Khai thác và vận dụng hình ảnh của thơ truyền thống

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn (Trang 89)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.Khai thác và vận dụng hình ảnh của thơ truyền thống

Hình ảnh đóng một vai trò vô cùng quan trọng nhằm tạo nên sức hấp dẫn cho mỗi tác phẩm thơ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói: “Thơ phải có hình ảnh. Có người đã nói: triết học nghĩ bằng ý, tiểu thuyết nghĩ bằng nhân vật, thơ nghĩ bằng hình ảnh”. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức thì quan niệm: “Hình ảnh trong thơ là một yếu tố được sử dụng để thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Hình ảnh có khi là những nhân tố trực tiếp của nội dung, là những bức tranh nhỏ của cuộc sống (…) nhưng cũng có khi hình ảnh trong thơ được vận dụng như một nhân tố tương ứng với nội dung nào đấy thông qua một so sánh, ẩn dụ”. Nói như vậy, hình ảnh là một yếu tố không thể thiếu của thơ ca và “nhà thơ có thể quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, miêu tả hình ảnh trong thơ và xem đó như một yếu tố thứ nhất của thơ”. Chính vì vậy, việc giải mã các hình ảnh văn học sẽ giúp người đọc cảm thụ sâu sắc hơn về tác phẩm.

Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn là những nhà thơ rất chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh trong thơ. Xuất thân từ chốn đồng ruộng, gắn bó sâu nặng với nhành cây, ngọn cỏ quê hương, vì vậy hình ảnh quê hương và những tình cảm thắm thiết với làng quê luôn đằm sâu trong những vần thơ thắm đượm tình quê của cả hai nhà thơ. Khảo sát thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực sáng tạo không ngừng của các nhà thơ trên cái phông nền văn hóa dân gian. Bên cạnh đó, các nhà thơ còn tiếp thu từ vốn văn học dân gian bằng cách mượn lại những hình ảnh ca dao, dân ca như một chất liệu đặc biệt để tạo nên tính dân tộc đậm đà trong các sáng tác của mình. Trong thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn xuất hiện hàng loạt những hình ảnh được khai thác từ văn học truyền thống đã trở nên rất đỗi quen thuộc, thân thương với mỗi người dân Việt Nam. Ấy là hình ảnh gốc đa, bến nước, con đò, là mái đình cổ kính, ánh trăng vàng… Những hình ảnh này xuất hiện với tần xuất rất lớn như một mô típ trong thơ các anh, đặc biệt là thơ lục bát.

Trong khuôn khổ của luận văn, người viết xin đi vào tìm hiểu việc khai thác và vận dụng sáng tạo những hình ảnh tiêu biểu của thơ ca truyền thống để tạo nên bản sắc dân tộc đậm đà trong thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn: hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò; hình ảnh trăng; hình ảnh vườn quê; hình ảnh con cò.

Dòng sông - bến nước - con đò là những hình ảnh quen thuộc của thơ ca dân gian từ lâu đã trở thành những biểu tượng mang sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam thì nay lại xuất hiện đậm đặc trong thơ Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn. Cùng một phông văn hóa dân gian, nhưng nếu sông trong thơ Nguyễn Bính thường gắn với những trôi nổi đường đời, với những lỡ dở ngang trái trong tình yêu thì trong thơ Nguyễn Duy đó vừa là dòng sông thực của làng quê xứ Thanh “Giòng sông Mạ”, đồng thời cũng là dòng sông của tiềm thức, của nhiều cung bậc tâm trạng. Dòng sông ấy đã gắn bó với biết bao biến thái của cuộc đời, gắn với bao nỗi niềm trăn trở của nhà thơ. Hình ảnh giọt nước, nguồn sông, biển lớn… trong thơ truyền thống trở về thật sáng tạo trong hình ảnh dòng sông cội nguồn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm của mỗi người, nơi đong đầy kỉ niệm với biết bao người thân yêu… tần tảo, lam lũ với ruộng đồng:

Từ giòng sông ấy tôi đi

giọt nước lìa nguồn ra bể

mát suốt đời tôi gió nồm sông Mạ mẹ và em sinh thành ở đó

quê nhà và tình yêu của tôi

Ngay trong hình ảnh dòng “sông Cấm” “váng dầu mỡ” bị khuấy động trước nhiều vấn đề của đời sống hôm nay vẫn ẩn hiện những hình ảnh quen thuộc của thơ ca truyền thống:

