Thân phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh

Một phần của tài liệu Luận văn nghệ thuật thể hiện chiến tranh và người lính trong thơ (Trang 29)

Chiến tranh đi qua để lại cả dư vị vinh quang và cay đắng. Bên cạnh niềm vui chiến thắng, cái giá phải trả cho cuộc chiến còn là số phận của những người phụ nữ.

Chiến tranh thường được đo tính bằng sự ác liệt của bom đạn, của xương máu, của thời gian. Hết tiếng súng, chiến tranh kết thúc, nhưng đâu phải không còn tiếng súng là chấm dứt sự khốc liệt của chiến tranh. Bởi không ai tính được biết bao nhiêu nhan sắc, sức lực và tinh hoa của những người phụ nữ đã bị mài mòn trong chiến tranh [73, tr.17].

Từ góc nhìn thời hậu chiến, thơ viết về chiến tranh và người lính giai đoạn 1975 - 2000 đã nói được những niềm đau, nỗi buồn của người phụ nữ mà thơ giai đoạn trước chưa nói được.

Trong mọi thời đại, hình ảnh người mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Các tác giả đã giành nhiều cảm xúc cho những người mẹ vừa cao cả vừa bình dị. Hình ảnh người mẹ trong chiến tranh, là hiện thân của lam lũ vất vả, thầm lặng hi sinh nhưng rất đỗi kiên cường. Mẹ là niềm an ủi, mang lại sức mạnh cho những đứa con ra trận. Mẹ là nơi hội tụ những phẩm chất tốt đẹp, là biểu tượng cho sức sống và tâm hồn của dân tộc: "Con thương mẹ con thương đất nước/ áo vá vai như ruộng

vá chân đồi/ Mẹ mất ngủ suốt cả đời trận mạc/ Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi"

chiến sĩ trên đường ra trận: "Mẹ đã cho con bao điều để con thành người lớn/ Cho

con lòng dũng cảm/ Để đời con không chịu cúi bao giờ" (Trần Quang Quý). Trong

tâm thức của những người con ra trận, nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương là nỗi nhớ da diết, là tình cảm thường trực trong trái tim họ. Những người mẹ bình dị, chân chất dành trọn cuộc đời cho chồng con, đất nước, một mình gánh chịu bao vất vả để họ yên tâm lên đường đánh giặc: "Ngày con ra đi đất nước xẻ làm đôi/ Nửa Bắc, nửa

Nam như củ khoai gầy năm đói/ Cái nửa rét thấu xương, cái nửa nắng ghê người / Mẹ tần tảo bên ngôi nhà của mẹ" (Ngôi nhà của mẹ - Hoàng Đình Quang). Hi sinh

vô bờ bến, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cao thượng và bao dung là lẽ sống của bao người mẹ Việt Nam khi đất nước có chiến tranh.

Viết về những người mẹ đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thơ giai đoạn này không chỉ có ngợi ca, khâm phục mà còn sẽ chia bằng những nỗi đau tột cùng: "Trên thế giới xưa nay/ Bao cuộc chiến tranh/ Có người nào như

mẹ/ chín con đẻ/ Một con rể/ Một cháu ngoại/ Lần lượt lên đường cầm súng/ Lần lượt hóa thành mây trắng trời xanh" (Thưa mẹ - Lê Anh Dũng). Gánh trên vai cả

"năm tháng chiến tranh dài", các mẹ đã mất những người thân yêu cho cuộc chiến giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Gia tài của những người mẹ khi đất nước có chiến tranh thật quá phủ phàng, chua xót: "Những đứa con ra đi không về/ Gia tài

của mẹ dần dần thêm những bát hương" (Lương Ngọc An). Mất mát, đau thương tột

cùng, chẳng gì có thể bù đắp được, chỉ biết nén đau thương vào tim để "xin cho được phút giây thanh thản/ Mẹ hình dung ra máu thịt của riêng mình" (Thưa mẹ -

Lê Anh Dũng).

Những ai đã từng quen với hình ảnh bao bà mẹ Việt Nam anh hùng cố gạt nước mắt, giữ lại cho mình, cho đời một vẻ bình thản can trường sẽ phải bật khóc khi đọc những câu thơ của Nguyễn Duy: "Mười lăm năm...kiệt khô lá héo/ Chợ bờ

sông mụ hành khất điên cười/ Con chết trẻ làm thần liệt sĩ/ Mẹ sống già làm ma giữa đời" (Ám ảnh cát - Nguyễn Duy). Đó có lẽ là những câu thơ đau đớn, ám ảnh

nhất về thân phận người mẹ liệt sĩ sau chiến tranh. Nỗi đau thời hậu chiến của những người mẹ liệt sĩ được nhà thơ diễn tả trần trụi quá, táo bạo quá, nhưng đó chính là nỗi đau thầm lặng đã bật lên thành lời, để người đọc thấm thía hơn sự khốc liệt dai dẳng của chiến tranh.

