Việt Nam đã ký tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào tháng 12 năm 2000, phê chuẩn Công ước này vào ngày 29 tháng 12 năm 2011. Để bảo đảm cam kết của Việt Nam đối với Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước vào ngày 18 tháng 4 năm 2013. Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia mang tính lịch sử cho sự hợp tác chặt chẽ toàn cầu về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Công ước đã có đóng góp rất quan trọng trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ những quy phạm của luật Hình sự quốc tế. Với 41 Điều khoản, Công ước đã đưa ra những quy định về nhiều vấn đề thuộc Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, luật hình sự và luật tố tụng hình sự dựa trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là văn bản pháp lý đầu tiên quy định một
cách tương đối hoàn chỉnh và có hệ thống việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Những đặc điểm tội phạm học cơ bản của phạm tội có tổ chức cũng được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cụ thể là: Mục a Điều 2 Công ước ghi nhận khái niệm “tổ chức tội phạm” được sử dụng để gọi chung cho các loại tổ chức tội phạm: “là một nhóm có cơ cấu gồm từ ba người trở lên, tồn tại trong một thời gian và hoạt động có phối hợp nhằm mục đích thực hiện một hay nhiều tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi phạm tội được quy định trong Công ước này, nhằm đạt được, trực tiếp hoặc gián tiếp, lợi ích về tài chính hay vật chất khác”. “Nhóm cơ cấu nghĩa là một nhóm không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên để thực hiện một hành vi phạm tội tức thời và không nhất thiết vai trò của các thành viên trong nhóm phải được xác định một cách rõ ràng, quan hệ giữa các thành viên phải được duy trì hoặc cơ cấu của nhóm phải được phát triển”. Tội phạm nghiêm trọng theo Mục b Điều 2 của Công ước thì tội phạm nghiêm trọng được định nghĩa là: “hành vi vi phạm có thể bị trừng phạt theo khung hình phạt tù ít nhất là 4 năm hoặc theo một hình phạt nặng hơn”. Bản hành động chung của Hội đồng châu Âu cũng đưa ra một hình phạt tương tự như vậy, Điều 1 của bản hành động chung này quy định một hành động phạm tội “có thể bị phạt tù giam hoặc tước quyền tự do từ ít nhất 4 năm trở lên”. Định nghĩa về “tổ chức tội phạm” được đề cập trong Công ước quốc tế nêu trên được coi là định nghĩa chung có giá trị trên phạm vi toàn cầu, có ý nghĩa to lớn trong việc tạo cơ sở cho sự nhận thức và hành động nhất quán của các quốc gia trên thế giới trong công tác đấu tranh với các tổ chức tội phạm. Về chủ thể, Mục a, Điều 2 đã xây dựng một định nghĩa mới về tội phạm có tổ chức, khắc phục được sự bất đồng trong các quy định hiện hành, lượng hóa được số lượng thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức
là bao gồm ba người. Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể và thống nhất về tội phạm có tổ chức, tạo thuận lợi cho công các lập pháp, hành pháp cũng như tư pháp của các quốc gia thành viên.
Trong khi tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng đang là một mối đe doạ toàn cầu thì pháp luật của các quốc gia còn tồn tại nhiều kẽ hở mà tội phạm có thể lợi dụng. Nhiều hành vi có tính nguy hiểm cao, gây ra những hậu quả nghiêm trọng của các nhóm tội phạm có tổ chức, cũng như của các cá nhân, tổ chức chưa được hình sự hoá trong pháp luật hình sự của nhiều nước, hoặc đã được hình sự hoá nhưng cấu thành tội phạm về hành vi chưa được liệt kê đầy đủ. Một số điều ước quốc tế về hình sự như Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán ma tuý và các chất hướng thần năm 1988, các công ước quốc tế về chống khủng bố, cuớp biển... cũng đã có những quy định về hình sự hoá một số hành vi như buôn bán ma tuý, khủng bố, cuớp biển... Tuy nhiên, với sự gia tăng về tính chất cũng như phạm vi của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia những quy định như vậy là chưa đủ, hơn thế nữa đó cũng không phải là các điều ước quốc tế chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia một cách toàn diện. Chính vì vậy, Công ước lần đầu tiên đã quy định các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ hình sự hoá những hành vi có tính chất nguy hiểm cao, đó là: hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức, hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có, tham nhũng và cản trở hoạt động tư pháp. Đây là một cơ sở quan trọng để thúc đẩy việc đấu tranh một cách có hiệu quả hơn đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đồng thời cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự của các quốc gia thành viên.