Vênh vênh nửa nước nửa trời Bàn chân kim loại quậy sôi bến tàu

Ôm mình úp mặt nông sâu

Long bong ngũ sắc váng dầu hoang mang

Trong con “Sông duyên” nên thơ, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào của thi sĩ cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn của những hình ảnh con sông trong thơ dân gian truyền thống được vận dụng rất sáng tạo tinh tế:

Trong leo lẻo nước và thơ Cỏ liêu trai lún phún bờ sông duyên

Trên sông dậm dật mạn thuyền Trên thuyền he hé một miền lăn tăn

Tóm lại, hình ảnh dòng sông quen thuộc trong thơ truyền thống đã hiện diện dưới nhiều cấp độ trong thơ Nguyễn Duy và trở thành một biểu tượng thể hiện cái nhìn đa diện, đa chiều của nhà thơ về cuộc sống. Đó là dòng sông quê, dòng sông cội nguồn và cũng là dòng đời. Trong thơ Nguyễn Duy, hình ảnh dòng sông gắn với cuộc sống sôi động lúc thăng, lúc trầm, lúc trữ tình thơ mộng, lúc kiêu hùng mạnh mẽ… Sông gắn với cuộc sống lao động và chiến đấu, những biến thái trong cuộc đời, sông chất chứa tình cảm của con người, khi hạnh phúc khi khổ đau… Tất cả đều cho thấy cái nhìn khỏe khoắn và tỉnh táo của nhà thơ Nguyễn Duy về cuộc sống. Trong mỗi dòng sông của thơ Nguyễn Duy, người đọc vẫn dễ dàng cảm nhận những dấu ấn đậm, nhạt của hình ảnh dòng sông trong thơ truyền thống được nhà thơ chú tâm khai thác, vận dụng.

Nếu dòng sông trong thơ Nguyễn Duy là những con sông thực ngoài đời, gắn với những địa danh mà nhà thơ đã từng sống và đi qua (sông Mạ,

sông Tiền, sông Thao, sông Đa-Nuýp) thì sông trong thơ Đồng Đức Bốn là những con sông mang ý nghĩa trừu tượng hơn gắn với những trôi nổi của đường đời, với những lỡ dở ngang trái trong tình yêu. Đồng Đức Bốn cũng rất có ý thức sử dụng những hình ảnh về sông (gián tiếp hay trực tiếp) của thơ truyền thống để tạo dựng hình ảnh dòng sông trong thơ mình. Đó thường là dòng sông buồn, đau thương, gắn với cái tôi đa đoan, với những nỗi buồn đau, trắc trở, những chiêm nghiệm đớn đau… Sông có khi trở thành tri kỉ của thi nhân, nơi gửi gắm những nỗi niềm riêng tư của nhà thơ:

Bây giờ sông hóa lưỡi cưa Để tôi đi sớm về trưa nát lòng

Bây giờ em đã sang sông Để tim tôi búp sen hồng bỏ rơi

Vớt buồn trên mặt sông trôi Bây giờ vẫn chỉ mình tôi giữa dòng

(Sang sông)

Trong thơ Đồng Đức Bốn, ta thường gặp lại hình ảnh những dòng sông, mái chèo, những con đò lang thang trong thơ ca dân gian để diễn tả nỗi buồn mênh mang của con người:

Mái chèo cứ nhẹ thế thôi Không là đứt ruột gan tôi bây giờ

Mái chèo trên sóng làm thơ Đỡ cho cánh vạc bơ vơ xuống dòng

(Đi đò)

Không chỉ khi viết về những dòng sông cội nguồn, sông gắn với mẹ, là nơi che chở hướng về, sông cũng gắn với những suy tư trăn trở về đời nhưng đó là dòng sông buồn, cô đơn đầy bế tắc:

Bờ sông có một con đò

Gác chèo ông mái nằm lo trăng buồn (Viết ở bờ sông)

Hình ảnh dòng sông, bến, thuyền, bến đợi thuyền trong truyền thống cũng thường trở về ẩn hiện trong thơ Đồng Đức Bốn để diễn tả nỗi niềm và tấm tình thủy chung của con người:

Thế mà không bỏ dòng sông Để đi tìm những cái không có gì (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Xin người một khúc mộng mơ)

