Đối tượng của nhận thức trong tư tưởng Ngô Thì Nhậm

Một phần của tài liệu Bản thể luận và nhận thức luận trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm (Trang 51)

Như đã nói ở trên, trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tuy chưa xuất hiện các khái niệm tư duy và tồn tại, tinh thần và vật chất, biện chứng và siêu hình như Tây Âu nhưng đã có các phạm trù và vấn đề tương đương. Trong tư tưởng Ngô Thì Nhậm, đó là mối quan hệ giữa lý và khí.

Một trong những nội dung đặc sắc nhất trong tư tưởng Ngô Thì Nhậm là vấn đề lý luận nhận thức. Nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm (giai đoạn cuối đời), chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm triết học Phật giáo. Đây là giai đoạn mà Ngô Thì Nhậm đã tiếp thu và phát triển nhiều tư tưởng của Phật giáo Thiền Tông Việt Nam. Đúng như tác giả Lược khảo tư tưởng thiền Trúc Lâm

Việt Nam viết: “Phong khí nhà Thiền có vẻ vắng lặng. Cái tuệ giác ở năm

trăm năm về trước nhờ có Tân thanh của Ngô Thì Nhậm mới lại được phát huy” [31, tr.210].

Về mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng, Ngô Thì Nhậm đã đưa ra

nhiều vấn đề mới so với các nhà tư tưởng cùng thời. Dù không có điều kiện đi sâu vào tìm hiểu bản chất của thế giới khách quan, mà chỉ tìm hiểu dưới dạng lịch sử - xã hội, nhưng Ngô Thì Nhậm đã đưa ra những kiến giải rất sâu sắc về thế giới. Theo Ngô Thì Nhậm, thế giới khách quan luôn là đối tượng mà chúng ta cần hướng tới. Nhận thức của con người không chỉ dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu vào bản chất của nó, nghĩa là nhận thức phải hướng vào Lý, phải nắm bắt được Lý của sự vật. Có nhận thức được Lý thì mới thấu hiểu được cả hình lẫn ý của sự vật. Như vậy, đối tượng của nhận thức chính là Lý

của sự vật.

Theo cách nói của Ngô Thì Nhậm, thì Lý của sự vật là cái bản chất, cái quy luật. Lý cũng có nghĩa là con đường phải theo, suy nghĩ về Lý để soi sáng

thời thế. Và nếu đúng như vậy thì đây chính là đóng góp lớn nhất của ông trong lĩnh vực nhận thức luận.

Ngô Thì Nhậm cũng rất chú ý đến việc tìm hiểu Lý theo nghĩa mà ngày

nay chúng ta gọi là mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng. Trong bài

đình thuỷ nhất, ông khẳng định: “Nếu chỉ thấy: cao cho là núi, dài cho là

sông, mát cho là gió, trong cho là trong, thì mới chỉ biết nhìn hình bên ngoài mà chưa biết đến cái ý bên trong vậy”. (Cẩu đồ cao chi vi sơn, trường giang chi vi giang, thanh chi vi phong, bạch chi vi nguyệt, thử tượng hình nhi vị năng hội ý dã) [20, tr.445]. Điều quan trọng là phải biết “hội ý”, tức là hiểu thấu ý nghĩa sâu xa của sự vật. Nhận thức được cái sâu xa của sự vật thì ngay lập tức ta có thể nhìn thấy được. Ông viết: “Một dòng nước, một mỏm đá, một đám mây, một giống vật, một nóc đình, một đài tạ, một ngôi lầu, một cái quán, một tấm bia, một ngọn tháp, một đoá hoa, một chòm cây, một loài chim, một giống thú, trèo lên mà trông, thu hết vào tầm mắt. Đó là cái hình có thể thấy được”. (Nhất thuỷ nhất thạch, nhất vân nhất vật, nhất đình nhất tạ, nhất lâu nhất quán, nhất bi nhất tháp, nhất hoa nhất thụ, nhất cầm nhất thú, đăng lâm túng ngoạn, cử mục nhi tận đắc chi. Thử kỳ hình chi khả quan) [20, tr.445].

