Nhắc đến tín ngưỡng thờ Mẫu chúng ta thường nhớ ngay đến hai trung tâm thờ Mẫu lớn nhất nước ta đó là Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Dầy (Nam Định). Phủ Dầy là một quần thể di tích lịch sử - văn hoá toạ lạc chủ yếu trên địa bàn hai thôn Tiên Hương và Vân Cát (xưa là làng Kẻ Dầy xã An Thái), nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Quần thể Phủ Dầy gồm khoảng hai mươi di tích, đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1975. Phần lớn các phủ, điện, đền, chùa trong hệ thông di tích Phủ Dầy đều thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị thần chủ của đạo Tứ phủ. Tìm hiểu về Phủ Dầy chúng ta không chỉ được hiểu thêm về một tín ngưỡng đăc trưng của người Việt Nam, mà còn giúp chúng ta biết được thân thế của Mẫu Liễu cũng như hệ thống đền, phủ, lăng…đa dạng, phong phú, được mệnh danh là cảnh đẹp hiếm có nơi đồng bằng Bắc Bộ ở chính mảnh đất "địa linh nhân kiệt" này.
2.2.1. Huyền tích Mẫu Liễu Hạnh.
Hiện nay có rất nhiều tài liệu, nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, kéo theo đó là rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về xuất thân của các Mẫu. Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu qua nhiều nguồn tư liệu quý, chủ yếu là trong "Cát tiên tam thế thực lục" của Phủ Nấp (Quảng Nạp, Yên Đồng, Ý Yên), viết và in bản khắc đời Duy Tân đầu thế kỷ XX, được lưu giữ tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát và "Thần tích làng Vân Cát" tìm trong thư viện Viện Hán Nôm Việt Nam.
Lịch sử Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trải qua hơn 500 năm, ba lần sinh hoá. Tiền thân của Mẫu là tiên nữ của Ngọc Hoàng đầu thai vào họ Phạm từ năm Thiên Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông ở làng Nấp (tức Quảng Nạp còn gọi là thôn Vĩ Nhuế, nay thuộc Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định). Bà tên là Phạm Thị Nga, đầu thai vào nhà họ Phạm, không lấy chồng, ở vậy nuôi dưỡng bố mẹ già. Hai mươi năm sau, bố mẹ qua đời, bà lập chùa đi tu. Năm 40 tuổi, bà qua đời, trở về thiên đình. Dân làng Nấp lập phủ thờ bà, gọi là phủ Nấp, coi là tiền thân của Mẫu Liễu Hạnh. Bà giáng sinh lần thứ hai ở làng Kẻ Dầy, lấy chồng là Trần Đào Lang, 21 tuổi lại về trời. Lần thứ ba bà giáng sinh ở làng Sóc, lấy chồng là Mai Sinh. Đó là ba lần sinh hoá. Do đó năm 1938, đệ tử chùa Phổ Hoá Xuân Kinh ở Huế quyên góp công đức lập lăng Mẫu Liễu, ghi nhiều câu đối ở lăng, trong đó có câu đối nôm nói lên ba lần sinh hoá của Mẫu, sự nghiệp hơn trăm năm lẻ là tính từ lúc Mẫu giáng sinh năm 1434 đời Thiệu Bình.
"Sinh hoá suốt ba phen, trình hiếu gương treo miền quận Bắc
Tinh thần năm trăm lẻ, anh linh rọi chiếu chốn Thành Nam" [24, tr. 22].
Để hiểu rõ về thân thế Mẫu Liễu Hạnh một cách tương đối đầy đủ nhưng gọn rõ, tôi xin trích phần đầu cuốn "Trần tộc cựu tích phả ký" của dòng họ đang thờ phụng các vị khải thánh sinh ra Mẫu và ba vị Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa, Duy Tiên công chúa và Quế Hoa công chúa) là Tam toà Thánh Mẫu.