Bên cạnh dòng sông, con thuyền, hình ảnh trăng của thơ dân gian cũng được Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn khai thác để thể hiện nhiều ý nghĩa. Trăng xuất hiện nhiều lần và mang những sắc thái khác nhau. Viết về trăng, Nguyễn Duy có cả một tập thơ Ánh trăng với 11 lần nhắc đến trăng trong tổng số 30 bài thơ. Nhà thơ khai thác triệt để nghệ thuật của thơ truyền thống, mượn trăng để nói chuyện cái tình cái nghĩa ở đời bởi với ông đó là “vầng trăng tình nghĩa”, “vầng trăng thành tri kỉ”. Trăng đã trở thành biểu tượng của nghĩa tình thủy chung, son sắt, gắn với quá khứ, cội nguồn. Ánh trăng mang vẻ đẹp bình dị, hiền hậu đã đánh thức lương tri của con người, khiến mỗi người phải nhìn nhận lại chính mình, hoàn thiện mình: Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình/ ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình (Ánh trăng).

Trong khói lửa chiến tranh, trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên và cũng là mảnh hồn trong sáng của người lính nơi chiến trường ác liệt. Có thể nói với Nguyễn Duy, vầng trăng là tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của người lính:

Ô kìa! Đột ngột trăng lên

Trăng trời trăng láng bạc trên lá rừng (Trăng)

Cong cong võng bạt anh nằm khuyên lên nền lá mảnh trăng lưỡi liềm

… Em ơi dù có mưa giăng

đêm Trường Sơn vẫn sáng trăng lưỡi liềm (Võng trăng)

Như vậy, Nguyễn Duy đã mượn hình ảnh trăng trong thơ ca dân gian để sáng tạo nên những ý nghĩa mới mẻ. Trăng trong thời kì chiến tranh thường gắn với vẻ đẹp trong sáng, tròn đầy, thể hiện tâm hồn con người, còn trăng trong thời kì hậu chiến phần lớn là đề cập đến những vấn đề của cuộc sống. Trăng thực sự đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật độc đáo, thể hiện một trí tuệ sắc sảo của nhà thơ.

Trăng trong thơ Đồng Đức Bốn mang nhiều dáng hình, cung bậc tâm trạng khác nhau. Đó là hình ảnh trăng gầy trong đêm thức ở Côn Sơn đầy ám ảnh, gợi đến hình ảnh “vầng trăng khuyết đĩa dầu hao” quen thuộc trong thơ dân gian hay hình ảnh vầng trăng khuya khoắt trong “Truyện Kiều”:

Chênh vênh một chiếc trăng gầy

Đường non khúc khuỷu sương bay nhạt nhòa (Thức với Côn Sơn)

Trong thơ Đồng Đức Bốn, dù viết về một vâng trăng mềm mại có thể thắt buộc con đò tình yêu:

Rút trăng buộc lại con đò Thu lời em hát chỉ cho riêng mình

(Đêm sông Cầu)

Hay là một vầng trăng mang nỗi buồn thương man mác vì một tình yêu không thành:

Tôi giờ còn có ai mong

Mà người mượn gió bẻ cong trăng ngà (Đời tôi)

Người đọc đều có thể cảm nhận những phong vị dân gian truyền thống có được trong cách nói, cách thể hiện vầng trăng của thơ ca dân gian đặc biệt là những vầng trăng gợi cảm giác cô đơn, lẻ loi.

Xuất thân từ chốn ruộng đồng, cả Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đều chú ý thể hiện hình ảnh vườn quê trong thơ của mình. Có thể nói, vườn là biểu tượng về văn hóa làng quê Việt Nam, là hình ảnh thu nhỏ bức tranh thôn quê Việt Nam. Chính vì vậy, hình ảnh vườn quê trở nên quen thuộc trong thơ của nhiều nhà thơ với biết bao tình cảm yêu thương, trìu mến. Nguyễn Duy vận dụng tài tình cách phác họa chấm phá của thơ ca trong nghệ thuật tạo dựng hình ảnh dân gian để tạo dựng hình ảnh khu vườn nơi xứ Huế mộng và thơ, mang nét đẹp trữ tình đằm thắm, thi vị:

Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu Em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi

Lối mòn đá cuội rong chơi Lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ

(Nhớ bạn)

Đồng Đức Bốn cũng đánh thức tâm hồn những con người quê trong cuộc sống hiện đại khi xây dựng được một khu vườn quê với những cây cỏ, hoa lá quen thuộc, đạm phong vị, dáng dấp hình ảnh của thơ dân gian. Đó là bờ tre, bụi dứa rất đỗi giản dị, thân thương nhưng cũng đủ gợi lên tâm trạng, suy nghĩ về sự tan vỡ của những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện tại:

Bờ tre bụi dứa tan rồi Cuốc kêu ai biết cho lời cuốc đâu

(Cuốc kêu)

