Nghiên cứu hóa học và hoạt tính sinh học vi sinh vật biển Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các hợp chất ngoại bào của một số vi sinh vật đáy biển Bắc Bộ (Trang 28)

Như đã trình bày phần trên, đa dạng vi sinh vật nước ta rất dồi dào, tuy nhiên cho tới nay, ở nước ta chưa có nhiều công trình nghiên cứu các hợp chất thứ cấp được sinh tổng hợp từ các vi sinh vật biển. Một trong các nghiên cứu điển hình về lĩnh vực này có thể kể đến công bố của tác giả Nguyễn Văn Hùng, Jimmy Orjala và cộng sự. Nghiên cứu đã được tiến hành trên đối tượng khuẩn lam Lyngbya majuscula tại vịnh Nha Trang. Khảo sát các hoạt chất thứ cấp của loài vi khuẩn này, các tác giả đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của bốn hợp chất (24 – 27). Trong đó hợp chất 2425 là các hợp chất mới và được đặt tên tương ứng là Nhatranggin A và B [25]. Các hợp chất này có cấu trúc hóa học tương đồng với lớp chất aplysiatoxins đã được phân lập từ nhiều loài khuẩn lam biển. Nhiều hợp chất thuộc lớp aplysiatoxins thể hiện hoạt tính chống ung thư thông qua sự hoạt hóa protein kinase C. Như vậy, có thể nói đây là những nghiên cứu đầu tiên về các hợp chất thứ cấp từ nguồn vi sinh vật biển của Việt Nam [2].

Trong một nghiên cứu về loài vi tảo biển dị dưỡng mới của Việt Nam,

Labyrinthula sp. ND50, các tác giả Hoàng Minh Hiền và Đặng Diễm Hồng đã nghiên cứu biểu hiện gen mã hóa của enzyme elongase tham gia vào quá trình sinh tổng hợp các axit béo như DHA (axit docosahexaenoic) (28), DPA (axit docosapenatenoic) (29) và EPA (axit eicosapentaenoic) (30) [3]. Đây là các hợp chất axit béo Omega-3 đã được nghiên cứu và cho thấy chúng có chứa nhiều hoạt tính sinh học quý giá đã được ứng dụng trong dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm.

19

Cũng trong cùng hướng quan tâm về nhóm vi sinh vật biển có khả năng sản sinh DHA, Phạm Thị Miền và cộng sự (Viện Hải dương học, Nha Trang) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tỷ lệ cacbon (C) và nitơ (N) trong thành phần môi trường nuôi cấy chủng vi sinh vật biển Schizochytrium mangrovei lên sự sinh trưởng và sản sinh DHA. Kết quả cho thấy, trong môi trường đường cao nấm men bổ sung MnCl2,

Schizochytrium mangrovei có khả năng tạo được 4,92 g/l DHA. Trong môi trường dùng nguồn natri (Na2SO4) thay thế cho muối biển nhân tạo, sau 5 ngày nuôi cấy

Schizochytrium mangrovei sinh được 0,52 g/l DHA. Trong khi ở môi trường dùng thành phần muối biển thay thế cho muối biển nhân tạo, Schizochytrium mangrovei

sinh được 3,12 g/1 DHA. Như vậy, MnCl2 có ảnh hưởng lên sự sinh trưởng và sinh DHA từ Schizochytrium mangrovei [8].

Nhóm tác giả Quyền Đình Thi đã tiến hành nghiên cứu chủng vi sinh vật biển Acinetobacter sp. QN6 có khả năng sinh tổng hợp protease ngoại bào. Protease là một nhóm enzyme thủy phân protein được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như công nghiệp thực phẩm và thức ăn gia súc [9].

Gần đây, các nhà khoa học Nga đã phát hiện một loài vi sinh vật biển

Pseudomonas aeruginosa 1242 phân lập tại vùng biển Nha Trang có khả năng chống gỉ. Việc sử dụng các tổ hợp enzyme và các hợp chất thứ cấp của chủng

Pseudomonas aeruginosa 1242 đã cho phép nghiên cứu chế tạo lớp sơn phủ chống gỉ thân thiện với môi trường. Đây là hướng nghiên cứu đang được quan tâm hiện nay [53].

Như vậy, các công bố đã cho thấy vi sinh vật biển Việt Nam rất đa dạng về chủng loại. Trong số các loài đã được phát hiện là những loài mới, chưa được nhận

20

biết ở khu vực biển khác. Chính vì vậy, đây là đối tượng có nhiều tiềm năng khai thác do các vi sinh vật biển đóng vai trò rất quan trọng trong môi trường sinh thái biển. Các nghiên cứu các hợp chất thứ cấp từ vi sinh vật biển của Việt Nam cho tới nay hết sức khiêm tốn. Cho tới nay, các loài vi sinh vật biển của nước ta chưa được khai thác về mặt hoạt tính sinh học, mặc dù đây là nguồn sản sinh các hợp chất thứ cấp quan trọng đối với các sinh vật biển cộng sinh. Tuy nhiên, việc thu lượng lớn các đối tượng sinh vật biển này cho nghiên cứu hóa học là rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và kinh phí. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu các hợp chất từ vi sinh vật sẽ là hướng tiếp cận độc đáo và sáng tạo do chỉ cần thu 1 lượng mẫu nhỏ phục vụ việc phân lập vi sinh vật, sau đó tiến hành sinh khối với lượng lớn trong phòng thí nghiệm phục vụ việc nghiên cứu hóa học.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các hợp chất ngoại bào của một số vi sinh vật đáy biển Bắc Bộ (Trang 28)