CÁC PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN CƠ BẢN CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ 1975
3.1. THỂ LOẠI THƠ 1 Trường ca
3.1.1. Trường ca
Sự nở rộ của thể loại trường ca sau 1975 chính là sự tiếp nối của trường ca những năm trước đó. Tuy nhiên, trường ca sau 1975 không những chỉ đóng góp về số lượng tác phẩm mà còn là sự trưởng thành thực sự trong cảm xúc, có những đóng góp nhất định về giá trị nội dung và nghệ thuật. Điều này đã gây được ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền văn học dân tộc.
Nhìn chung, trường ca sau 1975 đều lí giải được những vấn đề sinh tử của một giai đoạn lịch sử đã qua, đồng thời đặt ra được những vấn đề gắn với đời sống hôm nay: "Những đơn giản của phận người nô lệ, bỗng phức tạp vô cùng khi ta sống tự
do" (Thanh Thảo). Đất nước sang giai đoạn lịch sử mới, hứng thú nghệ thuật để viết
trường ca được hình thành từ xu hướng muốn tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trường ca là thể loại có dung lượng dài, phân chia chương đoạn linh hoạt, giúp người viết tận dụng được mọi "nguyên liệu" thu nhặt được trong những năm tháng đánh giặc để giãi bày tâm trạng.
Hiện thực chiến tranh hơn ba mươi năm qua đã tác động sâu sắc đến người viết. Với tư cách là "cái tôi tham gia", "cái tôi chứng kiến", người viết có thể xâu chuỗi những cảm xúc mạnh mẽ, những liên tưởng phong phú, những nhận thức sâu sắc để hướng tới tái hiện chân thực về chiến tranh. Ở đây, cảm xúc của người viết về chiến trường, về người lính, về hậu phương, về chiến công và tổn thất hiện ra day dứt, giàu chất liệu đời sống hiện thực hơn: "Trường Sơn mùa mưa như vừa vớt
lên từ lòng biển/ Rừng thì già tuổi mình thì rất trẻ/ Mười tám đôi mươi sức vóc âm thầm/ Môi mím chặt mở trừng trừng họng súng/ Đường thì dài gan cháy bàn chân.../ Bắt gặp cuộc chiến tranh khi tuổi mình cường tráng nhất/ Tuổi hai mươi như nước lũ/ Bom đạn nổ tung con đập, nước tràn bờ" (Gọi nhau qua vách núi - Thi
Hoàng). Trường ca đặt con người trong những thời điểm khắc nghiệt, trong mối quan hệ đa dạng với cuộc sống, vì thế trường ca đã lí giải cuộc chiến tranh ở ngay mặt sau của nó. Viết về chiến tranh, các tác giả không lên giọng hay tô hồng, mà nhân danh những "người trong cuộc" tái hiện chiến tranh như nó vốn có: "Những
năm/ Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách/ Những năm/ Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời.../ Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/ Xin hãy đề "nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ"/ Và trận gió lại xoáy trên nóc rừng/ Như buổi sớm mùa khô năm ấy/ Trùng điệp áo màu xanh là một tiếng trả lời" (Những người đi tới biển - Thanh Thảo).
Trường ca sau 1975, là sự tổng kết những cái được mất của lịch sử đã diễn ra qua số phận con người, số phận nhân dân. Trường ca nghiêng về hướng trữ tình, nhưng là cái trữ tình trong sự bề bộn phức tạp của sự kiện. Các tác phẩm đã đi sâu vào nhiều khía cạnh của người lính để phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của họ, để nhìn nhận họ trong những nét bản chất nhất. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện diện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn. Đời sống nội tâm của người chiến sĩ ở chiến trường với những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc bạch thật lòng: "Em có thể
mất anh bất cứ lúc nào/ Em có thể bơ vơ khi em còn rất trẻ/ Anh có thể chẳng bao giờ còn đánh được gốc tre/ Phơi nỏ sẵn dành sưởi đêm cho mẹ/ Sông ơi sông nếu ta phải ra đi/ Bậc thấp xuống cho em ra gánh nước/ Xin bát canh đến tay mẹ lúc còn nóng" (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).
