CÁC PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN CƠ BẢN CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ 1975
3.2. NGÔN NGỮ THƠ
Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản, là yếu tố đầu tiên của văn học. Dù bắt đầu từ đâu, thì những người cầm bút đều phải chú trọng đến nghệ thuật của ngôn từ. Những nhà thơ xưa đã từng dụng công rất nhiều với ngôn ngữ. Nguyễn Cư Trinh đã từng nói: "một chữ mà nghĩ ba năm mới được, giảng ngàn năm chưa xong".
Trong thời đại mới, nhà văn, nhà thơ phải là một nhà tư tưởng, một người hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ. Mỗi lần đối diện với trang viết, nhà thơ buộc phải đứng trước một sức ép vô hình, liệu mình có đem đến cho người đọc một cái gì mới mẻ hay không? Sự mới mẻ của thơ nằm chính trên từng con chữ. Lõi cốt của vấn đề này là muốn nhấn mạnh hơn nữa sáng tạo văn học là sáng tạo bằng chất liệu ngôn từ. "Nói theo cách của Asimét, tựa vào ngôn ngữ, nhà thơ đã có trong tay cái đòn bẩy để tạo nên thế giới của riêng mình". Chất trí tuệ ở trong thơ, cũng không thể chỉ hiện ra trong những mệnh đề triết lí, mà chủ yếu phải được hóa thân vào trong hình ảnh và ngôn ngữ thơ, bộc lộ trong cấu tứ và phải được chuyển hóa thành tình cảm, cảm xúc, thành cảm hứng nghệ thuật.
Nếu như ngôn ngữ thơ lãng mạn thường thiên về các trạng thái cảm xúc, cảm giác, giàu ước lệ, ẩn dụ và có xu hướng lãng mạn hóa, thi vị hóa hiện thực, thì trong thơ ca kháng chiến đã có sự đổi mới theo hướng sử dụng ngôn ngữ cụ thể, sinh động, phong phú của đời sống để cấu tạo nên ngôn ngữ thơ. Thơ xuất hiện từ phong trào sáng tác của quần chúng, đã có những đóng góp quý báu cho ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ của họ là ngôn ngữ cuộc sống, từ cuộc sống đi vào thơ, không cầu kì mà giản dị. Hầu hết các bài thơ kháng chiến được quần chúng yêu mến là những cảm xúc chân thành, trong bộ trang sức ngôn ngữ bình dị, quen thuộc: "Lũ chúng
tôi/ Bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi "một hai"/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến" (Nhớ -
Hồng Nguyên). Ngôn ngữ thơ có nhiều tìm tòi sáng tạo, phải bắt đầu từ thơ thời chống Mĩ. Các nhà thơ trẻ đã có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca hiện đại Việt Nam. Họ có ý thức tăng cường chất liệu ngôn ngữ, tạo nên sắc thái tươi trẻ, sống động, gần gũi hơn với đời sống thực tế: "Người nằm nghiêng,
súng cũng nằm nghiêng/ Người ngồi ngủ súng ôm ghì trước ngực/ Những viên đạn cựa mình trong súng thép/ Biết kẻ thù còn lẩn lút trong đêm/ Ba lô nằm đợi lệnh
hành quân/ Lá ngụy trang vẫn cài trên mũ/ Từng tiểu đội trong khi nằm ngủ/ Đôi chân vạn dặm vẫn mang giày" (Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc- Nguyễn Đức
Mậu). Những bài thơ trong thời kì này đầy một thế giới âm thanh, ngôn ngữ giàu đường nét biểu hiện và nhiều màu sắc. Đó vừa là tiếng nói của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói tình cảm của con tim, thể hiện được chiều sâu suy nghĩ, những trạng thái rung động của tâm hồn, đồng thời biểu hiện tính hàm súc, mĩ lệ, phong phú của ngôn ngữ.
