“Trung” là một trong những phạm trù cơ bản của triết học Trung Quốc. Nội hàm của khái niệm “Trung” có nhiều nghĩa như: Trung là trung tâm, trung hòa, trung lập, không thái quá không bất cập, là trung dung, là trung chính.
Tư tưởng về “Trung” đã có từ lâu trong văn hóa Trung Quốc. Sách Luận Ngữ ghi về “Trung” theo nghĩa “Trung chính” trong thiên “Nghiêu viết” như
sau: “Tư! Nhĩ Thuấn, thiên chi lịch số tại nhĩ cung, doãn chấp kì trung. Tứ hải khốn cùng, thiên lộc vĩnh chung”. Thuấn diệc dĩ mệnh Vũ: (Khi nhường ngôi cho ông Thuấn) vua Nghiêu bảo: “Hỡi ông Thuấn, mệnh trời tuần hoàn, nay ngôi vua về ông; ông nên thành thực giữ đạo trung chính. Nếu dân trong bốn bể khốn cùng, thì lộc trời (ban cho ông) sẽ mất hẳn đấy”. (Về sau) vua Thuấn lại truyền những lời đó cho ông Vũ” [25, tr. 321, 322].
Khổng Tử rất chú trọng Đạo trung dung. Đạo đó được truyền cho Tăng Tử nên được chép trong Luận Ngữ, rồi Tăng Tử lại truyền cho Khổng Cấp, tức Tử Tư (cháu đích tôn của Khổng Tử), sau cùng Mạnh Tử bàn cho rộng thêm. Tác giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng sách Trung Dung, Đại Học, Chu Dịch và Hoài Nam Hồng Liệt là dư âm của thời Tiên Tần; như vậy là nội dung của sách Trung Dung có liên quan đến tư tưởng “Trung” trong Chu Dịch; và tác giả cũng nhận xét rằng: “Quan niệm “trung” trong Dịch gần với quan niệm trong Trung dung hơn là với quan niệm trong Luận ngữ. Luận ngữ chỉ đúng về phương diện tu thân, học đạo, về phương diện thị phi mà coi trọng đức trung, cho thái quá và bất cập đều xấu như nhau. Dịch theo luật âm dương trong thiên nhiên, thấy cái gì thái quá thì gây phản ứng, nên khuyên phải trung, phải quân bình để tránh phản ứng, tránh họa” [27, tr. 175, 176]. Vậy tư tưởng về “Trung” trong Chu Dịch cụ thể ra sao, nội dung như thế nào? Điều này được lý giải trong Dịch Truyện, nhất là ở Hệ Từ Truyện.
2.2.1. Cơ sở của “Trung”
Chu Dịch rất chú trọng đến “Trung” theo nghĩa “Trung tâm”. Bằng trực
quan ta thấy rằng con người ở giữa trời và đất: “đầu đội trời, chân đạp đất” có nghĩa là ở vị trí trung tâm trong tương quan với trời và đất. Chương X, Hệ Từ hạ truyện viết: “Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị: hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục. Lục giả, phi tha dã, tam tài chi đạo dã: Sách Dịch bao la (rộng lớn) gồm đủ cả: có đạo trời, có đạo người, có đạo đất, gồm cả ba ngôi (tam tài là trời, người, đất) mà
nhân hai lên, cho nên thành ra sáu hào. Sáu hào không có gì khác là đạo của ba ngôi” [27, tr. 597]; chương II, Thuyết Quái Truyện cũng viết: “Tích giả thánh nhân chi tác Dịch dã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. Thị dĩ lập thiên chi đạo viết Âm dữ Dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa. Kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố Dịch lục hoạch nhi thành quái. Phân Âm phân Dương, điệt hung nhu cương, cố Dịch lục vị nhi thành chương: Ngày xưa khi thánh nhân sáng tác Kinh Dịch, các ngài thuận theo quy luật biến hóa của tính và mệnh của sự vật. Cho nên, các ngài xác lập: đạo trời thì có Âm và Dương, đạo đất thì có nhu và cương, đạo người thì có nhân và nghĩa. Các ngài gộp tam tài (thiên - địa - nhân) [thành quẻ đơn] và gấp đôi lên [thành quẻ kép], cho nên