Về quan hệ đối ngoại: Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại đổi mới
của Đảng và Nhà nước, những năm qua Hà Tĩnh đã chủ động trong hợp tác quốc tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hoạt động đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh đã mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam, có mối quan hệ thường xuyên với Đại sứ của các nước như: Ấn Độ, Hungari, Nhật Bản, Trung Quốc, Đan Mạch, Ba Lan, Séc, Bỉ,
Singapore, Thái Lan, Lào...; các tổ chức Quốc tế như WB, ADB, IFAD, OPEC, GTZ... và các tổ chức phi chính phủ. Thông qua hoạt động đối ngoại hình ảnh Hà Tĩnh được tuyên truyền, quảng bá đến bạn bè quốc tế, nhất là giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu đầu tư; nhờ vậy đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức và cá nhân; đồng thời thu hút các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Hà Tĩnh và ngược lại.
Tháng 6/2011, Hà Tĩnh tổ chức thành công Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) với sự tham gia của 83 đoàn, trong đó 21 đại sứ quán; 26 tổ chức quốc tế; 30 bộ, ngành và các tổ chức khác ở Trung ương. Trong thời gian Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với 12 nhà tài trợ, gồm: Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Đức, Đại sứ Bỉ, Đại sứ Newzealand, Đại sứ Anh, Đại sứ Canada, Phó Đại sứ Ý, Công sứ kiêm Tổng lãnh sự Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), IFAD và Cơ quan hợp tác Nhật Bản.
Việc tổ chức thành công Hội nghị CG năm 2011 đã khẳng định vai trò, vị trí của Hà Tĩnh trong quan hệ hợp tác tầm cỡ quốc tế. Hà Tĩnh đã và đang ngày càng nâng cao được vị thế và uy tín đối với Trung ương, các tỉnh bạn và quốc tế.
Về hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại
Kết quả kêu gọi và vận động nguồn vốn ODA, NGO:
Hà Tĩnh đã vận động và thu hút được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Từ năm 2006 - 2010, trên địa bàn tỉnh có 31 chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức vốn tài trợ trên 4.600 tỷ đồng. Các nhà tài trợ cho Hà Tĩnh bao gồm các tổ chức quốc tế: WB, ADB, IFAD, UNIDO, OPEC... và các quốc gia: Nhật Bản, Thụy Điển, Anh, Úc, Hàn Quốc, Bỉ, Hungari, Nauy, Pháp, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Kuwait... Nhìn chung các chương trình, dự án đầu tư của các nhà tài trợ đều đạt tiến độ đề ra, giải ngân kịp thời, các công trình phát huy tác dụng tốt, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình quân hàng năm tỉnh vận động được 50 đến 80 tỷ đồng vốn NGO từ các tổ chức phi chính phủ như: Oxfam (Bỉ, Hồng Kông, Canada); SPIR, HI, LH&F, MSAVLC (Mỹ); MSI, FF (Anh); SIDA Canada; AC Thụy Điển; ADDA Đan Mạch; Hội chữ thập đỏ (Hà Lan, Nhật Bản); Trăng lưỡi liềm Quốc tế… hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, phát triển nông thôn, phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai, giảm nghèo, nâng cao năng lực và cứu trợ khẩn cấp. Các dự án sử dụng vốn viện trợ đúng mục đích và có hiệu quả.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Thu hút FDI trong những năm qua đạt kết quả tốt , đã có 50 dự án với số vốn đăng ký trên 14 tỷ USD. Lũy kế thu hút FDI đến cuối năm 2011 Hà Tĩnh được xếp thứ 6 về thu hút đầu tư trong toàn quốc. Các dự án của các nhà đầu tư đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Séc, Úc, Thái Lan, Philipines, Bruney, Lào, Trung Quốc, Đài Loan.
Đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng đã có 29 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép hoạt động, trong đó có nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa giai đoạn 1 là 10 tỷ USD; Khách sạn 5 sao và cao ốc văn phòng (Hàn Quốc) 78,6 triệu USD; Khu du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi (Đài Loan) 70 triệu USD; Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng (Úc) 57,5 triệu USD...
Đối với Lào đã có 02 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu kinh tế, gồm: Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Việt - Lào khai thác cảng Vũng Áng và Công ty TNHH Phonesack Việt Nam chế biến, xuất khẩu gỗ. Từ năm 2011 trở về trước, lượng hàng hoá quá cảnh của Lào qua cảng Vũng Áng đạt 15.000 tấn, năm 2012 ước đạt gần 500.000 tấn hàng. Nhiều doanh nghiệp của Lào và Thái Lan đang xúc tiến việc xuất hàng đi các nước thứ ba thông qua cảng Vũng Áng.
