Một số khuyến nghị và giải pháp

Một phần của tài liệu Hệ quả xã hội của việc thu hồi đất xây dựng công trình cấp nước (Nghiên cứu trường hợp thị trấn Chờ, huyện Yên Phong và xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) (Trang 58)

Thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đáp ứng nhu cầu đô thị hóa là điều tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, cần bảo đảm lợi ích các bên, đặc biệt lợi ích của người dân bị thu hồi đất.

Mục tiêu bao trùm lên chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần hướng đến hạn chế tối đa việc thu hồi đất, GPMB, cũng như số lượng người BAH bởi việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư. Nếu như việc thu hồi đất là không thể tránh khỏi thì phải có sự chuẩn bị thận trọng, kỹ càng phương án đền bù, trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân, bảo đảm cho những người bị thu hồi đất có thể khôi phục lại hoặc cải thiện mức sống so với trước khi bị thu hồi đất.

Mức bồi thường cho GPMB được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm cho người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Với người dân nông thôn, cần tính toán đầy đủ, bên cạnh tiền bồi thường về sử dụng đất cần có tiền bồi thường về hoa màu, tài sản trên đất. Khi lập

phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần có quy định bắt buộc lập phương án chi tiết về kế hoạch hỗ trợ sản xuất và phục hồi sinh kế phù hợp với đặc điểm của cộng đồng tái định cư, phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi đến khi thẩm định và phê duyệt phương án BTHT - TĐC.

Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế nhỏ và vừa; phát triển các làng nghề để thu hút nguồn vốn của các gia đình nông dân được đền bù khi thu hồi đất vào đầu tư tổ chức sản xuất; thu hút lao động, ổn định lâu dài đời sống cho họ. Tránh tình trạng phổ biến hiện nay là người dân bị thu hồi đất nhận được ít tiền đền bù sẽ xây nhà, mua sắm xe máy và đồ dùng đắt tiền. Các tiện nghi đó rất cần cho cuộc sống, song không có việc làm, không có nguồn thu nhập thường xuyên thì họ sẽ trở thành tầng lớp dân nghèo "ở nhà tầng, đi xe máy".

Đổi mới cơ chế quản lý và hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định trách nhiệm của các chủ dự án các khu đô thị, khu công nghiệp phải sử dụng lao động nông nghiệp bị mất việc làm do thu hồi đất nông nghiệp gây ra. Các dự án phải có trách nhiệm thu hút họ vào các vị trí trong cơ quan, doanh nghiệp không đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phải hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để họ có thể tiếp cận với yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với các cơ quan, doanh nghiệp thu hút được nhiều lao động trên địa bàn.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp không có việc làm khi bị thu hồi đất nông nghiệp, nhất là lao động còn trẻ (dưới 35 tuổi) để họ tiếp cận được với các ngành nghề, chuyên môn, nghiệp vụ do các cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu. Đào tạo các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống dân cư, để các tổ chức kinh tế cá thể, tiểu chủ có thể tự sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và ổn định đời sống. Chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất và phục hồi sinh kế cần có kế hoạch lâu dài khoảng 10 năm hoặc hơn, tùy tính chất đặc điểm từng địa phương.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, vốn vay với lãi suất ưu đãi và thị trường sản phẩm để các hộ bị thu hồi đất có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, tự giải quyết việc làm.

Lao động phổ thông trên địa bàn thị trấn thường là lao động có trình độ thấp, công việc làm không ổn định, lương thấp. Vì vậy đối với những lao động này cần có những biện pháp cụ thể lâu dài như: tổ chức hướng nghiệp, mở những lớp đào tạo nghề vừa học nghề vừa học văn hoá tại chỗ nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của các nhà tuyển dụng trên địa bàn. Còn những lao động không có trình độ, qua độ tuổi vừa học vừa làm thì có thể thương lượng với các cơ sở lao động nhận họ vào làm những công việc ít đòi hỏi trình độ như: bảo vệ, giữ xe, tạp vụ… và học

hỏi thêm ngay tại các cơ sở này. Tuy nhiên, không thể một lúc có thể giải quyết hết số lao động này, vì vậy, cần có những định hướng xa hơn như mở trường đào tạo nghề và có những hỗ trợ về đào tạo để tạo nên đội ngũ lao động kế thừa có trình độ.

