Thế giới tâm linh

Một phần của tài liệu Luận văn nghệ thuật thể hiện chiến tranh và người lính trong thơ (Trang 26)

Trong chiều hướng phát triển phong phú và đa dạng của thơ giai đoạn 1975 - 2000, có một vấn đề nổi lên tương đối rõ, được nhiều người quan tâm, rất cần phải nói đến.

Đó là thế giới tâm linh được coi như một thực thể thẩm mĩ và đối tượng phản

ánh của thơ trữ tình. Đi sâu vào thế giới tâm linh, các nhà thơ dường như có điều kiện để nói hết, nói đúng mình hơn. Nó mở ra một khoảng không gian rộng lớn cho những ý tưởng thâm trầm, sâu sắc, giàu chất trí tuệ. Nó đánh thức phần cảm nhận sâu thẳm của mỗi con người về cái hữu hạn, cái vô hạn, về cái thường nhật và cõi vĩnh hằng của cuộc đời. Khi thế giới tâm linh được coi là đối tượng phản ánh của

nghệ thuật thì thơ cũng có sự thay đổi. Trong hình tượng thơ cái ảo có phần lấn át cái thực, cái phi lý, cái hợp lý cùng tồn tại bên nhau. [70, Tr. 17].

Thơ viết về chiến tranh và người lính giai đoạn này, cũng đã có những vận động theo hướng chủ trương đào sâu vào bản thể tâm linh. Đây là một hướng đi có nhiều người tìm đến. Điều này được lí giải bởi hoàn cảnh xã hội và tâm lí cộng đồng. "Quan niệm phương Đông cho rằng người mất đi không bao giờ mất hẳn trong cõi đời. Họ tồn tại trong mây, gió, trong ánh sáng, trong cỏ cây. Giữa họ và cõi đời thực bao giờ cũng có những mối liên hệ vô hình nhưng thiêng liêng, vô hình nhưng đầy sức mạnh đối với người đang sống" [56, tr. 123].

Truyền thống của người Việt Nam là luôn tưởng nhớ, thăm viếng người đã khuất. Đó là phần tâm linh là sợi dây vô hình nối tâm tư, tình cảm của hai cõi âm dương cách trở. Sau ngày đất nước thống nhất, trong cảnh gia đình đoàn tụ, mọi người lại càng buồn, nhớ đến những người thân còn nằm đâu đó chưa về. Cùng với chính sách "Đền ơn, đáp nghĩa" của Đảng và nhà nước, gia đình, đồng đội lại tiếp tục vượt đèo, lội suối mong tìm được người thân trở về. Trong hành trình kiếm tìm vất vả đó, có nhiều người may mắn đạt được thỏa nguyện nhưng cũng có rất nhiều người mỏi mòn trong chờ đợi:

Trong ngàn nấm mộ vô danh Em đi tìm kiếm mộ anh...em tìm Khấn trời lạy đất linh thiêng

Chỉ cho em một chốn riêng anh nằm Đừng như cá lặn biệt tăm

Như chim lẻ bóng xa xăm cuối trời Mẹ cha mất đã lâu rồi

Trước khi nhắm mắt lòng người còn đau Dặn anh em phải tìm nhau

Nắm xương ruột thịt ở đâu cũng tìm. (Tìm viếng mộ anh - Nghiêm Thị Hằng)

Dù phải nuôi hi vọng đợi chờ, dù cuộc kiếm tìm còn rất nhiều gian nan, vất vả, nhưng mọi người vẫn mong sao tìm được các anh trở về. Đó là đạo lí, là tình cảm thiêng liêng ngàn đời thấm sâu trong tâm hồn người Việt.

Hướng về cõi tâm linh, mỗi người có thể giãi bày những nỗi niềm thành thực, nghe thấu những tâm sự thầm kín nhất của người đã khuất. Tuy âm dương cách trở, nhưng người sống vẫn có niềm tin như được gần, được thấy bóng dáng của người đã khuất đang ở bên mình. Họ không hiện hữu bằng xương bằng thịt, nhưng từ trong bao la vũ trụ họ đang song hành cùng với cuộc sống thực tại:

Cũng từ đấy, chúng tôi

Những người nằm xuống không tên Đang ngóng trông người thân tìm đến...

Chúng tôi thường nói với nhau về tình đồng chí Sống có nhau khi chết vẫn bên nhau

Miền Đông thân yêu thật ấm hơn nhiều Nếu phải về chứng kiến điều bất hạnh

Thì thà để chúng tôi ở lại

Cùng những người nằm xuống không tên.

(Tâm sự những người nằm xuống không tên - Tạ Thị Ngọc Hiền). Nghe những lời tâm sự đó, những người được sống trong hòa bình hôm nay phải tự vấn lương tâm trước mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của bản thân. Dẫu biết rằng cuộc mưu sinh quả thật là khó khăn, vất vả, nhưng đó không hẳn là lí do để người với người trở nên xa lạ, thiếu tình cảm. Những người hi sinh vì hòa bình của dân tộc, chắc cảm thấy rất buồn khi những người còn sống đối xử với nhau còn thờ ơ, lạnh nhạt.

