Định nghĩa đánh giá môi trường chiến lược

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG GIS VÀO ĐÁNH GIÁ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI TỈNH BẮC GIANG PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC (Trang 26)

Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là một công cụ được sử dụng để quản lý và bảo vệ môi trường. ĐMC còn khá mới mẻ với thế giới và Việt Nam. Khái niệm, định nghĩa về ĐMC hiện tại còn có những khác nhau giữa các nước, các tổ chức quốc tế tùy theo các cách tiếp cận được lựa chọn. Mỗi cách tiếp cận để tiến hành ĐMC đều có mặt mạnh, mặt yếu riêng mà mỗi nước, mỗi tổ chức quốc tế còn đang ở giai đoạn vừa áp dung, thực hiện vừa tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Ở Việt Nam, ĐMC cũng chỉ mới thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cấp, các ngành trong những năm gần đây và mới chỉ được đưa vào thực hiện trong thực tế kể từ sau ngày 01 tháng 07 năm 2006 theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2005. Theo đó, cách tiếp cận để tiến hành ĐMC của Việt Nam là một trong các cách tiếp cận mà đa số các nước trên thế giới, nhất là các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu, hiện đang áp dụng.

Hiện tại, trên thế giới có khá nhiều các khái niệm, định nghĩa khác nhau về ĐMC nhưng đa số thống nhất rằng, ĐMC là một công cụ để lồng ghép các vấn đề về môi trường vào quá trình ra một quyết định mang tính chiến lược, vĩ mô về phát triển kinh tế xã hội (thường được gọi chung là Quyết định mang tính chiến lược hay Quyết định chiến lược) như: chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình… Bằng cách tổng kết khái quát có thể thấy 2 nhóm các khái niệm, định nghĩa chủ yếu về ĐMC đại diện cho 2 cách tiếp cận khác nhau.

Nhóm thứ nhất, theo cách tiếp cận của đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho rằng: ĐMC là một quá trình đánh giá, dự báo một cách có hệ thống các hậu quả về môi trường có thể xảy ra của một quyết định có tính chiến lược nhằm đảm bảo cho các hậu quả về môi trường đó được nhận dạng một cách đầy đủ, được giải quyết một cách thỏa đáng và sớm nhất của quá trình ra quyết định mang tính chiến

lược cùng với sự cân nhắc đến các khía cạnh về kinh tế và xã hội làm cho quyết định đó có tính bền vững trong thực tế.

Nhóm thứ hai, theo cách tiếp cận của Đánh giá tính bền vững và cho rằng: ĐMC là quá trình hòa nhập các khái niệm của tính bền vững vào việc ra các quyết định có tính chiến lược.

Sau khi tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước và cân nhắc tới các yếu tố khả thi thực hiện của mình, Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận thứ nhất (cách tiếp cận dựa theo ĐTM) để đưa ra định nghĩa ĐMC trong Luật Bảo vệ Môi trường 2005 như sau: “ĐMC là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của các dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững” (khoản 19 điều 3)

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG GIS VÀO ĐÁNH GIÁ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI TỈNH BẮC GIANG PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(98 trang)
w