Đã có nhiều loài trong giống Strombus được nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo như S. gigas, S. canarium, S. luhuanus, nguồn ốc bố mẹ có thể lấy từ tự nhiên và cũng có thể được lấy từ nguồn ốc nuôi thương phẩm.
Sự kích thích bằng phương pháp sốc nhiệt đã được Syamsul (2005) thực hiện trên ốc S. canarium. Tác giả đã lấy ốc mẹ thành thục từ tự nhiên cho vào những cái giỏ nhựa ở đáy có phủ một lớp lưới treo trong bể xi măng có sục khí. Kết quả ốc đã đẻ trứng dính vào lớp lưới, trứng ốc nằm trong một chuỗi sợi và thường cuộn lại thành từng búi, một cá thể cái có thể đẻ 10-20 búi trong một lần đẻ tương đương khoảng 17.000- 35.000 trứng. Sau 61,5 giờ ấp ốc nở thành ấu trùng bơi tự do trong nước, tỉ lệ nở từ 90-95% [43].
Betutu Sengagau et al (2005) đã nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn đến tỉ lệ nở của ốc nhảy S. canarium, các mức độ mặn 0‰; 5‰; 10‰; 15‰; 20‰; 25‰; 30‰; 32‰ được thí nghiệm và ở mức 30‰ cho tỉ lệ sống cao nhất (96,6%) [28].
Patchee et al (1998), Hoàng Thị Châu Long và ctv (2005) đã công bố kết quả ương nuôi thành công ấu trùng ốc nhảy S. canarium giai đoạn ấu trùng veliger đến tiền con giống. Theo Patchee (1998), mật độ ương nuôi ấu trùng veliger phù hợp nhất từ 50 - 200 con/l, ở mật độ 50 con/l nuôi trong thùng nhựa 40 lít đạt tỉ lệ sống cao nhất là 97,7% [42]. Hoàng Thị Châu Long
(2005) cho biết tỉ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng bò lê đến con giống đạt 10% tuy nhiên tác giả không công bố ở mật độ nào[11].
Nghiên cứu về kích thích ấu trùng bám đáy đã được Anna(1996) thực hiện trên ốc nhảy Strombus gigas. Tác giả đã sử dụng H2O2 với nồng độ 200 µM và đã thành công với tỉ lệ ấu trùng biến thái và tỉ lệ sống tương ứng là 82- 85% và 82-92% [25].
Chất đáy là một yếu tố quan trọng trong sản xuất giống nhân tạo. Một số tác giả cho rằng chất đáy rất quan trọng đối với ốc S.gigas trong giai đoạn biến thái. Tuy nhiên, trong thí nghiệm về 2 loại chất đáy là bùn cát và cát, Patchee (1998) đã không thấy sự khác nhau về tỉ lệ sống của ốc S. canarium. Các thí nghiệm đã được thực hiện trong bể thuỷ tinh (45 x 90 x45cm) [42].
Nghiên cứu thức ăn ương nuôi ấu trùng ốc cũng là một phần đóng vai trò quan trọng trong sản xuất giống nhân tạo. Phần lớn thức ăn để ương nuôi ấu trùng là tảo đơn bào22. Các loại tảo đã được dùng để ương nuôi ấu trùng veliger: Pseudoisochrysis sp., Cheatocerous sp., Tetrasalmis sp.,
Nannochloropsis sp., Platymonas sp., Isocrysis galbana, Chrorella sp. [34], [42],[11],[8] cho biết ương ấu trùng Verliger ốc nhảy S. canarium thích hợp với 4 loại tảo: Cheatocerous sp., Tetrasalmis sp., Nannochloropsis sp.,
Isocrysis galbana, Chrorella sp. [11],[42].
Dương Văn Hiệp và ctv (2006) đã nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và đã cho sinh sản nhân tạo ốc nhảy Strombus canarium. Về đặc điểm sinh sản, nhóm tác giả đã tìm hiểu mùa vụ sinh sản ốc nhảy thông qua phương pháp phỏng vấn người dân và cho thấy mùa vụ sinh sản của ốc nhảy ở Quảng Ninh diễn ra vào tháng 4-8 hàng năm [8]. Một số đặc điểm phát triển phôi và ấu trùng ốc nhảy cũng được nghiên cứu nhưng tác giả mô tả rất đơn giản, không nói thời gian phát triển và đặc điểm về kích thước.... Về việc thăm dò khả năng sản xuất giống, nhóm tác giả đã tiến hành thực hiện tương
đối đầy đủ các khâu như nuôi vỗ ốc bố mẹ, cho sinh sản và ương nuôi ấu trùng Veliger, ấu trùng đáy và con giống, tuy nhiên do hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất nên các thí nghiệm không được lặp lại nhiều lần do đó kết quả chưa được thuyết phục và cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Nhìn chung, ốc nhảy là đối tượng mới và chưa được nghiên cứu nhiều ở nước ta. Những nghiên cứu trước về ốc nhảy là cơ sở cho việc nghiên cứu sâu hơn. Để nghiên cứu về sản xuất giống ốc nhảy thì cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu đặc điểm sinh học một cách nghiêm túc và đầy đủ hơn.