Có nhiều tác giả viết về đề tài chiến tranh và người lính khi tìm đến miền tâm linh đã để lại "một tiếng tâm linh ngàn tiếng vọng". Trong các tác giả đó phải kể đến Phùng Khắc Bắc với Một chấm xanh nhiều ấn tượng. Tác phẩm của anh đưa người đọc hướng tới chiều không gian siêu thực, mang đậm các yếu tố tâm linh. Thơ anh là tiếng nói vọng từ cõi vô thức, thể hiện một miền linh thiêng, hư vô và bí ẩn của thế giới tinh thần con người: "Em đang tìm một kiếp khác hết buồn/ Để lại

chết xem cuộc đời có mới/ Anh hãy sống, sống dần dà, đừng vội/ Bởi/ Chúng ta còn phải chết nhiều lần" (Trước mộ người em trai ở nghĩa địa Hà Lầm - Phùng Khắc

Bắc). Có thể nói thế giới tâm linh đã thu hút thi hứng của chủ thể sáng tạo. Ở đây tác giả hướng con người về một "mùa thiêng", một không gian hư ảo, một miền cao siêu, nhưng không phải để quay lưng với thực tại mà là thể nghiệm về những nỗi đau của cõi thực.

Đến với thế giới tâm linh, con người được trở về đúng bản ngã, về với cái chân, cái thiện của mình. Những bí ẩn trong tâm hồn con người được chạm đến thông qua sự đứt đoạn và tiếp nối của dòng ý thức. Thế giới tâm hồn con người thật không đơn giản mà chứa đựng bao quằn quại, giằng xé rối bời:

Trôi trên hai nấm mộ Một nghìn năm mông lung Một nỗi khát vô cùng Khô trên hai phiến đá Gõ hai đầu âm dương Một kinh cầu vô vọng Trên tài hoa nhàu nát Trên trần gian khói sương Trên mặt người biến sắc Mưa in dấu vô thường

(Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Thơ như thế thường đem lại cảm giác buồn và đau nữa, nhưng đó là những câu thơ xuất phát từ cõi lòng trĩu nặng. Như không thể có cách gì khác, cuộc hành trình dẫn đến thơ ca đích thực luôn cần sự đổi mới.

Với hướng khai thác này, một số tác phẩm thơ có chất tự sự cao, mang dáng dấp huyền thoại: "Hơn hai mươi năm sau, tìm mộ nó chỉ gặp những hố bom cây dại

lấp đầy. Bỗng tôi thấy nó đứng dậy từ một lùm cây. Tự nhặt tay chân tim phổi ghép lại, rồi chạy xuống suối tắm. Tắm xong, nó mặc quần áo vải Tô Châu còn thơm mùi hồ, đi giày vải cao cổ, đội mũ cối không quân hiệu chạy tới ôm chầm lấy tôi...Khi

tôi thức dậy, nó đã đi rồi. Tôi chạy ra bờ sông trước nhà, và bỗng thấy dòng sông từ phía biển chảy ngược lên rừng" (Bạn lính - Nguyễn Trọng Tạo). Xu hướng khai

thác những vùng mờ tâm linh, tìm đến một cái tôi chưa biết được các nhà thơ chú ý. Có thể xem, đây là xu hướng không chịu dừng lại với tư duy văn học phản ánh hiện thực giản đơn mà tìm cách xác lập vị trí cái tôi trong một mặt bằng tư duy nghệ thuật mới. Cái tôi trong thơ trở thành cái tôi đa diện, nhiều tầng lớp. Để thơ ngày càng đáp ứng nhu cầu xã hội, các nhà thơ không ngừng đi tìm hướng khám phá mới, nhằm dệt nên các biểu tượng thơ ca theo quan niệm của riêng mình.

Trước đây, thơ ít nói về tâm linh. Hiện nay do nhu cầu về ý thức cá nhân trước những biến động của đời sống xã hội, trước nhu cầu mưu sinh đầy nhọc nhằn, mệt mỏi, trước sự đổi thay các chuẩn mực về đạo lí, con người có nhu cầu tìm về thế giới tâm linh. Trong mơ hồ như tin vào sự bất tử của linh hồn. Trước cõi tâm linh, con người cảm thấy thư giản, bằng an về tinh thần, tránh được sự nhiễu tâm do thế giới trần tục tác động đến [48, tr. 120] .

Trong chiều hướng phát triển của thể tài hôm nay, tâm linh trở thành thực thể thẩm mĩ, là chất liệu bản ngã trong cảm hứng sáng tạo trữ tình. "Cõi tâm linh của con người dù luôn hướng về một miền cao siêu, kì dị, vô thường nhưng không phải đi tới chốn tịch diệt mà là sự thấu suốt, trải nghiệm về những nỗi đau trần thế, là một thể nghiệm xác định bản chất hoàn thiện vừa thâm trầm vừa giông bão của sâu thẳm nội tâm" [58, tr.117].

Đã có nhận xét cho rằng "thơ kháng chiến dường như thiếu mất chiều thứ tư của không gian, đó là chiều của hư vô, siêu hình, linh cảm", thơ sau 1975 bước đầu khai thác vào phía vô thức của sự sống, phía tâm linh của cõi người, đã dè dặt đặt được những viên gạch đầu tiên cho nấc thang mới của thi ca cách mạng Việt Nam. Điều đó, đã mở ra cho thơ một hướng khám phá mới, đáng được động viên, ghi nhận.

Một phần của tài liệu Luận văn nghệ thuật thể hiện chiến tranh và người lính trong thơ (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w