Nhà nước cũng cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tuyển dụng lao động nông nghiệp, tham gia chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp... Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải sớm có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách đồng bộ, tránh chồng chéo, vì hầu hết quy hoạch đã được phê duyệt trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực và chưa được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Một giải pháp nữa là thay đổi nhận thức của người nông dân về việc làm, thu nhập. Sở dĩ cần có sự thay đổi này là vì, hiện nay quan niệm của người nông dân về việc làm rất máy móc, tính hiệu quả của công việc chưa được quan tâm đúng mức. Họ chưa hiểu rằng, việc làm không đơn thuần là tạo ra các sản phẩm hiện vật thiết yếu phục vụ trực tiếp các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ, mà việc làm phải được lượng hoá thành thu nhập về mặt giá trị, phải được tính toán trên cơ sở hiệu quả kinh tế có hạch toán đầu vào, đầu ra và lấy nhu cầu xã hội làm đối tượng hướng tới. Nghĩa là người nông dân phải thấy được việc làm của họ là nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội đang được phản ánh thông qua thị trường và thông qua việc làm đó, họ có được thu nhập chính đáng và xứng đáng đối với phần công sức họ đã bỏ ra.

Để cải thiện nếp nghĩ của người nông dân, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao trình độ dân trí thông qua các phương tiện truyền thông, các chương trình phổ cập giáo dục quốc gia, cần thiết phải tổ chức thường xuyên, liên tục các chương trình tập huấn cả về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, đồng thời với những chương trình tư vấn các mô hình, phương thức phát triển kinh tế và hỗ trợ các khoá đào tạo kỹ năng, kiến thức kinh tế ứng dụng cơ bản. Sau khi thu hồi đất, cần chú trọng đến hoạt động đào tạo giúp người nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản.

Đối với chính bản thân người nông dân – những người có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án, cần phải có cái nhìn lâu dài, cụ thể và xác định đúng vai trò của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của gia đình, địa phương mình. Người dân cần nhận thức rõ vai trò của sản xuất nông nghiệp để có cách làm hợp lý. Cần tránh việc chạy theo lợi ích trước mắt mà ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt cá nhân, bởi chính điều đó sẽ tác động ngược lại lên bản thân, gia đình mình và ảnh hưởng đến nguồn sinh kế bền vững trong tương lai.

KẾT LUẬN

Đất đai là thành phần quan trọng của môi trường sống, là tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người để phát triển nông nghiệp. Đối với nông dân, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là di sản (nếu họ để lại cho con cháu của họ), là không gian để sống, sinh hoạt và sản xuất. Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá là một nhu cầu tất yếu khi mà xã hội ngày một phát triển, nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng nâng cao. Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi, Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm đảm bảo cuộc sống, sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi nhưng thực tế vẫn có nhiều vấn đề cần giải quyết để có được nguồn sinh kế ổn định, bền vững.

Việc thu hồi đất xây dựng công trình cấp nước tại thị trấn Chờ huyện Yên Phong và xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình đã tác động lên cuộc sống của người dân trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Trên cả hai phương diện này đều có những vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi khi thực hiện một dự án, Nhà nước cần nghiên cứu kỹ để triển khai nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất.

Việc thu hồi đất xây dựng công trình cấp nước cho người dân đã mang đến những tác động tích cực đến cuộc sống của người dân trên địa bàn diễn ra dự án. Trước hết, khi công trình cấp nước được hoàn thành, người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, chất lượng đảm bảo thay cho nguồn nước vốn đã bị ô nhiễm nặng nề mà bấy lâu nay họ vẫn phải sử dụng. Điều đó góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống và nâng cao sức khỏe cho người dân, phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng và vùng lân cận; là một trong những dự án hạ tầng đô thị thiết thực, giúp cải thiện môi trường, giảm tình trạng sử dụng nước kém chất lượng và nguy cơ dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ việc được hưởng lợi từ nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh của nhà máy nước, người dân đã tìm ra nguồn sinh kế mới có thu nhập cao hơn việc sản xuất nông nghiệp. Người dân bắt đầu tìm cho mình những công việc phù hợp với năng lực, sức khỏe trong các nhà máy, xí nghiệp. Điều đáng nói ở đây là những công việc này nhàn hơn công việc sản xuất nông nghiệp bởi “nắng không tới mặt, mưa không tới đầu” lại cho thu nhập cao hơn so với nghề cũ. Nhiều người dân cảm nhận được rằng cuộc sống của họ tốt hơn từ sau khi dự án được thực hiện, giá trị đóng góp vào nền kinh tế địa phương của hai ngành công nghiệp và dịch vụ tăng lên là những minh chứng rõ ràng cho điều đó. Mặt khác, sau khi nhận tiền đền bù, hỗ trợ, người dân nơi đây có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh sản xuất giúp nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình. Với những gia đình không đầu tư sản xuất, họ có những phương thức khác là cho vay hoặc gửi tiết kiệm. Số tiền lãi hàng tháng, họ chi tiêu cho gia đình và đồng thời vẫn giữ được một nguồn vốn nhỏ để phòng trừ lúc ốm đau, bệnh tật về sau. Một số gia đình đã trích một phần nhỏ số tiền được hỗ trợ nhằm đầu tư cho con cái học hành. Đây là một việc làm hữu ích và cần thiết, đầu tư cho giáo dục của các thế hệ tương lai là một việc làm sáng suốt và mang lại cả giá trị vật chất và tinh thần. Như vậy, hầu hết người dân đều có những mục đích rõ ràng trong việc sử dụng tiền bồi thường, hỗ trợ của gia đình mình sau khi quá trình thu hồi đất diễn ra.

