Bước đầu chuyển quyền sở hữu, quản lý sử dụng tư liệu sản xuất cho hộ xã

Một phần của tài liệu Đổi mới mô hình hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa (1986nay) (Trang 51)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1.2. Bước đầu chuyển quyền sở hữu, quản lý sử dụng tư liệu sản xuất cho hộ xã

2.2.1.2. Bước đầu chuyển quyền sở hữu, quản lý sử dụng tư liệu sản xuất cho hộ xã viên hộ xã viên

HTXNN trước đây được hình thành trên cơ sở TTH triệt để tư liệu sản xuất và sức lao động. Trong mô hình HTX mới, quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất được điều chỉnh lại.

Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 24/9/1988 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong các HTXNN theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã đề cập đến vấn đề tổ chức quản lý và sử dụng tư liệu sản xuất trong HTXNN. Trừ ruộng đất canh tác, từng HTX căn cứ vào tính chất đặc điểm của từng loại tài sản như trâu bò cày kéo, sinh sản, máy kéo, máy bơm nước, máy xay xát, xe vận thải cơ giới và thô sơ, chuồng trại chăn nuôi trâu bò, lợn, đồi rừng, mặt nước, đường cây, nhà kho, sân phơi… để chuyển quyền sở hữu hoặc giao quyền quản lý sử dụng cho hộ xã viên theo các hình thức: bán nhượng, cho thuê, đấu thầu, khoán gọn hoặc cho mượn.

HTX chỉ giữ lại những cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc quản lý, điều hành chung như: trạm bơm điện, các công trình phúc lợi công cộng…

HTX khuyến khích các hộ xã viên hùn vốn với nhau mua sắm thêm máy móc, công cụ, sức kéo để tiến hành sản xuất.

Đối với đất canh tác, ngay trong năm 1988, phần lớn các HTX ở đồng bằng đã phân chia quỹ đất nông nghiệp thành 3 phần; 10 – 12% diện tích để phát triển kinh tế gia đình, 60 – 65% diện tích cho nhu cầu sản xuất đủ lương thực cơ bản, 23 – 30% diện tích còn lại để sản xuất nông sản hàng hóa.

Diện tích để phát triển kinh tế gia đình chia theo nguyên tắc ổn định diện tích 5% trước đây đối với các hộ đã có, chia thêm cho các hộ còn thiếu đảm bảo mức bình quân nhân khẩu trong mỗi xã tại thời điểm chia đất. Số đông các HTX miền xuôi gắn với diện tích ao, hồ và đất ruộng; các HTX miền núi nhất là các HTX ít ruộng không giành đất ruộng mà gắn vào đất nông nghiệp có độ dốc… theo hướng tiện canh tiện cư và thỏa thuận giữa gia đình với HTX.

Diện tích sản xuất giành cho nhu cầu lương thực cơ bản bình quân mỗi HTX để cho mỗi khẩu từ 8 – 15 thước. Một số HTX xét nhu cầu lương thực ăn của từng lứa tuổi để gắn với việc xác định diện tích được chia cho từng hộ. Nhiều HTX xác định nhu cầu đời sống của từng hộ gia đình có người về hưu, mất sức và cán bộ giáo viên (người địa phương đang công tác tại HTX) chia thêm một phần đất cho họ để đảm bảo mức sống.

Tuy bình quân diện tích có khác nhau giữa các HTX nhưng mức thu hoạch sau khi trừ thuế và dịch vụ sản xuất vẫn đảm bảo có mức ăn từ 15 – 20kg lương thực quy thóc một khẩu trong một tháng (chỉ tính kết quả thu hoạch của 2 vụ sản xuất chính trong năm).

Một số HTX giao diện tích khoán cho hộ có khả năng theo phương châm ai giỏi nghề gì giao nghề đó như HTX Quảng Hợp (Quảng Xương) năm 1988 giao khoán cho 119 hộ trong đó có 18 hộ nhận khoán nhiều ruộng, hộ nhận nhiều 3 mẫu 4 sào, hộ nhận ít 1 mẫu 2 sào.