Viết về chiến tranh và người lính, các tác giả trường ca không cần đánh bóng ngôn từ, để sự hi sinh và chiến công hiện ra trong ánh sáng đích thực của nó. Con người ở đây không chỉ thể hiện chiến công, ý thức khí phách của nhân dân mà còn thể hiện số phận của cả nhân dân nữa. Hầu hết các trường ca đều hướng ngòi bút vào người lính, vào hiện thực đời sống chiến đấu của họ để phác họa chân dung tinh thần của thế hệ đang mang trên vai trọng trách của dân tộc: "Họ đã bắn đến chót cùng hơi thở/ Và chết thay cho ngọn gió dạt dào/ Họ chết thay cả nghìn lần cho đất/ Để từ đất họ vươn tầm cao ngất/ Họ thức suốt đời/ họ thức cả trong mơ.../ Họ vẫn đi qua mọi cuộc đời thường/ Qua những buồn vui hờn giận, yêu thương/ Trái tim họ đập thay cho bão tố" (Mặt trời trong lòng đất - Trần Mạnh Hảo).
Trường ca giai đoạn này vừa có dáng dấp của cái hôm qua vừa mang hình hài của cái hôm nay. Nhưng văn học không bao giờ là sự trùng lặp đơn điệu, trường ca 1975 - 2000 không phải là một "phiên bản" trùng khít với trường ca chống Mĩ. Tuy
cùng viết về đề tài chiến tranh nhưng với cái nhìn của người hôm nay, đã tạo cho trường ca sự dung nạp mới, một cách thể hiện mới. Trong các trường ca, họ bày tỏ một cách đầy đủ nhất, tổng hợp nhất những chiêm nghiệm, những suy nghĩ về cuộc chiến tranh đã qua. Với các tác giả trường ca, viết về nhân dân, viết về người lính cũng là viết về chính họ và đồng đội của họ.
Các tác giả suy nghĩ về lẽ sống, về sự hi sinh của các thế hệ trong chiến tranh, trân trọng, cảm phục trước những chiến công và xót xa, đau buồn trước những bi kịch của chiến tranh. Với một hiện thực như vậy, chất hùng tráng và bi tráng bao trùm lên các tác phẩm là điều dễ hiểu: "Mãi mãi sống còn hỡi nhân dân tôi/ Người
mãnh liệt hơn cả ngàn truyền thuyết/ Dẫu được ngàn lần tái sinh cũng không ai hiểu hết/ Tấm lưng trần kia mang nặng những gì?/ Và cứ thế nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời/ Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời" (Những người đi tới biển - Thanh Thảo).
Đất nước đã hoà bình, những điều không thể quên trong kí ức của người cầm bút là hình ảnh những người hi sinh cho Tổ quốc. Nếu như trước đây viết về sự mất mát nói riêng cũng như viết về bi kịch chiến tranh nói chung, các tác giả luôn phải tự đặt lợi ích của cuộc chiến lên trên số phận từng cá nhân, thì trong các trường ca sau chiến tranh, vấn đề phản ánh bi kịch luôn được các tác giả quan tâm đúng mức. Sự hi sinh, tổn thất mất mát được các tác giả đề cập khá nhiều trong các tác phẩm: "Tôi ngã xuống trên đường đuổi giặc/ Cuộc đời tôi/ Đạn thù đã cướp/ Thế còn tên
tôi?.../ Đừng gọi tôi là liệt sĩ vô danh/ Đau mẹ cha, đau cả chỗ tôi nằm/ Đất biên cương biết tôi, rõ lắm/ Không chỉ là cái tên" (Hơi thở rừng hồi - vương Trọng).
Cái được của trường ca viết về chiến tranh và người lính sau 1975, ngoài cách cảm, cách nghĩ mang màu sắc thế sự - đời tư, còn thể hiện ở tầm khái quát chính luận, sự suy tưởng của tác giả. Chính luận, suy tưởng là những biện pháp tăng cường tính tư tưởng khái quát của thơ. Bình luận lịch sử, bình luận chính trị, thời sự, để tìm ra triết lí sâu sắc của đời sống: "Cả vũ trụ so găng đấu với một mình anh/ Nghìn cái chết kéo co với một sinh linh bé nhỏ/ Tất cả những gì chưa sống nói với anh không thể chết/ Tất cả những gì đã chết nói với anh phải sống" (Trường ca biển - Hữu Thỉnh).
Tuy có một số trường ca nội dung tư tưởng chưa tương xứng với đề tài, cảm xúc của người viết chưa đến độ căng, độ mãnh liệt cần thiết, nghệ thuật chưa có gì độc đáo, nhưng nhìn chung, những trường ca viết về đề tài chiến tranh và người lính giai đoạn 1975 - 2000 là những tác phẩm được viết với những rung cảm chân thật, tâm huyết của những người trong cuộc.