8. Cấu trúc của luận văn
3.3 Ngôn ngữ
Điểm độc đáo nhất của văn học, khác với các ngành nghệ thuật khác ở chỗ nó phản ánh mọi hoạt động ngôn từ của con người. “Văn bản tác phẩm
trần thuật, nhân vật, người kể chuyện, nhân vật trữ tình” [29]. Vì vậy, ngôn
ngữ có vai trò quan trọng nhất định đối với tác phẩm văn học, cụ thể là các hình tượng nghệ thuật. Thông thường, ngôn ngữ văn xuôi nói chung, ngôn ngữ truyện ngắn nói riêng được phân chia thành ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ của nhân vật. Khi Trần Thùy Mai xây dựng các nhân vật nữ của mình, chị cũng đã làm nổi bật những đặc điểm của hình tượng nhân vật thông qua hệ thống ngôn ngữ ấy.
3.3.1 Ngôn ngữ trần thuật
Trong tác phẩm tự sự, “ngôn ngữ trần thuật là thành phần lời của tác
giả, của người trần thuật...” [4; 338]. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc
lộ rõ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn. “Ngôn ngữ trần thuật
chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả” [15; 213].
Trước hết, có thể khẳng định ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Trần Thùy Mai là ngôn ngữ giản dị, ngôn ngữ của đời sống, gần gũi với đời thường. Ngôn ngữ ấy in đậm dấu ấn văn hóa vùng miền, đó là xứ Huế mộng mơ, mảnh đất gắn bó yêu thương với chị.
Nếu như ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam Bộ, ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê đậm chất thâm thúy miền Bắc thì chất Huế là nét đặc trưng của Trần Thùy Mai. Lớp từ ngữ địa phương và từ ngữ tôn giáo, tâm linh trong rất nhiều truyện ngắn của chị được sử dụng hiệu quả, có tính thẩm mĩ cao. Người trần thuật không chỉ kể mà còn gửi gắm những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn từ. Từ ngữ đậm chất Huế được sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau, có thể là lời nói giữa mẹ và con, nàng dâu, mẹ chồng, chị em… Đó là các đại từ xưng hô: tui, tau,
há…; các danh từ chỉ người: mệ, mạ, út, sui gia…; các danh từ chỉ sự vật, địa
điểm: lãnh vực, chậu kiểng, hột gà, hỗn danh…, các động từ: biểu, vứt, quăng, bịnh, ở giá, nuốt lốn, ưng, dòm ngó, dong, lượm, trựt, chưn…, các tính
từ: lui cui, giả đò, dị òm, dài dài, dữ dằn, dữ hí,… khiến không gian truyện có âm sắc rất riêng, mang nét đặc trưng rất Huế. Những từ ngữ địa phương được sử dụng rất tự nhiên, sinh động cũng thể hiện nét chất phác, hồn hậu của con người Huế. Các lớp từ ngữ tôn giáo cũng được Trần Thùy Mai sử dụng hiệu quả, đem lại hiệu ứng tích cực từ phía độc giả. Lớp từ tôn giáo trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai được sử dụng bao gồm cả những từ ngữ quen thuộc trong vốn từ của toàn dân khi nói đến đạo Phật như: Phật tổ, niết bàn, tâm
linh, linh hồn, nhân duyên, thiên đường, địa ngục, nghiệp chướng, kiếp, thanh tịnh, cứu khổ cứu nạn... và những thuật ngữ chuyên biệt của đạo giới như: quy y, hành thiền, sám hối, cầu siêu, thuyết pháp, giác ngộ, đắc đạo, kinh Thuỷ Sám, thoát nghiệp, sắc, không... Sử dụng lớp từ này, Trần Thùy Mai không giảng giải vấn đề cao xa, trìu tượng mà hướng đến cuộc sống trần thế của con người. Nhân vật của chị có những day dứt, bâng khuâng trước “những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật” [43; 73]. Nhân vật trong truyện của Trần
