Kiểu nhân vật tự ý thức

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong truyện ngắn trần thùy mai (Trang 59)

8. Cấu trúc của luận văn

2.2 Kiểu nhân vật tự ý thức

Nhân vật tự ý thức (nhân vật tự thú) là kiểu nhân vật trôi theo dòng tâm tưởng. Với kiểu nhân vật này, tự thú không phải bởi áp lực khách quan bên ngoài, bởi áp lực từ những chuẩn mực cộng đồng mà nó tự thú vì bản thân nó, vì tự nó bộc phát, vì sự tự ý thức của chính nhân vật, tự thú không phải để cầu xin lòng thương hại hay sự tha thứ mà tự thú để hoàn thiện bản chất người. Kiểu nhân vật tự thú cũng là kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện ngắn sau 1975. Với kiểu nhân vật này, quá trình tự thú, quá trình nhận thức của nhân vật thường diễn ra tương đối phức tạp và đầy những đắn đo, suy ngẫm, giày vò, đớn đau. Khi ấy, dường như có hai con người trong một con người, nói như Bakhtin thì đây là nhân vật “biết mình”. Theo ông, “ý thức về mình với tư

cách là trọng tâm nghệ thuật xây dựng nhân vật” [5; 243]. Vậy đối với Trần

Thùy Mai, nhân vật tự ý thức của chị có gì nổi bật?

Trần Thùy Mai đã quan sát, cảm nhận và đi sâu vào thế giới bí ẩn của đời sống tâm hồn con người. Chị đã phát hiện ra những thay đổi đột ngột của tâm lý nhân vật, là những đột biến trùng khít với giây phút nhân vật thức tỉnh bản thân. Điều đặc biệt, nhân vật của Trần Thùy Mai thường thức tỉnh một cách tự nhiên, không thấy những đớn đau, giằng xé vật vã tâm can như kiểu nhân vật ý thức ở các tác giả khác. Vì vậy, khi tiếp cận với kiểu nhân vật ý thức của Trần Thùy Mai, người đọc không có cảm giác nặng nề, đè nén mà nhẹ nhàng, sâu lắng.

Tiêu biểu nhất cho kiểu nhân vật này là Niết trong Lửa của khoảnh khắc. Niết – vãi Thông đã sống trong sự đày đọa suốt ba mươi năm với hồi ức

về ánh lửa của một khoảnh khắc rất Người nhưng đầy lầm lỗi. Để rồi tội lỗi ấy hiện hữu và mãi mãi đi bên cuộc đời Niết – đứa con định mệnh không thành nhân tính – thằng Cọt. Thằng Cọt chính là hình ảnh của quá khứ lỗi lầm. Nó không buông tha, nó bám riết, đeo đẳng cuộc đời bà, nó vẫn “sống để

ám ảnh người sống”, “sống dai nhách một cách vô lý và oái oăm”. Cứ thế,

từng ngày vãi Thông “sống lơ lửng giữa cõi tu và cõi tục”, sống vì đứa con không thành người như một sự trừng phạt, dù “ai cũng tưởng nàng là nạn

nhân bất hạnh”, “chỉ có nàng mới biết mình là thủ phạm”. Lầm lỡ, ăn năn

cho đến khi thằng Cọt chết, vãi được tha tội, đem chôn thằng Cọt, chôn cả nỗi ám ảnh suốt đời người. Nhưng trớ trêu thay, vào chính giây phút tưởng chừng như khép lại tấn bi kịch đầy đớn đau thì cũng là lúc vãi thức tỉnh, tự nhận thức được một điều vô cùng quan trọng của cuộc đời: “không có nỗi ám ảnh của

quá khứ thì cả cuộc đời bà cũng không còn gì để mà sống”. Ba mươi năm

qua, ngay trong từng phút giây đọa đày, vãi đã sống với hoài niệm về ánh lửa ấy mà không hề hay biết. Giờ đây, khi ánh lửa tắt đi vĩnh viễn, tất cả tháng ngày của bà chỉ là vô nghĩa, hư không. Đây là kết quả cuối cùng của ý thức và sự tự ý thức trong nhân vật, là lời cuối cùng của nhân vật về bản thân mình và thế giới.

Còn Xuyến trong Hải đường tăng đã thức tỉnh trong thời điểm cô điên cuồng trả thù nhà sư Viên Tâm – người đàn ông hai mươi năm trước đã hủy hôn với cô ngay trong ngày cưới. Xuyến muốn phá bỏ sự nghiệp tu hành của y – một nhà sư sắp thăng thượng tọa. Nhưng chính trong cái đêm mà nỗi hận thù tràn ngập đầu óc thì nàng cũng nhận ra “Bạch thầy, con đã làm hại thầy”. Nàng thấy lòng nhẹ đi, nàng thấy rõ ánh mắt hiền hậu đang chăm chú lắng nghe nàng, và quan trọng “giờ đây nàng biết sợ, biết hối tiếc, biết ngượng,

trong tâm hồn nàng sự sống đang trở lại” [41; 165]. Trần Thùy Mai đã khéo

léo tạo ra một bầu không khí nghệ thuật để nhân vật tự nhận thức, tự giác ngộ. Đó là không gian tĩnh lặng đêm khuya, tĩnh lặng của một ngôi chùa, tĩnh tâm của lòng người. Chính tại thời khắc đỉnh điểm nhất, nhân vật đã tự nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, nhận ra nỗi thống hận trong quá khứ phải được tẩy sạch.

