Hiện tượng thiên vị thành thị cuả nhiều chính sách kinh tế và chính sách nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển góp phần vào sự thất bại của các dự án tín dụng nông nghiệp theo mô hình cũ và của các ngân hàng phát triển. Nhiều chương trình này được giới thiệu trong môi trường mà việc tạo lập thị trường tài chính vững mạnh luôn bị chống đối. Mất ổn định kinh tế vĩ mô dẫn đến tỷ lệ lạm phát dao động cao. Các chính sách khu vực tài chính bị kiềm nén với mức lãi suất trần gây cản trở những người cho vay không thể định các mức phục hồi chi phí trên các khoản cho vay. Các khoản dự trữ bắt buộc cao không khuyến khích huy động tiền gởi. Các giới hạn lên chi nhánh ngân hàng và lên việc hình thành ngân hàng mới hạn chế sự cạnh tranh giữa các định chế tài chính. Các chính sách lương thực rẻ, hỗ trợ nhập khẩu lương thực, kiểm soát giá nông sản, tỷ giá cánh kéo nông nghiệp không thuận lợi, và tỷ giá hối đoái bị biến dạng góp phần làm cho môi trường xấu hơn (FAO/GTZ, 1998; WB, 1998b).
Những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện ở các nước đang phát triển trong việc cải thiện chính sách kinh tế vĩ mô, giảm sự không chắc chắn, sửa chữa những sự bóp méo tồi tệ do chính sách và nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp (xem Chương 5, thông tin chi tiết hơn được trình bày trong tác phẩm của Rosegrant và Hazell, 1999). Tuy nhiên, quá trình này còn lâu mới hoàn tất, và vẫn còn nhiều chính sách cản trở tín dụng nông thôn. Như đã trình bày trong trường hợp nghiên cứu, Thái Lan vẫn còn áp đặt lãi suất có trợ giá đối với các khoản cho vay nông nghiệp của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp, và hạn chế khả năng phục vụ các khách hàng phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Ấn Độ có một chương trình đồ sộ về phát triển nông thôn sử dụng rất nhiều nguồn quỹ công cộng và cản trở sự hình thành của các tổ chức không được tài trợ nhằm phục vụ người nghèo. Lãi suất thấp cũng cản trở sự đổi mới và cạnh tranh. Do đó, tự do hóa là bước đầu tiên cần thiết nếu các quốc gia muốn tạo ra một môi trường thuận lợi trong đó thị trường tài chính có thể phát triển. Sự hạn chế danh mục đầu tư phải được xem xét cẩn thận bởi vì chúng hạn chế khả năng của người cho vay trong việc giảm thiểu rủi ro thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Các nhà tài trợ có thể vạch ra những cải cách về chính sách như là những đều kiện cho vay dựa trên kinh nghiệm của các nước khác. Tuy nhiên, sự hỗ trợ về kỹ thuật là cần thiết ở nhiều quốc gia để chẩn đoán một cách cẩn thận những vấn đề cụ thể
†† Những tiêu chí này là một sự bổ sung cho những tiêu chí thiết lập bởi Navajas và các cộng sự (1998). Schreiner (1999) đã đề nghị một khuôn khổ rộng hơn cho tầm hoạt động qua 6 điểm: đáng tin cậy đối với khách hàng, chi phí cho khách hàng, năng lực, sự phóng khoáng, độ dài và quy mô.
ở địa phương và đưa ra các giải pháp. Hơn nữa, những thay đổi về chính sách dính líu đến các đối tượng liên quan cần phải tham gia vào quá trình đổi mới chính sách (FAO/GTZ, 1998). Những chính sách khôn ngoan và cẩn thận nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các bên liên quan cũng quan trọng cho sự thành công trong đổi mới chính sách như là những kiến nghị đúng đắn. Lịch sử thất bại to lớn và lâu dài của các dự án tài trợ cải cách tín dụng và tài chính được mô tả trong trường hợp nghiên cứu của Bangladesh đã cung cấp một bằng chứng thuyết phục về việc các nhóm quyền lực có thể làm suy yếu các giải pháp kỹ thuật tốt nhất như thế nào. Những vấn đề kinh tế chính trị có thể quyết định thứ tự thích hợp của các cải cách tài chính nhưng theo một cách khó mà lường trước được (Stiglitz, 1997).
Những cải cách về chính sách là cần thiết để cung cấp một môi trường chuyển tiếp cho sự hình thành các thị trường tài chính ở nhiều nước. Một số quốc gia có thể cải thiện đáng kể hệ thống tài chính của họ thông qua những cải cách rộng rãi mang tính hệ thống. Trong nhiều trường hợp khác, những biện pháp tiên phong trực tiếp sẽ rất cần thiết để tăng tốc quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho tài chính. Vấn đề này sẽ được trình bày trong phần tiếp theo.