Thuỳ Mai là những con người làm ăn chân chính, sống đẹp, tin vào điều thiện của đạo Phật.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ trần thuật của Trần Thùy Mai còn thể hiện ở hệ thống câu trần thuật độc đáo. Nhà văn đã tạo những điểm nhấn ở những câu mở đầu và kết thúc đoạn văn hay cả tác phẩm. Những câu trần thuật ở vị trí đặc biệt này có vai trò quan trọng bởi nó là nơi nhân vật hay người kể chuyện bộc bạch những tâm sự, ấn tượng và cảm xúc của mình. Đó là những câu văn nhiều thanh bằng, nhiều định ngữ, nhịp điệu nhẹ nhàng, lan tỏa, không đổ gãy. Chính những yếu tố này một phần làm nên chất nhạc, chất thơ, chất nữ tính cho ngôn ngữ trần thuật của Trần Thùy Mai. Chẳng hạn như, trong Cánh
cửa thứ chín, câu mở đầu tác phẩm và câu kết tác phẩm đều là những lời kể,
những lời giãi bày của nhân vật, những câu văn nhẹ nhàng mà ý tứ sâu sắc, dường như nó hé mở số phận bi kịch, những xung đột nội tâm của chính nhân vật: “Nghề nghiệp của anh buộc anh phải đi rất nhiều nơi, còn cuộc sống của
tôi lại luôn ở đây: những ngày rất dài trong khu vườn lặng lẽ. Một ngày, một giờ, một khoảnh khắc nào đó, đột nhiên hai cuộc đời riêng rẽ bỗng đi chéo qua nhau…”. Và kết lại là những câu văn ngắn, nhẹ nhàng nhưng đầy nghẹn
ngào: “Tôi yên lặng. Làm sao nói cho Hòa hiểu được, một thế giới vừa bị lấp
vùi. Tôi đã tự chôn mình cùng với thế giới ấy, và giờ đây tôi đang khóc tôi” (Cánh cửa thứ chín). Hay cách nhà văn miêu tả và giới thiệu nhân vật ngay từ
câu mở đầu đã gây ấn tượng cho người đọc. Đó là hình ảnh Tống Nương - một thân phận bất hạnh, đầy bi kịch trong ngục tối: “Trong phòng biệt giam
của ngục thất phủ Kim Long… Ánh sáng leo lét của ngọn đèn trên cao không đủ soi cả một khối đêm dày. Giữa vực tối câm lặng ấy, chẳng có gì ngoài một hình người lờ mờ trắng hiện ra trên nền gạch lạnh buốt” [40; 255]. Và cuối
cùng, khép lại là hình ảnh của cái chết – một cái chết thê thảm nơi pháp trường, khiến cho người đọc ám ảnh về bi kịch số kiếp con người: “Ngoài xa
có tiếng chiêng, tiếng trống. Trong chiếc cũi gỗ, Tống Nương đang được chở đến pháp trường. Phía sau khám đường, có tiếng thép liếc trên bàn đá xoèn xoẹt, sắc ngót. Đao phủ đang mài gươm chờ sáng” [40; 278].
Bên cạnh những câu văn gân guốc, sinh động như trên thì những câu văn trần thuật đẹp, dặt dìu cũng được Trần Thùy Mai đặt ở cuối truyện, tạo ra những cái kết mở, khơi gợi nhiều suy ngẫm và nhấn mạnh số phận, tính cách, cuộc đời của nhân vật. Chẳng hạn như câu kết trong Bầy thú bông của Quỳnh đã khơi gợi nhiều suy tư, trăn trở cho người đọc. Những con người mang trong mình một trái tim với xúc cảm tình yêu đồng giới đang phải cố gắng oằn mình lên, gồng mình để chống đỡ từ phía dư luận những kì thị, dị nghị. Họ đã
dũng cảm đi theo tiếng gọi của trái tim như một lẽ thường tình của tạo hóa:
“Gió về nơi gió phải đến. Trước mắt tôi, những rặng quỳ không hoa cứ mãi oằn mình vươn về phía lũng sâu”. Hay trong Trăng nơi đáy giếng kết thúc tác
phẩm là hình ảnh cô Hạnh trong niềm vui gửi vào chốn tâm linh: “Chiều hôm
ấy cô thung dung đi chợ chọn mua vải may chiếc áo dài mới để tháng ba này ngược sông Hương trẩy hội mùa xuân”.
Có thể thấy, trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, câu trần thuật miêu tả (miêu tả cảnh vật, miêu tả nội tâm) chiếm ưu thế và mang dấu ấn phong cách tác giả rõ nét. Loại câu ngắn, câu đặc biệt là một hiện tượng đáng chú ý. Dù ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung thông tin và sức biểu cảm. Đôi khi những câu ngắn lại giúp nhà văn làm nổi bật được những khoảnh khắc tâm trạng nhân vật và nỗi lòng của chính mình. Chẳng hạn, “Thằng Cọt chết.
Nó chết vào một đêm trời giông. Vãi Thông quỳ bên giường, lẩm bẩm tụng kinh. Nó đã thoát nghiệp. Và vãi được tha tội. Vãi tự liệm và chôn con trong góc vườn chùa. Vãi chôn thằng Cọt, chôn cả nỗi ám ảnh suốt đời người” (Lửa của khoảnh khắc).