sáu vạch Kinh Dịch lập thành quẻ kép. Sáu vạch được phân làm hào Âm và hào Dương, được dùng lần lượt thành hào nhu và hào cương. Do đó sáu vị trí trong quẻ Dịch lập thành hình quẻ” [33, tr. 214]. Trong các đoạn trích trên Chu Dịch đã cho thấy mối quan hệ giữa Trời – Người – Đất qua hình tượng phù hiệu 3 vạch của Bát Quái hoặc phù hiệu 6 vạch của trùng quái. Đây là sự mô phỏng 3 lực lượng lớn nhất trong vũ trụ, có sự tương đương với nhau. Tuy vậy, những nội dung này chưa chứng tỏ được vị trí của tài Nhân so với Thiên Địa. Vị trí trung tâm của tài Nhân chỉ được khẳng định rõ ở chương I, Hệ từ truyện: “Dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ, thiên hạ chi lí đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ: Có đức “dị” (của Càn), có đức “giản” (của Khôn) thế là nắm được đạo lí trong thiên hạ rồi; nắm được đạo lí trong thiên hạ, thế là có được cái địa vị ở giữa trời và đất (cùng trời đất thành ba ngôi - tam tài: trời, người, đất, tham dự được với trời đất” [27, tr. 533]. Vậy tài Nhân là cầu nối giữa Trời và Đất, là sự dung hòa giữa Thiên và Địa. Chỉ khi có vai trò hoặc tương quan ngang bằng với Trời Đất hay Thiên Địa thì tài Nhân mới có thể thực hiện được những công việc to lớn như Trời Đất.
Trong Bát quái, (nếu tính từ dưới lên) hào dưới cùng tượng trưng cho vị trí của Địa, hào thứ hai (giữa) tượng trưng cho Nhân và hào thứ ba tượng trưng cho Thiên; tương tự như vậy trong trùng quái - tức quẻ có 6 hào - thì hào sơ và hào nhị tượng trưng cho vị trí của tài Địa, hào tam và hào tứ tượng trưng cho vị trí của tài Nhân cuối cùng hào ngũ và hào thượng tượng trưng cho vị trí của tài Thiên. Những hào tượng trưng cho tài Nhân thường nhấn mạnh đến con người hoặc những sự kiện liên quan mật thiết đến con người. Ở quẻ Càn, hào 3 và 4 đều trực tiếp đề cập đến con người – người quân tử: Hào 3 viết: “Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu: Quân tử suốt ngầy hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tội lỗi” [27, tr. 203] và Hào 4 viết: “Hoặc dược, tại uyên, vô cữu: Như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi” [27, tr. 203]. Khẳng định thêm về điều này, Đại tượng truyện quẻ Càn không bàn đến những hào khác, mà gián tiếp đề cập đến hào 3 để khẳng định nội dung chính của toàn quẻ: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức: Trời vận chuyển mạnh mẽ, người quân tử noi theo vận dụng đức tính mạnh mẽ của mình để hành sự” [17, tr. 58]. Tóm lại, xét tổng thể 64 quẻ Chu Dịch không đâu không bàn đến con người, việc người và con người trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong Chu Dịch. Đạo đức và hành xử đạo đức của con người là sự thể hiện của luật trời, thuận Thiên đạo
Như vậy, Bát Quái và 64 quẻ đều chứa đựng biểu tượng tam tài và tài nhân luôn ở vị trí giữa hay trung tâm so với Thiên Địa. Với tư cách là một tài trong tam tài, thì tài nhân cũng là một trong tam cực - tài Nhân là một trong ba đầu mối lớn nhất trong vũ trụ ngang hàng với Trời và Đất. “Trung” mà
Chu Dịch nhấn mạnh, là “Trung” gắn với con người, khẳng định con người,
khẳng định vai trò của con người trong tương quan với Trời Đất. “Trung” này không trừu tượng, trái lại nó tồn tại khách quan và có thể trực quan được.