Cuộc sống thời hậu chiến đặt nhà thơ vào một vị thế khác trước, cuốn họ vào những mối quan tâm khác so với hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Thơ ca bắt đầu chú ý hơn đến những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng giàu ý nghĩa nhân sinh, đó là chuyện mưu sinh, chuyện những người lính phải thua thiệt, chuyện các giá trị đạo đức bị đảo lộn: "Bạn chơi từ thuở khăn hồng/ Đứa nhờ có vợ có chồng mà nên/
Đứa đi đánh giặc liên miên/ Về quê vẫn chú lính quèn, vậy thôi/ Đứa thì đêm lạy van người/ Ngày ngày vênh váo coi trời bằng vung/ Đứa làm đạo diễn văn công/ Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười/ Đứa đi buôn ngược bán xuôi/ Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình/ Đứa thì làm giám đốc ngành/ Đi đâu cũng có nhân tình đi theo/ Đứa thì áo túm quần đeo/ Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe/ Đứa liều vượt biển trốn đi/ Nổi chìm nào biết tin gì thực hư/ Đứa thì làm trưởng trại tù/ Gặp nhau tay bắt lạnh như đồng tiền" (Bạn từ thuở quàng khăn đỏ - Trần Nhuận Minh).
Nếu như do điều kiện cuộc chiến, các nhà thơ đặt lên hàng đầu nhiệm vụ thơ ca phục vụ cách mạng, họ chưa có đủ thì giờ để chăm chút từng chữ nghĩa, chưa có nhiều điều kiện để tham khảo học tập kinh nghiệm thơ ca thế giới thì ở giai đoạn hiện thời, các nhà thơ đã có điều kiện đó. Nói đơn giản hơn, chức năng thẩm mĩ của thơ ca dần được trở về với ý nghĩa đích thực của nó. Khác với văn xuôi, ngôn từ thơ ca mang vẻ đẹp nội tại. Đó là vẻ đẹp mang tính chất "tự ngắm". Bản thân từng âm vị, âm tiết thơ, đều mang chức năng thẩm mĩ. Khi nghe một câu thơ, độc giả chưa cảm nhận ngay được nội dung nhưng vẫn thấy hay, vẫn rung cảm trước những ám ảnh đầy mê hoặc của ngôn từ, nhịp điệu, tiết tấu. Thơ không chỉ hay ở chữ, mà còn rung động người đọc bởi các biểu tượng thơ đa nghĩa, trùng phức: "Khi nỗi lòng mình cũng cay đắng, héo hon/ Thương cả bạn bè xưa, xoắn xuýt tìm nhau nhốn nháo giữa mất còn/ Nụ cười bỗng trở nên lẻ loi giữa quá nhiều đau khổ/ Cái được lớn vô cùng nhưng mất mát sao lấp bù hết chỗ/ Đầu xóm tượng đài, cuối phố nghĩa trang.../ Hương khói linh thiêng cháy đỏ chiều vàng/ Chúng ta san sẻ được khó, nghèo/ Nhưng còn nỗi đau?/ Nỗi đau - một phần xương thịt rời cơ thể/ Nỗi đau - những đứa con lớn dần, quây quanh chiếc bóng tròn của mẹ/ Khát cháy một vòng hơi ấm tay cha" (Xin đừng của riêng ai - Phạm Minh Tâm). Nhiều tác giả nỗ lực
khám phá sự phong phú của "cái tôi ẩn giấu", dám phơi bày những bi kịch nhân sinh, hoài nghi những giá trị vốn đã qua ổn định để đi tìm những giá trị, những hình thức tổ chức ngôn từ mới.
Trong nghệ thuật, không phải mọi nhận thức chung về tư tưởng xã hội đều đồng nhất với những suy nghĩ cá nhân và văn bản văn học không phải là những văn bản tuyên huấn có tính hình ảnh. Với tư cách là một nghệ sĩ, cái quan trọng nhất là nhà thơ phải tạo ra được quan niệm riêng về đời sống. Quan niệm ấy không hiện lên qua những lời thuyết lí khô khan mà phải hóa thân vào chữ nghĩa và hình tượng. Đó là lí do khiến các nhà thơ sau 1975 chú ý nhiều hơn đến tính đa nghĩa của ngôn ngữ thơ ca. Bên cạnh xu hướng đưa thơ gần với đời sống còn có ý thức tạo ra tính nhòe
mờ trong ngôn ngữ và biểu tượng. Xu hướng này muốn gia tăng chất ảo trong thơ, buộc người đọc phải giải mã các ngôn từ nghệ thuật qua nhiều chiều liên tưởng văn hóa khác nhau.
