Những thành công

Một phần của tài liệu Pháp luật về ưu đãi xã hội và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 74)

6. Kết cấu của luận văn

2.3.1.Những thành công

Đà Nẵng đã trải qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh, đặt những mốc son chói lọi góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp to lớn về sức người, sức của cho

70

tuyền tuyến, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Đà Nẵng hiện có hơn 93.000 lượt đối tượng chính sách , trong đó có 15.870 liệt sĩ với hơn 27.000 thân nhân; 9.400 thương, bệnh binh; 619 cán bộ tiền khởi nghĩa; 18.810 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 6.779 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; 3.956 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.308 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.805 con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Toàn thành phố hiện có gần 21.000 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hàng năm gần 300 tỷ đồng [38, tr.3].

Ngay sau khi Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành. UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan đơn vị trong thành phố đẩy mạnh việc tổ chức triển khai. Riêng các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố đã thực hiện hơn 50 chương trình, chuyên đề truyền tải đến nhân dân các địa phương về ý nghĩa, nội dung của Pháp lệnh và các chế độ chính sách liên quan. Qua đó làm cho quần chúng nhân dân trên địa bàn ngày càng thấy rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với chính sách ưu đãi người có công trong thời gian vừa qua và trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời làm cho các đối tượng người có công nâng cao nhận thức và hiểu rõ hơn các qui định về chính sách mới được ban hành, từ đó tự kê khai, thiết lập hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ chính sách đúng trình tự và đảm bảo nhanh gọn, chính xác, đúng quy định. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7), UBND thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm giúp đỡ, động viên, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công với cách mạng vươn lên để có đời sống vật chất tinh thần ổn định.

71

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về chế độ chính sách mới Sở Lao động Thương binh xã hội thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ 56 xã, phường và 6 quận huyện trên toàn thành phố hiện đang đảm nhiệm công tác thương binh xã hội, đồng thời thống nhất quản lý các diện đối tượng và thực hiện các chế độ chính sách trong toàn Thành phố. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và xã hội cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tập trung chỉ đạo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy và cơ quan chuyên môn cấp trên để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắt trong việc xử lý, giải quyết chính sách đảm bảo nhanh gọn, đúng đối tượng.

Công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến chính sách người có công trên địa bàn thành phố được giải quyết theo qui trình một cửa và một cửa liên thông. Đối tượng thụ hưởng chính sách không phải đi hết cơ quan này đến cơ quan khác để lập các thủ tục liên quan đến chính sách mà chỉ cần nộp hồ sơ tại một đầu mối là tổ tiếp nhận và trả kết quả tại phường, xã và được nhận kết quả cuối cùng tại tổ tiếp nhận và trả kết quả, thời gian đúng theo qui định hoặc sớm hơn. Đây cũng là một trong những thuận lợi để những người có công có đủ điều kiện để đề nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách.

Bên cạnh đó phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ tiếp tục được phát triển sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Xây dựng xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ trở thành phong trào được các cấp ủy, chính quyền đưa vào thành chỉ tiêu phấn đấu hàng năm, tạo nên không khí lành mạnh, nhiệt tình ở cơ sở đối với công tác chăm sóc người có công. Công tác chăm sóc sức khỏe đối tượng chính sách được thực hiện chặt chẽ, chu đáo. Đến nay, đã có “156.370 lượt đối tượng chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 25.000 lượt đối tượng chính sách được khám và phát

72

thuốc miễn phí, 32.386 lượt đối tượng chính sách được điều dưỡng luân phiên (gồm điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà), với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng” [46,tr 4].

