắng, lợn gầy sút nhanh. Lợn bỏ bú, ủ rũ, đi đứng xiêu vẹo, niêm mạc mắt nhợt nhạt, 4 chân lạnh. Phân lúc đầu nát sau loãng, tiếp đó lợn dặn khó khăn như đi kiết, số lần đi ỉa tăng. Màu phân từ xanh đen chuyển sang trắng.

-Thể mãn tính: Lợn bú kém, kéo dài 7 - 10 ngày. Phân màu trắng đục hoặc hơi vàng. Mắt có nhiều dử, niêm mạc nhợt nhạt. Có thể chết trong vài ngày, những con khỏi bệnh thường gầy còm, chậm lớn.

* Bệnh tích

Bệnh tích điển hình quan sát được khi mổ khám: Lợn chết xác gầy, vùng đuôi bê bết phân, niêm mạc mắt nhợt nhạt, trong dạ dày chứa đầy hơi hoặc sữa chưa tiêu, mùi khó ngửi.Thành dạ dày phù xuất huyết, trong ruột non chứa đầy khí, căng phồng có khi lẫn máu, ruột xung huyết. Gan, lách, thận không biến đổi nhiều.

* Phòng bệnh

Theo http://www.binhthuantoday.com.vn (2008) [24], để phòng bệnh phân trắng lợn con chúng ta cần thực hiện tốt những công việc sau:

- Giữ chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Tiêu độc và sát trùng chuồng trại đẻ trước và sau khi sinh bằng các loại thuốc sát trùng Indox, Bioclean. Giữ ấm cho heo con ngay sau khi sinh, nhất là mùa mưa, cho lợn con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để hấp thu dưỡng chất và kháng thể. Tiêm bổ sung sắt cho lợn con vào 3 và 10 ngày tuổi sau sinh.

- Cho lợn con tập ăn sớm từ khi 7 đến 10 ngày tuổi để giúp ruột sớm tạo ra enzyme có lợi cho quá trình tiêu hóa sau này. Khi cai sữa để đàn lợn tại chuồng một tuần để tránh nhiễm các chủng E.coli khác gây bệnh.

- Tiêm phòng vacxin E.coli cho lợn nái hai lần vào lúc 4 tuần và 2 tuần

trước khi đẻ, kháng thể thụ động truyền qua sữa sẽ bảo hộ cho lợn con trong thời gian bú sữa.

Theo http://vinhlong.agroviet.gov.vn (2012) [25] biện pháp phòng bệnh cho lợn con khi mắc bệnh:

- Với bệnh phân trắng lợn con thì yếu tố nhiệt độ rất quan trọng. Ngay sau khi sinh, cần cho lợn con vào ổ úm ở nhiệt độ 32 đến 34o

C, duy trì nhiệt độ như vậy trong 2 đến 3 ngày, sau đó giảm dần nhiệt độ đến 25 đến 28oC từ ngày thứ 8 đến khi cai sữa.

- Phòng bệnh bằng vệ sinh dinh dưỡng: chăm sóc, nuôi dưỡng lợn mẹ, lợn con tốt. Cần chú ý khâu thức ăn cho mẹ phải tốt cả về số lượng và chất lượng, không nên thay đổi thức ăn của lợn mẹ trong quá trình đang cho lợn con bú sữa. Thực hiện tốt 3 khâu: chống lạnh, chống ẩm và chống bẩn, chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

- Tập cho lợn con ăn sớm với thức ăn có chất lượng cao, tiêm sắt cho lợn con vào ngày thứ 3 và ngày thứ 10 sau đẻ.

- Phòng bằng vacxin cho cả lợn mẹ và con: Tiêm cho lợn mẹ 1 đến 2 tuần trước khi đẻ. Tiêm cho lợn con vào ngày tuổi thứ 14.