Như vậy, “Trung” ở Chu Dịch được nhấn mạnh trong tương quan với Thiên Địa, lấy Thiên Địa làm tiêu chuẩn so sánh và vị trí “Trung” này gắn với con người, khẳng định địa vị con người.
Dưới góc độ trạng thái, “Trung” biểu hiện sự trung hòa, thống nhất giữa Thiên Địa, Càn Khôn hoặc Âm Dương; như vậy Tính người cũng có cơ sở từ Âm Dương: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo. Kế chi giả, thiện dã; thành chi giả, tính dã: Một âm một dương gọi là đạo. Cái nguyên lí ấy, cái đạo ấy khi phát ra thì tốt lành, cái tốt lành ấy tức cái đạo ấy cụ thể hóa (thành) ở người (và vạn vật) thì bấy giờ gọi bằng tính” [27, tr. 541]; “Thiên địa thiết vị nhi dịch hành kì trung hĩ; thành tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn: Trời [cao] đất [thấp] đã thành ngôi, mà sự [âm dương] biến hóa lưu hành ở khoảng giữa [trời đất]; người ta bẩm thụ được cái tính (tốt) rồi, thì còn, còn mãi, đó là cái cửa của đạo nghĩa” [27, tr. 546]. Tính người là sự cụ thể hóa của Đạo, của sự dung hòa Âm Dương trong Nhân đạo. Theo nghĩa này Tính là cầu nối của Âm Dương, là trung điểm gặp gỡ của Âm và Dương do đó mà dung hòa được Âm Dương. Nói cách khác tính người cũng có cơ sở từ tự nhiên.
Tóm lại với tư cách hữu hình “Trung” biểu thị địa vị ở giữa trời đất của con người; với tư cách trạng thái nó là sự tổng hợp, hài hòa, thống nhất của sự tương tác giữa Âm và Dương. Nhờ cơ sở tự nhiên này mà “Trung” trở thành phương thức ứng xử đặc trưng trong văn hóa và nhất là trong tư tưởng đạo đức của Trung Hoa.
2.2.2. Ứng xử theo “Trung”
Ứng xử theo “Trung” thực chất cũng là sự cụ thể hóa của tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”. Trước hết, “Trung” theo nghĩa là hài hòa, không thái quá không bất cập. Chương IV, Hệ Từ Thượng Truyện khái quát về ứng xử hài hòa, không thái quá không bất cập như sau: “Dữ thiên địa tương tự cố bất vi; trí chu hồ vạn vật nhi đạo tế thiên hạ, cố bất quá; bàng hành nhi bất lưu;
chi hóa nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di, thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri, cố thần vô phương nhi dịch vô thể: (trên nói về trời, đây nói về thánh nhân) [Thánh nhân] giống với trời đất nên không trái với trời đất, đức trí (sáng suốt) soi khắp vạn vật, mà đạo (nhân của thánh nhân) giúp khắp thiên hạ, cho nên không bao giờ quá (luôn luôn hợp với đạo trung); biết quyền biến (bàng hành) mà không lưu đãng (không mất lẽ chính đáng) vui với lẽ trời, biết mệnh trời cho nên không lo lắng; yên với cảnh ngộ, đôn đốc về đức nhân, cho nên thực hành được bác ái. [Thánh nhân] lấy sự biến hóa của trời đất làm khuôn mẫu mà không quá (vẫn giữ đạo trung), uốn nắn mà thành tựu được vạn vật, chẳng bỏ sót vật nào, thông suốt đạo ngày đêm mà hiểu nó [tức đạo u minh, sinh tử, quỉ thần]; do đó thấy sự huyền diệu của bậc chí thần là không có phương sở mà biến hóa của Dịch không có hình thể (không hạn lượng được)” [27, tr. 539].
