Đặc điểm tự nhiên và xã hội

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng (Trang 49)

Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía Đông miền duyên hải Bắc bộ, ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà nội 102km; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Đông là biển Đông với đường bờ biển dài 125km, nơi có 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình.

Hải Phòng ngày nay là thành phố trực thuộc Trung ương - là đô thị loại 1 cấp quốc gia gồm 7 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và Hải An), 6 huyện ngoại thành (Thuỷ Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ) với 223 xã, phường và thị trấn.

Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của đất nước, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người Hải Phòng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã từng chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc [57].

Được xác định là thành phố với vị trí địa chính trị quan trọng, Ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát

44

triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nội dung xác định:

Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, lá chắn cho Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, luôn phát huy truyền thống cách mạng và năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, đến nay Hải Phòng đã trở thành một thành phố công nghiệp, đô thị loại I của đất nước; một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển-đảo; có vị trí trọng yếu cả về kinh tế và quốc phòng-an ninh. Xây dựng và phát triển Hải Phòng về nhiều mặt còn có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước [9].

Có thể nói, Hải Phòng là nơi có lịch sử vinh quang ngàn năm, một vùng đất hội tụ đầy đủ khí thiêng sông núi, và một cư dân anh dũng, sáng tạo và rất cởi mở, dễ hoà hợp với bè bạn bốn phương. Những người dân từ nhiều miền quê đến sinh sống tại vùng đất cửa biển này đã hình thành nên tính cách kiên nghị, năng động, sáng tạo trong lao động, luôn nhạy bén với cái mới, làm cho người Hải Phòng sớm tiếp thu được những tinh hoa của thời đại trước biến thiên của lịch sử.

Với vị trí địa lý và xã hội có sự giao lưu phong phú về kinh tế, văn hóa, Thành phố Hải Phòng còn là nơi hoạt động của nhiều tổ chức tội phạm nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia. Nhiều băng ổ nhóm tội phạm ma túy đặc biệt lớn, mại dâm, giết người, cướp tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn giao thông… còn diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn trọng điểm và khu vực nông thôn, nhất là khu

45

vực phải thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất để triển khai các dự án còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.Việc giải quyết một số vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc còn chậm, kéo dài.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng (Trang 49)