* Điều trị

Điều trị bệnh phân trắng lợn con phải tuân thủ các quy tắc điều trị bệnh, phải kết hợp giữa điều trị nguyên nhân, cung cấp nước và điện giải, nâng cao sức đề kháng của con vật trong khi sử dụng kháng sinh và hóa dược để điều trị. Cần lưu ý đến khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn, vì vậy nên sử dụng kháng sinh cơ sở chưa dùng hoặc ít dùng, kháng sinh có phổ kháng rộng điều trị sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

Theo Phạm Sỹ Lăng và CS (2003) [6] một số kháng sinh sau đây thường được sử dụng riêng rẽ hoặc phối hợp để điều trị bệnh:

Chloramphenicol: Liều 50mg/KgTT. Tetracylin: Liều 50mg/KgTT.

Neomycin: Liều 53mg/KgTT. Furazonidon: Liều 30mg/KgTT. Biomycin: Liều 50mg/KgTT.

Liệu trình: Dùng 3 - 4 ngày cho đến khi lợn con hết triệu chứng ỉa phân trắng. Có thể dùng kháng sinh trên phối hợp với một số dạng Sulfanilamid để cho uống.

Bisepton: Liều 50mg/KgTT.

Sulfaynamidin: Liều 100mg/KgTT. Sulfadimetoxin: Liều 50mg/KgTT. Sulfamonotoxin: Liều 50mg/KgTT.

Theo Phạm Ngọc Thạch (2006) [15] cho biết, điều trị bệnh phân trắng có thể dùng những cách sau:

Dùng nước quả hồng xiêm xanh, lá phèn đen, cây cỏ xước, cây dừa nước, búp sim cho lợn uống khi mới mắc bệnh.

Dùng Anti Diarhea 0,2ml/lợn/ngày hoặc Kanamycin 30 - 40 mg/Kg/ngày cho một lần uống.

Theo Lê Thị Tài và CS (2002) [14] đưa ra một số bài thuốc nam để điều trị bệnh như sau:

Bài 1: Cỏ nhọ nồi khô: 100g. Lá bạc thau khô: 100g. Gừng khô: 100g. Nước sạch 1000ml.

Tất cả đem đun sôi cô đặc lấy 300ml thêm ít đường cho lợn uống 2ml/con/ngày. Ngày uống 2 lần.

Bài 2: Cây bồ đề rửa sạch chặt nhỏ 500g. Gừng tươi 50g.

Nước sạch 1000ml.

Tất cả đun sôi cô đặc lấy 300ml, cho thêm ít đường uống 2ml/con/ngày, ngày uống 2 lần, uống liên tục 7 - 10 ngày.

Tác giả này cũng đưa ra phác đồ điều trị bệnh phân trắng lợn con như sau: Phác đồ 1:

-Kanacoli (thuốc bột): hòa với nước sạch cho uống 10g/5kgTT. -Kanacoli (thuốc tiêm): liều 1ml/10KgTT/ngày, tiêm bắp.

-Thuốc bổ trợ: Vitamin C 5%: tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 5ml/con. Vitamin B1 2,5%: tiêm 5ml/con.

Bcomplex: 3 - 5 ml/con.

Glucoza 5%: tiêm dưới da 200ml/con. Phác đồ 2:

- Enroamoci: 10g/30 - 50kgTT, tiêm bắp.

-Thuốc bổ trợ: Vitamin C 5%: 5ml/con, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Vitamin B1 2,5%: tiêm 5ml/con.

Bcomplex: 3 - 5 ml/con.

Glucoza 5 %: 200ml/con, tiêm dưới da.

Có thể điều trị bệnh phân trắng lợn con bằng chế phẩm sinh học: cho lợn uống men tiêu hóa cũng như một số chế phẩm sinh học như kháng thể loài, Biolactin, Subtilis… vừa có tác dụng phòng vừa có tác dụng trị bệnh cho lợn con.Vì những chế phẩm này làm gia tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột, khi đó sẽ ức chế vi khuẩn gây bệnh, lập lại sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột.

Một phần của tài liệu Áp dụng quy trình kỹ thuật trong phòng và trị bệnh phân trắng ở lợn con tại huyện Văn Quan - tỉnh Lạng Sơn. (Trang 26)