Theo nguyên bản chữ Hán, phả này của họ Trần gốc Lê chuyển về An Thái từ đời Trần. Phả ghi niên đại: Cảnh Hưng nhị thập thất niên tam nguyệt nhị thập nhật (ngày 20 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 27 - 1766) được sao lại xong ngày 21 tháng 8 năm Khải Định thứ 8 (1923). Phả này có nhiều chi tiết mà các tập "Tiên từ phả kí" hay "Vân Cát thần nữ truyện" không có.
Từ đời nhà Trần chuyển về thôn Vân Cát, xã An Thái (nay thuộc xã Kim Thái) huyện Thiên Bản, Phủ Nghĩa Hưng, Đạo Sơn Nam, có một gia
chất phác, thuần hậu, chuyên tâm làm việc phúc đức, cố gắng làm điều nhân nghĩa, mọi việc đều do thiện tâm mà làm, sớm chiều chăm chỉ đèn hương thờ phụng, một lòng cầu khẩn Thượng Đế cho thoả lòng mong ước, bốn mươi tuổi mới cầu sinh được một đứa con.
Năm Thiên Hựu đời vua Anh Tông (1557), bỗng bà mang thai, đã quá kì sinh nở, tự nhiên chỉ thích nằm lặng thinh một mình trong phòng ngửi hương thơm các loài hoa mà thôi. Ông Thái nghi nghi, hoặc hoặc cho là yêu quái quấy nhiễu vội thiết lập trai đàn mời thầy đến lễ Phật, lên đồng cầu đảo, đều không có kết quả. Những ngày sau, bệnh càng nặng thêm. Bỗng đêm Trung thu, ngoài cửa có một người ăn mặc áo choàng vải thô cũ kĩ đến chào, nói có pháp thuật chữa bệnh. Người nhà thấy thế vội dẫn vào gặp ông Thái. Ngay lúc đó, người khách tu hành này nói rằng: Ta là người có phép lạ, hàng long phục hổ, xuất quỷ nhập thần, nghe nói người nhà này chăm chỉ làm việc phúc đức, nên đến giúp đỡ. Thái công vội vã mời vào nhà. Nhìn vào túi đeo ở vai của khách thấy không có vật gì lạ, ngoài một chiếc búa nhỏ mà thôi. Thái công ngỏ lời xin giúp đỡ. Nhà tu hành vội xoã tóc đăng đàn, ngửa mặt lên trời lầm rầm cầu khấn rồi ném phịch búa xuống đất. Thái công tự nhiên nằm lăn bất tỉnh, lâng lâng bước tới một toà thành vàng sừng sững, cửa ngọc thênh thang. Bọn lực sĩ thay quần áo cho ông rồi dẫn ông vào cửa trùng đứng chờ ở nhà ngang. Bỗng ánh hồng toả sáng rực rỡ, quần thần cầm hốt đứng chầu hai bên sân rồng có tới trăm vị. Thái công đang ngơ ngác, bỗng thấy một tiên nữ cầm chén ngọc dâng rượu thọ lên Ngọc Hoàng, không may lỡ tay đánh rơi mẻ mất một góc, Thượng Đế tức giận ban sắc chỉ đầy xuống trần gian, thét lực sĩ dẫn đi. Thái công giật mình tỉnh dậy thì thấy bà sinh con gái. Đó là ngày rằm tháng tám năm Đinh Tỵ, đời vua Lê Anh Tông, niên hiệu Thiên Hựu năm thứ nhất (1557).
