Từ cơ sở lý luận, nội dung chương trình và thực tiễn đổi mới dạy học ở Đại học, chúng tôi đề xuất nội dung, quy trình tổ chức hoạt động thực hành theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của SV trong dạy học ÂN ở trường ĐH Vinh như sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu và nội dung hoạt động thực hành
Trước hết GV cần phải xác định rõ mục tiêu của bài học, loại kiến thức, kỹ năng thực hành mà SV cần chiếm lĩnh qua các hoạt động học tập và nội dung thực hành. Các kiến thức ÂN cần cung cấp cho SV gồm: kiến thức về Nhạc lý cơ bản, kiến thức về Ký - xướng âm, kiến thức về Ca hát, kiến thức về Nghe nhạc, kiến thức về Chỉ huy hát tập thể, kiến thức về Vận động theo nhạc, kiến thức về Trò chơi âm nhạc, kiến thức về thực hành Đàn organ. Các kỹ năng thực hành bao gồm: kỹ năng làm các bài tập dạng tự luận, kỹ năng làm các bài tập dạng đọc, kỹ năng làm các bài tập dạng hát, kỹ năng làm các bài tập dạng nghe, kỹ năng làm các bài tập dạng đánh tay, kỹ năng làm các bài tập dạng vận động, kỹ năng làm các bài tập dạng thực hành nhạc cụ. Trên cơ sở đó GV xác định nội dung, quy trình tổ chức hoạt động thực hành sao cho phù hợp với mục tiêu của bài học. Chẳng hạn đối với bài học về Nhạc lý như: Âm thanh và cách ghi chép nhạc; Phách - Nhịp; Cung - Quãng - Dấu hóa; Điệu thức - Gam - Giọng, GV cần giới thiệu: 7 âm thanh cơ bản, 5 ký hiệu trường độ thường dùng, các bài hát nhịp 3, nhip 2…; Đối với bài học về Ký - Xướng âm, GV cần giới thiệu: Cao độ, trường độ; cách ghi, đọc tiết tấu, đọc giai điệu…; Đối với bài dạy Hát, GV cần giới thiệu: Kỹ thuật hát, học bài hát… để SV thực hành và liên hệ thực tế.
Trên cơ sở mục tiêu, nội dung bài học và quy trình đã lựa chọn, GV có thể dự kiến các hoạt động cần tổ chức cho SV, các câu hỏi, các bài tập mà các em cần hoàn thành trong từng nội dung, từng hoạt động, dự kiến cách tổ chức, cách tiến hành, hướng dẫn các em thao tác để rèn kỹ năng một cách chủ động, sáng tạo. Trên cơ sở đó, GV chuẩn bị các đồ dùng, phương tiện phục vụ bài học.
Bước 2: Tổ chức hướng dẫn SV thực hiện các nội dung thực hành
Đây là bước trọng tâm của quy trình tổ chức hoạt động thực hành theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của SV trong quá trình dạy học ÂN. GV có thể tổ chức, hướng dẫn SV thực hiện theo trình tự sau:
- Giới thiệu nội dung của bài học và từng nội dung thực hành. Công việc này nhằm hướng sự chú ý tập trung của SV vào đối tượng học tập. Ví dụ, để
giúp SV thực hành về “phách” (trong bài Phách - Nhịp), GV có thể giới thiệu: Để hiểu thế nào là phách trong ÂN, chúng ta cùng hát với đàn bài “Bạn ơi lắng nghe” và lắc lư nhẹ nhàng nào! (Tiết 4, học hát Bạn ơi lắng nghe - Dân ca Ba na) [ÂN4]. GV có thể giới thiệu về các yếu tố: thời gian của phách, điểm rơi của phách… Thông qua lời giới thiệu và hát cùng với đàn, SV cảm nhận và xác định được khái niệm của phách.
- Giao nhiệm vụ và định hướng cho SV các nội dung, cách thức tiến hành thông qua sự hướng dẫn của GV.
- Tổ chức cho SV hoạt động cá nhân, nhóm nhỏ hoặc cả lớp nhằm thực hiện nhiệm vụ học tập.
Khi hướng dẫn SV thực hành phải chú ý đến sự khác nhau về nội dung của các bài. Ví dụ, bài: Cung - Quãng - Dấu hóa, phải chú ý đến việc đọc âm thanh cao tấp, to nhỏ; bài: Phách - Nhịp, phải chú ý cách vỗ tay hoặc gõ bằng nhạc cụ đồng thời hướng dẫn các em rút ra nội dung trọng tâm và kỹ năng cần khắc sâu.
- Tổ chức cho SV báo cáo kết quả sau quá trình hoạt động: Kết thúc thời gian thực hành, GV yêu cầu đại diện nhóm hoặc từng SV trình bày kết quả làm việc của mình. Ví dụ: bài Cung - Quãng - Dấu hóa, cho một số SV đọc độ cao quãng 2 trưởng, 2 thứ, 3 trưởng, 3 thứ, 4 đúng, 5 đúng, 8 đúng,… bài Phách - Nhịp, cho một nhóm gõ phách, một nhóm gõ nhịp…
Bước 3: Nhận xét quá trình hoạt động thực hành của SV và rút ra kết luận cho bài học
Trên cơ sở thực tế của hoạt động thực hành nói riêng, cả tiết học nói chung, GV phải đưa ra những lời nhận xét, đánh giá kết quả học tập của SV, mức độ hoàn thành so với yêu cầu, rút ra những kinh nghiệm gì và có thể đánh giá bằng điểm số.
Kết luận: GV khái quát lại bài học, nhấn mạnh những nội dung chính và quy trình hoạt động thực hành để SV khắc sâu và có phương pháp tự học. Đồng thời cần lưu ý đến mục tiêu giáo dục qua từng nội dung mà SV vừa tiếp cận để
có thể vận dụng trong thực tế cuộc sống.
* Điều kiện để thực hiện nội dung, quy trình
Để tiến hành dạy tiết ÂN nói chung, tổ chức các hoạt động thực hành ÂN nói riêng, phòng học cần phải được trang bị cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho việc dạy và học. Tùy theo nội dung, đặc thù từng phân môn để có phương án đề xuất xếp phòng cũng như mua sắm trang thiết bị. Đối với phân môn lý thuyết học cả lớp, cơ sở vật chất là bảng kẻ nhạc, nhạc cụ, giá nhạc; với phân môn múa, vận động…phòng học cần có thêm gương to, đầu máy Video; phòng học đàn phải được trang bị nhiều nhạc cụ…Ngoài ra còn có những đồ dùng, đạo cụ dạy học của GV: như thanh mẫu, thanh phách, thước chỉ nhạc, gõ phách; đồ dùng học tập của SV gồm: tài liệu, vật dụng, giấy kẻ nhạc, các bản vẽ mô phỏng bàn phím đàn organ…