Ngoài ra, trong cách trần thuật miêu tả ngoại cảnh của Trần Thuỳ Mai câu văn thường không dừng lại ở miêu tả ngoại cảnh mà còn là dòng chảy không ngừng của nội tâm nhân vật. Điều này giúp người đọc hiểu rõ hơn về trạng thái tình cảm của nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật Quyên như đang phiêu bồng cùng ước muốn bứt phá: “Tôi đi bên anh, trên bờ cát. Nắng buổi chiều
rất tươi đổ bóng chúng tôi trên những làn sóng mịn. Rồi cả hai cùng ngồi trên chiếc thuyền con, rẽ sóng về phía hòn Phụ Tử. Tóc tôi bay rối tung, trong khi anh chỉ cho tôi những hòn núi đá nhấp nhô trong vịnh Thái Lan. Tất cả đều nhuốm màu mặt trời chiều, mặt trời đỏ au đang từ từ lặn sâu vào sóng biển” (Cánh cửa thứ chín).
Đặc biệt, tìm hiểu ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, chúng tôi nhận thấy, nét đặc sắc nhất là biện pháp trùng điệp – một biện pháp đặc trưng trong thơ trữ tình. Bởi thế, khi đọc văn chị, người đọc thường thấy rất giàu chất thơ. Để tạo nên nguyên tắc trùng điệp, nhà văn dựa vào dòng cảm xúc và tâm trạng của nhân vật, điệp lại các yếu tố tham gia trần thuật như từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, câu văn… Nhờ đó, tuy là giọng trần thuật khách quan nhưng vẫn rất trữ tình, êm ái. Biện pháp này người đọc cũng đã bắt gặp trong truyện ngắn Thạch Lam, ông đã vận dụng thành công biện pháp này trong các truyện ngắn trữ tình của mình như Hai đứa trẻ; Gió lạnh đầu
mùa; Nắng trong vườn... Chẳng hạn: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru”; “…Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung” (Hai đứa trẻ).
Việc lặp lại những câu văn, hình ảnh, chi tiết với sự phối hợp của tâm trạng, cảm xúc của nhân vật có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo nên giọng điệu trữ tình ấm áp cho tác phẩm và phần nào diễn tả tâm trạng, cảm nhận của các nhân vật.
Một trong những truyện ngắn được vận dụng triệt để nguyên tắc trùng điệp là truyện ngắn Thị trấn hoa quỳ vàng. Trong truyện ngắn này, những câu văn: “Biển, biển và biển”; “Gió, gió và gió” được điệp đi điệp lại trong
những đoạn truyện như điểm nhịp cho tâm trạng, cho những khoảng trống vô tận của lòng người trước bao la biển trời. Hình ảnh lữ quán mang tên Hướng Dương, hình ảnh những bông dã quỳ vàng, sóng biển, gió biển... cứ trở đi trở lại trong mạch truyện như những ám ảnh:
“Những hoa quỳ vàng mọc ngơ ngác từ lùm bụi ven đường”; “hai bên
vệ đường vắng bóng những bông quỳ vàng”; “Bông quỳ vàng chỉ còn trong tưởng nhớ...”.
“Họ ở lại một lữ quán nhỏ hẹp mang cái tên rực rỡ: Hướng Dương”; “Năm nào trở lại thị trấn hoa quỳ vàng, họ cũng gặp nhau nơi lữ quán ấy,
căn phòng ấy - nơi mà họ đã đám chìm trong khúc hát địa đàng, lần đầu tiên và mãi mãi. Suốt năm này qua năm khác, khúc nhạc ấy mãi hoài vọng trong kí ức rất riêng của hai người, như một tiếng gọi tỉ tê, lặng lẽ, đau đớn...”; “...nàng vẫn không tìm ra được trong dãy phố lố nhố đối diện tấm bảng hiệu quen thuộc - tấm bảng đề hai chữ Hướng Dương với một bông quỳ vàng”; “... từ biển nhìn lên trong dãy phố lô nhô, không ai xác định nổi căn nhà nào thực sự là Hướng Dương ngày xưa” [33, 220–22-223].