Lúc nàng chào đời, hương thơm sực nức khắp phòng, ánh sáng sán lạn, huy hoàng. Mặt nàng hồng tươi như mặt trời, da phấn môi son, mắt phượng mày ngài lấp lánh như sóng mùa thu, tóc sáng như gương khác hẳn người thường. Khi khôn lớn, cha lấy chữ Tiên đặt tên là Giáng Tiên, cho ở riêng một
phòng để học chữ, thích đọc sách, lại ham đánh đàn, tinh thông âm luật, thật kì diệu như Tương Như, tài cao như Lộng Ngọc. Phàm lúc thư nhàn lại gặp ngày xuân ấm áp, oanh yến đua nhau hót, hoặc đêm khuya thanh vắng, hoặc khi lựu sen đua sắc, nàng thường làm thơ ngâm vịnh. Trong làng có một vị quan trí sĩ là Trần Công Tế, Thái công bèn cho nàng sang nhận làm cha nuôi. Ông Trần Công Tế đem về nuôi dưỡng, đến tuổi mười lăm đã giỏi cả công dung ngôn hạnh, ông dựng một lầu riêng ở vườn hoa cho nàng học tập, đổi tên nàng là Thắng.
Trong làng, giáp nhì là thôn Vân Đình có một nhà quan tên là Phổ. Ông Phổ thấy nàng tuổi mới mười tám mà nói năng lễ độ, tư chất khác thường, muốn hỏi nàng làm vợ cho Đào Lang. Cha đẻ và cha nuôi đều vui mừng vì đều là người cùng làng nên nhận lời ngay. Ông Phổ bèn tiến hành lễ cưới, đón dâu về nhà. Từ đó nàng Tiên cùng Đào Lang hoà hợp cuộc lương duyên, hiếu thuận với người trên, kẻ dưới trong nhà, ra vào đúng mực, tình nghĩa vợ chồng sâu nặng đã được ba năm, hai người sinh được một con gái, hạnh phúc gia đình thật đầy đủ.
Đến đời Lê Thế Tông, niên hiệu Gia Thái thứ năm (1577) nàng Tiên không bệnh mà qua đời (vào lúc giờ Dần - sáng ngày mồng 3 tháng 3 năm Đinh Sửu) lúc đó nàng mới 21 tuổi. Ba ông vô cùng thương tiếc. Từ đó trên thân mình nàng tự nhiên sương mây mờ mịt bay toả lên, thân thể hình hài của nàng dần dần không thấy nữa. Nàng hoá tại xứ Mả Quan (nay gọi là xứ cây đa), mộ đặt hướng Đông Nam. Ba ông đều cho là sự lạ. Lúc đó, Giáng Tiên thăng lên Thiên Đình, vào chầu Thượng Đế, Thượng Đế rất mừng.
Giáng Tiên về chầu trời, nhưng duyên trần còn nặng gánh, tư tình còn vương vấn, nên những lúc chầu ở Ngự Lâu hay hội yến ở Diêu Trì thường thường sầu não, chau mày rơi lệ, các nàng tiên thấy vậy vội tâu với Thượng Đế. Thượng Đế thương tình phong nàng là Liễu Hạnh công chúa cho tái hồi trần gian.
Nàng Tiên vâng mệnh về trần gian, hiện thành người y như lúc đang sống (bước vào phòng cũ), nàng bỗng thấy Thái bà thương nhớ than khóc. Nàng vội ôm lấy mẹ mà nói rằng:
- Mẹ ơi! Con đang ở đây, cha mẹ bất tất phải buồn thương nữa.
Thái bà ngạc nhiên ngước mắt lên hỏi:
- Con ta ở đâu mà về đây với mẹ? Con không chết thật ư?
Nàng Tiên lắc đầu, lệ rơi lã chã. Ba ông nghe tin đều chạy tới, vừa sợ, vừa mừng tíu tít hỏi han, cùng nắm lấy tay nàng. Nàng Tiên lạy chào khóc mà nói rằng:
- Con thật bất hiếu nhiều lắm, làm luỵ đến bố mẹ. Không phải là con không muốn ở lại hầu hạ bố mẹ, muốn được mặc áo hoa múa may trước thềm, muốn dâng trà mà tranh nhau làm vui trước bố mẹ. Nhưng số trời đã định khó đổi thay được, mong ba bố mẹ đừng nhớ thương sầu não vì con mà tha tội cho con.