Những quốc gia tham gia công ước, trong đó có Việt Nam, có nghĩa vụ tội phạm hoá hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức. Theo đó, để đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các cơ quan bảo vệ
pháp luật cần có thẩm quyền càng sớm càng tốt để ngăn ngừa tội phạm, phá vỡ các tổ chức tội phạm và bắt giữ người phạm tội. Một cách lí tưởng nhất, các quốc gia cần bắt giữ một người trước khi người đó thực hiện một tội phạm. Các nhóm tội phạm như Mafia Italia hay Hội Tam hoàng người Hoa được tổ chức cao, vì vậy rất khó cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể chứng minh được những hoạt động phạm tội của các thành viên, đặc biệt là những tên cầm đầu. Trong khi đó, việc chứng minh tư cách thành viên, cũng như những đồng phạm lại dễ dàng hơn rất nhiều. Trong hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, những khác biệt trong hệ thống pháp luật các nước cũng gây ra nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất trong thực tế có liên quan đến nguyên tắc phạm tội kép. Trong các thoả thuận quốc tế về dẫn độ và tương trợ tư pháp yêu cầu hành vi của một người phải được coi là tội phạm ở cả nước đưa ra yêu cầu và nước nhận yêu cầu. Nước được yêu cầu sẽ có lý do để từ chối đáp ứng những nội dung được yêu cầu nếu pháp luật nước được yêu cầu không coi hành vi được mô tả trong bản yêu cầu là tội phạm. Do đó, tội phạm có thể thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Vì vậy, tội phạm hoá hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức là một trong những giải pháp quan trọng để có thể giải quyết những khó khăn trên, đồng thời nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Theo khoản 1 Điều 5, hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức thể hiện: - “Thoả thuận với một người hoặc nhiều người khác để thực hiện một tội phạm nghiêm trọng” theo điểm (a) (i) khoản 1 Điều 5. Nếu nội luật có quy định thì, “thoả thuận này liên quan đến hành vi do một thành viên thực hiện để thoả thuận hoặc liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức”.
- Sự “tham gia thực sự” theo Điều 5 (1) (a) (i) là:
động phạm tội nói chung của nhóm tội phạm có tổ chức hoặc ý định phạm tội của nhóm đó nhưng vẫn đóng vai trò tích cực trong:
+ Những hoạt động phạm tội của nhóm tội phạm có tổ chức; + Những hoạt động khác của nhóm tội phạm có tổ chức với nhận thức rằng việc tham gia của họ sẽ đóng góp vào việc đạt được mục đích phạm tội nói trên.
Cả hai hành vi trên phải không là hành vi thực hiện hoặc hoàn thành tội phạm thì mới được coi là tham gia nhóm tội phạm có tổ chức. Do đó, nếu một người tham gia một nhóm tội phạm có tổ chức với ý định để buôn bán ma tuý trái phép thì người đó có thể bị truy tố về cả hai hành vi là tham gia nhóm tội phạm có tổ chức và hành vi buôn bán ma túy trái phép.
- Việc “tổ chức, chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện hoặc xúi giục việc thực hiện tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức”, theo điểm b khoản 1 Điều 5 cũng được coi là hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức. Người phạm tội không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà có những hoạt động mang tính chất hỗ trợ, thúc đẩy việc thực hiện hành vi phạm tội của người khác.
Lỗi của người thực hiện hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức phải là lỗi cố ý. Người đó biết được mục đích, hoạt động phạm tội của nhóm tội phạm có tổ chức và đóng vai trò tích cực trong các hoạt động của nhóm tội phạm đó. Hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức có “mục đích liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc đạt được lợi ích tài chính hoặc vật chất khác”.
Có thể nói quy định về nghĩa vụ tội phạm hoá hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức là một trong những quy định rất quan trọng của Công ước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đồng thời cũng giúp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chống lại loại tội phạm này một cách có hiệu quả hơn [7, tr.89-94].
Tuy nhiên trong Bộ luật hình sự Việt Nam chưa quy định về tổ chức tội phạm cũng như chưa có quy định về hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức (tổ chức tội phạm). Vì vậy, để có cơ sở pháp lý đấu tranh chống hình thức phạm tội nguy hiểm này và thực hiện các nghĩa vụ với tư cách là thành viên của Công ước thì việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Bộ luật hình sự, đặc biệt là các quy định về tổ chức tội phạm và hành vi tham gia vào tổ chức này là rất cần thiết.