Trong xu thế hội nhập nền kinh tế toàn cầu, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cũng như những thách thức đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng; nó tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng đến sự phát triển và làm mất đi cơ hội hòa nhập vào hệ thống ngân hàng thế giới. Do đó, việc xây dựng một hệ thống pháp lý cho hoạt động ngân hàng là một việc làm hết sức cấp thiết.
61
Một trong những định hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật ngân hàng là xây dựng Luật NHNN (sửa đổi) để thay thế Luật NHNN hiện hành. Luật NHNN (sửa đổi) phải thể chế hoá được quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, từng bước thực hiện được mục tiêu, định hướng về phát triển NHNN theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
Luật NHNN (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý để nâng cao một bước trách nhiệm, thẩm quyền và tính chủ động của NHNN trong việc sử dụng các công cụ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng như giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. NHNN chủ động sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sự linh hoạt cần thiết trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Từ những nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp lý để hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động kinh doanh hiệu quả, đúng quy định nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra do tác động của nền kinh tế thị trường.
Ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần trích lập dự phòng rủi ro lãi suất, sử dụng nguồn dự phòng, xây dựng hạn mức rủi ro đối với từng loại rủi ro riêng biệt.
Ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình tác nghiệp thống nhất cho hệ thống ngân hàng, tránh trường hợp mỗi ngân hàng quản trị theo cách riêng dẫn đến sự không đồng nhất trong tác nghiệp của ngành ngân hàng.
Kịp thời xây dựng khung pháp lý để ứng phó với sự biến hóa của thị trường tiền tệ, những âm mưu thâu tóm trong hệ thống ngân hàng.
Các quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi cũng rất cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian sắp tới, và các quy định này nên gắn liền với phần đánh giá rủi ro của tổ chức tín dụng đối với các khoản mục hoặc danh mục nói chung để có những quy định cụ thể hơn về mức phí, điều lệ tham gia… Phần bảo hiểm tiền gửi hiện nay được trông đợi là sẽ bảo vệ được 98% người gửi tiền.
62
Cải cách hệ thống kế toán ngân hàng hiện hành theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là các vấn đề phân loại nợ theo chất lượng/mức độ rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro, hạch toán thu nhập/chi phí. Phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS). Xây dựng các giải pháp chính sách để hoàn thiện phương pháp kiểm soát và kiểm toán nội bộ trong các ngân hàng và tiến tới theo các chuẩn mực quốc tế.
Tạo điều kiện cho các ngân hàng ứng dụng công nghệ quản trị ngân hàng hiện đại và tạo rào chắn chống lại sự lạm dụng và gian lận, trong đó đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Mỹ (GAAP) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) trong xu hướng hợp nhất giữa hai chuẩn mực này.
Xây dựng thể chế giám sát ngân hàng mới đi đôi với thực hiện cơ chế giám sát dựa trên cơ sở rủi ro và xây dựng Luật giám sát an toàn hoạt động ngân hàng trên nguyên tắc cải thiện tính độc lập gắn liền với tính trách nhiệm và minh bạch của cơ quan giám sát ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý và biện pháp thận trọng trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở từng bước tạo sân chơi binh đẳng, loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường và tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Có biện pháp khuyến khích kết hợp cưỡng chế các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao các điều kiện cấp phép liên quan đến an toàn hoạt động và quản trị đối với các ngân hàng được thành lập mới.
Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn kinh doanh tiền tệ - ngân hàng. Xây dựng môi trường pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng minh bạch và công bằng nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Các chính sách và quy định pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng góp phần tạo môi trường lành mạnh và động lực cho các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp, ưu đãi trong lĩnh vực ngân hàng và phân biệt đối xử giữa các tổ chức tín dụng. Tăng cường hiệu lực những chế tài
63
pháp lý, kinh tế và hành chính bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của người đi vay và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các ngân hàng. Hạn chế và tiến tới xoá bỏ việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực của Ủy ban Basel trên cơ sở lựa chọn chuẩn mực thích hợp. Trong đó chú trọng đến các văn bản quy định về việc xếp hạng tín nhiệm nội bộ của mỗi ngân hàng thương mại, điều kiện tiên quyết để ngân hàng Nhà nước đồng ý cho việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ.
Ngân hàng Nhà nước với vai trò một cơ quan giám sát cần tích cực hướng dẫn, đôn đốc các ngân hàng thương mại sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu đối với hệ thống quản trị rủi ro áp dụng tại ngân hàng, bao gồm hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản lý tài sản có, tài sản nợ, quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Những yêu cầu tối thiểu mà các ngân hàng cần đạt được chính là điều kiện tiên quyết giúp cơ quan giám sát nhà nước chấp thuận việc sử dụng hệ thống quản trị rủi ro tương ứng của ngân hàng.