Trong những năm qua công tác qui hoạch khai thác quỹ đất tại thành phố Đà Nẵng là một trong những nơi thực hiện đạt hiệu quả cao, việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cũng như công tác an sinh xã hội được đưa lên hàng đầu, đặc biệt là đối tượng chính sách nằm trong diện giải tỏa, bố trí tái định cư đều được miễn giảm tiền sử dụng đất theo qui định. Trong công tác đền bù và bố trí tái định cư Thành phố cũng đã có những chính sách ưu tiên đối với các gia đình chính sách như bố trí đất tái định cư có vị trí thuận lợi như ngã ba, ngã tư để gia đình chính sách có điều kiện kinh doanh hoặc thuận lợi trong việc sinh hoạt được thoáng mát.

Phong trào phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị đồng tình hưởng ứng, với 100% Mẹ được phụng dưỡng. Từ năm 2007, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi các đơn vị phụng dưỡng nâng mức phụng dưỡng lên 500.000 đồng/tháng và đến năm 2010 nâng lên 1.000.000 đồng/tháng. Đối với các Mẹ có mức phụng dưỡng thấp hơn mức quy định thì được thành phố cấp bù cho đủ mức quy định. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà… đã mang lại cho các mẹ có cuộc sống ổn định cả về vật chất và tinh thần.

Ngoài việc thực hiện tốt chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương, thành phố Đà Nẵng còn có nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng. Năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 300.000 đồng/tháng. Năm 2010, UBND thành phố ban hành Quyết định số 01/QĐ-

73

UBND trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách có mức trợ cấp thấp có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng. Vào dịp Tết nguyên đán và ngày Thương binh Liệt sĩ hằng năm, lãnh đạo thành phố đều tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đối tượng chính sách, gia đình chính sách. Trong 10 năm qua có 699.371 lượt đối tượng chính sách được tặng quà, tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm chính quyền thành phố và các quận, huyện , xã phường cũng tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đối tượng chính sách, gia đình chính sách đồng thời còn trợ cấp khó khăn đột xuất cho hàng trăm trường hợp [46,tr 6].

Ngoài ra, hệ thống cơ sở xã hội, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công luôn được Thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp và cơi nới thêm, đã và đang đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công.

Tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, có nhiều mô hình, hoạt động phong phú, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong việc chăm sóc người có công và tuyên truyền giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tiêu biểu như mô hình “Người con hiếu thảo” ở Hòa Khương huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng với hàng trăm đoàn viên thanh niên trong xã nhận làm con các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và mẹ liệt sĩ neo đơn, tận tình giúp đỡ các mẹ trong lao động sản xuất, quét dọn nhà cửa, chăm sóc, phục vụ các mẹ khi đau ốm. Phụ nữ xã trung du Hòa Phong huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng cũng đã có mô hình “Mâm cỗ tri ân” bằng việc tự nguyện đóng góp tiền làm mâm cỗ cúng liệt sĩ tại các gia đình liệt sĩ neo đơn vào ngày 27-7 hằng năm. Bệnh viện C Đà Nẵng, Viễn thông Đà Nẵng, hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên phường Tam Thuận - quận Thanh Khê, phường Mân Thái - quận Sơn Trà … tổ chức các cuộc hành quân Về nguồn, thăm lại các khu căn cứ, các chiến trường xưa, … Đến nay, tất cả 56 xã, phường ở thành phố Đà Nẵng đều được công nhận là “Xã, phường làm tốt công tác

74 thương binh, liệt sĩ và người có công”.

Từ năm 2011, hội Cựu chiến binh thành phố, Thành đoàn và Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã ký kết kế hoạch phối hợp chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ hàng năm và dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ mỗi tháng 2 lần vào tối ngày 14 và tối ngày cuối tháng âm lịch.

Trong 10 năm qua (1997 - 2007), toàn thành phố đã đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 65 tỷ đồng và được sử dụng vào việc hỗ trợ cải thiện nhà ở, trợ cấp đối tượng chính sách khó khăn, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ … Đến nay 100% gia đình chính sách trên địa bàn thành phố có nhà ở ổn định, có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú [46,tr.9].

Một phần của tài liệu Pháp luật về ưu đãi xã hội và thực tiễn thực hiện tại thành phố Đà Nẵng (Trang 74)