2.3.1. Về phía giáo viên
- Chương trình văn kể chuyện lớp được xây dựng theo quan điểm giao tiếp, do đó nó cũng đã thể hiện phần nào tinh thần của lí thuyết lập luận. Tuy nhiên sự thể hiện này không rõ nét như lí thuyết hội thoại. Vì thế, không phải
giáo viên nào cũng nhận ra được điều này để có thể vận dụng lí thuyết lập luận vào quá trình dạy văn kể chuyện.
-Bên cạnh đó, tài liệu về ngữ dụng học không có nhiều; vì thế, tài liệu hướng dẫn cho giáo viên về nội dung và biện pháp rèn luyện kĩ năng lập luận cho học sinh chưa có nên mỗi giáo viên vận dụng theo cách khác nhau dựa trên sự hiểu biết của mình về lí thuyết lập luận và những kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình dạy học của mình.
- Do đặc trưng của bậc Tiểu học mà mỗi giáo viên phụ trách nhiều môn học khác nhau. Vì thế, không ít giáo viên có khả năng về các môn khoa học tự nhiên hơn là các môn học xã hội. Do đó, việc hiểu và vận dụng lí thuyết lập luận vào rèn kĩ năng lập luận cho học sinh trong văn kể chuyện cũng bị hạn chế nhiều.
2.3.2. Về phía học sinh
Trong quá trình học tập, các em học sinh chịu sự tác động từ nội dung chương trình sách giáo khoa, quá trình giảng dạy của giáo viên và môi trường xung quanh. Vì thế để có được kĩ năng lập luận thì người học sinh cần có sự sự định hướng của sách giáo khoa và sự giúp đỡ của giáo viên. Tuy nhiên, chương trình, nội dung sách giáo khoa không đưa ra mục tiêu cụ thể nào để rèn kĩ năng lập luận cho học sinh. Còn giáo viên lại có những nhận thức chưa đầy đủ về lập luận của học sinh trong quá trình tạo lập văn bản ở văn kể chuyện.
- Lập luận là kĩ năng thực hành vì thế bên cạnh những kiến thức cơ bản về lập luận thì cần có sự luyện tập bài bản, thường xuyên lâu dài. Nhưng ở Tiểu học, kĩ năng lập luận chưa được rèn luyện cho học sinh theo đúng những tiêu chí trên.
- Kĩ năng lập luận không được đề cập trong chương trình văn kể chuyện ở Tiểu học mà giáo viên chỉ luyện cho học sinh theo cách riêng, kinh nghiệm riêng của mình, điều này cũng góp phần làm cho chất lượng lập luận trong bài làm của học sinh chưa cao.
- Trong tiết trả bài viết của các tiết kể chuyện trong phân môn Tập làm văn, giáo viên đã tiến hành chữa lỗi lập luận cho học sinh theo kinh nghiệm do giáo viên chưa hiểu cách thức lập luận và biện pháp rèn luyện cho học sinh. Vì thế, học sinh thường bị lúng túng khi làm những bài của tiết sau.
- Một số em học sinh không có năng khiếu về môn Tiếng Việt nên chưa thật sự có hứng thú học tập môn Tiếng Việt nói chung và văn kể chuyện nói riêng. Vì thế, các em còn xem nhẹ việc nâng cao chất lượng của môn học cũng như chất lượng của kĩ năng lập luận.
Tiểu kết chương 2
Qua tìm hiểu về thực trạng, chúng tôi nhận thấy rằng:
- Chương trình Tập làm văn lớp 4 đã quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng làm văn kể chuyện cho học sinh. Tuy nhiên, yêu cầu về kiến thức kĩ năng chương trình Tập làm văn lớp 4 không có tiết học dành riêng để rèn kĩ năng lập luận cho học sinh.
- Đa số giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của rèn luyện kĩ năng lập luận cho học sinh nhưng khi dạy làm văn kể chuyện cho học sinh lớp 4, giáo viên chưa đầu tư rèn luyện kĩ năng lập luận cho các em. Các phương pháp rèn luyện kĩ năng lập luận cho học sinh chưa được giáo viên quan tâm sử dụng.