Theo ông, cái Lý của sự vật là cái ẩn giấu bên trong. Đó mới là cái ta cần phải biết. Cần phải nhận thấy rằng “Cột đá chống giữa dòng làm then khoá cho bể Nam, đất bằng trồi trái núi, làm vạt áo cuống họng cho cõi Tây. Núi như chiếc mũ cao sừng sững, làm tiêu biểu cho mọi trái núi, sông tựa đai lưng không cởi, làm nơi hội tụ cho mọi dòng sông, vững cho thang ấp, khác nào như Ngũ Nhạc có núi Thái Sơn, dằng dặc sừng sững, muôn đời cùng tôn trọng, làm trái núi trấn giữ nghìn vạn đời cho Quốc triều”. (Nhược phù trung lưu để trụ, toả thược Nam minh, bình địa phù loan, khâm hầu Tây thổ, nga quan ngật lập, vi quần sơn chi biểu, thúc đái bất giải, vi chúng lưu chi hội,

củng thần kinh điện thang châu, do Ngũ Nhạc chi hữu Thái Sơn, vân vân đình đình, vạn thế đồng tôn, vi Quốc triều thiên vạn thế trấn sơn) [20, tr.446].

Trước hết, phải thấy rằng Ngô Thì Nhậm đã tiếp thu chủ trương “cùng lý” của Lý học Tống Nho. Trình Di cho rằng, cần phải nhận thức cùng tận “thiên lý” với cách thức “chính tâm thành ý”. Đặc biệt quan điểm của Chu Hy cho rằng một sự vật bao giờ cũng có cái Lý là cái trừu tượng, Khí là cái cụ thể trong đó Lý là quy luật chi phối vạn vật trong vũ trụ. Vì thế, cần phải hiểu được cái Lý tận cùng. Muốn tìm hiểu được cái cùng Lý thì người ta phải đi từ cái cụ thể tức là thông qua nhận thức các sự vật cụ thể để nhận thức cái Lý sâu xa của nhân tâm, mà từ đó nhận thức được cái Lý của Thái cực. Chu Hy đã có quan điểm nhận thức phải đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng. Đây là điểm tích cực, nhưng Chu Hy lại sai lầm khi cho rằng, khi đã nhận thức được Lý trừu tượng rồi thì không cần chú ý đến sự vật cụ thể nữa.

Ngô Thì Nhậm còn đặt ra vấn đề là: cần phải biết nguồn gốc và bản

chất làm nên sự vật. Trong Tự đề tựa bộ Xuân thu quản kiến, ông viết:

“Người đời xem núi chỉ biết núi cao, không hay núi cao chừng nào, lại không biết lường chiều cao của núi, nhìn nước, chỉ biết nước sâu, không thể đo, mà không biết nhìn độ sâu của nước. Đó là kết quả của lối học tầm chương trích cú, là cái bệnh phần lớn những bậc học giả tâm thuật mắc phải”. (Thế chi quan sơn ư sơn giả, đồ tri kỳ cao tri bất khả cơ, nhi bất năng phản câu kỳ sở dĩ cao; quan thuỷ ư thuỷ giả, đồ tri kỳ thâm chi bất khả lượng, nhi bất năng phản cầu kỳ sở dĩ thâm. Thử ký tụng từ chương chi tập, đại vi học giả, tâm thuật chi bệnh dã) [20, tr.772].