Hầu hết các HTX ở miền núi và một số HTX ở đồng bằng có diện tích đất canh tác ít chỉ để 2 loại quỹ đất (đất 10% làm kinh tế gia đình và diện tích còn lại

để sản xuất đủ nhu cầu lương thực cơ bản). Còn lại các HTX khác của vùng đồng bằng để thêm quỹ đất sản xuất hàng hóa và được tiến hành theo 2 cách:

1. Ở những HTX có trình độ thâm canh cao như Xuân Thành (Thọ Xuân), Hoằng Phú Hoằng Quý (Hoằng Hóa)… có xác định diện tích để sản xuất hàng hóa 10 – 15% quỹ đất, chia đều cho lao động và ổn định ruộng khoán cho các hộ, HTX thu thêm phần sản phẩm tăng đó thuộc quỹ lương thực hàng hóa

2. Số đông HTX dành quỹ ruộng đất hàng hóa đấu thầu cho các hộ có khả năng lao động giỏi. Ở huyện Đông Sơn đến tháng 12/1988 có 1.754 ha đất đưa vào đấu thầu, sản lượng do thầu khoán tăng lên 1.001 tấn (bình quân năng suất 1 sao tăng 14kg/vụ). HTX Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) tuy bình quân diện tích thấp vẫn giành 47,7ha = 23% diện tích để thầu khoán cho 368 hộ và năng suất tăng lên so với mức khoán kế hoạch 31%. HTX Hoằng Phú (Hoằng Hóa) sản lượng tăng do thầu khoán là 40.12 tấn [49].

Hình thức khoán thầu cũng được đổi mới. Có HTX giành 20 – 30% diện tích cấy lúa thuộc loại ruộng tốt cho đấu thầu bằng phương pháp bỏ phiếu kín như một số HTX ở Quảng Xương, Đông Sơn. HTX Đông Văn (Đông Sơn) là đơn vị triển khai thực hiện đấu thầu các hình thức khoán tương đối toàn diện trong các ngành nghề, kể cả lĩnh vực dịch vụ thương nghiệp mua bán.

Chỉ trong năm 1990, toàn tỉnh đã có 478.040 hộ được giao ruộng khoán ổn định với 169.263 ha, nhận thầu 37.456 ha ao hồ, cồn bãi đất đồi, 5.000 ha đất hoang hóa được tận dụng đưa vào sản xuất [49].

Đến năm 1990, đàn trâu bò cày kéo với số lượng 239.706 con do HTX quản lý đã được chuyển thành quyền sở hữu của các hộ nông dân, và sau 3 năm các hộ đã đầu tư mua sắm thêm, đến cuối năm 1992 tăng 31.128 con, gần 40.000 máy tuốt lúa, 31.000 bơm thuốc trừ sâu và các công cụ phương tiện được trang bị trong các hộ đã trở thành lực lượng vật chất mạnh mẽ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp [53;90].

Trong sản xuất lâm nghiệp, việc giao đất, giao rừng cho hộ nông dân được xúc tiến kịp thời. Trong thời gian 1990 – 1991 đã giao 60.800 ha cho 43.823 hộ nông dân, nhiều vườn rừng, trại rừng đã xuất hiện. Ở huyện Ngọc Lạc, Thường Xuân, Lang Chánh đã chuyển giao toàn bộ rừng luồng cho các hộ được quyền sử dụng quản lý, thông qua việc chuyển nhượng hóa giá tài sản trên diện tích rừng. Hơn 10.000 ha đất trống đồi trọc được các hộ nhận đấu thầu, năm 1990 – 1991 diện tích trồng rừng mới từ 3.234 ha lên 7.991 ha, tăng 24,7%, trồng cây phân tán từ 17 triệu cây năm 1991 lên 19 triệu cây năm 1992 [53;90].

Ở miền biển, Nghị quyết 16 của Tỉnh ủy Thanh Hóa được xem như một mốc lịch sử mới của ngư dân. Từ phương án khoán thầu, khoán thẳng đã chuyển hẳn sang việc chuyển quyền sở hữu tư liệu, phương tiện, ngư cụ cho ngư dân. Chính vì vậy đã huy động tối đa mọi nguồn vốn tiền tài, dự trữ để đầu tư trang bị thêm phương tiện ngư cụ. Từ năm 1990 – 1992 ngư dân đầu tư 30 tỉ đồng mua sắm trang bị phương tiện. Cơ cấu sản xuất được thay đổi từ trạng thái độc nghề đang chuyển dần sang sản xuất đa nghề, khai thác được nhiều việc làm cho người lao động.

Ngày 25/11/1993, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 07 chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 30/8/1993, toàn tỉnh có 475 xã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giao đất, trong đó có 402 xã đã giao 122.108 ha (chiếm 48,3% tổng quỹ đất nông nghiệp) [53;91].

Một phần của tài liệu Đổi mới mô hình hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa (1986nay) (Trang 51)