Cùng viết về kiểu nhân vật tự ý thức, khi xây dựng nhân vật nam Trần Thùy Mai cũng đã tạo ra một bầu không khí nghệ thuật để nhân vật ý thức và sám hối. Ông Thanh trong Trò chơi cấm, buổi tiệc sinh nhật lần thứ bảy mươi cùng bản đàn “trò chơi cấm” với những âm thanh dìu dặt, nhẹ nhàng như tiếng mưa mùa thu mà người khách đặc biệt mang đến chính là không khí bên ngoài được lôi cuốn vào quá trình tự ý thức của nhân vật. Bản nhạc đã nhắc ông Thanh nhớ về một túp nhà ở nơi rất xa, ẩn náu khóm mimosa hoa vàng cùng một người đàn bà áo tím. Giờ đây, đứng trước đứa con gái mười tám tuổi có đôi mắt giống ông hơn tất cả những đứa con đã có, ông Thanh mới nhận ra “đã đến lúc ông phải quay về” với ngôi nhà dưới những cơn mưa mù sương. Đó vốn là nơi trở về của ông và “ông còn phải sống, sống rất dài lâu

vì ông chưa hết nợ với thế gian này”. Rõ ràng, người đọc đều nhận thấy nhân

vật tự ý thức của Trần Thùy Mai không hề có cái ngột ngạt, bức bối, đấu tranh dai dẳng như nhân vật tự ý thức của một số nhà văn khác.

Nếu nhân vật tự ý thức của Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu lắng thì nhân vật tự ý thức của Nguyễn Thị Thu Huệ có những đớn đau, giằng xé dữ dội, dai dẳng. Chẳng hạn, nhân vật người mẹ (Hậu thiên đường) với một

chuỗi những tự vấn lương tâm chất chứa nỗi ân hận, day dứt muộn màng khi lâu nay vì quá mải mê với công việc của mình mà quên đi cuộc sống của đứa con gái bé bỏng. Khi nhận ra chính đứa con gái bé bỏng ấy lại dẫm phải những lỗi lầm của mình mười mấy năm về trước, chị cay đắng giày vò mình đầy ân hận: “Với những người đàn ông khác thì tôi là một cái hiên rộng để họ

có thể chạy vào đó tưng tửng chờ cho cơn mưa qua đi. Hóa ra lâu nay tôi đi đường tôi, còn con gái thì tự tìm một con đường mà đi… Sao không bao giờ tôi hỏi đến đời sống nội tâm của con tôi?” [57; 245]. Đứa con gái mười sáu

tuổi của chị đã không còn khuôn mặt đợi chờ đăm đắm và non nớt mà thay vào đó là một khuôn mặt đàn bà mải miết chạy theo cái “thiên đường” tình yêu không có thật. Đối với Trần Thùy Mai, nhân vật của chị thức tỉnh, ăn năn một cách nhẹ nhàng hơn, nhân vật chủ yếu được khắc họa bằng những chi tiết nội tâm tiêu biểu, ghi lại giây phút thức tỉnh tự nhiên nhất của lòng người. Đâu đó vẫn có những dòng tự vấn lương tâm nhưng nó không dai dẳng, triền miên mà có khi chuyển hóa thành hành động.

Như vậy, khi xây dựng kiểu nhân vật tự ý thức Trần Thùy Mai đã quan sát và đi sâu khám phá đời sống nội tâm con người. Nhà văn đã phát hiện ra những đột biến trong đời sống tâm lí nhân vật. Và quan trọng hơn, Trần Thùy Mai đều để họ thức tỉnh một cách tự nhiên, không trải qua một quá trình dài với những dằn vặt đau đớn. Vì vậy, khi tiếp xúc với nhân vật của Trần Thùy Mai, người đọc không có cảm giác nặng nề, căng thẳng với những giằng xé quyết liệt đớn đau, dẫu có đớn đau thì nhân vật cũng tự chuyển hóa trong nhận thức. Mặc dù chưa tạo ra được những nhân vật điển hình theo kiểu tự ý thức, song điều cốt yếu là Trần Thùy Mai đã thể hiện được quan niệm nghệ thuật của mình về con người, về cuộc đời.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong truyện ngắn trần thùy mai (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)