Nói đoạn nàng quay sang dặn dò em trai việc chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ rồi bái từ xin đi. Ba ông vội ngăn lại, cùng nói:
- Từ khi con từ bỏ trần gian, chúng ta thường buồn phiền vô hạn, hồn xiêu phách lạc, nay con đã trở về thì ở lại luôn, sao vội từ biệt ngay thế.
Nàng Tiên thưa lại rằng:
- Con vốn là đệ nhị Tiên Cung, vì mắc lỗi làm vỡ chén ngọc mà bị trích đầy xuống trần thế. Nay lại từ trần thế trở về để hầu hạ Thượng Đế, nhưng lòng vẫn nhớ công ơn dưỡng dục của bố mẹ nên trở lại hầu thăm, không thể lần lữa chốn nhân gian được vì ba hồn chín vía đã lên trời. Bố mẹ đều có âm công, đã được ghi tên vào sổ tiên đình, một ngày nào đó sẽ được đoàn tụ, xin đừng buồn phiền nữa.
Nói xong nàng biến mất.
Một đêm trời thu se lạnh, cảnh sắc thê lương, mưa rơi rả rích, gợi nên cảnh buồn thương da diết, Đào Lang ẵm con ngồi ngâm thơ nghĩ ngợi mông lung. Chợt một luồng khí lạnh từ đâu đưa tới, ngọn nến chập chờn khi tỏ khi
mờ, chàng lắng nghe như có tiếng gõ cửa gấp gáp. Đào Lang ra mở cửa thì nàng Tiên bước vào. Chàng vừa kéo áo nàng vừa khóc:
- Ta nay có phúc lớn gặp được Tiên, sinh con đẻ cái, gia đình sum họp vui vầy, ngờ đâu giữa đường chia phôi, phượng loan gãy cánh, nửa đêm giá lạnh, gối chiếc chăn đơn, tĩnh mịch biết nhường nào. Nàng có thương tình hãy cho ta đi theo.
Nàng Tiên dìu chàng Đào Lang ngồi xuống, lấy tay áo lau mặt mà nói:
- Chàng nói sai rồi, xưa nay ai chẳng chung tình, nhưng không nên say đắm khách má đào mà quên trí thanh vân. Vả lại, trên đời này còn có cha mẹ, con cái, chàng đi thì biết trông đợi vào đâu.
Đào Lang đáp:
- Ta không phải là không biết thế, chỉ e vì buồn rầu về nỗi thương nhớ vợ không chắc gì sống ở đời được.
Nàng Tiên an ủi chàng:
- Thiếp là Tiên nữ Thiên cung, chàng cũng là tinh tào nơi Thượng Đế cùng phối hợp duyên lành, phải chăng đó là do tiền định, nhưng ân tình chưa vẹn, sum vầy chưa trọn, đợi sau mươi năm nữa, chúng ta sẽ được vui vẻ sống với nhau, bất tất phải thương tâm như thế.
Rồi vợ chồng nên phòng ngủ, nàng tỉ tê khuyên chàng về đạo tu thân tề gia, chính tâm trung hiếu. Canh năm vừa đến, nàng vội mặc áo, nói với Đào Lang:
- Quê làng không có nhiều người thân, nhà cửa của thiếp lạnh lẽo, cha mẹ thiếp đã già rồi, có ý trông mong vào chàng, chàng nên lui tới thăm hỏi, thay thiếp sớm hôm, không nên xao nhãng tình thân.
Nói xong nàng bay vào không trung mà biến mất.
Từ đó, nàng như mây nổi lưng trời, không nhất định ở đâu cả. Có khi giả làm cô gái đẹp ca hát thổi sáo dưới ánh trăng vàng. Có lúc lại hoá thành bà già tựa gậy trúc ven đường. Phàm kẻ nào dùng lời bỡn cợt tất sẽ bị tai vạ, nhưng người nào thành kính mang lễ vật đến cầu xin lại được phúc lành. Tiền
Ít lâu sau, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi kế tiếp nhau qua đời. Không còn vương vấn gì nữa, sau khi lo tang ma xong, nàng Tiên lại tiếp tục ngao du thiên hạ, thăm viếng các danh lam thắng cảch, sông núi hữu tình, hiển ứng thành hình người nơi đó. Từ đó về sau, hoá hoá, sinh sinh, hiển hiện, biến ảo khôn lường, để lại nhiều bài thơ, bài từ đối hoạ nổi tiếng.
