toàn trong lĩnh vực ngân hàng đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế
Một trong các giải pháp bao gồm việc nghiên cứu, ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế cho thị trường vốn, trong đó có cả chuẩn mực về xác định giá trị hợp lý của các tài sản tài chính và các chuẩn mực về trình bày, thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu các chuẩn mực này được ban hành, thông tin về tình hình sở hữu chéo của các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn chuẩn mực nào để ban hành, mức độ áp dụng như thế nào thì cần phải được cân nhắc kỹ, bảo đảm thực hiện theo một lộ trình hợp lý, không gây sốc cho các ngân hàng. Đồng thời, để loại trừ tính nhiễu của sở hữu chéo trong vốn tự có như đã đề cập ở trên, khoản đầu tư của TCTD này vào TCTD khác phải được xác định rõ và loại trừ khỏi vốn cấp 1 của tổ chức được góp vốn khi tính hệ số an toàn vốn (CAR) của tổ chức này, tránh tình trạng vốn chảy lòng vòng trong hệ thống dẫn tới viêc tăng vốn không thực chất. Đặc biệt, các quy định về phòng chống rửa tiền
82
cũng phải được thực thi một cách nghiêm túc. Ví dụ, các cổ đông đi vay tiền hoặc các nguồn tiền để góp vốn thành lập ngân hàng không minh bạch thì phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ bằng con số tuyệt đối thì việc quy định các tỷ lệ an toàn vốn cũng là một nội dung quan trọng. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì Thông tư 13/2010 đối với việc đảm bảo các hệ số an toàn vốn. Tuy nhiên, thông tư này cần sửa đổi và dần hướng theo tiêu chuẩn vốn quốc tế như quy định trong Basel III. Các nội dung về đánh giá tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II đã bộc lộ nhiều bất cập như đánh giá không chính xác mức độ rủi ro của các TCTD khi nền kinh tế trong giai đoạn suy thoái. Do đó, việc nghiên cứu, cập nhật và ứng dụng theo tiêu chuẩn Basel III là việc cần được thực hiện sớm.
Ngoài ra, công tác giám sát an toàn vốn cũng là một nội dung quan trọng trong bộ khung về quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro từ việc không đảm bảo các quy định về vốn của các ngân hàng. Theo đó, cơ quan giám sát có trách nhiệm phân chia ngân hàng thành các nhóm như thừa tiêu chuẩn về vốn, đủ tiêu chuẩn về vốn, chưa đủ tiêu chuẩn về vốn và chưa đủ tiêu chuẩn về vốn một cách trầm trọng. Đối với những ngân hàng chưa đủ tiêu chuẩn về vốn, cần có biện pháp yêu cầu các ngân hàng này lập kế hoạch để cải thiện tiêu chuẩn vốn, đối với các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng không đáp ứng được tiêu chuẩn vốn nghiêm trọng, chính phủ mà đại diện ở đây chính là NHNN cần cân nhắc đến việc đóng cửa tổ chức đó nhằm tạo tín hiệu cảnh báo các tổ chức khác.