Kiểu nhân vật bi kịch

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong truyện ngắn trần thùy mai (Trang 46)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1 Kiểu nhân vật bi kịch

Bi kịch là một loại hình thẩm mĩ có ý nghĩa triết lý sâu xa. Từ điển tiếng Việt có lí giải: “Bi kịch có nội dung phản ánh cuộc xung đột gay gắt

giữa nhân vật chính diện với hiện thực, có kết cục bi thảm” [47; 82]. Có thể

hiểu về khái niệm nhân vật bi kịch như sau: “Nhân vật rơi vào bi kịch thông

thường do họ bị xô đẩy vào hoàn cảnh khách quan và chủ quan. Nhân vật đứng trước sự lựa chọn hoặc sống thì phải chà đạp lên nguyên lý đạo đức hoặc giữ mình trong sạch thì chọn cái chết” [65; 35]. Nhân vật bi kịch khi

xung đột với cái xấu, họ gặp phải điều bất hạnh, thậm chí phải chịu cái chết thảm khốc. Có thể là những cái chết thể xác đớn đau nhưng cũng có thể là những cái chết tâm hồn dai dẳng, tái tê. Họ là những con người dám đấu tranh chống lại vận mệnh, định mệnh và họ chấp nhận nó.

Trong thực tiễn văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, cùng với các nhà văn thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao đã xây dựng trong hàng loạt các tiểu thuyết và truyện ngắn của mình những điển hình nhân vật bi kịch như: Chí Phèo (Chí Phèo), Hộ (Đời thừa), Thứ (Sống mòn), Điền (Trăng sáng)… Tuy nhiên, trong giai đoạn văn học 1945 – 1975, kiểu nhân

vật này đã bị lãng quên hoặc nếu xuất hiện thì chủ yếu thể hiện bi kịch lạc quan. Các nhân vật kiểu này có thể gặp nhiều đau khổ, bất hạnh tột cùng nhưng cuộc đời vẫn có sự vận động tích cực từ bóng tối ra ánh sáng, chẳng hạn Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), Đào (Mùa lạc - Nguyễn Khải), Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)… Phải đến sau 1975, khi văn học nước

nhà phát triển trong bầu không khí cởi mở, dân chủ hơn thì các nhà văn có điều kiện đi sâu vào tất cả các phương diện của đời sống hiện thực, đặc biệt là cuộc sống cá nhân con người từ góc nhìn đời tư – thế sự. Vì vậy, kiểu nhân vật bi kịch mới thực sự xuất hiện trở lại. Trong văn học sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, nhân vật bi kịch có mặt trong sáng tác của rất nhiều nhà văn như

Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh… Qua những tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn, bi kịch con người được cảm nhận, phân tích, mổ xẻ, khám phá một cách chân thực, sâu sắc.

Có thể nói, nhân vật bi kịch là kiểu nhân vật được xây dựng trên cơ sở những xung đột bi kịch. Mỗi loại xung đột bi kịch lại tạo ra những kiểu nhân vật bi kịch khác nhau. Cuộc sống với muôn mặt đời thường, mỗi cá nhân trong cuộc sống ấy khi bước vào văn học cũng muôn hình muôn vẻ, đầy rẫy những đau thương, mất mát, đó là bi kịch xung quanh các mối quan hệ gia đình, bạn bè và ngay cả với chính bản thân mình.

2.1.1 Kiểu nhân vật bi kịch do xung đột xã hội

N.A Gulaep đã khẳng định “xung đột bi kịch xuất hiện trên cơ sở những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa khát vọng chủ quan của nhân vật với hoàn cảnh khách quan của đời sống” [12; 296]. Trong truyện ngắn của

Trần Thùy Mai, bi kịch của những thân phận, những mảnh đời bé nhỏ, yếu đuối có thể là do sự ích kỷ, dối trá, sự cám dỗ và những cạm bẫy của cuộc đời. Bản thân nhân vật vốn là con người giàu tình yêu thương, hi sinh, vị tha nhưng lại chịu số phận đớn đau, nghiệt ngã do những trớ trêu, những trái ngang của hiện thực cuộc sống đem lại. Họ yêu thương và hi sinh hết mình nhưng bị đối xử phụ bạc, phũ phàng, họ khao khát hạnh phúc nhưng hiện thực đầy rẫy những khổ đau.