Một hôm, Thượng Đế bỗng nhìn thấy nàng Tiên hiện lên tâu trước đế đình rằng hạn năm kỉ đã hoàn tất, chỉ mong suốt đời được tự do phóng khoáng, xin được giáng trần không thời hạn. Nàng Tiên vâng mệnh xuống thẳng miền Thanh Hoá, đến phố Cát, đền Sòng Sơn, tác oai, tác phúc trên hai đoạn đường này, làm kinh động dân trong vùng. Dân phải lập đền thờ.
Đến đời Lê Thần Tông, năm thứ 8 niên hiệu Dương Hoà (1642) khách bộ hành qua lại vùng này rất đông mắc phải nhiều hoạ, phúc. Triều đình cho rằng vùng này có yêu quái hoành hành bèn mời Vũ Lâm thuật sĩ dùng pháp thuầt để tiễu trừ, đốt cháy, phá huỷ miếu sở. Tự nhiên dịch bệnh lan tràn, người và súc vật trong làng chết nhiều. Dân làng lập đàn cầu xin, bỗng nhiên trên đàn phát ra tiếng nói nghiêm khắc khuyên bảo:
- Ta vốn là Tiên nữ trên trời, hiển thánh xuống trần gian. Dân làng phải xin triều đình lập lại đền miếu cho ta.
Triều đình thấy là sự lạ lập tức ra lệnh trùng tu ngay ngôi đền, sắc phong là "Mạ Vàng công chúa", nhân dân cầu xin gì đều linh ứng. Chúa Trịnh đi đánh Chiêm Thành lập nhiều công trạng, trở về đã sắc phong gia tặng "Chế thắng hoà diệu đại vương", được vinh dự liệt vào sách lễ, ngàn năm hương lửa không dứt.
Đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 8 (1670) vâng chỉ nhà vua được lợp đền ngói. Đời vua Lê Hy Tông, Chính Hoà năm thứ 2 (1681) vua lại ban cho 10 sai phu (người quét dọn trông coi) phục vụ trong đền.
Các triều vua đều tặng thêm sắc phong "Thượng đẳng thần rất linh thiêng", di tích chính này ở làng An Thái (Phủ Dầy).
Câu chuyện về huyền tích Mẫu Liễu hư hư, thực thực, lung linh, kì ảo. Huyền tích vẫn mang cái vẻ nửa thực nửa mơ, chỉ có lòng thành kính của con người đối với Mẫu Liễu là có thật và được biểu hiện cụ thể.
2.2.2. Lễ hội Phủ Dầy - một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân.
* Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh có từ năm 1434 đến nay đã khoảng 577 năm. nếu tính từ giai đoạn giáng sinh lần thứ 2 (1577) cũng đã 434 năm và yếu tố tín ngưỡng nội địa càng thấy rõ rệt, càng chiếm ưu thế. Đây là sự phát triển không phải ngẫu nhiên mà là sự phát triển theo quy luật lịch sử… Thật thế! Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện trong xã hội có đủ yếu tố chủ quan, khách quan của tâm thế xã hội. Nó biểu hiện một khía cạnh truyền thống của tín ngưỡng văn hoá nguyên thuỷ. Nó bộc lộ sự bùng lên về tâm linh theo xu hướng bài trừ "vọng ngoại" do đó mà diện mạo tục thờ vừa phong phú đa dạng vừa mang ý nghĩa độc lập tự chủ.
Quá trình chấp nhận cũng như tiến triển tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trải qua nhiều thế kỉ và đang hiện diện rực rỡ, song song tồn tại, cùng đạo