Hợp tác phát triển thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu luôn được tỉnh quan tâm; đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng giao thương, xuất khẩu hàng hoá và phát triển thương mại biên giới. Giai đoạn 2006 -2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 7.724 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 2.580 triệu USD; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Sản phẩm gỗ và dăm gỗ, khoáng sản, thủy hải sản, nông sản các loại, hàng dệt may, vật liệu xây dựng được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Pakistan, Afganistan. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng điện tử, điện lạnh, nước tăng lực, gạo, hoa quả và hàng hóa khác; nhập khẩu chủ yếu từ: Thái Lan, Trung Quốc, Lào...
Du lịch ngày càng phát triển và thu hút được nhiều khách quốc tế. Tổng lượt khách du lịch trong năm 2012 đạt 923.004 lượt người tăng 22,38% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 15.388 lượt và khách nội địa đạt 907.616 lượt. Đã hợp tác với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan hình thành các tour du lịch thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây theo Quốc lộ 8A qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, hoạt động thương mại, du lịch luôn sôi động. Trong giai đoạn 2006 - 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 670,07 triệu USD; số lượng người xuất nhập cảnh hàng năm trung bình trên 300.000 lượt hành khách; phương tiện xuất nhập cảnh hàng năm trên 50.000 lượt. Lượng khách du lịch từ Lào, Thái Lan vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tăng hàng năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 đạt 183 triệu USD, thu ngân sách đạt 94,4 tỷ đồng VN.
Hợp tác lĩnh vực giao thông vận tải:
Giao thông Hà Tĩnh đã có bước phát triển khá; mạng lưới giao thông đường bộ được đầu tư khá hoàn chỉnh từ đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2010 đến nay đã xây mới và nâng cấp sửa chữa hơn 896km đường và các công trình cầu, cống trên tuyến với tổng vốn đầu
tư trên 262 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA (các nhà tài trợ chính cho lĩnh vực giao thông Hà Tĩnh là ADB, WB). Giao thông thuỷ phát triển tốt, đặc biệt hệ thống cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã được đầu tư với sự hợp tác mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Cảng Vũng Áng được Chính phủ giao cho Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt - Lào đầu tư, khai thác. Cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa Đài Loan đầu tư. Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương cho phép tàu có tải trọng 30 vạn tấn cập cảng; đây là cửa ngõ và đầu mối giao lưu quốc tế lớn của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Hợp tác về đào tạo, xuất khẩu lao động:
+ Hệ thống các cơ sở đào tạo của tỉnh gồm 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp chuyên nghiệp và 37 cơ sở đào tạo khác. Năm 2012 toàn tỉnh đã đào tạo được 24.700 lao động, trong đó có trên 1.657 sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ đại học và cao đẳng.
+ Hợp tác đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đội ngũ:
Hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học được đẩy mạnh, tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên Trung Quốc, Lào sang học tập tại Hà Tĩnh, cũng như sinh viên Hà Tĩnh sang học tập tại Thái Lan và các nước khác. Nhiều cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hà Tĩnh được đi học tập nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các nước như Úc, New Zealand, Nga, Ấn Độ, Thụy Điển, Hoa kỳ, Thái Lan.... Từ năm 2008 - 2012, Trường Đại học Hà Tĩnh đào tạo trình độ đại học cho 557 sinh viên của Lào và 107 sinh viên Trung Quốc. Trường được Chính phủ Lào tặng Huân chương Hữu nghị vì có công lao đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho Lào nhân dịp Kỷ niệm 05 năm thành lập Trường (tháng 05/2012).
+ Đào tạo và xuất khẩu lao động:
Trong những năm qua công tác đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, đào tạo cơ bản phù hợp với qui hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh và kế hoạch sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các tổ chức khác. Từ năm 2006 đến năm 2012, Hà Tĩnh đã đào tạo trên 168.000 lao động, trong đó xuất
khẩu 43.600 lao động, chiếm 26%. Bình quân mỗi năm xuất khẩu 6.000 lao động. Lao động xuất khẩu làm việc tại 57 quốc gia và chủ yếu tại các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Khu vực Đông Âu, Thái Lan, Angola, Lào. Số người đi làm việc tự do ở ngước ngoài không thông qua hợp tác xuất khẩu lao động giữa Việt Nam với các nước lên đến 14.000 người, tập trung ở các nước như Thái Lan, Lào, Angola, Nga...