“Trung” là giữ cho tâm thân anh định, giữ cho tâm không thiên lệch: “Xích oách chi khuất dĩ cầu thân dã; long xã chi trập dĩ tồn thân dã; tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng dã; lợi dụng an thân dĩ sùng đức dã: Con sâu đo co lại là để ruỗi ra: con rồng con rắn nấp (dưới vưc, dưới đất) là để giữ mình (Người quân tử) tìm hiểu nghĩa lí tới chỗ tinh vi, vào tới được chỗ thần diệu là để có công dụng cực kì (mà lập nên sự nghiệp); lợi dụng sự an định tâm thân là để cho đức được cao quí” [27, tr. 581]. Sách Trung Dung cũng viết: “Bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung. Trung giả, thiên hạ chi chính đạo; dung giả, thiên hạ chi định lý: Hễ cái tâm không chênh bên này, không lệch bên kia, ở được mức giữa thì gọi là trung; còn như thường thường một mực, không hay dời đổi thì kêu là dung. Trung là con đường ngay mà tất cả mọi người đều phải theo; dung là cái lẽ sẵn định nó quản trị tất cả mọi người” [14, tr. 41]. Tâm thân an định là thực hiện theo “Trung”; ngược lại, theo “Trung” thì tâm thân mới an định, không thái quái hoặc bất cập.
Một lòng giúp đỡ vạn vật, như Thiên đạo luôn tác thành cho vạn vật không ngừng nghỉ; con người cũng vậy, luôn kiên trì với đường lối giúp khắp thiên hạ không trừ một ai, không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo và giới tính. Đây cũng là “Trung” với ý nghĩa trung lập, không đổi dời ý chí, kiên trung, thủy chung như nhất: “Chữ trung lập ở đây không có cái nghĩa mà ta thường dùng ngày nay. Trung lập theo Khổng Tử là tự lập một cách trung chính, cứ theo cái lẽ phải mà xử sự không bị ai lung lạc” [10, tr. 494]. Tượng truyện quẻ Càn nhấn mạnh về điều này như sau: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức: Trời vận chuyển mạnh mẽ, quân tử noi theo vận dụng đức tính mạnh mẽ của mình để hành sự” [17, tr. 58].
Để thích hợp với sự biến hóa của vạn vật thì con người cũng phải quyền biến, linh hoạt trong ứng xử không được ứ đọng, phải chọn thời điểm thích hợp nhất để ứng xử. Theo ý nghĩa này, “Trung” là ứng xử trúng thời; biết quyền biến hay biến thông. Theo tác giả Nguyễn Hiến Lê thì mỗi hào, mỗi quẻ và toàn bộ Chu Dịch đều là thời. Về mỗi hào là một thời ông viết: “Như quẻ Càn, hào 1 là giai đoạn ở ẩn (tiềm long) trong thời Càn; hào 2 là giai đoạn bắt đầu xuất hiện (hiện long); hào 3 là giai đoạn thận trọng chờ thời; hào 4 là giai đoạn có thể bay nhảy được; hào 5 là giai đoạn thành công, lên tới tột bực, hào 6 là giai đoạn rút lui… ; mỗi hào tuy có một ý nghĩa riêng nhưng ý nghĩa đó luôn luôn tùy ý nghĩa của quẻ, tức tùy cái thời chung của sáu hào… Cùng là thể dương ở vị dương, ngôi chí tôn, mà hào 5 quẻ Càn rất tốt, lập sự nghiệp lớn, còn hào 5 quẻ Truân chỉ hơi tốt thôi, chỉnh