Vận dụng quan điểm nhận thức vào thực tiễn xã hội, Ngô Thì Nhậm cho rằng, trong đạo trị nước cũng phải nắm được điểm cơ bản, mấu chốt mới

có thể thành công được. Trong đề tựa tập Cần bộc chi ngôn, ông viết: “Khi

nhận thức về đạo trị nước thì cần phải “để ý”. “Để ý” chỉ là “nắm lấy điều mấu chốt”, cho nên có thể thấy muôn thân làm một thân, lấy muôn lòng làm

một lòng, không vận động mà tự nhiên hoá, không trưng bày mà tự nhiên sáng, không làm gì mà tự nhiên thành”. (Thao đắc kỳ yếu, cố năng dĩ vạn thân vi bất thân, vạn tâm vi bất tâm, bất động nhi hoá, bất kiến nhi chương, vô vi nhi thành) [20, tr.750]. Như vậy, cái Lý, bản chất của các vấn đề xã hội chính là điểm chủ yếu, điểm cơ bản mang tính quyết định nội dung của nó.

Từ những lập luận trên ta thấy, Ngô Thì Nhậm luôn nhấn mạnh rằng khi nhận thức sự vật thì không chỉ dừng lại ở những cái bề ngoài mà còn tiến tới nhận thức được đạo lý của sự vật, mới hiểu được sâu sắc về sự vật.

Tư tưởng trên có nguồn gốc từ Lý học Tống Nho. Song không dừng lại ở đó, Lý của Ngô Thì Nhậm còn được giải thích một cách cụ thể, gắn liền với các sự vật cụ thể. Quan điểm này hoàn toàn khác với Lý huyền diệu, thần bí và tách khỏi sự vật của Lý học Tống Nho.

Nhận thức của con người phải hướng vào đối tượng là Lý của sự vật. Muốn nhận thức được Lý, Ngô Thì Nhậm chỉ rõ là cần chú ý coi trọng nội dung hơn hình thức, nhận thức cả cái bên trong và cái bên ngoài. Trong lời dẫn của Minh thanh (Tiếng sáng) có viết: “Quần áo kiểu cách, chỉ là cái trang sức bề ngoài, đạo đức nhân nghĩa mới là cái bản chất bên trong. Người quân tử nên làm cho cái bên trong trong sáng, không nên tìm kiếm cái gì ở bên ngoài”. (Y phục sổ chế, ngoại chi văn dã. Đạo đức nhân nghĩa, nội chi thể dã. Quân tử minh ư nội, nhi bất tu cầu ư ngoại) [24, tr.318]. Phải nhận thức cái nội dung bên trong sự vật. Bởi lẽ, “Áo quần kiểu cách, không phải là cái lưu lại của ý trời… Cái mà ý trời muốn lưu giữ lại là cứu vớt chúng sinh” (Y phục sổ chế, phi thiên ý chi sở tồn… Thiên ý chi sở tồn giả, dĩ kỳ năng tế độ chúng

sinh) [24, tr.318]. Khẳng định rõ hơn nội dung này, trong bài Biểu lý thanh

(Tiếng ngoài trong) Ngô Thì Nhậm đã khẳng định: “Học giả phải thấu suốt từ

ngoài (biểu) và trong (lý)”. (Học giả tu biểu lý động đạt) [24, tr.290]. Ở đây, Ngô Thì Nhậm đã tiến tới khẳng định sự thống nhất giữa nội dung và hình

thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài và yêu cầu người nhận thức phải chú ý.

Để nhận thức được Lý của sự vật, Ngô Thì Nhậm còn chia quá trình (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

