Từ các kết quả khảo sát, đánh giá đã thực hiện được, chúng ta có thể thấy rằng một mô hình thông tin hiệu quả cần đáp ứng được sự kết hợp hài hòa của 5 yếu tố cơ bản sau:
Cung cấp được nhiều thông tin;
Thông tin phù hợp với nhu cầu;
Cung cấp thông tin nhanh;
Thông tin tiếp cận được đối tượng rộng;
Mô hình đảm bảo được sự truyền thông hai chiều.
KẾT LUẬN
So với dự tính ban đầu, các mô hình thông tin của dự án đã đạt được những kết quả như mong muốn: tạo các mô hình tiếp cận thông tin cho người dân, tăng cường sự tham gia của người dân. Dự án đã đưa ra những mô hình thí điểm và kinh nghiệm hữu ích củng cố phương pháp luận đúng đắn của các tổ chức phát triển như AAV. Từ thực tế trải nghiệm qua các mô hình thông tin của dự án chúng ta cần nhấn mạnh các yếu tố sau trong các dự án và hoạt động tiếp theo.
Các mô hình thông tin chỉ là cách thức. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào cho người dân quan tâm và tạo ra nhu cầu cần có thông tin của người dẫn.
Do đó các mô hình thông tin cần chú trọng đến vai trò thông tin về thông tin. Hoạt động của các mô hình cần nhấn mạnh công dụng của thông tin cho người dân hiểu có thông tin để làm gì ? Thông tin có ích lợi gì? Làm sao cho người dân nhận ra được lợi ích của thông tin: thông tin giúp chuyển biến đời sống của họ. Sau đó mới là vấn đề đưa thông tin đến với người dân như thế nào.
Việt Nam có những giai đoạn lịch sử đặc biệt phù hợp với hình thức thông tin dựa nhiều vào tuyên truyền nên trong suy nghĩ của người dân ngày nay nhất là ở vùng núi và nông thôn có sẵn thành kiến: thông tin là tuyên truyền. Điều này là một trở ngại trong nhận thức của người dân khi tiếp cận thông tin. Vì vậy cần đề cao vấn đề thiết thực trong các mô hình thông tin. Các mô hình thông tin nhất thiết chú trọng mục đích tạo cho người dân cần thông tin: gây ý muốn cho người dân cần thông tin. Làm cho người dân hiểu được vai trò của thông tin quan trọng hơn việc cung cấp cho họ lượng thông tin dồi dào.
Trên thực tế, có hai loại thông tin mà người dân thường tiếp cận đó là thông tin tuyên truyền và thông tin mà người dân có nhu cầu tìm hiểu. Hai loại thông tin đó đôi khi lại không gặp nhau. Ở một số xã dự án ở Lai Châu, khi được hỏi: nếu muốn tìm kiếm thêm thông tin mà mình có nhu cầu thì làm thế nào? Một số người dân đã nhắc đến việc lấy thông tin từ kiốt thông tin. Tuy nhiên, khi được hỏi là đã bao giờ ra kiốt thông tin để tìm hiểu thông tin chưa thì còn nhiều người dân
trả lời là chưa. Thật vậy, kiốt thông tin là một công cụ rất hữu hiệu nhưng thành quả của kiốt thông tin là trọng tâm chứ không phải thông tin về kiốt thông tin là trọng tâm. Kiốt thông tin là phương tiện để giải quyết các vấn đề. Không đặt mục đích quảng bá kiốt lên hàng đầu.
Liên tưởng đến nghệ thuật quảng cáo để bán hàng ta thấy quảng cáo là nhằm vào người đã ít nhiều có ý định mua sản phẩm. Quảng cáo để đẩy gần đến việc đó. Muốn người ta đến với mình không chỉ vì biết, biết thôi không đủ để giữ chân người ta quay lại và tiếp tục sử dụng sản phẩm. Cần nghĩ đến biết để làm gì chứ không chỉ biết để biết. Thông tin để làm gì? Ứng dụng của thông tin như thế nào? Ai đã dùng thông tin để làm gì? Vì thế tổ chức các hoạt động mang tính sự kiện như Ngày thông tin, Ngày vì thông tin... là rất hữu ích nhằm giới thiệu và giải đáp cho người dân về các khía cạnh của thông tin.
Tính chất hai chiều của thông tin sẽ đánh thức nhu cầu thông tin của người dân. Tuy nhiên sự hai chiều phải thực tế nghĩa là đáp ứng được nhu cầu. Tính hiệu quả được thể hiện qua các yếu tố ngoài thông tin. Đằng sau thông tin phải có gì đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề quan tâm của người dân chứ không chỉ là thông tin. Không chỉ đơn thuần kéo người dân đến với thông tin, phải có gì đáp ứng được đằng sau thông tin.
Sự tham gia hai chiều trong truyền thông luôn là cần thiết trong mọi vấn đề. Người dân cần trở thành diễn viên chính chứ không phải là người xem người khác
thực hiện các việc của mình hoặc liên quan đến mình. Vì thế có sự phản hồi là cần thiết để người dân thấy rõ vai trò của mình.
Do đó, trong các mô hình truyền thông cần chú ý :
Tạo ra mô hình đáp ứng năng động ý muốn của nguời dân: mô hình tích cực - những gì thiết thực với người dân. Trong đó tính đến sự tham gia của người dân tới mức nào cho phù hợp với những điều kiện đặc thù của họ và địa phương;
Bên cạnh các hoạt động, sự kiện có tính chất lễ hội, vui chơi, giải trí, quảng bá để thu hút sự quan tâm của người dân (ví dụ hội diễn) nên chú trọng vào việc giúp người dân biết sử dụng thông tin trong đời sống hàng ngày để giải quyết các vấn đề của mình. Như vậy, cần đặt thực tế lên trước: Thông tin là một phương tiện, là công cụ chứ không phải là mục đích. Nếu chỉ nói đến vai trò của công cụ mà không nói đến thực tiễn của công cụ thì không được. Nếu nói đến thực tiễn mà không chỉ ra thông tin về công cụ thì cũng không đầy đủ.
Ngoài ra cũng nên tránh và giảm bớt hình thức tuyên truyền trong các mô hình thông tin. Điều này cần thời gian và quan điểm từ chủ trương của nhà nước. Các sáng kiến của dự án đã tạo ra những nhu cầu thông tin ban đầu tại cộng đồng và nên được xem xét trong các mô hình truyền thông khi Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam được thông qua.