Mức trợ cấp bảo hiểm khi nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau bằng 75% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi nghỉ việc.
Việc cho phép lao động nữ được nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau và hưởng bảo hiểm xã hội là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tế và thiên chức làm mẹ của lao động nữ. Trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 tuổi trẻ em không thể tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh tật và trong trường hợp đó người mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc là điều tất yếu. Thời gian nghỉ việc này cũng không thể buộc người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thu nhập cho người lao động. Trách nhiệm đó chỉ có thể thuộc về bảo hiểm xã hội.
So với quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội năm 1995 (Ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ) thì Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 có một số điểm mới khi quy định về vấn đề này:
Trước hết, về điều kiện để hưởng trợ cấp khi lao động nữ nghỉ để chăm sóc con ốm, Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 quy định hai điều kiện:
- Có con thứ nhất, thứ hai dưới 7 tuổi bị ốm đau.
- Có sự xác nhận của cơ quan ý tế có thẩm quyền về việc người lao động phải nghỉ để chăm sóc con.
Như vậy, người lao động có con thứ nhất, thứ hai dưới 7 tuổi bị ốm thì nghỉ chăm sóc mới được hưởng trợ cấp. Điều này có nghĩa là lao động nữ có nhiều hơn hai con thì từ đứa thứ ba trở đi, dù dưới 7 tuổi nhưng khi con bị ốm phải nghỉ để chăm sóc thì sẽ không được hưởng trợ cấp. Quy định này là không hợp lý, bởi lẽ mỗi đứa trẻ đều có quyền được hưởng sự chăm sóc của gia đình và xã hội. Mặt khác, trước đây, khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, để kìm hãm tốc độ gia tăng dân số, Nhà nước buộc phải lồng ghép chính sách dân số vào chính sách bảo hiểm. Việc quy định như trên đã có tác dụng tích cực trong việc ổn định dân số trong một thời gian dài. Nhưng nếu nhìn nhận nó dưới góc độ bảo hiểm xã hội thì e rằng nó đã làm giảm đi ý nghĩa của bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, Điều lệ bảo hiểm xã hội năm 1995 đã
quy định, lao động nữ khi sinh con, không phân biệt số lần sinh đều được hưởng trợ cấp thai sản. Điều đó có nghĩa là họ có thể sinh từ hai con trở lên. Do đó, lao động nữ phải được hưởng trợ cấp khi nghỉ chăm sóc con ốm dù là con thứ ba hay thứ tư… nếu đủ điều kiện đã quy định. Điều này đã được Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 sửa đổi: chỉ cần có con dưới 7 tuổi ốm đau, không phân biệt bao nhiêu con và con thứ mấy.
Trong chế độ ốm đau, Điều lệ bảo hiểm xã hội năm 1995 quy định bao gồm cả chế độ bảo hiểm đối với lao động nữ khi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Việc để chế độ trợ cấp khi người lao động nữ thực hiện các biện pháp Kế hoạch hóa gia đình nằm trong chế độ trợ cấp ốm đau là không hợp lý. Bởi lẽ, ốm đau là hiện tượng tự nhiên xảy ra một cách khách quan đối với mỗi người. Còn việc thực hiện các biện pháp Kế hoạch hóa gia đình lại nằm trong tầm kiểm soát của con người. Do vậy, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau cần quy định ở những chế độ khác nhau. Trong khi đó, chế độ trợ cấp khi lao động nữ thực hiện các biện pháp Kế hoạch hóa gia đình lại rất gần với chế độ trợ cấp thai sản, chế độ đặc trưng áp dụng đối với lao động nữ. Vì vậy, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 đã tách chế độ bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ khi thực hiện Kế hoạch hóa gia đình ra khỏi chế độ ốm đau và đưa những quy định về chế độ này sang chế độ bảo hiểm thai sản.