Một trong những mảnh đời đau đớn và bất hạnh nhất chính là Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng. Cô giáo Hạnh yêu chồng bằng một tình yêu chân thành, sâu sắc, tôn thờ chồng như một thần tượng, như một “vị thánh sống”

nhưng cô lại gặp những trớ trêu và bất hạnh từ chính người chồng mà cô tôn thờ, từ niềm tin tuyệt đối vào “vị thánh sống” của cô. Để xoá đi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt chồng, cô đã năn nỉ, thuyết phục rồi tự tay sắp đặt để

Phương “qua lại”, rồi lấy Thắm một cách hợp pháp. Chức hiệu trưởng của Phương vẫn vững vàng, Phương có con, Hạnh mất đi hạnh phúc. Hạnh bẽ bàng khi biết chính Phương đã chủ động tìm gặp Thắm nhiều lần ở quê. Niềm tin thực sự đổ vỡ khi Hạnh tận mắt chứng kiến Phương - người đàn ông sạch sẽ “không bao giờ đi qua dưới dây phơi cho dù quần áo đã cất hết”, đang trong tư thế ngồi xổm, giặt một đống quần áo đủ loại. Hình ảnh ấy đã “giết

chết cô và giết luôn cả thần tượng, cả vị Thánh sống của cô”. Giữa cuộc đời

trần thế Hạnh không thể tìm thấy hạnh phúc thực, cô chỉ còn chỗ dựa duy nhất để sống và cười mãn nguyện hạnh phúc, đó là cõi vô hình. Hạnh sống với cái bóng “trăng nơi đáy giếng”, cái bóng hạnh phúc với ông Hoàng Bảy và đứa con trai ở cõi tâm linh huyền bí. Bi kịch của Hạnh là bi kịch bị lừa dối, bị đổ vỡ mọi niềm tin từ chính người chồng của cô. Cô không thể có được cái thiên chức được làm mẹ đã là một bất hạnh, một thiệt thòi lớn nhưng bất hạnh và bi kịch hơn khi đức hi sinh và lòng vị tha của cô bị chà đạp.

Na trong Người bán linh hồn cũng gặp một bi kịch tinh thần đớn đau và đột ngột. Na lăn xả vào bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì để kiếm tìm cho Tuấn dù chỉ một cơ hội phát lộ tài năng, kể cả việc Na biến mình thành con mồi cho kẻ khác xúc phạm và ra giá. Na sẵn sàng bán thân xác để Tuấn có cơ hội phát triển tài năng, còn chính Tuấn đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy danh vọng, tiền tài. Tuấn đã không thể hiểu hết được những hi sinh mà Na đã làm vì anh. Tuấn ngày xưa hết mình vì nghệ thuật đã chết, Na tuyệt vọng và cất bước ra đi. Ước muốn hạnh phúc và sự hi sinh thầm lặng của nàng đã không được đền đáp mà trái lại còn bị chà đạp một cách ghê gớm. Sự hi sinh vô điều kiện của nàng, tình yêu chân thành, say đắm mà nàng dành cho Tuấn đã bị hất tung, ném bỏ và phá vỡ hoàn toàn.

Còn Khánh “nữ tu” trong Ngôi đền sống yêu duy nhất một lần trong

sáng như pha lê, tình yêu ấy đã giúp cô lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Thế nhưng Cường – người mà cô trao gửi và dành trọn niềm tin yêu lại coi cô như một trò đùa, một trò thách đố. Chính Cường – thiên đường của cô, đã nhẫn tâm đẩy cô xuống địa ngục bằng những lời nói trắng trợn: “Đích thực

anh đã chơi đểu em, em gái ạ. Điều mà anh muốn là nhìn thấy em chết như một con gián. Điều mà anh muốn là xỏ dây vào mũi em mà dắt như dắt trâu. Bây giờ công việc của anh xong rồi, từ biệt em!”. Cường không những không

trân trọng mà đã nhổ toẹt vào tình yêu của Khánh dành cho hắn. Tình yêu đối với Cường là một cuộc chơi, và Khánh là một con rối trong cuộc chơi ấy. Thiên đường bỗng chốc sụp đổ dưới chân Khánh “Cầu Chúa tha thứ cho anh.

Anh rót mật vào tai tôi, rồi anh xô tôi xuống vực”. Mất hết niềm tin vào tình

yêu, vào cuộc sống, thiên đường không còn nữa, Khánh tự vẫn. Tương tự, nàng H’Thuyền trong Thuyền trên núi là người con gái mang trong mình một tình yêu thánh thiện, đẹp đẽ nhưng chịu số phận bất hạnh. Nàng thủy chung chờ đợi tình yêu, ngay cả khi ôm khối tình xuống tuyền đài nàng vẫn vẹn nguyên tấm lòng trong trắng và khao khát yêu thương. Nhân vật nữ của Trần Thùy Mai luôn cả tin, họ đặt niềm tin vào kẻ đã phụ bạc họ, đã khiến họ điêu đứng và khổ đau. Nỗi đau trong lòng họ có thể xót xa và dai dẳng suốt cuộc đời như Thắm (Oan gia ngõ hẹp), Tí (Lên phố). Cũng vì nhẹ dạ cả tin và khao khát hạnh phúc mà Vân (Người điên vì hoa) không bao giờ chạm đến hạnh