Thơ giai đoạn 1975 - 2000, viết về đề tài chiến tranh và người lính không còn êm mượt như thơ giai đoạn 1945 - 1975 mà trở nên trúc trắc, ngôn ngữ thơ phong phú, giọng điệu thơ đa dạng hơn. Chính sự đa dạng về tư duy nghệ thuật và sự phong phú về giọng điệu đã khiến cho ngôn ngữ thơ có sự phân hóa nghĩa về cả bề nổi lẫn tầng sâu: "Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ/ Đồi thì rộng, anh
không vuông đất nhỏ/ Đất và trời Phan Thiết có anh tôi/ Chính ở đây anh thấy biển lần đầu/ Qua cửa hầm/ Sau những ngày vượt dốc/ Biển thì rộng căn hầm quá chật/ Khẽ trở mình cát để trắng hai vai" (Phan Thiết có anh tôi - Hữu Thỉnh).
Trên thực tế, xu hướng đổi mới ngôn ngữ tỏ ra rất phù hợp, tạo được một động lực mới cho sự phát triển của thơ ca. Bởi lẽ, khi đón nhận những ngôn ngữ phong phú của cuộc sống vào thơ cũng là nhằm khám phá và thể hiện nó ở nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau, đồng thời đem lại vẻ đẹp giản dị, chân thực vốn rất cần thiết cho thơ: "Thôi đừng khóc khi nghe bài tình ca ấy nữa/ Dầu có một cuộc
chiến tranh sau mọi cuộc chiến tranh/ Trên vầng trán em bớt dần thanh thản/ Tuổi hoa niên hóa thạch giữa rừng già/ Người viết tình ca đã đi qua lửa đạn/ Cũng như em khao khát sự bình yên/ Cho mỗi lứa đôi, cho đất nước mình/ Ta lại thấy một bầu trời chim én/ Trên mái tóc em sớm rụng với sương rừng/ Cánh chim ấy là tình yêu tuổi chúng mình/ Đam mê và cay đắng" (Cho một người nghe hát tình ca - Trần
Hòa Bình).
Tiếp nhận yếu tố tự sự với chất văn xuôi được gia tăng, ngôn ngữ thơ giai đoạn 1975 - 2000 có nhiều cách biểu cảm hơn. Với những câu thơ hài hòa giữa tự sự và trữ tình, sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên mà vẫn có sự trau chuốt nghệ thuật kín đáo, thơ càng chan chứa chất thơ, thắm thiết các cung bậc tình cảm trong lối kể nhẹ nhàng, tự nhiên, gần gũi. Yếu tố tự sự đã đem lại màu sắc riêng cho các sáng tác của giai đoạn này. Ngoài việc biểu hiện phong cách cá nhân, nó còn làm cho ngôn ngữ thơ trở nên sinh động, bình dị, gần với mọi người, với cuộc sống: "Người
lính/ Khoác ba lô bạc màu/ Đi xuôi chiều gió thổi/ Ngược chiều hon da, xe cúp/ ngược chiều giá cả nhảy vọt/ Ngược chiều thủ đoạn mưu mô/ Những người đi ngược chiều anh/ Ném vào anh cái cười lạnh nhạt/ Bụi đường táp ngang mặt anh lấm láp/ Người lính khoác ba lô bạc màu/ Về phép" (Ngược chiều - Tô Nhuần).
