Những hạn chế

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế ở Hà Tĩnh từ năm 2005 – nay (Trang 69)

Công tác đối ngoại và hoạt động hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại tuy đạt được một số kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa phát huy được thế mạnh trên các mặt: Vị trí địa lý; tiềm năng về tài nguyên, lao động; lợi thế của các khu kinh tế; truyền thống lịch sử, văn hóa vv…. Những hạn chế, yếu kém cần được xác định để tập trung khắc phục, điều chỉnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, bao gồm:

Hoạt động đối ngoại chủ yếu đang tập trung vào việc tăng cường, mở rộng mối quan hệ, tham quan, học tập, trao đổi thông tin, nghiên cứu tình hình; chưa chủ động, thiếu đồng bộ, đang nặng ở công tác lễ tân, khánh tiết. Trong các cuộc

tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài chưa thực sự chú trọng đúng mức công tác vận động các nguồn lực để phát triển kinh tế. Sự gắn kết giữa hoạt động đối ngoại và đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế chưa đi vào chiều sâu.

Đối với công tác vận động ODA, thu hút FDI và đầu tư ra nước ngoài: Thu hút nguồn vốn ODA đạt mức trung bình, thu hút NGO đạt thấp so với các tỉnh trong khu vực. Các dự án hầu hết có quy mô nhỏ. Một số dự án hiệu quả chưa cao, như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, chương trình phát triển kinh tế địa phương bền vững… Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy đã đạt được kết quả rõ nét, nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nhiệt điện, luyện kim, xây dựng cảng biển; các dự án về các lĩnh vực khác, nhất là công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn ít.

Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch còn rời rạc, qui mô nhỏ lẻ; nguồn lực cho các hoạt động này còn hạn chế, kinh phí hạn hẹp.

Đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh ra nước ngoài còn hạn chế; mới có một số doanh nghiệp đầu tư vào Lào về các lĩnh vực: Trồng cao su, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ:

Một số tuyến đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, công tác nâng cấp sửa chữa kéo dài làm ảnh hưởng lưu thông. Hệ thống cảng Vũng Áng được đầu tư và đưa vào khai thác nhưng chưa có cảng container, hệ thống kho bãi còn bất cập... hạn chế phần nào đến hoạt động vận tải biển và xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế trong các khu kinh tế và khu công nghiệp chậm, thiếu vốn đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu giải phóng mặt bằng với diện tích lớn, liên quan đến nhiều hộ dân, trong khi nguồn vốn giải phóng mặt bằng không kịp thời hoặc thiếu vốn.

Cấp điện, cấp nước cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án còn vướng mắc về nguồn khai thác, chưa đáp ứng tiến độ xây dựng cho các nhà đầu tư. Công tác xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập.

Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại, cũng như công tác đào tạo, quản lý lao động chưa đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại trong tình hình mới:

Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại còn bất cập, số đông chưa được đào tạo cơ bản đúng chuyên ngành; chưa hiểu biết nhiều về luật lệ quốc tế. Việc bố trí cán bộ chưa phù hợp. Số đông cán bộ năng lực yếu, thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và năng lực ngoại ngữ còn hạn chế.

Công tác đào tạo lao động và dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Chất lượng lao động đào tạo còn thấp; doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại. Lao động chỉ được đào tạo tay nghề là chủ yếu, chưa được đào tạo về giao tiếp, ngoại ngữ, tin học và ý thức chấp hành kỷ luật lao động nên các nhà đầu tư nước ngoài tuyển dụng ít hoặc không tuyển dụng được.

Việc quản lý lao động nước ngoài chưa chặt chẽ. Lao động phổ thông từ nước ngoài vào làm việc tại các dự án khá nhiều trong khi lao động trong tỉnh, trong nước còn thiếu việc làm. Mặt khác nhiều người nước ngoài đã vào làm việc nhưng chưa cấp phép lao động hoặc chậm được cấp phép.

Các tuyến giao thông đường bộ giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan còn nhiều trạm kiểm soát, một số tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng nên đi lại khó khăn, thời gian làm thủ tục qua cửa khẩu còn lớn gây cản trở lưu thông hàng hoá và hành khách. Ô tô của Việt Nam và Thái Lan có hệ thống tay lái ngược nhau nên khó khăn khi tham gia giao thông với nhau vào lãnh thổ của nhau.

Khối doanh nghiệp Hà Tĩnh chưa mạnh, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh còn yếu; khả năng liên doanh, liên kết và hợp tác đầu tư với nước ngoài còn hạn chế. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn thiếu

am hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế nên khó khăn trong hợp tác kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Một số nội dung trong các bản ký kết giữa tỉnh Hà Tĩnh với các tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn (Lào) và Nakhonphanom, Sakonnakhon (Thái Lan), các tỉnh, các Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế còn mang tính hình thức, thực hiện chậm và chưa hiệu quả...

Một phần của tài liệu Hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế ở Hà Tĩnh từ năm 2005 – nay (Trang 69)