Phương pháp giáo dục pháp luật được hiểu là cách thức tổ chức hoạt động và thực hiện một hoặc nhiều hoạt động cụ thể của chủ thể giáo dục pháp luật tác động lên đối tượng giáo dục pháp luật nhằm đạt được mục đích đề ra.
Trong hoạt động xét xử của Tòa án, phương pháp giáo dục pháp luật là sự kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế, giữa phân tích, diễn giải pháp luật qua những vụ việc cụ thể có thật trong đời sống xã hội.
Nói về vai trò giáo dục pháp luật của Tòa án, trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô – Viết” V.I Lênin đã chỉ rõ rằng: “nhiệm vụ rất
lớn của Tòa án là cưỡng chế và giáo dục kỷ luật cho nhân dân” [22, tr.217].
Đây là quan điểm phù hợp với định hướng của Đảng là: “Kết hợp biện pháp
giáo dục phòng ngừa là cơ bản, với trấn áp, trừng trị các loại tội phạm” [4].
Xuất phát từ chủ thể và đối tượng giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử tại Tòa án nên phương pháp giáo dục cũng khá đa dạng phụ thuộc vào vị trí và đặc điểm của từng chủ thể, từng đối tượng. Phương pháp giáo dục pháp luật trong hoạt động của Tòa án có nét đặc trưng riêng so với các hình thức giáo dục pháp luật khác. Thể hiện ở sự kết hợp giữa phương pháp thuyết phục, chứng minh của kiểm sát viên, luật sư, giám định viên… trong quá trình
26
xét hỏi, tranh luận cũng như của Hội đồng xét xử trong phần lập luận của bản án với phương pháp cưỡng chế bằng quyền lực Nhà nước khi Hội đồng xét xử “Nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ra bản án, quyết định, thể hiện rõ ràng, dứt khoát thái độ của Nhà nước đối với những người và những vụ việc được đưa ra xét xử. Tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, phải nghiêm chỉnh chấp hành. Sự kết hợp phương pháp thuyết phục và cưỡng chế được quy định bởi tính giáo dục và cưỡng chế của pháp luật được thể chế cụ thể thông qua các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng.
Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử tại Tòa án là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn giải, hùng biện của luật sư, kiểm sát viên thể hiện qua Bản luận tội, bài bào chữa với phương pháp phân tích chặt chẽ, xác đáng của bản án khi quyết định những vấn đề cụ thể trong thực tế cuộc sống.
Xuất phát từ thực tế giải quyết các vụ việc thực tế có thật trong đời sống xã hội được chứng minh tính đúng, sai, tính chuẩn mực qua Bản án, quyết định của Tòa án đã tạo nên một trực quan sinh động giúp những người được giáo dục pháp luật có cơ hội để nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được ngay tức thì hiệu quả của việc giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án. Đây được coi là một đặc trưng lợi thế của hình thức giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử tại Tòa án so với các hình thức giáo dục pháp luật khác.