phúc, cô chỉ sống trong thứ tình yêu khắc khoải và đầy hẫng hụt. Cô tự kết thúc đời mình trong ngày cưới, cũng là cách cô tự kết thúc bi kịch của cuộc đời – bi kịch tin và yêu một cách mù quáng. Trần Thùy Mai thấu hiểu bi kịch cuộc đời họ, chị cảm thông và chia sẻ từng nỗi đau của họ. Nhà văn đã phát hiện và lý giải về bi kịch mà người phụ nữ thường đối diện trong cuộc đời. Nhân vật nữ của Trần Thùy Mai thường mang trong mình một tình yêu dạt dào, đắm say, hi sinh hết mình vì người mình yêu, họ coi người đàn ông của

đời mình là vị thánh sống, là thần tượng, là thiên đường nhưng họ thường đau khổ, thậm chí mất mát, quyên sinh vì bị phụ bạc.

Bên cạnh những số phận bi kịch do sự phụ bạc, nhẹ dạ cả tin trong tình yêu, Trần Thùy Mai còn đề cập đến số phận người con gái bi kịch do sự thất vọng về những mối quan hệ xung quanh mình: cha mẹ, người thân… Cô bé Ái Duy trong Nàng công chúa lạc loài đã tuyệt vọng vì mâu thuẫn, xung đột giữa hai hình ảnh về người cha: một người cha với lòng ngưỡng mộ, tôn kính, yêu thương đến lạ kỳ và một người cha giả dối, mang vẻ bề ngoài Bồ tát với sự thản nhiên, thờ ơ, nguội lạnh với tình nhân, mặc cho cô ta bị đuổi việc với gánh nặng gia đình. Cô bé thất vọng về người dì – biết chồng mình phản bội mà nhẫn nhịn, cam chịu, bao che, giấu giếm, làm chứng để ông được an toàn. Cô bé “chới với như vừa thụt chân xuống vực sâu”, thế giới thần tiên đầy ước vọng của cô bé 16 tuổi bỗng chốc tan biến, thay vào đó là “một thế giới khác,

nham nhở và ti tiện”. Tưởng chừng Thắng sẽ đem đến cho Ái Duy một điểm

tựa, một niềm tin về cái nơi ẩn náu “không có giả dối, không có nhơ nhuốc” nhưng cái tình yêu “còm cõi” thiếu vững chắc của anh ấy đã đẩy cô bé ra đi, mặc cô lăn trên cái dốc của cuộc đời. Quả thực, hiện thực phũ phàng với những cú sốc tinh thần liên tiếp đã khiến cô bé đổ vỡ mọi niềm tin.

Nhiều trường hợp khác, Trần Thùy Mai đã khai thác đời sống của những cô gái có thân phận rẻ rúng và chị phát hiện ra những nỗi đau rất đời thường nhưng không kém phần chua xót. Hà trong Nốt ruồi son là một cô gái làm nghề bán thân nuôi miệng, cô bị mắc bệnh lao. Với một đời phong trần của thân phận gái điếm, cô rơi vào vòng luẩn quẩn của bi kịch: “không đi

khách thì không có tiền chữa bệnh mà đi thì bệnh lại càng nặng thêm”. Còn

trong Trái xanh, người đọc bắt gặp ước mơ của cô gái làm tiền cố gắng vươn lên trong đời điếm nhục, lăn lộn để kiếm từng đồng gửi về cho em gái, mong sao nó sống cuộc đời trong sạch, được ăn học tử tế. Thế nhưng, Mận không

ngờ được, ở quê nhà, cô em gái đã ăn phải cái bả phồn hoa, kịp vướng vào đời phong trần ngay ở quán “cơm quê”. Quả thực không ít người phụ nữ trở thành nạn nhân của hoàn cảnh sống trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, Trần Thùy Mai còn khai thác số phận của những người phụ nữ mang nỗi niềm khắc khoải với ước vọng đổi đời khi lấy chồng ngoại quốc. Út Liên trong Gặp ở quê người chờ đợi mỏi mòn để được kết hôn

nhưng cuộc hôn nhân của cô có lẽ chỉ là thân phận lấy chồng xa xứ rẻ rúng, bèo bọt, mỉa mai như những dòng chữ vui nhộn: “Too fat, too old, no money,

no house…” Quá béo, quá già, không tiền, không nhà vẫn cưới được vợ Việt Nam” [40; 44]. Còn ở Biển đời người, cô Bim lại đoạn tuyệt với ân nghĩa của

người cô yêu để đi lấy chồng xa xứ, mong có được sự giàu có. Song tất cả chỉ là ảo mộng, cô đành quay trở về quê nhà với sự thất vọng, hụt hẫng trong nỗi nhớ tiếc “hồi xưa”. Những người con gái ấy dẫu khát khao tốt đẹp, ước mơ tràn đầy nhưng hiện thực cuộc sống vốn phồn tạp, đa chiều, phũ phàng, nghiệt ngã lại chẳng thể giúp họ thỏa mãn ước vọng mà còn khiến họ day dứt và khắc khoải hơn.