Gắn với đời sống thường nhật tạo cho ngôn ngữ thơ đổi mới không ngừng, có kế thừa, có biến hóa cho phù hợp với nội dung, với thị hiếu thẩm mĩ của thời đại. Trước đây, thơ có phần quá nghiêm trang và đậm chất tuyên truyền nên việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, tạo ra cách nói dân dã đã khiến cho thơ trở nên gần gũi hơn: "Trên khen ta lính chiến hào/ Cho ta một mảnh đất ao làm nhà/ Được ngày
động thổ gọi là/ Ta ngồi ta vái gần xa đất trời/ Thưa rằng tín chủ là tôi/ Vốn quê tỉnh Bắc vốn nòi nông dân/ Vốn nhà rơm rạ, cù lần/ Nửa đời chinh chiến phong trần về đây" (Khấn động thổ - Nguyễn Hồng Hà). Lớp từ sinh hoạt đời thường xuất hiện
nhiều, góp phần phá bỏ tính trang nhã, ước lệ, bộc lộ một cái nhìn hiện thực hóa đối với cuộc chiến đã qua và đời sống hiện tại. Cùng với một số từ ngữ mang tính lí tưởng, thì trường từ ngữ thô tháp, gần với cuộc đời đau khổ, phàm tục cũng xuất hiện. Xu hướng chung là đưa ngôn ngữ thơ phát triển về phía hiện thực đời sống, gắn với tiếng nói hàng ngày, tự nhiên, bình dị, sinh động. Có thể bắt gặp khá phổ
biến trong thơ những từ ngữ, cách nói mang tính khẩu ngữ của quần chúng: "Giá
như ngày ấy chiến tranh/ Bớt đi mấy tuổi ngày xanh còn nhiều/ Đường chưa thông trước ráng chiều/ Nói chi đến được những điều riêng tư/ Thôi đành lỡ hẹn đến giờ/ Biết mình sống cảnh "bà cô" một đời" (Ghi ở cung đường La Khê - Mai Hồng Niên).
Bên cạnh lớp từ ngôn ngữ sinh hoạt đời thường là chủ đạo, thì lớp từ ngôn ngữ giàu chất tượng trưng cũng được phát huy, tạo nên những giá trị thẩm mĩ cho thơ. Đây là loại ngôn ngữ thường gặp trong những nhà thơ có hướng cách tân, hiện đại thơ. Tất nhiên, không phải đến thơ sau 1975 thì ngôn ngữ thơ giàu chất tượng trưng mới xuất hiện. Ngay từ thời Thơ mới loại ngôn ngữ này đã xuất hiện trong thơ của nhiều cây bút. Vấn đề ở chỗ, ngôn ngữ giàu chất tượng trưng trong thơ sau 1975 mang tâm thế của một hành trình văn hoá mới. Sự trao đổi, cộng hưởng của các yếu tố cụ thể, trừu tượng khiến cho ngôn ngữ thơ trở nên phong phú, đa nghĩa, có sắc thái biểu cảm hơn và mang đậm dấu ấn cá nhân trong sáng tạo. Chính điều đó làm nên phong cách riêng trong dàn đồng ca cùng thế hệ, tạo nên sức cuốn hút, hấp dẫn riêng đối với người đọc và giữ mãi sức sống lâu bền cho tác phẩm, đặc biệt là ở những bài thơ đằm thắm chất trữ tình:
Trùng trùng những cánh rừng xa xăm
Xanh biếc linh hồn bao chiến binh nằm lại Chót vót những đỉnh núi như nỗi hoài mong
khôn cùng vươn tới trời xanh Êm đềm lời ru hoà bình khắc khoải...
Tổ quốc ngước lên dâng mây trắng bồng bềnh Ai quên được dãy Trường Sơn hùng vĩ
Nơi những người lính còn nằm trong lặng lẽ Lắng lời hát ru xanh biếc linh hồn.
(Trường Sơn, nghĩa trang xanh - Thai Sắc)
Thơ ca dân tộc bao giờ cũng là một dòng chảy liên tục, tuy từng lúc đậm nhạt khác nhau, nhưng dù có đậm nhạt thì tác phẩm thơ ca bao giờ cũng là những tìm tòi, sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ. Tính khái quát, chất triết lí, chính luận của thơ được dựa trên chất liệu của cuộc sống nên có cơ sở thực tiễn, tránh được sự mông lung, vô định. Chính lối tư duy đó, đã giúp cho sáng tạo trong ngôn ngữ có thêm năng lực mới để biểu hiện cái nhìn về cuộc sống và tình cảm của con người, mang lại hứng thú mới cho người đọc.