Nếu như trong thơ chống Mĩ chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong, trên những tuyến đường trọng điểm, những nữ quân y trên các trạm y tế tiền phương, những cô văn công hỏa tuyến... thì sau chiến tranh người yêu, người vợ đợi chờ được đặc biệt chú ý. Có thể những tháng ngày chiến tranh, các nhà thơ chưa thể nói hết được nỗi đau tinh thần của những người phụ nữ. Khi cuộc chiến đã kết thúc thắng lợi, nói về nỗi đau tinh thần cũng là biểu hiện sinh động của văn học cách mạng, văn học mang tính nhân văn cao cả.

Cuộc kháng chiến ba mươi năm được kết thúc huy hoàng. Hạnh phúc lớn của dân tộc, của số đông đã vẹn toàn. Biết bao nhiêu cuộc đoàn tụ cảm động sau những tháng năm chia li của cha con, vợ chồng, anh em. Biết bao nhiêu sự hàn gắn, chắp nối của hàng triệu số phận cá nhân khi đất nước hòa bình. Nhưng nào ai tính được còn bao nhiêu người vẫn mỏi mòn chờ đợi, tuyệt vọng trong hạnh phúc đôi lứa. Chất bi tráng của lòng chung thủy là sự hi sinh cao cả, là không gì lay chuyển được của lời thề trái tim mình trong tình yêu, là sự "hóa đá" đinh ninh của những lời hẹn ước khi buộc phải xa nhau: "Đêm đêm chị lang thang dọc bến đò/ Nơi ấy ngày xưa

chị tiễn chồng ra trận/ Ba mươi năm một mình lận đận/ Chị già theo những con nước đầy vơi" (Chị - Trần Chấn Uy). Những câu thơ đầy dư ba. Đó là tiếng vang

của nỗi nhớ, sự ngóng chờ mỏi mòn của người vợ, người yêu ở hậu phương. Hơn ai hết, người lính hiểu rằng người khổ nhất trong cuộc chiến tranh này vẫn là người phụ nữ. Họ là người gánh chịu nhiều thiệt thòi, nhiều cay đắng trong suốt cuộc chiến tranh. Những người vợ có chồng đang ở chiến trường, tính thời gian không phải là tính ngày, tính tháng theo cách tính thông thường mà họ đếm từng giờ, từng canh, khắc khoải mong chồng trở về. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ viết về chiến tranh hôm nay đã dành nhiều cảm xúc cho những trang viết về số phận của người yêu, người vợ trong chiến tranh và trong cả hòa bình: "Ta hóa đá đợi triệu

lần nỗi đợi/ Để cho những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong" (Trò chuyện với nàng Vọng phu - Vương Trọng).

Chiến tranh không chỉ có bom đạn tàn phá, hủy diệt cuộc sống mà nó còn cướp đi hạnh phúc đời thường của bao người phụ nữ. Nỗi đau của những người con gái một thời là chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trước bạo lực của kẻ thù, bất chấp gian khổ, thiếu thốn, bất chấp bom đạn của giặc, nhưng khi trở về quê hương thì trở thành những người quá lứa lỡ thì, không thể nào tìm kiếm được hạnh phúc đôi lứa. Thật ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh những cô gái thanh niên xung phong tươi trẻ một thời, giờ trở thành những ni cô nương náu cửa phật: "Sư thầy Đàm Thân/ Chết đi sống lại bao lần/ Đạn bom vùi phận gái/ Tuổi xuân để lại chiến trường/ Hết giặc/ Bắc Nam sum họp/ Còn cô/ Bến bờ dang dở/ Mấy ai còn nhớ/ Mấy ai thương?

(Vào chùa gặp lại - Văn Duy).

Khát vọng hạnh phúc, khát vọng làm vợ, làm mẹ là khát vọng bản năng chính đáng của người phụ nữ. Sau chiến tranh vấn đề này không đơn thuần là vấn đề cá nhân mà nó là hiện tượng xã hội, các nhà thơ đã phản ánh nó bằng trái tim đồng cảm, bằng những lời thơ tinh tế, làm thay đổi cách nhìn của người đời về những người phụ nữ quá lứa, lỡ thì: "Chị trở về sau cuộc chiến tranh/ Một tay không còn,

tuổi xuân cũng mất/ Năm mươi tuổi chị giành quyền làm mẹ/ Tiếng thị phi ném trả cho đời/ Nước mắt quyện nụ cười con trẻ/ Để trọn đầy nửa mảnh gương soi" (Chị -

Võ Thị Kim Liên). Trước thực tế cuộc đời, nhiều chị chỉ dám mơ một nửa giấc mơ là gặp một người đàn ông đã có con để có một mái ấm gia đình, để được gọi là vợ là mẹ như bao người phụ nữ khác. Khai thác vấn đề này, các nhà thơ thể hiện một cái nhìn đầy cảm thông, chia sẻ với người phụ nữ, góp phần xóa bỏ định kiến để phần nào làm dịu bớt những nỗi cay cực mà người phụ nữ phải gánh chịu.

Hình ảnh nàng Tô Thị nhiều lần xuất hiện trong thơ là biểu tượng của sự chờ đợi tuyệt vọng trong xa thẳm thời gian và không gian. Ở đây, nhà thơ không chỉ đơn thuần ca ngợi một cách tượng trưng, khái quát tình yêu huyền thoại mà còn là sự cảm phục đối với người phụ nữ trong hiện tại. Những bài thơ nói về người góa phụ đã khơi gợi một ý tưởng mới, chạm vào tâm thức độc giả với những rung cảm ngậm ngùi. Các nhà thơ đã thực sự cảm thông với nỗi đau của người phụ nữ và qua những câu thơ viết về thân phận của họ, chiến tranh đã hiện ra cụ thể và khắc nghiệt hơn trong đời sống thời bình: "Chiến tranh đã tắt từ lâu/ Cau vàng trái rụng, giàn trầu

héo hon/ Nửa đêm gió lạnh, trăng mòn/ Có người nghe tiếng ru con... khóc thầm"

(Người ấy - Nguyễn Đức Mậu). Suốt bao nhiêu năm, các chị phải quay mặt vào đêm, ngoảnh lưng lại với mọi cám dỗ, chấp nhận cuộc sống cô đơn, âm thầm chung thủy chờ chồng đến ngày toàn thắng. Khoảng thời gian ấy các chị chịu nhiều thiệt

thòi về tình cảm, phải sống trong nỗi cô đơn: "Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên

nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền" (Hữu Thỉnh). Chẳng

phải vô tình khi tác giả chọn mâm cơm để khắc họa hình ảnh của những người vợ có chồng ra trận. Bởi bữa cơm là lúc tất cả mọi người quây quần, sum họp bên nhau sau một ngày lao động vất vả. Vậy mà hai mươi năm rồi, chị vẫn một mình trong các bữa cơm chờ chồng, tự chôn tuổi xuân của mình trong nhan sắc. Đây là cách nói thể hiện sự tìm tòi của nhà thơ. Tuổi xuân là tuổi trẻ, nhưng chưa thật cụ thể, thì má lúm đồng tiền đã cụ thể hóa hơn cái thời tươi trẻ đầy nhan sắc của người con gái. Những câu thơ mang đầy bi kịch, không hề giấu giếm nỗi đau lại là những dòng thơ đồng cảm đến tận cùng, trân trọng đến tận cùng nhân cách của người phụ nữ.

Có thể khẳng định, những dòng thơ viết về số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh thường mang lại nhiều xúc động, day dứt cho người đọc. Bản thân đề tài tuy không phải mới, nhưng bao giờ cũng chứa đựng những rung cảm lớn lao với mỗi người. Mặt khác, độ lùi của thời gian, sự tiếp nhận cởi mở của bạn đọc thời hậu chiến đã cho phép các nhà thơ bộc lộ hết các cung bậc tình cảm của mình trước thực tế nhức nhối do chiến tranh để lại. Từ những góc độ, cấp độ khác nhau nhưng điểm gặp gỡ của người viết là khẳng định vai trò, sự đóng góp, hi sinh to lớn của người phụ nữ vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Tính chân thực của ngòi bút luôn luôn được các nhà thơ đặt lên hàng đầu. Vì vậy, thơ Việt Nam thời hậu chiến ngoài rất nhiều cố gắng dựng lại bức tranh hiện thực về thực tại đã qua còn khắc họa rất thành công hình ảnh người mẹ, người vợ, người yêu trong thời kì đất nước có chiến tranh và hòa bình. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử văn học dân tộc, trước hình ảnh người phụ nữ, sức khám phá, sức sáng tạo của các nhà thơ lại được thể hiện một cách tự giác và tập trung như vậy. Điều đó có thể xem là một trong những điểm nổi bật của thơ về đề tài chiến tranh và người lính trong văn học Việt Nam đương đại.

Trong hành trình trở về muôn mặt đời thường, các nhà thơ đã mở rộng hướng đi cho thơ mình, bắt kịp nhịp sống mới. Đó là cảm hứng về cuộc sống thời hậu chiến, là nỗi buồn, là niềm vui, là cảm hứng về sự hồi sinh. Nhà thơ lắng nghe âm hưởng của cuộc sống mới trong những cảnh đời bình dị, những con người chân thật, để viết nên những vần thơ đầy trân trọng, mến yêu. Hành trình đó còn là hành trình trở về cái tôi cá nhân, mở ra một thế giới nội tâm với muôn vàn sắc thái, những vấn đề nhân sinh, thế sự. Dễ nhận thấy khi viết về chiến tranh và người lính, các tác giả đã tước bỏ đi những gì quá hoa mĩ, óng ánh, những chi tiết rườm rà làm chậm sự truyền cảm để "đi thẳng vào những cảm xúc chân thật, sinh tử nhất", tạo nên những "giá trị nhận thức lớn" trong thơ giai đoạn 1975 - 2000.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Luận văn nghệ thuật thể hiện chiến tranh và người lính trong thơ (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w