Về cơ bản, những sửa đổi và quy định trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 về chế độ nghỉ để chăm sóc con ốm là hợp lý. Song thực tiễn thực thi các quy định này trong thời gian qua gặp phải một số vấn đề bất cấp, vướng mắc. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật bảo hiểm xã hội quy định điều kiện để người lao động nghỉ chăm sóc con là có xác nhận của cơ sở y tế. Quy định này trên thực tế chỉ áp dụng cho những trường hợp trẻ bị ốm nặng phải điều trị nội trú tại các cơ sở y tế, những trường hợp trẻ bị ốm dịch, ốm nhẹ, điều trị tại nhà thông thường người mẹ nghỉ không được hưởng
chế độ bảo hiểm. Việc quy định quá chặt chẽ này cũng gây khá nhiều khó khăn cho lao động nữ, nhất là các trường hợp con họ thường xuyên ốm vặt. Trong các gia đình Việt Nam hiện nay, khi trẻ em ốm đau thông thường người phụ nữ phải nghỉ việc để chăm sóc con nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian làm việc của họ tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đây là lý do một số người sử dụng lao động không muốn nhận lao động nữ và cũng là nguyên nhân làm cho phụ nữ không có thời gian học tập, phấn đấu, chưa kể đến việc lao động nữ làm việc hưởng lương theo thời gian, theo sản phẩm… bị giảm thu nhập. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tính toán thêm về điều kiện "có xác nhận của cơ sở y tế", vì các quy định về thời gian nghỉ trong một năm theo độ tuổi của trẻ em (Khoản 1 - Điều 24) đã đủ để giảm thiểu các trường hợp lợi dụng sự "thông thoáng" của quy định này.
Thứ hai, thời gian nghỉ để chăm sóc con ốm đau được hưởng trợ cấp phụ thuộc vào độ tuổi của đứa con bị ốm. Khoảng thời gian pháp luật cho phép lao động nữ nghỉ việc để chăm sóc con là 15 hay 20 ngày trong một năm (tùy thuộc vào độ tuổi của con) nhìn chung là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, khoảng thời gian này sẽ chỉ phù hợp trong trường hợp ốm đau thông thường hay trường hợp đứa trẻ đã nhiều tuổi hơn (từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi) thì thời gian hưởng trợ cấp ít hơn; còn nếu đứa trẻ nhỏ tuổi hơn thì thời gian nghỉ hưởng trợ cấp dài hơn vì thực tế đứa trẻ bị ốm càng nhỏ tuổi thì càng cần sự chăm sóc của cha mẹ hơn. Đối với những trường hợp trẻ em bị mắc các bệnh cần điều trị dài ngày thì khoảng thời gian này là quá ngắn ngủi (như bị bệnh tim, bệnh lao phổi…). Song, đó chỉ là xét trên bình diện chung, thực tế thì thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau của người lao động cần phụ thuộc vào mức độ ốm nặng hay nhẹ của con chứ không phải phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ bị ốm. Do đó, nếu đứa con nhiều tuổi bị ốm nặng hơn thì người lao động vẫn cần thời gian nghỉ chăm sóc nhiều hơn so với đứa con ít tuổi bị ốm nhẹ hơn. Luật bảo hiểm xã hội cũng không nên quy định cứng thời gian tối đa được hưởng trợ cấp chăm sóc con ốm đau là 20 ngày trong một năm hoặc 15
ngày trong một năm vì lao động nữ có thể nghỉ nhiều hơn để chăm sóc con ốm đau và trong thời gian đó họ vẫn được hưởng trợ cấp. Tất nhiên cũng cần tính đến quyền lợi của người sử dụng lao động hoặc tính đến mức độ đóng góp cho xã hội của lao động nữ mà quy định thời gian hưởng trợ cấp cho hợp lý.
Thứ ba, về mức trợ cấp, bảo hiểm xã hội đã phân theo hai loại lao động. Nếu lao động thuộc lực lượng vũ trang thì mức trợ cấp bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Còn đối với lao động không thuộc lực lượng vũ trang thì mức trợ cấp là 75%. Quy định như vậy thể hiện rõ sự phân biệt của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động trong lực lượng dân sự và lực lượng vũ trang. Xét từ bản chất của bảo hiểm xã hội ta sẽ thấy quy định như thế cũng là chưa hợp lý. Khi có con ốm, lao động nữ đều phải nghỉ để chăm sóc con và như thế đều ảnh hưởng tới thu nhập của họ không kể họ thuộc lực lượng vũ trang hay không. Bản chất của bảo hiểm xã hội là bù đắp phần thu nhập bị mất hoặc bị giảm của người lao động khi gặp rủi ro không phụ thuộc vào việc họ làm việc ở ngành nghề, lĩnh vực nào. Hơn nữa, nếu xét trên cơ sở mức độ quan trọng của hệ thống ngành nghề thì những người trong lực lượng vũ trang đã hưởng lương cao hơn so với những người có cùng trình độ ở bên ngoài dân sự. Vậy nên chăng cần có sự thống nhất trong việc quy định mức hưởng trợ cấp đối với lao động nữ trong mọi ngành nghề khi nghỉ để chăm sóc con ốm.