giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi.
1.4.1. Kinh nghiệm của các nước trong kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi.
Nhằm bảo vệ quyền về tài sản của công ty, qua đó bảo vệ các quyền về tài sản của các nhà đầu tư vào công ty, của các chủ nợ và bảo vệ lợi ích của người lao động; nhằm bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng... Vì vậy, trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới đều có quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ các loại giao dịch này. Ví dụ:
Theo Luật công ty của Pháp, một số khế ước giữa công ty và người quản lý hay các hội viên của công ty liên quan đến vay mượn, ký khống, bảo lãnh... đều bị nghiêm cấm, trừ khi người quản lý hay hội viên này có tư cách pháp nhân. Pháp luật của Pháp cũng yêu cầu các quan chức cao cấp, các nghị sỹ, chuyên viên quản lý của các DNNN (chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ) khi mới nhậm chức và khi hết nhiệm kì, phải công khai cho công chúng và khai báo với các đơn vị hữu quan tình trạng tài sản của mình.
Hay ở New Zealand được xếp vào nước mà nhà đầu tư được bảo vệ nhiều nhất trước các hành vi thông đồng, xếp thứ hai là Singapore. Họ đã quy định rõ việc công bố thông tin về các giao dịch và sự xung đột lợi ích. Ở những nước này, GĐ công ty phải có trách nhiệm với các cổ đông và không được thực hiện những giao dịch có điều khoản không công bằng. Cổ đông có quyền kiện GĐ công ty nếu họ không được cung cấp tất cả các tài liệu phù hợp. Tây Ban Nha quy định GĐ phải đặt lợi ích của công ty lên trên bất kì lợi ích cá nhân nào có thể có được từ hoạt động của công ty. Họ còn yêu cầu các công ty phải niêm yết báo cáo về bất kì giao dịch nào và việc chấp hành các hướng dẫn mới về quản trị công ty.
Luật công ty của Thụy Điển quy định: Hội đồng giám đốc và các đại diện khác của công ty không được phép tiến hành các giao dịch pháp lý hoặc các biện pháp khác có thể tạo ra lợi thế không chính đáng cho một cổ đông hoặc cổ đông khác. Ở một số nước khác như Đức cho phép các giao dịch với GĐ, nhưng không cho phép giao dịch với một tổ chức khác cũng do người GĐ quản lý.
Chính phủ Trung Quốc thì lại xây dựng cơ chế ngăn ngừa nạn tham nhũng trong các giao dịch thương mại như cấm các cán bộ lãnh đạo của Đảng,
không cho phép tạo điều kiện ưu đãi để phục vụ vợ, chồng, con, bạn thân trong kinh doanh buôn bán; không cho phép kiêm chức (kể cả chức vụ danh dự) trong các thực thể kinh tế. Cá biệt nếu được phép kiêm chức không được nhận bất kì thù lao nào... Những giải pháp đó đã giúp hạn chế được nhiều tình trạng giao dịch tư lợi, tham nhũng kinh tế ở nước này.
Quy chế về công chức của Malaysia khắc phục tình trạng giao dịch tư lợi bằng việc quy định khá cụ thể việc công chức không được đem nghĩa vụ chung phục vụ lợi ích riêng, coi nghĩa vụ chung thấp hơn lợi ích cá nhân; không được xử sự làm cho lợi ích cá nhân xung đột với lợi ích chung...
Nhìn chung, pháp luật các nước đều đã đưa ra quy định để ngăn ngừa các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi trong công ty nhằm bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của các chủ thể trong giao dịch kinh doanh. [16, tr12-14]
1.4.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi
Với mục đích kiểm soát các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi trong các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật các nước trên thế giới đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về các giải pháp kiểm soát. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về kiểm soát giao dịch tư lợi có điểm giống với pháp luật của một số nước nêu trên, như quy định về vấn đề công khai, minh bạch thông tin của người quản lý công ty; hoạt động của doanh nghiệp, công ty; các giao dịch với người có liên quan phải có sự đồng ý của người chủ sở hữu; vấn đề khởi kiện của cổ đông khi phát hiện những vi phạm liên quan đến giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi...
Tuy nhiên, với những đặc thù kinh tế của mỗi nước khác nhau nên có những quy định khác nhau. Nhưng ta cũng thấy rằng có một số quy định của
các nước trên thế giới về kiểm soát giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi mà chúng ta nên xem xét và học hỏi kinh nghiệm như:
Một là, niêm yết báo cáo về tất cả các giao dịch của công ty (kinh nghiệm của Tây Ban Nha). Pháp luật Việt Nam chỉ mới quy định niêm yết công khai báo cáo các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi, còn các giao dịch khác (giao dịch có tài sản giá trị nhỏ, giao dịch với người khác...) thì không bắt buộc phải niêm yết.
Hai là, xây dựng và thực hiện có hiệu quả quản trị công ty. Có thể nói, mặc dù pháp luật có quy định về quản trị công ty. Nhưng trên thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà quản trị công ty trong các DNNN ở Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả. Vì vậy, cần học hỏi kinh nghiệm của các nước về quản trị công ty.
Ba là, quy định những người quản lý của các DNNN (chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ) khi mới nhậm chức và khi hết nhiệm kì, phải công khai cho công chúng và khai báo với các đơn vị hữu quan tình trạng tài sản của mình (kinh nghiệm của Pháp). Pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định các cá nhân quản lý chỉ phải công khai các thông tin cá nhân (bao gồm tài sản cá nhân) khi được bổ nhiệm hoặc cử làm người quản lý mà không có quy định khi không còn làm quản lý nữa thì có phải kê khai tài sản, các thông tin cá nhân? Điều này cũng cần chúng ta nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Pháp.
Bốn là, cấm những người quản lý DN cho phép tạo điều kiện ưu đãi để phục vụ vợ, chồng, con, bạn thân trong kinh doanh buôn bán (kinh nghiệm của Trung Quốc). Pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định gián tiếp về xác lập giao dịch với những người có liên quan (trong đó có những người liên
quan tới người quản lý DN mà ta có thể hiểu là vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột...). Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất chúng ta cần phải có quy định cụ thể về những người liên quan với người quản lý DN, trong đó cần liệt kê đầy đủ các thành phần, ví dụ như: bạn thân của người quản lý... như kinh nghiệm của Trung Quốc.
Năm là, cổ đông có quyền kiện GĐ công ty nếu họ không được cung cấp tất cả các tài liệu phù hợp (kinh nghiệm của New Zealand). Mặc dù pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định cổ đông có quyền khởi kiện HĐQT, GĐ/TGĐ, nhưng chỉ có những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện. Tuy nhiên, trên thực tế quy định cổ đông có quyền khởi kiện HĐQT, GĐ/TGĐ với các điều kiện như trên còn có điểm chưa phù hợp (sẽ phân tích ở phần sau). Vì vậy, chúng ta cần xem xét, đánh giá kinh nghiệm của New Zealand: “bất kì cổ đông nào cũng có quyền khởi kiện và không thông qua BKS” để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Chương 2
THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT CÁC GIAO DỊCH CÓ NGUY CƠ PHÁT SINH TƯ LỢI TRONG DOANH NGHIỆP
NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM