3.1. Yêu cầu gia nhập Thỏa ước La-Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam dáng công nghiệp của Việt Nam
3.1.1. Sự cần thiết gia nhập Thỏa ước La-Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp kiểu dáng công nghiệp
Việt Nam đã tham gia Công ước Paris (1883) về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thỏa ước Madrid (1891) cùng Nghị định thư Madrid (1989) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu cũng như Hiệp ước hợp tác Patent (1970) về bảo hộ sáng chế. Với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (1993). Do vậy, việc Việt Nam tham gia Thỏa ước La- Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp nhằm bảo hộ về mặt pháp lý trên phạm vi quốc tế các kiểu dáng công nghiệp, một đối tượng quan trọng của sở hữu trí tuệ, là một yêu cầu cần thiết.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa gia nhập Thỏa ước La- Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Điều 775 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, đối tượng của quyền đối với giống cây trồng đã được nhà nước Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ hoặc công nhận được bảo hộ theo quy định của pháp luật CHXHCN Việt Nam, và các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên”. Đây là cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam
xem xét và cân nhắc các điều kiện cần và đủ cho việc tham gia Thỏa ước La- Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.
Lợi ích trong trường hợp Việt Nam gia nhập Thỏa ước La-Hay là rất rõ ràng: không chỉ những người nộp đơn nước ngoài có thể sử dụng Thỏa ước La-Hay để đăng ký kiểu dáng công nghiệp vào Việt Nam mà ngay cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp của Việt Nam cũng có thể tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp vào các nước thành viên của hệ thống này. Việt Nam không cần phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ tài chính nào đối với Văn phòng quốc tế. Việt Nam sẽ trở thành đích ngắm trong việc được chỉ định để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp từ phía người nộp đơn của các nước thành viên khác của Thỏa ước La-Hay; lượng đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam sẽ gia tăng kéo theo sự gia tăng của một loạt các yếu tố khác như tăng nguồn thu phí/lệ phí cho Cơ quan quốc gia (Cục Sở hữu trí tuệ); bổ sung nguồn nhân lực có năng
lực về ngoại ngữ và nghiệp vụ xử lý đơn; tăng cường cơ sở dữ liệu kiểu dáng công nghiệp phục vụ công tác chuyên môn; giúp nhà sản xuất trong nước định hướng được xu hướng phát triển của sản phẩm công nghiệp và là cơ sở để cho phép các nhà sáng tạo phát triển các loại hình sản phẩm mới trên cơ sở kế thừa những thành quả sáng tạo sẵn có.
Giá trị mà hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đem lại cho các nhà sản xuất kinh doanh của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi gia nhập là rất lớn. Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh những tranh chấp không đáng có và bảo hộ sản phẩm của mình tại thị trường các nước thành viên của Thoả ước La-Hay bằng các thủ tục đơn giản, thuận tiện với chi phí tiết kiệm. Doanh nghiệp Việt Nam có thể bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại thị trường các nước thành viên của Thoả ước La-Hay nơi dự định xuất khẩu sản phẩm nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thương mại liên quan đến sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp từ phía các đối thủ cạnh tranh. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài là phương tiện hữu hiệu trong việc bảo vệ sản phẩm xuất
khẩu thông qua các hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh, quảng bá cho sản phẩm dự định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài và có tác dụng như một yếu tố tương đồng với chất lượng và hình ảnh của doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài với thủ tục đơn giản và chi phí thấp tạo ra khả năng tiếp cận lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí đối với các nghệ nhân và thợ thủ công, ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển như Việt Nam.
Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm nhiều nhất. Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác còn chưa được rõ ràng và minh bạch, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ sở hữu thực hiện các quyền của mình đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm. Mặt khác, mỗi quốc gia lại có những quy định pháp lý khác biệt về việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi lãnh thổ của mình gây khó khăn và tốn kém cho các doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại các quốc gia khác nhau.
Thỏa ước La-Hay, một mặt tạo ra khuôn mẫu cho các quốc gia trong việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, mặt khác cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật của mình và thiết lập các công cụ bổ trợ khác để thực hiện việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với những quy định của hệ thống pháp luật quốc tế. Điều này góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của quốc gia và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của mình, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất Việt Nam định hướng kinh doanh và phát triển thị trường xuất khẩu.
Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đang thực thi và hoàn thiện các cam kết của mình khi gia nhập WTO liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác nhau trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Việt Nam chưa phải là thành viên của Thỏa ước La-Hay, tuy nhiên chúng ta cần phải tìm hiểu những lợi ích và khó khăn cũng như trình tự, thủ tục đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La-Hay. Điều đó sẽ giúp chúng ta chủ động đề ra các định hướng, chính sách khi quyết định tham gia Thỏa ước La-Hay. Cùng với tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc Việt Nam gia nhập Thoả ước La-Hay trong tương lai gần cần được xem xét một cách chủ động kèm theo việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ quốc gia theo các chuẩn mực pháp lý quốc tế của Thoả ước La- Hay. Việc này sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng thực hiện việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của mình tại thị trường các quốc gia thành viên của Thoả ước La-Hay, góp phần phát triển sản xuất trong nước, tăng cường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.