Để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc xây dựng các quy định giàu tính khả thi, nâng cao ý thức pháp luật thì chúng ta còn phải đặc biệt chú trọng đến hoạt động đẩy mạnh cơ chế thực thi pháp luật.
Thứ nhất, đối với việc quản lý vốn nhà nước trong các DNNN thì Bộ không trực tiếp quản lý mà sẽ giao cho Công ty quản lý tài sản nhà nước thực hiện. Nhiệm vụ chính của của Bộ là giúp Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển và xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong ngành. Chức năng giám sát doanh nghiệp do cơ quan thuế, cơ quan đăng kí kinh doanh và Công ty quản lý vốn nhà nước thực hiện. Việc có một cơ quan chuyên biệt để quản lý phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp như vậy nhằm
xóa bỏ cơ chế xin – cho, hay tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mà Bộ quản lý – là điều kiện nảy sinh những mưu đồ tư lợi. Hình thành một đại diện chỉ để quản lý phần vốn Nhà nước và thay mặt Nhà nước thực hiện quyền của thành viên, cổ đông trong công ty bình đẳng với những thành viên, cổ đông khác và có trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước sẽ khắc phục được nguy cơ tư lợi có thể xảy ra.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của cơ quan đăng kí kinh doanh và các cơ quan chức năng khác trong việc giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong đó cơ quan đăng kí kinh doanh là đầu mối về thông tin doanh nghiệp, kịp thời cung cấp thông tin doanh nghiệp cho các cổ đông công ty, chủ nợ và những đối tượng khác khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, cần xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp kịp thời, nghiêm minh và có tính răn đe cao. Một hệ thống pháp luật được hỗ trợ bởi một hệ thống tư pháp có khả năng thực thi pháp luật là điều đặc biệt cần thiết. Nếu không có nó, không có gì đảm bảo hợp đồng sẽ được tôn trọng và tất yếu sẽ xảy ra những vi phạm trong giao kết và thực hiện hợp đồng. Để khắc phục điều này chúng ta cần phải xây dựng cơ chê stoos tụng thuận lợi để những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể dễ dàng khởi kiện GĐ, người đại diện theo pháp luật của công ty... khi quyền lợi của họ hay của công ty bị xâm phạm. Phải đặt người quản lý DNNN vào tình trạng luôn có khả năng bị khởi kiện và bồi thường thiệt hại cho các chủ thể khác nếu làm sai quy định của pháp luật, thiếu công bằng trong giao dịch. Cũng cần củng cố và nâng cao
sức mạnh, hiệu quả hoạt động của các Tòa Kinh tế. Tòa án phải bảo vệ được lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông trong công ty.
Ngoài ra, để tăng cường cơ chế thực thi pháp luật, chúng ta cũng cần xây dựng môi trường kinh doanh và những chính sách phát huy hiệu quả thực thi pháp luật, như có những chính sách khuyến khích việc thành lập cũng như hoạt động của những câu lạc bộ, hiệp hội về doanh nghiệp. Vì rằng, khi tham gia hoạt động trong các câu lạc bộ hay hiệp hôi này sẽ tạo cơ hội để các công ty học hỏi kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của nhau, từ đó sẽ xây dựng cơ cấu quản trị phù hợp và hiệu quả, góp phần hạn chế các giao dịch tư lợi.
Thứ tư, Nhà nước phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các yếu tố tích cực đặc thù của thị trường có cơ hội và điều kiện thể hiện, cụ thể phải thị trường hóa đầu tư, tạo cho công chúng, cổ đông tham gia thị trường. Khi nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư họ sẽ đòi hỏi công khai tài chính của doanh nghiệp cũng như các quan hệ của nhà quản lý. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm họ sẽ sử dụng quyền khiếu nại, khởi kiện của mình hoặc có thể rút vốn, bán cổ phiếu, từ chối đầu tư. Có như vậy thì công ty mới chú ý xây dựng quy chế quản trị công ty chặt chẽ, nhà quản lý phải luôn luôn thể hiện sự trong sáng, minh bạch của mình.