- Việc lập luận trong bài văn kể chuyện của học sinh thiếu đi sự chặt chẽ, mục tiêu giao tiếp chưa thể hiện rõ. Học sinh chưa biết khai thác các yếu
tố tham gia quá trình lập luận, các phương tiện định hướng lập luận, các dấu hiệu giá trị học chưa được học sinh chú ý sử dụng. Đa số các em kể chuyện theo đúng nội dung câu chuyện, chưa bộc lộ được cảm xúc, tình cảm khi kể chuyện.
Như vậy, thực trạng rèn luyện kĩ năng lập luận của học sinh trong làm văn kể chuyện đã trình bày trên đây cũng chính là cơ sở thực tiễn quan trọng để chúng tôi đề xuất các biện pháp rèn luyện kĩ năng làm văn kể chuyện cho học sinh lớp 4 theo lý thuyết lập luận.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KĨ NĂNG LẬP LUẬN KHI LÀM VĂN KỂ CHUYỆN CHO HỌC SINH LỚP 4
3.1. CÁC NGUYÊN TẮC ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP
3.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu
Mục tiêu cơ bản của môn Tiếng Việt và phân môn Tập làm văn trong đó có văn kể chuyện là rèn kĩ năng giao tiếp cho học sinh. Việc rèn kĩ năng lập luận cho học sinh cũng cần đảm bảo nguyên tắc đó. Để vừa hình thành và phát triển các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt trong học tập và giao tiếp vừa cung cấp cho học sinh những hiểu biết sơ giản về văn hóa của người Việt Nam.
Nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp đưa ra phải dựa trên nội dung của thể loại văn kể chuyện của phân môn Tập làm văn lớp 4. Thể loại văn kể chuyện lớp 4, chương trình đã đưa vào dạy một số vào một số nội dung kể chuyện có đặc trưng riêng cho từng loại bài như: kể chuyện đã nghe đã đọc, kể chuyện dựa theo tranh, kể chuyện có yếu tố tưởng tượng, kể chuyện được
chứng kiến hoặc tham gia. Do đó, khi vận dụng lí thuyết lập luận vừa phù hợp với đặc trưng riêng của từng dạng bài cụ thể.
Để thực hiện nguyên tắc này cần có sự hiểu biết về lí thuyết lập luận cũng như nắm vững đặc điểm của mỗi kiểu bài văn kể chuyện trong chương trình văn kể chuyện lớp 4.
3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính khoa học
Các biện pháp đề xuất phải dựa trên những thành tựu nghiên cứu về ngữ dụng học, các vấn đề liên quan đến vận dụng lí thuyết rèn kĩ năng làm văn kể chuyện cho học sinh tiểu học. Chúng tôi dựa trên đặc điểm của các nhiệm vụ: xác định mục đích cần lập luận, tổ chức lập luận; kĩ năng lựa chọn các luận cứ; sử dụng các tác tử và kết tử lập luận để đề xuất các biện pháp phù hợp với từng nội dung nhiệm vụ trên.
Các biện pháp đề xuất phải dựa trên những thành tựu nghiên cứu của tâm lý học sinh lứa tuổi lớp 4 đối với việc học tập phát triển kĩ năng lập luận trong văn kể chuyện.
3.1.3. Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn
Các biện pháp đề xuất phải căn cứ trên kết quả điều tra thực tiễn, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trong quá trình đề xuất biện pháp, chúng tôi căn cứ vào:
- Kết quả điều tra thực trạng kĩ năng lập luận của học lớp 4 ở các trường Tiểu học trên địa bàn huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.
- Thực trạng nhận thức và tổ chức rèn luyện kĩ năng làm văn kể chuyện theo lí thuyết lập luận của giáo viên lớp 4 ở các trường trên địa bàn huyện.
Các biện pháp đề ra không những phải phù hợp với chương trình văn kể chuyện lớp 4 hiện hành mà còn phải phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lí của học sinh Tiểu học. Đồng thời các giải pháp này cũng cần được vận dụng một cách chủ động sáng tạo nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả.
Như vậy, các biện pháp đề xuất phải khắc phục những điểm yếu, phát huy những mặt mạnh, tận dụng cơ hội và vượt qua khó khăn để đảm bảo tính mục tiêu, tính khoa học, tính thực tiễn và tính hiệu quả. Có như vậy thì việc rèn luyện kĩ năng làm văn kể chuyện cho học sinh lớp 4 theo lí thuyết lập luận mới đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học.