Với việc lặp lại những yếu tố trên đây, Trần Thuỳ Mai đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc mênh mang của hoài niệm, của huyền thoại về một mối tình đẹp như mơ, cảm nhận được những rung động nội tâm sâu kín của nhân vật. Sự trùng điệp này gắn liền với sự cảm nhận về một cuộc sống và niềm khao khát một tình yêu đẹp, đầy chất thơ. Những yếu tố nghệ thuật được lặp lại ấy trở thành cơ sở cho dòng tâm trạng của nhân vật vận động và phát triển, đồng thời cũng tạo được nhịp điệu riêng cho lời văn nghệ thuật. Đó chính là nhịp chậm buồn, lắng đọng của sự vận động bên trong nội tâm nhân vật. Trong rất nhiều truyện ngắn khác của Trần Thuỳ Mai, chúng ta cũng bắt gặp lối văn trùng điệp có hiệu quả như thế. Trong Một chút màu xanh cảm
nhận của Loan sau một thời gian vợ chồng họ cố gắng để mua một chiếc quạt máy, nhưng vẫn không mua được, khi nhiều thứ đã thay đổi “Chỉ có một vật
vẫn y nguyên như cũ: chiếc ghế nhỏ mà ngày nào anh đóng để dành cho chiếc quạt tương lai. Nó vẫn đứng đó, trống trải và kiên nhẫn”. Và khi người chồng
đã quyết định ra đi vì những mâu thuẫn hằng ngày, vì không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn, một lần nữa tác giả để hình ảnh chiếc ghế lặp lại trong quan sát và cảm nhận của Loan: “Hôm nay, chiếc ghế trắng xinh xinh vẫn còn đó,
trống trơn lạc lõng như một giấc mơ không thành”. Ở đây, thủ pháp trùng
điệp đã phát huy tác dụng trong việc khắc hoạ tâm trạng nhân vật. Cái trống trơn, lạc lõng như giấc mơ không thành chính là khoảng trống cô đơn trong
lòng Loan, khi mà ước mơ nhỏ bé của một gia đình trẻ không thể nào đạt được. Ở truyện ngắn Khói trên sông Hương, cùng với sự tách biệt, tỉnh lược thành phần câu, trong nghệ thuật trần thuật, Trần Thuỳ Mai còn sử dụng phép trùng điệp để thể hiện một sự phản ứng đột ngột của nội tâm nhân vật với cảm nhận của Trang: “Trang ngẩng lên. Tung đang ở rất gần. Mặt anh sát mặt cô:
đôi mắt sâu, có ánh lửa. Cái mũi thô và sợi ria mép cứng cỏi. Rất gần. Một người đàn ông và những hứa hẹn yêu thương. Gần gũi quá. Như bóng của hạnh phúc”. Cảm nhận của nhân vật Trang về khoảng cách giữa cô và Tung
được lặp đi lặp lại như một sự xác nhận: “rất gần”, “rất gần”, “gần gũi quá”; đó là những thổn thức, những rung động từ sâu thẳm nội tâm nhân vật
được khơi sâu và nhờ thủ pháp trùng điệp mà được nhấn mạnh.
Như vậy, khi tiếp xúc với những yếu tố lặp lại trong ngôn ngữ trần thuật của Trần Thùy Mai, người đọc như tiếp xúc với một bài thơ, mà ở đó, nghệ thuật trùng điệp đã tạo điểm nhấn cho tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình.
Tóm lại, ngôn ngữ trần thuật của Trần Thùy Mai mang những đặc sắc nhất định, đó là lối viết trữ tình, đằm thắm, đầy nữ tính. Khác hẳn Nguyễn Thị Thu Huệ với “sự chao chát và dịu dàng, thơ ngây và từng trải, đớn đau và tin
tưởng cứ trộn lẫn trong văn”. Và cũng khác Phan Thị Vàng Anh với lối văn “tung phá mang dấu ấn của kẻ trưởng thành không tránh khỏi sự bất thường” [57; 6].
3.3.2 Ngôn ngữ nhân vật
Trong quá trình xây dựng và khắc họa tính cách nhân vật, các nhà văn luôn chú trọng tới ngôn ngữ nhân vật: đối thoại và độc thoại nội tâm.
3.3.2.1 Ngôn ngữ đối thoại
Con người trong cuộc sống đời thường là đối tượng của văn chương, cho nên ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm văn chương là ngôn ngữ được cá
thể hóa sâu sắc, là ngôn ngữ gần gũi với đời thường, giàu tính hiện thực. Vậy nên có thể nói đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp.
Trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, ngôn ngữ đối thoại mang “tính chất truyền thống” có đầy đủ lời dẫn truyện. Vì vậy, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật khi tham gia đối thoại được bộc lộ rõ, nghĩa là, khi xây dựng lời thoại cho các nhân vật, Trần Thùy Mai không gấp gáp, vội vàng. Khảo sát hầu hết các tập truyện ngắn của Trần Thùy Mai, thật khó có thể tìm những đoạn đối thoại mà tác giả dùng những câu văn ngắn gọn, lược bỏ tất cả những cảm xúc, tâm trạng của nhân vật khi giao tiếp. Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Trần