Có thể nói, hầu hết các nhân vật nữ của Trần Thùy Mai đều bất hạnh, cô đơn, trơ trọi. Phần lớn ở kiểu loại này, Trần Thùy Mai nhấn mạnh bi kịch của người phụ nữ là do sự phụ bạc của người đàn ông, sự phản bội tình yêu, sự nhẹ dạ cả tin của người phụ nữ, do những khát vọng đổi đời nhưng hiện thực mong manh… Ở họ có sự chênh lệch quá lớn giữa khát vọng hạnh phúc, khát vọng tình yêu chân chính với hiện thực cuộc đời. Họ sống và chết cho tình yêu, chấp nhận hi sinh và gánh chịu bi kịch số phận.

Bên cạnh việc khai thác đời sống của các nhân vật nữ ở đề tài tình yêu, Trần Thùy Mai còn chú ý đến các nhân vật nữ ở mảng đề tài lịch sử. Chị quan tâm đến lịch sử vương triều Nguyễn, chị không tái hiện lịch sử với những biến cố được coi là bước ngoặt, chị đã lách ngòi bút của mình đến những con

người nhỏ bé, mà tên của họ, cuộc đời của họ, nếu có điều kiện lần theo những vết dấu để lại trong chính sử thì cũng còn rơi rớt lại rất ít. Nhà văn đã quan tâm đến số phận của những cung phi, những công chúa, những tiểu thư… họ chỉ đóng vai phụ trong bức tranh chính trị nhưng lại là nhân vật chính trong bi kịch cuộc đời. Họ là những người phụ nữ bé nhỏ nhưng đặc biệt, họ hi sinh hết thảy cho tình yêu, sống chịu đựng, vị tha và dĩ nhiên trong chốn thâm cung họ lại gặp phải những bi kịch rất lớn, đớn đau và dai dẳng.

Trần Thùy Mai viết về lịch sử, về bi kịch của những con người xa xưa thuở trước bằng sự cảm thông nhân ái. Những người phụ nữ chốn cung cấm chỉ là một quân cờ, một nước cờ nhỏ bé, mong manh trong thế cờ của bậc Đế vương. Truyện ngắn Nàng công chúa té giếng viết về cuộc sống bi kịch, đau đớn của Ngọc Bình. Trong nỗi đau khôn tả của một người mẹ không thể làm gì cho đứa con gái bé bỏng mắc chứng bệnh “té giếng” – một chứng bệnh thần kinh khó chữa, Ngọc Bình còn bị tra tấn bởi những dị nghị về việc công chúa Ngọc Ngôn không giống nhà vua mà giống hệt Ngụy Toản. Bi kịch hơn, Ngọc Bình đau nỗi đau của một người đàn bà là chiến lợi phẩm, trong mấy mươi năm nàng đã phải làm vợ và sinh con cho người đàn ông đã xé xác chồng mình. Vua Gia Long có sự sủng ái đặc biệt đối với nàng nhưng đằng sau sự sủng ái ấy là một lý do tương tự sự trả thù, trả thù một cách tàn nhẫn và hả hê: “…sự sung sướng khi quật mộ kẻ thù chỉ có một lần. Còn Ngọc Bình là

một ngôi mộ sống có thể quật lên nhiêu lần cũng được” [43; 19]. Vì vậy, Ngọc Bình đã hứng trọn vẹn sự đọa đầy, lăng nhục từ nhiều phía. Tất cả những bi kịch của đời nàng cứ chồng chất, nối tiếp nhau và nàng phải gánh chịu nó hàng ngày. Số phận của nàng buộc nàng phải đi hết con đường bi kịch đó, nàng phải hứng lấy những đọa đầy tái tê đó, phải chết khi còn sống, một cái chết dần chết mòn từng phút từng giây.

Tống Nương trong truyện ngắn cùng tên, lại chịu cái án oan uổng, thảm khốc với nhiều tội danh: “làm gián điệp cho quân Trịnh”, “mồi chài chúa để

trục lợi”, “xúi giục Phúc Trung phản nghịch loạn ngôn”. Tống Nương phải kết

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong truyện ngắn trần thùy mai (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)