Song song với quá trình thu hồi đất nông nghiệp thì giá đất nông nghiệp tại địa phương cũng tăng lên. Ngoài những tác động của nền kinh tế thị trường thì việc ngày càng có nhiều dự án quốc gia được xây dựng tại địa phương là những nguyên nhân chính làm tăng giá cả đất nông nghiệp. Điều này tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực lên chính cuộc sống của người dân. Khi giá đất nông nghiệp tăng, người dân không còn phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng nếu người dân không nhận thức rõ tác động tiêu cực của nó, chạy theo cái lợi trước mắt mà ồ ạt chuyển đổi đất nông nghiệp sang một mục đích sử dụng khác thì đến một lúc nào đó người dân sẽ không còn đất để sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn sinh kế bền vững của chính người dân và ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Bên cạnh những tác động tích cực của việc thu hồi đất để xây dựng công trình cấp nước thì vẫn còn những tác động tiêu cực với nhiều vấn đề bất cập mà chúng ta cần phải bàn tới.

Tại địa bàn chúng tôi nghiên cứu, nhiều hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp có thu nhập cao hơn trước khi thu hồi đất, nguồn vốn về vật chất được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên nhiều người lo lắng về việc tạo nguồn sinh kế lâu dài vì các nguồn thu nhập còn bấp bênh do việc làm không ổn định, thậm chí nhiều người còn không có việc làm và sa vào các tệ nạn xã hội. Cuộc sống vốn bình yên trước đây của người dân đã bị xáo trộn, ô nhiễm môi trường là một trong những hệ quả tất yếu của quá trình đó, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lương thực, thực phẩm của chính người dân nơi đây.

Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng công trình cấp nước cũng đền bù, hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, người dân chủ yếu nhận bồi thường, hỗ trợ bằng tiền mặt. Đa số người dân sử dụng nguồn vốn vào mục đích không phải là đầu tư sản xuất và học nghề chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm việc làm đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sinh kế bền vững của người dân nông thôn. Trong quá trình thực hiện dự án, sự bất bình đẳng trong quá trình hưởng lợi từ dự án là điều không thể tránh khỏi. Những gia đình nào có tiềm lực kinh tế, biết nắm bắt thông tin và thời cơ thì sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và ngược lại. Do đó trong quá trình thực hiện dự án, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể để giúp cuộc sống của người dân trong vùng dự án được ổn định lâu dài, đặc biệt là việc sử dụng nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ hiệu quả nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, vốn vay với lãi suất ưu đãi và thị trường sản phẩm để các hộ bị thu hồi đất có khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, tự giải quyết việc làm, thay đổi nhận thức của người nông dân về việc làm, thu nhập. Khi lập

phương án BTHT - TĐC cần có quy định bắt buộc lập phương án chi tiết về kế hoạch hỗ trợ sản xuất và phục hồi sinh kế phù hợp với đặc điểm của cộng đồng tái định cư, phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương khi thẩm định và phê duyệt phương án BTHT - TĐC.

Tóm lại, việc thu hồi đất xây dựng công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là một nhu cầu tất yếu và cần thiết để xây dựng và phát triển nông thôn ngày càng tiến bộ. Quá trình đó tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực lên cuộc sống của người dân vùng dự án, đòi hỏi chúng ta cần có những chính sách và giải pháp hợp lý để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc điều tiết và quản lý để dự án diễn ra được thành công, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Hệ quả xã hội của việc thu hồi đất xây dựng công trình cấp nước (Nghiên cứu trường hợp thị trấn Chờ, huyện Yên Phong và xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)