5. Kết cấu của đề tài
2.1.1.2 Cơ sở pháp lý của việc định tội danh
Dưới góc độ khoa học hình sự, khái niệm cơ sở pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự được dùng để xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bị coi là tội phạm. Cơ sở pháp lý của việc định tội danh bao gồm:
Bộ luật hình sự - cơ sở pháp lý về mặt nội dung của việc định tội danh Trong quá trình định tội danh Bộ luật hình sự có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất, nó đóng vai trò là cơ sở pháp lý về mặt nội dung của việc định tội danh. Sự khẳng định như vậy là vì có những lý do sau:
- Hiện nay Bộ luật hình sự 1999 nước ta là nguồn trực tiếp và duy nhất ghi nhận toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự hiện hành được áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, cũng như quá trình định tội danh và quyết định hình phạt nói riêng.
- Bản chất của việc định tội danh suy cho cùng là so sánh, đối chiếu và kiểm tra để xác định xem dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế khách quan có phù hợp với dấu hiệu tương ứng của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự hay không.
- Nhà làm luật khi xây dựng hệ thống các quy phạm của Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, đã tìm xem các dấu hiệu nào là đặc trưng cơ bản nhất, phổ biến nhất hay được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong những hành vi ấy, sau đó điển hình hóa và quy định chúng trong Bộ luật hình sự với tính chất là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng.
- Bộ luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất của việc định tội danh chứa đựng những mô hình pháp lý của các tội phạm, mà dựa vào đó những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh xác định sự phù hợp giữa các hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể tương ứng được thực hiện với các dấu hiệu định tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự - cơ sở pháp lý về mặt hình thức của việc định tội danh
GVHD: TS. Phạm Văn Beo Trang 38 SVTH: Nguyễn Minh Quang Trong quá trình định tội danh, nếu các quy phạm pháp luật hình sự đóng vai trò là cơ sở pháp lý trực tiếp về mặt nội dung, thì các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự là cơ sở pháp lý gián tiếp về mặt hình thức quy định cách thức, trình tự, thẩm quyền định tội danh. Bởi lẽ:
- Các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự có ý nghĩa pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Chẳng hạn, tòa án cấp phúc thẩm hoặc cấp giám đốc thẩm sau khi đã nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ mọi chứng cứ thu thập được trong vụ án hình sự cụ thể thấy rằng: tội danh mà bị cáo bị Tòa án cấp dưới xét xử là không có căn cứ, các dấu hiệu của hành vi phạm tội tương ứng với dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản mà trong bản án của Tòa án cấp dưới lại định tội danh theo các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, thì theo các Điều 249, Điều 285 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 Tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm có quyền sửa lại bản án đã tuyên của Tòa án cấp dưới để áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự cho đúng – đó chính là định lại tội danh.
- Trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của nước ta đã đưa ra những cơ sở pháp lý quan trọng của việc định tội danh như: các quy định về chứng cứ (các điều 63, 64, 65, 66…), tạm giam (điều 88), căn cứ khởi tố vụ án hình sự (điều 100)…
Cấu thành tội phạm - mô hình pháp lý của việc định tội danh
Cấu thành tội phạm là khái niệm trừu tượng mang tính khoa học, là mô hình pháp lý chung nhất cho tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những dấu hiệu của cấu thành tội phạm vừa phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm của loại tội phạm cụ thể và vừa đủ cho phép phân biệt loại tội phạm này với các loại tội phạm khác. Như vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, là căn cứ để Tòa án lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người bị kết án. Trong cấu thành tội phạm có cấu thành tội phạm giảm nhẹ, cấu thành tội phạm tăng nặng… do đó, trong quá trình định tội danh các cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân phải đánh giá chính xác các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể với các dấu hiệu của cấu thành tội tăng nặng hoặc giảm nhẹ để định tội danh cho đúng với khung hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự.
Để giúp cho cán bộ tiến hành tố tụng định tội danh được chính xác, các nhà khoa học pháp lý đã phân loại cấu thành tội phạm thành bốn yếu tố: khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Chính sự phân chia này làm cho chúng ta phân biệt được hai tội cụ thể khác nhau mặc dù giữa chúng có những dấu hiệu trùng nhau.
GVHD: TS. Phạm Văn Beo Trang 39 SVTH: Nguyễn Minh Quang
Ví dụ: tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự 1999) và tội cướp giật tài sản (Điều 136 Bộ luật hình sự 1999) là hai tội có cấu thành tội phạm giống nhau về phương diện khách thể, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm, nhưng giữa chúng lại có sự khác nhau cơ bản về phương diện khách quan thể hiện ở tính chất của hành vi phạm tội và phương pháp tiến hành: ở tội cướp giật thì hành vi chiếm đoạt tài sản là công khai nhanh chóng, còn trong tội trộm cắp thì hành vi chiếm đoạt tài sản lại tiến hành một cách lén lút. Điểm khác nhau cơ bản về phương diện khách quan đó đã được nhà làm luật sử dụng làm cơ sở để xác định hai loại cấu thành tội phạm về xâm phạm sở hữu khác nhau. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình định tội danh.