Nguyên nhân đầu tiên của những tiêu cực kể trên đó là do nhận thức của người dân chưa cao, vẫn mang lối tư duy tiểu nông, ham cái lợi nhỏ trước mắt, bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm lợi.
Một nguyên nhân quan trọng không kém đó là cách quản lý của Nhà nước đối với các di tích lịch sử cấp quốc gia chưa thật sự hợp lý, chưa hợp lòng dân, chưa tạo được sự đồng thuận, nhất trí của đông đảo nhân dân.
3.3.1. Một số giải pháp.
Giải pháp đầu tiên có tính chất quyết định đó là Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc diễn ra lễ hội để có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra biến cố.
Tăng cường công tác tổ chức lễ hội sao cho lễ hội diễn ra tiết kiệm, lành mạnh nhưng vẫn mang đầy đủ tính chất của một lễ hội truyền thống dân gian.
Làm tốt công tác tuyên truyền cho lễ hội, sử dụng tối ưu lực lượng sinh viên, học sinh là con của quê hương đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…để truyền bá cho lễ hội.
Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về pháp lệnh tự do tín ngưỡng, tôn giáo, để người dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau đưa chất lượng cuộc sống đi lên, góp phần giữ gìn truyền thống văn hoá từ bao đời nay của dân tộc đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Nâng cao dân trí, có chính sách khuyến học dành cho người tài, thu hút nhân tài về xây dựng quê hương.
Nhà nước và địa phương có những chính sách ưu tiên, ghi nhận công lao của các thủ nhang trông coi các đền, phủ trong quần thể di tích Phủ Dầy.
KẾT LUẬN
Một thời người ta lầm tưởng dân tộc Việt Nam không có một đạo giáo riêng, có chăng chỉ là lặp lại triết lý của đạo Phật từ Ấn Độ, đạo Khổng, đạo Lão của Trung Hoa. Lại có người hiểu chưa rõ về tam giáo ở Việt Nam là một sự dung hợp, hay nói khác đi là sự Việt hoá ba hệ thống tư tưởng ngoại lai, thành một quan điểm thích hợp với hoàn cảnh đất nước, sự sinh ồn dân tộc như nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Đồng quy phù đồ". Nghĩa là một sự phối hợp, có biện chứng sinh thành.
Nhưng không phải vậy, người Việt từ bao đời nay luôn tự biết chắt lọc tinh tuý giữ lại cho mình, dẫn chứng sinh động nhất chính là tín ngưỡng thờ Mẫu và tục thờ Mẫu còn tồn tại đến tận bây giờ. Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh có từ thế kỷ XV tính đến nay đã được hơn 500 năm và yếu tố tín ngưỡng nội địa càng thấy rõ rệt, càng chiếm ưu thế. Phải chăng do sự ngưỡng mộ dân gian nguyên thuỷ, cùng việc tiếp nhận văn hoá nhân loại, sự sàng lọc gạn đục khơi trong, lựa chọn tinh hoa và cả sức đấu tranh với "vọng ngoại", mới có được nét đẹp truyền thống. Sự "hồi cổ" đã tạo nên một tín ngưỡng bản địa của chính quê hương, đấtnước mình và nó đã song song tồn tại cùng các tôn giáo ngoại lai, đứng vững trong nhiều thế kỷ, gây ảnh hưởng rộng khắp trong nước cũng như một số nơi trên thế giới. Trên quê hương Phủ Dầy - Vụ Bản - Nam Định người xưa để lại khá nhiều công trình thờ tự liên quan đến Mẫu Liễu, liên quan đến cộng đồng Tứ phủ trong tín ngưỡng. Mẫu bản địa và ngay cả chùa thờ Phật, đền thờ vua, thờ Thành Hoàng dân gian cũng gắn cả việc thờ Thánh Mẫu, phải chăng để cho trọn đức nhân, đức nghĩa như cổ nhân dạy: "Đức giả bản dã, tài giả mạt dã". (Đạo đức là gốc, tiền của là ngọn).