đốn việc nhỏ thì được, việc lớn thì xấu, vì hai hào đó ở thời khác nhau, một ở thời Càn, thời của bậc đại nhân, một ở thời Truân, thời gian nan, khó khăn, cho nên tài như nhau mà sự nghiệp khác nhau xa” [27, tr. 184]; chương IX, Hệ Từ hạ truyện cũng viết “Dịch chi vi thư dã, nguyên thủy yếu chung dĩ vi chất dã. Lục hào tương tạp, duy kì thời vật dã: Trong Kinh Dịch mỗi quẻ bắt đầu từ hào sơ, kết thúc ở hào thượng, đó là đủ thẻ của quẻ. Sáu hào là sáu thành phần của quẻ, xen lẫn
nhau, chỉ cho biết ý nghĩa tùy từng thời thôi” [27, tr. 595]. Về mỗi quẻ là một thời, ông nhận xét: “Cũng theo Huệ Đống, trong Thoán Truyện có 24 quẻ, trong Tượng Truyện có 6 quẻ nói tới chữ Thời. Phan Bội Châu bảo trong Thoán Truyện có 11 quẻ đề cao chữ thời: quẻ Di, quẻ Đại Quá, quẻ Giải, quẻ Cách chỉ nói tới Thời thôi; quẻ Dự, quẻ Độn, quẻ Cấn, quẻ Lữ nói tới Thời mà kiêm với Nghĩa; quẻ Khảm, quẻ Khuê, quẻ Kiển nói tới Thời mà kiêm với Dụng… Hai nhà đó chỉ kể những quẻ mà lời Thoán Truyện và Tượng Truyện khuyên đạo tùy thời; chứ theo Dịch học phái thì 64 quẻ, quẻ nào cũng nói đến thời vì mỗi quẻ là một thời. Chữ thời này có nghĩa rộng. Thái, Bĩ, Kí Tế (đã xong rồi), Vị Tế (chưa xong), Khốn, Dự (vui vẻ), Nhu (đợi chờ) … đều là thời cả; mà ngay đến Càn, Khôn, Khảm, Cấn… cũng là thời nữa: Càn là thời của một đại nhân, có tài đức, thời hành động; Khôn là thời của người dưới, thời nhu thuận, thời văn minh; Khảm là thời gian nguy; Cấn là thời nên tĩnh, nên thận trọng, đề phòng…” [27, tr. 180 - 181]. Và bản thân Dịch cũng chỉ là thời: “Đọc Dịch chúng ta so sánh, suy nghĩ như vậy sẽ nhận được rất nhiều bài học tùy thời, sẽ thấy cả bộ Dịch chỉ tóm lại trong chữ Thời…. Tùy thời mà vẫn giữ được đạo trung chính, đó lại là một luật bất biến dịch nữa trong đạo biến dịch. Nắm được luật đó thì ta có thể ứng được với vạn cái biến trong đời…Chúng ta sẽ biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu, lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái, lúc nào nên động, lúc nào nên tĩnh, lúc nào nên nhường nhịn, lúc nào nên tấn công….” [27, tr. 186].
Như vậy thời ở đây chính là thuận theo quy luật, thuận theo thiên đạo và nhân đạo mà hành xử: “Tử viết: “Hựu giả trợ dã. Thiên chi sở trợ giả thuận, nhân chi sở trợ giả tín. Lí tín, tư hồ thuận, hựu dĩ thượng hiền dã, thị dĩ tự nhiên hựu chi; cát, vô bất lợi dã”: Thầy [Khổng] nói: “Phù hộ (hựu) nghĩa là giúp (trợ). Ai thuận với đạo trời thì trời giúp cho; ai có lòng thành tín với người thì người giúp cho. Giữ lòng thành tín với người, nghĩ đến sự thuận đạo trời, lại biết trọng người hiền, như vậy thì được trời phù hộ cho; tốt, không có gì là không lợi” [27, tr. 565].
Thuận theo thời song cần phải biết quyền biến hay biến thông thì mới có