+ Quản lý lao động nước ngoài:
Trên địa bàn tỉnh đã có 50 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều nhà thầu, cơ quan, trường học, bệnh viện có sử dụng lao động người nước ngoài. Tổng người nước ngoài làm việc tại Hà Tĩnh có đến 30/6/2012 là: 1.297 người, trong đó số người đã được cấp giấy phép lao động là 375 người, lao động không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động 50 người và lao động đang làm thủ tục cấp phép 892 người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các ban quản lý khu kinh tế, UBND cấp huyện và các doanh nghiệp, các tổ chức trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp phép cho lao động nước ngoài tại Hà Tĩnh.
Hợp tác về phát triển nông nghiệp, nông thôn:
Nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua được đầu tư và có bước phát triển khá; tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này giai đoạn 2006 - 2012 đạt bình quân 1,6%/năm, tăng 10,25% so với năm 2005. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác qui hoạch; ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch: Phát triển cây trồng, vật nuôi; Quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung; Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, công nghệ cao; Quy hoạch các sản phẩm chủ lực; Quy hoạch thuỷ lợi; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới...
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh đã chủ trương thúc đẩy mở rộng mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp với một số nước như: Thái Lan về phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghệ cao, chăn nuôi lợn, bò; Đài Loan về phát
triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; CHDCND Lào về phát triển cao su, chế biến xuất khẩu gỗ vv... Tiếp tục hợp tác để tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp sang các nước khác. Hàng năm cử các đoàn đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp tại các nước: Thái Lan, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Pháp và các nước ASEAN...
Trong đầu tư, đã tranh thủ được nhiều dự án với tổng vốn tài trợ trên 1.600 tỷ đồng (2006 - 2011) đầu tư vào các lĩnh vực nước sạch, giống cây, giống con, hạ tầng nông thôn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng kênh mương, hồ đập của các nhà tài trợ: Đan Mạch, IFAD, ADB, WB, Canada, Kuwait.
Về hợp tác với Lào, Thái Lan và Trung Quốc: Lãnh đạo tỉnh đã chủ trì và
tham gia các Hội nghị cấp cao các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng chung đường 8 và đường 12. Tỉnh đã tổ chức các đoàn sang thăm và làm việc với các tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn - Lào; Nakonphanom, Sakonnakhon - Thái Lan. Trong các cuộc hội nghị, gặp gỡ cấp cao, các chuyến công tác, lãnh đạo tỉnh đã hội đàm và tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện hợp tác và đầu tư.
Hợp tác với Lào:
UBND tỉnh đã làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan hai nước (Việt Nam và Lào) về việc thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhamxay, theo mô hình “một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” và tạo điều kiện cho hai tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn hợp tác với Hà Tĩnh; làm việc với chính quyền tỉnh Bôlykhămxay, Hải quan vùng III và một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Lào để thống nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc vận chuyển hàng hóa trên tuyến quốc lộ 8A.
Nhiều doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã đầu tư sang Lào và được phía Lào đồng tình, ủng hộ. Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh đã đầu tư trồng 700 ha
cao su giai đoạn I tại tỉnh Bôlykhămxay; Công ty liên doanh Việt - Lào (Vilaco) thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đầu tư khai thác, chế biến mỏ thạch cao tại huyện Xế Băng Phay, tỉnh Khămmuộn. Một số doanh nghiệp khác đang đầu tư tại Lào trên các lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách, tuyến du lịch...
Tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp của Lào và doanh nghiệp liên doanh với Lào hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng.
Hợp tác với Thái Lan:
Thái Lan có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, thương mại và du lịch. Hà Tĩnh hợp tác với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan để khai thác các lợi thế của 2 bên. Thông qua các hội nghị cấp cao của các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12; Hà Tĩnh đã tổ chức các chương trình làm việc với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan về hợp tác trên các lĩnh vực:
Thống nhất mở tuyến vận chuyển hành khách thường xuyên từ các tỉnh Nakhonphanom, Sakonnakhon đi Hà Tĩnh và ngược lại. Hai bên xúc tiến đề xuất với Chính phủ của mỗi nước để xe của Hà Tĩnh được lưu hành sâu vào nội địa của tỉnh NakhonPhanom và ngược lại. Nhất trí mở tuyến du lịch NakhonPhanom, SakonNakhon - Hà Tĩnh.
Hàng hóa của Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng tăng lên; nhiều mặt hàng như điện tử, đồ gia dụng, máy móc thiết bị, gạo, nước giải khát được nhập khẩu, tiêu thụ trên thị trường Hà Tĩnh và các tỉnh khác của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, tỉnh NakhonPhanom đã giúp tỉnh Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình trồng và điều khiển hoa Lan nở theo thời vụ mong muốn; sản xuất và chăn nuôi bò lai Sarôle bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo