Trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt, cách mạng khoa học công nghệ diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển rút ngắn chỉ có thể diễn ra khi chúng ta đưa chất xám, trí tuệ khoa học cao vào mọi loại sản phẩm. Vì vậy, vấn đề hàng đầu, là phải tập trung cao độ để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực hoạt động.
Với nguồn lao động chất lượng cao, chúng ta có được đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, thì giá trị kinh tế của mọi loại sản phẩm sản xuất ra sẽ tăng lên nhanh chóng. Mác đã từng chỉ ra sự khác nhau giữa lao động phức tạp và lao động giản đơn. Theo ông “lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn”. Cùng sản xuất một loạt sản phẩm, lao động phức tạp có hàm lượng chất xám cao sẽ tạo ra cho sản phẩm một giá trị kinh tế lớn gấp nhiều lần so với sản phẩm của lao động giản đơn.
Không những thế, đội ngũ chuyên gia và nguồn lao động chất lượng cao, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế, có thể làm tăng nhanh chóng tổng sản phẩm quốc dân qua con đường xuất khẩu lao động, xuất khẩu chuyên gia. Điều này rất rõ ràng khi tiền lương của người làm việc trong các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài thường cao hơn nhiều so với người làm việc trong các doanh nghiệp trong nước. Đó là chưa nói đến việc chúng ta có thể xuất khẩu những chuyên gia có trình độ cao cho các công ty đa quốc gia.
67
Muốn vậy, cần có những chính sách khác nhau trong đào tạo nhân lực, dân trí và nhân tài. Nguồn lao động là đào tạo cho các doanh nghiệp, do vậy các doanh nghiệp phải có nhiệm vụ đào tạo nguồn lao động. Các cơ sở đào tạo và dạy nghề cũng được hoạt động như một doanh nghiệp. Nhà nước phải kiểm soát họ như là một doanh nghiệp, kể từ việc đăng ký thành lập đến định hướng hoạt động và những cơ chế chính sách để điều tiết vĩ mô đối với các hoạt động của lĩnh vực này. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cần phải đa dạng hóa.
Đối với việc nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài, lại cần có cơ chế khác. Việc nâng cao dân trí là tạo cơ hội cho mọi người dân có được cơ hội tiếp cận được nguồn nhân lực tương lai, bảo đảm được sự công bằng của các tầng lớp dân cư. Vì vậy, Nhà nước phải bảo đảm cho việc nâng cao dân trí, nhất là đối với giáo dục mẫu giáo, tiểu học, Trung học cơ sở và trung học phổ thông. Còn đào tạo nhân tài là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển nhanh và lâu dài của đất nước, lại đòi hỏi đầu tư rất lớn. Do vậy, nhà nước cần phải đảm bảo mọi điều kiện hoạt động của lĩnh vực này.