nhận thức ra làm hai giai đoạn. Trong Biểu lý thanh ông viết : “Nho gia học

theo lối từ chương, Thích gia học theo kiểu chay cúng, đó là chạy theo lối cực đoan vậy… Nhưng từ chương hay chay cúng đều là cái “thô” của Nho và Thích. Nếu không bắt đầu từ cái “thô” thì lý lẽ về cái “tinh” người ta không tự thâm nhập được”. (Nho gia từ chương chi học, Thích gia trai tiêu chi học, thị công hồ dị đoan dã… Nhiên từ chương trai tiếu, Nho Thích chi thô. Phi thuỷ ư thô, tắc đạo lý chi tinh, vô tự nhi nhập) [24, tr.290]. Cái “thô” mà Ngô Thì Nhậm quan niệm rất gần với giai đoạn nhận thức cảm tính, cái “tinh” là giai đoạn nhận thức lý tính của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nếu không có cái “thô” thì không thể có được cái “tinh”, cũng như không có giai đoạn nhận thức cảm tính thì không thể có được giai đoạn nhận thức lý tính vậy. Mặc dù chia nhận thức ra làm hai giai đoạn, nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn coi trọng giai đoạn nhận thức cái “tinh”, tức nhận thức Lý của sự vật. Ông viết: “Từ chương, chay cúng là thuộc về sự, học giả bỏ lý mà chạy theo sự thì cái hại không kể xiết”. (Từ chương trai tiếu giả sự dã, học giả xả lý nhi tòng sự, tắc kỳ hại bất khả thắng ngôn) [24, tr.291]. Nhưng muốn nhận thức được cái tinh thì xưa nay không phải nhiều người làm được, vì “Phật gia thích dùng chữ nghĩa có âm thanh và hình ảnh, khiến cho người không hiểu lại càng không hiểu được, mà đã hiểu được thì hiểu thấu đáo hơn” (Phật gia hảo dụng ám ảnh văn tư, phi hiểu liễu nhân, tiện hiểu bất đắc, tài hiểu đắc tiện thị hiểu liễu) [24, tr.290].

Ngô Thì Nhậm đòi hỏi cần phải thấy được cái sâu kín của Phật trên tinh thần phá chấp chứ không chỉ căn cứ vào văn tự, chữ nghĩa. Đây là điểm rất tích cực của Ngô Thì Nhậm về vấn đề nhận thức luận.

Bên cạnh sự khẳng định khả năng nhận thức thế giới của con người, Ngô Thì Nhậm còn chú ý tới tính tương đối của nhận thức. Ông đưa ra quan niệm “mọi vật đều tốt. Vật gì ta thích thì tốt, ta không thích thì không tốt”. (vật vật đô hảo. Vật hữu khả dục thị hảo, hựu bất khả dục thị bất hảo) [24, tr.144]. Nhìn sự vật tốt hay xấu chỉ mang tính tương đối, bởi lẽ khả năng nhận thức của con người còn chịu ảnh hưởng của nhu cầu tâm lý. Ông phê phán những người đem tính chủ quan đưa vào trong nhận thức: “Quá lắm thay, người đời yêu này ghét nọ, đều xuất phát từ lòng mình, mà không căn cứ vào lý lẽ. Đại để, yêu cái này thì ghét cái kia, hâm mộ giáp thì chán ghét ất, đó là lòng riêng tư vậy”. (Thậm hỹ phù thế nhân ố mộ chi các sinh ư kỳ tâm, nhi bất căn chư lý dã. Phù! Mộ thử tắc ố bỉ, mộ giáp tắc ố ất, tâm chi tư dã) [24, tr.421]. Với quan điểm trên, Ngô Thì Nhậm yêu cầu để nhận thức được sự vật thì phải gắn với sự vật và trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà sự vật tồn tại. Quan điểm này của Ngô Thì Nhậm gần với quan điểm lịch sử - cụ thể của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Tăng Hải Hoà giải thích: “Vật không hẳn vật nào là tốt, vật nào là xấu. Cho nên người ở trong núi, trong thung lũng thì sở thích là áo cỏ, hang đất; nếu lấy mũ áo văn vật mà nói với họ thì họ lấy làm kỳ lạ… Nước La Sát cho hếch mũi, vẩu răng là đẹp, nhưng thấy ai mày ngài mắt phượng thì sợ hãi gào khóc mà chạy trốn”. (Vật nguyên vô định hảo, định bất hảo dã. Cố sơn cốc chi nhân, sở hảo giả huỷ y thổ quật, ngữ chi dĩ y quan văn vật tắc ngạc hỹ… La Sát quốc dĩ hân tỵ liêu nha vi mỹ, kiến my thanh mục tú giả, tắc hào khốc nhi bôn tỵ chi) [24, tr.146].

