6. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Quê hương, đất nước trong thơ ca Việt Nam
Quê hương - hai tiếng thiêng liêng đã ăn sâu vào tâm hồn, máu thịt mỗi người con đất Việt. Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, quê hương, đất nước đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo, dào dạt nhất. Cũng chính bởi: “Quê hương mỗi người chỉ một - Như là chỉ một mẹ thôi - Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân) cho nên mỗi nhà thơ đều có những bài thơ hay viết về đất mẹ, để lại được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Viết về quê hương, các tác giả đều thể hiện một tình yêu quê chân thành, đằm thắm. Và có thể nói, tình yêu quê hương đất nước là thứ tình cảm cao đẹp nhất, sâu sắc nhất trong truyền thống thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay.
Tùy từng thời kì và bản thân từng tác giả trên con đường sáng tạo nghệ thuật của riêng mình đều có những sáng tạo rất riêng và mới mẻ về nội dung tác phẩm và hình thức nghệ thuật đã tạo nên hình hài quê hương với nhiều diện mạo hết sức phong phú. Tuy nhiên, tựu trung lại, cái làm nên hồn cốt, bản sắc dân tộc trong mảng thơ ca về đề tài quê hương đất nước là việc tạo
dựng hình ảnh một làng quê Việt mộc mạc mà thanh bình, yên ả với biết bao cảnh vật quen thuộc, thân thương: bờ tre, gốc rạ, mái đình, cây đa, bến nước, con đò…
Tình yêu quê hương đất nước là một mảng đề tài lớn trong ca dao. Đó là những tình cảm chân thành, tự nhiên mà sâu sắc nồng nàn: sự gắn bó với quê hương, với nghề nông, lòng yêu mến, tự hào về cảnh đẹp, về cuộc sống thanh bình, về những danh lam thắng cảnh của đất nước…
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Bài thơ là lời tâm sự chân thành, đằm thắm về nỗi nhớ quê nhà da diết, cồn cào của chàng trai. Thật đẹp và đáng trân trọng biết bao khi hiện lên trong nỗi nhớ quê ấy là hình hài quê hương qua những món ăn dân dã, đạm bạc, là những con người tần tảo, chịu thương chịu khó của đồng quê. Cảnh và người của quê hương đã in sâu trong tâm khảm của người con xa xứ và trở thành nguồn động lực, điểm tựa nương náu cho mỗi tâm hồn.
Đến văn học trung đại - nền văn học mang tính quy phạm, phi ngã thì thiên nhiên vẫn trở thành đối tượng để thể hiện tâm tư, cảm xúc của con người, nhưng do sự chi phối của quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” nên phần nào thiếu vắng vẻ đẹp hồn nhiên vốn có. Nói như vậy, không có nghĩa là thi nhân xưa đã bớt cái say sưa khi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Thiên nhiên vẫn trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca giai đoạn này. Ta vẫn luôn bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc của làng quê Việt Nam trong cả thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Trãi. Đó là tiếng cuốc kêu khắc khoải gọi hè, là hình ảnh hoa xoan lớp lớp trong cơn mưa bụi mùa xuân lất phất nơi thôn dã:
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan
(Cuối xuân tức sự - Nguyễn Trãi)
Đến cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, ta thấy xuất hiện những vần thơ đẹp viết về thiên nhiên trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Và quả đúng như một lời nhận xét: “Truyện Kiều là cái gì rất Việt Nam, đậm đà tình nghĩa Việt Nam, tình nghĩa quê hương xứ sở”. Tình yêu thiên nhiên đất nước ấy được thể hiện một cách thầm kín qua việc ngợi ca cảnh đẹp bốn mùa của quê hương:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa …
Dưới trăng quyên đã gọi hè Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông
Tiếp nối mạch cảm xúc ngợi ca những nét đẹp của quê hương xứ sở, nhóm thi sĩ đồng quê của phong trào thơ Mới với những đại diện tiêu biểu như Anh Thơ, Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ… đã có những bài thơ hay viết về quê hương. Làm sao có thể quên được một bức tranh quê đẹp đến say lòng trong Bến đò ngày mưa của Anh Thơ:
Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa Và dầm mưa dòng sông trôi dào dạt Mặc con thuyền cắm lại dậu trơ vơ
Vẫn sử dụng những thi liệu quen thuộc mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê với những hình ảnh gần gũi, thân thương: dòng sông, bến bãi, con đò… Anh Thơ đã khắc họa thành công một góc không gian quê Việt tự bao đời.
Được mệnh danh là thi sĩ “quê mùa” (Hoài Thanh), Nguyễn Bính lại góp thêm một hương vị riêng trong việc cảm nhận và thể hiện hồn quê dân tộc. Quê hương trong thơ Nguyễn Bính là hình ảnh thiên nhiên và con người chất phác, mộc mạc như khoai lúa đã làm bâng khuâng bao thế hệ độc giả.
Đến thơ ca cách mạng, khung cảnh làng quê Việt được khắc họa với nhiều sắc màu khác nhau nhưng đều thể hiện niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Chiến tranh kết thúc, đất nước bước vào thời kì đổi mới, những nhà thơ như Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn đã tìm về với cội nguồn dân tộc, trở về với những giá trị đạo đức, thẩm mỹ từ lâu đời. Qua những sáng tác của mình, họ tìm về với nguồn cội để kí thác tâm sự, những nỗi niềm của cả một thế hệ thi sĩ trong thời buổi văn hóa dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, mất đi bản sắc dân tộc. Hay nói cách khác, cảm hứng về quê hương đất nước với hình ảnh làng quê mang những nét đẹp văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành nguồn mạch mát trong nuôi dưỡng biết bao hồn thơ Việt trong đó có hồn thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn.