Các công ƣớc quốc tế

Một phần của tài liệu Pháp luật về Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật (Trang 32)

Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ có thể nói là một vấn đề mà cộng đồng thế giới và các quốc gia hết sức quan tâm. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã nhấn mạnh: "Bà mẹ và trẻ em được đảm bảo chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt". Đây là cơ sở pháp lý quốc tế ban đầu để xác định lao động nữ là lao động đặc thù, có quyền ưu tiên, chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ. Chính vì vậy, ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình hoạt động, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã ban hành nhiều Công ước và Khuyến nghị thể hiện sự quan tâm, bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi cho lao động nữ. Đó là Công ước số 3 năm 1919, Công ước số 102 năm 1952, Công ước 103 năm 1952 (xét lại) và khuyến nghị số 95 (sửa đổi năm 1952), Công ước 128 về các chế độ hưởng do tàn tật, tuổi già và tiền tuất năm 1967...

Trước hết phải kể đến Công ước số 102 về Quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội được thông qua ngày 28/6/1952. Theo đó, Công ước quy định chín dạng trợ cấp xã hội gồm: trợ cấp ốm đau, chăm sóc y tế, trợ cấp thai sản, tuổi già, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tàn tật, tử tuất, thất nghiệp và trợ cấp gia đình. Trong đó, trợ cấp thai sản, tuổi già mang tính đặc thù, có những quy định riêng đối với lao động nữ. Mục đích của các Công ước và Khuyến nghị này chủ yếu nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ và trẻ sơ sinh được chăm sóc cần thiết và được bảo vệ mức sống đủ cho hai mẹ con trong thời kỳ người mẹ sinh con phải nghỉ việc. Đây cũng chính là những vấn đề cơ bản trong chế độ đối với lao động nữ. Công ước quy định, đối với trợ cấp thai sản, các trường hợp được bảo vệ gồm: thai nghén, sinh đẻ và những hậu quả tiếp theo và sự gián đoạn thu nhập nảy sinh; nội dung của chế độ bao gồm: chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và em bé, nghỉ làm và hưởng trợ cấp trong khoảng thời gian nhất định; mức trợ cấp tối thiểu so với thu nhập trước đó của người lao động nữ được hưởng là từ 45% - 70%. Về trợ cấp tuổi già, Công ước quy định trường hợp bảo vệ là tình trạng sống lâu hơn một độ tuổi được quy định và độ tuổi đó là không quá 65, tuy nhiên các cơ

quan có thẩm quyền có thể ấn định một độ tuổi cao hơn, xét theo khả năng làm việc của những người cao tuổi trong nước đó (3); mức trợ cấp tối thiểu so với thu nhập trước đó của đối tượng được hưởng là 40%. Đồng thời, để tránh sự lợi dụng tiền trợ cấp một khi chưa có đủ các điều kiện về mức độ thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội, Công ước 102 có quy định thâm niên tham gia là không quá 30 năm đóng góp hoặc không quá 20 năm thường trú. Với việc định ra các dạng trợ cấp đặc biệt là các dạng trợ cấp đặc thù giành cho lao động nữ cũng như quy định các mức trợ cấp, cách thức trả trợ cấp…có thể coi Công ước số 102 là một "Điều lệ mẫu về bảo hiểm xã hội" để cho các nước thành viên của ILO áp dụng.

Công ước số 103 là công ước tiêu biểu nhất về vấn đề bảo vệ phụ nữ trong thời kỳ thai sản. Theo đó, nội dung của Công ước quy định những vấn đề cơ bản sau:

- Về độ dài thời gian nghỉ thai sản ít nhất 12 tuần trong đó có một phần bắt buộc phải nghỉ sau khi sinh đẻ.

- Về mức trợ cấp: Mức trợ cấp bằng tiền sẽ do pháp luật quốc gia quy định, sao cho có thể đảm bảo đầy đủ việc nuôi dưỡng người mẹ và đứa con trong những điều kiện vệ sinh tốt và mức sống thỏa đáng..

Ngoài ra Công ước còn quy định: "Nếu lao động nữ cho con bú thì được phép ngừng việc trong một hoặc nhiều thời gian của ngày làm việc (do pháp luật quốc gia quy định) nhưng vẫn hưởng đủ lương" [49] và "trong thời gian nghỉ thai sản, nếu người sử dụng lao động cho người lao động nữ thôi việc hoặc cho thôi việc vào lúc mà thời hạn báo trước đã hết thì việc cho thôi việc đó là bất hợp pháp" [49].

Như vậy, có thể thấy các quy định của luật pháp quốc tế liên quan đến đối với lao động nữ đều nhằm bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi cho lao động nữ, đặc biệt là bảo đảm cho lao động nữ, trẻ sơ sinh được chăm sóc cần thiết và được bảo vệ mức sống đủ cho mẹ con trong thời kỳ người mẹ sinh

con phải nghỉ việc. Về cơ bản, pháp luật Việt Nam tương đối tương thích với pháp luật quốc tế về vấn đề này. Bộ luật lao động Việt Nam năm 1994 (qua ba lần sửa đổi năm 2002, 2006 và 2007) và Luật năm 2006 quy định: không được huy động làm thêm giờ đối với lao động nữ có thai từ tháng thứ 7; người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian lao động mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; thời gian nghỉ thai sản từ 4 đến 6 tháng tùy theo tính chất công việc nặng nhọc, độc hại nơi xa xôi, hẻo lánh với bảo hiểm 100% lương và được hưởng thêm 2 tháng tiền lương; thời gian nghỉ cho con bú được hưởng nguyên lương 1h/ngày đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Pháp luật Việt Nam còn quy định thời gian nghỉ khám thai định kỳ, thời gian nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đối với bảo hiểm hưu trí, pháp luật Việt Nam quy định độ tuổi để xác định chế độ nghỉ hưu trí cho lao động nữ là từ đủ 55 tuổi, mức lương hưu hàng tháng của người lao động khi đủ điều kiện hưởng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng tính thêm 3% đối với nữ…Có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam còn đảm bảo quyền cho lao động nữ ở mức độ cao hơn mức độ quy định trong luật pháp quốc tế. Nếu đặt điều đó trong bối cảnh kinh tế xã hội của một nước nghèo mới đánh giá đúng được tính ưu việt trong chính sách lao động nữ của Việt Nam. Tuy nhiên có một số điểm đặc biệt cần xem xét trong sự so sánh với luật pháp quốc tế, cụ thể:

Công ước số 102 và Công ước 128 không có sự phân biệt độ tuổi để xác định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ mà đưa ra mức lựa chọn độ tuổi làm căn cứ xác định cho lao động được hưởng chế độ hưu trí từ 60 đến 65 tuổi và số năm đóng bảo hiểm khuyến cáo tối thiểu là 15 năm trở lên và cho hưởng mức thấp hơn nếu không đáp ứng yêu cầu này. Việc không phân biệt điều kiện hưởng hưu trí giữa lao động nam và lao động nữ là xu hướng tiến bộ, đảm bảo được sự công bằng cho lao động nam và nữ về nhu cầu cống hiến sức lao động và hưởng thụ thành quả do chính mình làm ra.

Nhìn từ góc độ bình đẳng giới, đây là quy định được đánh giá là tiến bộ, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam (trong số ít pháp luật các nước, đặc biệt trong khu vực ASEAN) quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 tuổi và dẫn đến cách tính mức hưởng trợ cấp hưu trí đối với lao động nữ khác lao động nam. Chính vì vậy, trong một số trường hợp, quyền lợi của lao động nữ không được đảm bảo bình đẳng với lao động nam trong chế độ hưu trí.

Về chế độ thai sản, một vài điểm của Công ước 103 chưa được thể hiện hoặc chưa thể hiện cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Một trong những vấn đề đó là trường hợp lao động nữ ốm đau, có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền vì nguyên nhân mang thai hay sinh đẻ thì được nghỉ theo chế độ thai sản. Ở Việt Nam đối với trường hợp này không có quy định riêng mà lao động nữ chỉ được nghỉ theo chế độ ốm đau thông thường. Nếu xem xét đó là trường hợp nghỉ theo chế độ thai sản thì lao động nữ sẽ được đảm bảo quyền lợi cao hơn mức hiện hành. Đối với chế độ trợ giúp y tế cho lao động nữ trong thời kỳ thai sản, theo Công ước số 103 thì lao động nữ có quyền được tự do lựa chọn thầy thuốc và tự do lựa chọn bệnh viện công hay tư nhân. Ở Việt nam, lao động nữ cũng có quyền được trợ giúp y tế thông qua hệ thống bảo hiểm y tế nhưng hoạt động của bảo hiểm y tế chưa hoàn toàn đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền của họ một cách triệt để.

Một phần của tài liệu Pháp luật về Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)