Hiện nay do sự phát triển của tín ngưỡng nội địa mà hệ thống công trình ở Phủ Dầy đã lên tới gần 20 đền, phủ, lăng, chùa… Do thời gian phong sương, do chiến tranh tàn phá các công trình đã bị hư hại không ít, nhưng được sự quan tâm của Nhà nước cùng sự hảo tâm của nhân dân, đặc biệt là các con công đệ tử các công trình đã được trùng tu, tô tạo lại hoàn thiện, phuc vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân cả nước.
Mảnh Đất Vụ Bản vốn đã có nhiều sự lạ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi sự lạ nhất trong "Thiên Bản lục kỳ". Sự sùng kính đối với Mẫu Liễu đã trở thành một nét văn hoá ăn sâu vào đời sống của người dân nơi đây. Đươc "ăn lộc" Mẫu nên người dân vùng Vụ Bản có điều kiện phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du khách hành hương về lễ Mẫu. Việc hệ thống di tích Phủ Dầy được đặt trên huyện Vụ Bản là một thuận lợi to lớn để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây. Tuy nhiên, lễ hội Phủ Dầy cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực như nạn lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan làm mất đi thuần phong mĩ tục, mất đi những giá trị quý báu của dân tộc ta làm ảnh hưởng không nhỏ đến người dân trong vùng có lễ hội.
Thiết nghĩ lễ hội nào cũng có mặt trái nhưng việc đảm bảo cho lễ hội Phủ Dầy vừa diễn ra lành mạnh, giúp nhân dân trong vùng phát huy hết tiềm năng du lịch địa phương nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống văn hoá Việt đó chính là vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành quản lý có liên quan.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Trần Thị An, Sự vận động của truyền thuyết về Mẫu qua những truyện kể về Mẫu Liễu Hạnh và truyền thuyết về nữ thần Chăm (tr44).
2.Trần Thị An, Nghiên cứu văn học số 6/T6 - 2007, Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn (tr27),.
3. Đại Việt sử ký toàn thư.
4. Hồng Hà Đoàn Thị Điểm, Truyền kỳ tân phả.
5. Đinh Gia Khánh, Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hoá dân gian ở Việt Nam, ( tr3).
6. Nguyễn Thị Huế, Từ Phật Mẫu Man Nương đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tr50).
7. Chúa Liễu qua nguồn thư tịch (tr32), Vũ Ngọc Khánh
8. Liễu Lã Duy Lan, Hạnh trong "Vân Cát thần nữ truyện" và Liễu Hạnh trong tâm thức dân gian (tr40).
9. Đặng Văn Lung, Thử tìm hiểu cách xây dựng hình tượng Mẫu Liễu (tr24). 10. Đặng Văn Lung (1999). Mẫu Liễu và đạo đời.
11. Phan Đăng Nhật, Những yếu tố cấu thành hình ảnh "Địa Tiên Thánh Mẫu" (tr29).
12. Phạm Quỳnh Nương, Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh trong hệ thống thờ nữ thần của người Việt (tr57).
13. Bùi Văn Tam. Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh,NXB VHDT - 2001.
14. Ngô Đức Thịnh, Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh - một sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá cộng đồng (tr17),.
15. Hồ Đức Thọ (2003), Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hoá - lễ hội Phủ Dầy. NXBVHTT.
16. Hoàng Văn Trụ, Mẫu Liễu Hạnh và Quan Âm Thị Kính qua cảm quan sáng tạo dân gian (tr54).
17. Văn Ty, Bước đầu tìm hiểu âm nhạc chầu văn và tín ngưỡng Mẫu Liễu (tr63),. Tạp chí văn học, chuyên san thần thoại và truyền thuyết Mẫu Liễu 5/1992.
18. Bức tranh văn hoá dân gian lễ hội Phủ Dầy (tr63), Thang Ngọc Pho. 19. Tam toà Thánh Mẫu, NXB VHDT - 1991.
20. Sự tích dân gian Việt Nam - NXB Phụ nữ - 1999. 21. Cát Tiên Tam Thế thực lục - Bản chữ Hán - 1913. 22. Mẫu Liễu sử thi - NXB VHDT - 2000.
23. Hát chầu văn NXB Âm nhạc Hà Nội - 1996. 24. Hồ sơ di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy. 25. Tư liệu văn bia câu đối…Phủ Dầy.
26. "Những phát hiện mới về khảo cổ học" - Viện khảo cổ học Việt Nam - những năm 1985 - 1990.