Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống thẩm định nội dung đơn kiểu dáng công nghiệp (ex-officio examination), do đó tất cả những đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã vượt qua giai đoạn thẩm định hình thức đều được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Thời hạn ấn hành Công báo là trong vòng 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Như vậy Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không quy định việc trì hoãn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Về nguyên tắc, mỗi kiểu dáng công nghiệp được đăng ký quốc tế sẽ được Văn phòng quốc tế công bố sau 6 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế. Văn kiện Geneva 1999 cho phép người nộp đơn, tại thời điểm nộp đơn, có thể yêu cầu trì hoãn công bố đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong một khoảng thời hạn không quá 30 tháng tính từ ngày đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp hoặc từ ngày ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Các quốc gia thành viên có thể quy định thời hạn trì hoãn công bố ngắn hơn thời hạn nêu trên hoặc không quy định về việc trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp bằng một tuyên bố gửi tới Tổng Giám đốc của WIPO.
Thực tế của hệ thống bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho thấy một số loại hình kiểu dáng công nghiệp rất cần được giữ bí mật trước khi chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp kịp chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa sản
phẩm mang kiểu dáng công nghiệp ra thị trường, và nhằm tránh sự sao chép bởi người thứ ba. Từ lý do đó mà nhu cầu trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp được ghi nhận và phản ánh trong quy định pháp luật ở nhiều nước.
Quy định pháp luật của Việt Nam yêu cầu công bố đơn lần đầu ngay sau khi đơn kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận hợp lệ, do đó bộc lộ kiểu dáng công nghiệp từ rất sớm. Điều này gây bất lợi cho những chủ sở hữu đơn không muốn bộc lộ sớm kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, do việc thẩm định nội dung chỉ bắt đầu sau khi đơn được công bố nên nếu việc trì hoãn công bố được chấp nhận thì việc thẩm định nội dung cũng sẽ bị trì hoãn.
Trong thời hạn trì hoãn công bố đăng ký quốc tế, về nguyên tắc thì kiểu dáng công nghiệp của đơn quốc tế sẽ không được gửi cho Cơ quan quốc gia. Đăng ký quốc tế không được thẩm định hoặc đăng ký tại quốc gia thành viên được chỉ định trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên theo Điều 10.5.a của Văn kiện Geneva 1999 thì Cơ quan quốc gia tiến hành thẩm định nội dung có thể tuyên bố với Tổng giám đốc của WIPO rằng họ muốn nhận các bản sao mật của các đơn trì hoãn công bố để phục vụ việc thẩm định nội dung. Văn phòng quốc tế sẽ gửi tới Cơ quan quốc gia được chỉ định các bản sao mật này trong thời gian khoảng 3 tuần. Cơ quan quốc gia phải giữ bí mật bản sao này trước khi đơn quốc tế được công bố, không tiết lộ cho người thứ ba biết. Đối với đơn nộp sau có liên quan đến kiểu dáng công nghiệp trong bản sao mật thì đơn nộp sau này phải bị trì hoãn thẩm định nội dung cho đến khi đơn quốc tế được công bố.
Như vậy, trong hệ thống La-Hay, việc công bố đơn quốc tế được thực hiện tại Văn phòng quốc tế và đối với những đơn có yêu cầu trì hoãn công bố thì Văn phòng quốc tế có thể gửi bản sao mật cho Cơ quan quốc gia được chỉ định có yêu cầu cung cấp bản sao mật để phục vụ cho mục đích thẩm định nội dung. Việc trì hoãn công bố nếu được chấp nhận ở Việt Nam có thể sẽ ảnh
hưởng đến việc thẩm định kiểu dáng công nghiệp tương tự ở trong đơn nộp sau. Theo quy định về trì hoãn công bố, việc cung cấp bản sao mật cho Cơ quan quốc gia chỉ dành cho mục đích tham khảo trong thẩm định nội dung mà không được phép bộc lộ kiểu dáng công nghiệp trong bản sao mật cho người nộp đơn khác. Theo đó, việc thẩm định nội dung đối với đơn nộp sau sẽ phải bị trì hoãn cho đến khi kiểu dáng công nghiệp trong đơn quốc tế được công bố. Rõ ràng là, quyền lợi của người nộp đơn trong nước có thể bị ảnh hưởng do phải chờ đợi đến thời điểm công bố đơn quốc tế mới có đủ thông tin để chấp nhận hoặc phản bác lý do từ chối mà Cơ quan quốc gia đưa ra. Tuy nhiên, mặt tích cực của quy định trì hoãn công bố là đảm bảo giữ bí mật kiểu dáng công nghiệp trong một thời hạn nhất định.
Để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có thể tuyên bố không cho phép trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp khi tham gia Thỏa ước La-Hay. Tuyên bố này sẽ gây bất lợi cho người nộp đơn có mong muốn trì hoãn công bố kiểu dáng công nghiệp trong đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam tuyên bố như vậy thì người nộp đơn được yêu cầu rút bỏ sự chỉ định đối với Việt Nam trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế gửi thông báo về vấn đề này; nếu điều này không được thực hiện thì yêu cầu trì hoãn công bố cũng không được Văn phòng quốc tế xem xét.