Đó là những hàng rào quê thanh mảnh, được tô điểm bằng những cây cỏ, loài hoa (cúc tần, dâm bụt, mồng tơi…) càng làm tăng vẻ đẹp dung dị của khu vườn quê:

Khổ thân cho cả bờ rào Dây tơ hồng héo quắt vào mùa thu

(Cơn mưa dừng ở Sóc Sơn)

Và đặc biệt trong hình ảnh vườn quê khắc đậm trong tâm hồn, tình cảm của nhà thơ với những vần thơ trĩu nặng tâm tình: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Xéo gai anh chẳng sợ đau

Bởi yêu ruộng lúa vườn cau trước nhà

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Bên cạnh việc xây dựng hình ảnh tiêu biểu cho thiên nhiên làng quê, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn còn mượn lại hình ảnh con cò trong ca dao làm biểu tượng cho sự cần cù, lam lũ của những người bà, người mẹ, của những người lao động nghèo Việt Nam. Hình ảnh con cò trong ca dao Việt Nam là biểu tượng văn hóa, mang bản sắc tâm hồn Việt, một hiện thân của thân phận người Việt. Trên cái nền dân gian ấy, các anh đã tạo nên hình ảnh những con cò đầy sức gợi.

Trong thơ Nguyễn Duy, hình ảnh con cò hiện lên thật sinh động. Đó là cánh cò bay lả bay la trong Khúc dân ca ở đồng bằng Bắc Bộ, rồi “cò bay trắng cả một bờ đại dương” nơi mũi Cà Mau (Lời ru con cò biển) đến cánh cò trong lời ru của mẹ (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa), hay cánh cò trong

Mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười…Biểu tượng đồng quê mang bản sắc văn hóa truyền thống này như một mạch nguồn chảy suốt hành trình thơ Nguyễn Duy và là biểu tượng của quê hương, của truyền thống cội nguồn, của những gì mộc mạc bình dị hiền hậu. Trong hình ảnh cánh cò mang theo tình mẫu tử bất diệt của Nguyễn Duy, ta gặp lại hình ảnh con cò đầy ám ảnh của thơ ca truyền thống:

Cái cò…sung chát…đào chua câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Hay cánh cò biểu tượng cho những gì trắng trong, thuần khiết: “Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò” (Tuổi thơ). Con cò cũng gợi lên hình ảnh về những cuộc đời lam lũ truyền kiếp:

Mẹ trót ru ta câu sấm mệnh con cò Thôi đừng trách cành tre sao mềm thế

(Chợ)

Hình ảnh cánh cò trong thơ Đồng Đức Bốn cũng gợi sự long đong, phiêu bạt hình ảnh cánh cò ttrong ca dao:

Chuông chùa tiếng đục tiếng trong Thảo nào cát bụi long đong thân cò (Viết ở bờ sông)

Ngoài những hình ảnh trên, khảo sát qua thơ của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, ta còn bắt gặp rất nhiều những ảnh của ca dao dân ca như ngõ trúc, cây đa, dải yếm, đôi mắt, giếng nước, sân đình… Được khai thác và vận dụng sáng tạo, tinh tế, những hình ảnh truyền thống quen thuộc này đã góp phần tạo thành một không gian văn hóa rất đặc trưng của làng quê, một không gian mang hồn cốt, bản sắc dân tộc:

Yếm đào còn ở chốn quê Nên cây trúc mọc còn mê sân đình

(Xéo gai anh chẳng sợ đau)

Tóm lại, xuất phát từ cái nôi văn hóa dân gian, cả Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã mượn lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của ca dao, dân ca như sông, trăng, con cò, cây trúc, cây tre, bến nước, sân đình… để từ đó làm mới và phát triển. Qua các sáng tác ta thấy được sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc và tài năng sáng tạo nghệ thuật độc đáo của hai nhà thơ và đó chính là cơ sở tạo nên bản sắc đậm đà trong thơ của Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn:

Bên cạnh việc tiếp thu, vận dụng các hình ảnh của dân gian, truyền thống linh hoạt, sáng tạo với tần số dày đặc thì Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn đã tiếp thu, vận dụng nghệ thuật xây dựng hình ảnh của thơ ca dân gian với lối nói, cách cảm, cách nghĩ dân gian cùng với các phương pháp ẩn dụ, ví von, so sánh… mà chúng tôi sẽ kết hợp phân tích ở phần ngôn ngữ, giọng điệu.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong thơ Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn (Trang 89)