Ngô Thì Nhậm cho rằng, con người có khả năng nhận thức được thế giới, nhưng khả năng ấy cũng có hạn chế nhất định. Trong Hoàng hoa đồ phả, ông nói: “Tôi lòng trần chưa sạch, thói tục còn mang, bởi chưng tạo hoá đặt ra nhiều thứ kỳ lạ, chỉ giận nỗi chỗ mà tầm mắt ta vương tới còn chưa rộng”. (Nhi dư trần khâm vị tĩnh, tục nhũng nan phao, cái tạo thiết chi đa kỳ, hận ngộ

mục chi sở cập chi vi quảng dã) [22, tr.157]. Điều này rất giống với quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: không có cái gì mà con người không thể nhận thức được, chỉ có những cái hiện nay con người chưa nhận thức được, nhưng trong tương lai sẽ nhận thức được nhờ sự phát triển của khoa học và của thực tiễn. Ngô Thì Nhậm còn dùng Lý để nói về sự hạn

chế trong khả năng nhận thức của con người. Trong Không thanh nhân vật

Hải Lượng Đại thiền sư nói: “Lý không thể noi theo hết được” (Lý bất khả tận tuần) [24, tr.125]. Ngô Thì Nhậm muốn cho người nghe thấy được Lý có tương đối và tuyệt đối. Nếu thiền sư muốn xiển dương cái Lý tuyệt đối thì đã không ngồi thuyết pháp và giải thích cho người học. Bởi vì, ngôn ngữ thông thường không thể diễn đạt được cái Lý tuyệt đối. Các vị thiền sư hay dùng những phương pháp đặc biệt, kể cả dùng thiền ngữ dồn thúc đệ tử vào đường cùng của tư duy lôgic, giúp họ bừng vỡ chân lý tuyệt đối, ngộ được chân tâm, Phật tính. Trong khi đó thì Hải Lượng từ từ dẫn dắt người học vào con đường tu nhân đạo, tu tâm dưỡng tính, nên mới nói cái Lý tương đối. Dù Ngô Thì Nhậm chưa đạt tới tầm nhận thức duy vật biện chứng, nhưng đó là điểm rất tích cực trong bối cảnh lịch sử ấy.

Ngoài những đóng góp nêu trên về nhận thức, Ngô Thì Nhậm cũng đã bộc lộ tư tưởng về sự vận động theo quy luật. Trong bài Bàn về văn, viết cho

em thứ hai là Học Tốn, ông viết: “Mặt trời, trăng, sao, núi non, sông, bể tại

sao mà chuyển vần, trôi, đứng, cái tình lý của nó, ta không thể biết được”. (Nhi nhật nguyệt tinh thần, sơn nhạc hà hải, sở dĩ thố hành lưu trĩ chi tình bất khả biến) [20, tr.837]. Theo ông, mặt trời, trăng, sao,… luôn vận động và biến đổi theo cái lý, cái tình của nó, nhưng chúng ta không biết được căn nguyên của sự biến đổi ấy mà thôi.

Một vấn đề được đặt ra trong nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm là ai có khả năng nhận thức được Lý của sự vật. Ông khẳng định, chỉ có những người “đại lực lượng” mới có thể làm được như vậy, vì việc nhận thức “bản

tính” của Lý không đơn giản, bởi “lý không thể noi theo hết được”. Trong

Ngộ thanh có viết: “Pháp Loa Thế Tôn ở trong núi Quỳnh Lâm Vạn Tùng,

nóng quá miệng khát, nhưng không có nước uống, bèn dò hang tìm nước, thấy một con rắn dài, bắt rắn nuốt đi, để giải cơn khát. Rắn bèn hóa thành rồng

Một phần của tài liệu Bản thể luận và nhận thức luận trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm (Trang 51)