Dạy học ÂN cho SV ngành GDTH thường dùng các phương pháp:
1.3.4.1. Phương pháp dùng lời
Bao gồm: Diễn giải, giải thích, đặt câu hỏi, gợi ý. Phương pháp này dùng xen kẽ với các phương pháp khác, giúp SV chủ động trong quá trình tiếp thu, qua đó GV có thể đánh giá năng lực của người học.
-Diễn giải: Giới thiệu khái quát nội dung, ý nghĩa của bài học (bài hát, bài
đàn…), có thể nêu trước hoặc sau khi làm mẫu. Trong quá trình giảng dạy, GV dùng lời ngắn gọn, dễ hiểu, tránh lan man, dài dòng hoặc dùng nhiều mỹ từ.
-Giải thích: Dùng trong khi gặp các ca từ khó phát âm, từ phương ngữ, các
thuật ngữ trừu tượng trong ÂN (giọng điệu, nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu, thể thức, thể loại…). Khi giải thích phải rõ ràng, cụ thể, có thể lấy ví dụ minh họa và kết hợp xen kẽ với luyện tập, làm mẫu.
-Gợi ý và nêu câu hỏi: Thường sử dụng khi dẫn dắt vào bài hoặc đàm thoại
về nội dung bài hát, bài đàn, chuyện kể ÂN. Yêu cầu đặt câu hỏi phải rõ ràng, dễ hiểu, sát với nội dung của tác phẩm.
1.3.4.2. Phương pháp làm mẫu
ÂN là nghệ thuật của âm thanh, ngôn ngữ của ÂN là cao độ, trường độ, những ký tự về hình nốt, dấu nhạc và những phương tiện diễn tả khác như: giai điệu, tiết tấu, thủ pháp… nên có tính trừu tượng, ước lệ cao. Khi dạy học ÂN, nếu chỉ dùng phương pháp trực quan, diễn dải bằng lời… thì chưa đủ, người học sẽ chưa nghe được âm thanh, chưa hiểu được nội dung và hình tượng của tác phẩm. Bởi vậy, cần phải dùng phương pháp làm mẫu: GV phải hát, phải đàn, phải biểu diễn để HS “cảm thấy” và “nghe thấy”. Làm mẫu chính xác, hấp dẫn sẽ tạo được sự chú ý, thán phục, ngưỡng mộ nghệ thuật; từ đó cũng tạo được động lực thúc đẩy, lôi cuốn người học.
1.3.4.3. Phương pháp trực quan
Trực quan là phương pháp đưa ra những cái cụ thể để quan sát, gợi lên tính tích cực của người học. Trong dạy học ÂN, thông qua phong cách trình diễn các tác phẩm, đặc biệt là động tác diễn xuất khi hát, khi vận động, khi tổ chức trò chơi… kết hợp với các đồ dùng dạy học: nhạc cụ, băng hình…, đồ dùng trực quan: hình vẽ, tranh ảnh… GV trình bày phải gọn gàng, chính xác. Quá trình sử dụng phương pháp này cần chú ý những điểm sau:
- Khi sử dụng các phương tiện băng, đĩa…phải đảm bảo chất lượng âm thanh, âm lượng, nội dung tác phẩm và cần kiểm tra trước khi sử dụng.
- Khi đánh đàn phải hết sức chuẩn xác về tư thế, ngón bấm, từng nốt của giai điệu.
- Khi thị phạm bằng giọng hát cũng phải hết sức truyền cảm, nên kết hợp với động tác, điệu bộ để truyền tải nội dung, hình tượng tác phẩm.
1.3.4.4. Phương pháp hướng dẫn thực hành - luyện tập
Quá trình SV tiếp thu ÂN luôn luôn phải coi trọng khâu thực hành luyện tập, đó là nhiệm vụ trọng tâm của việc học ÂN. Phương pháp này được lặp đi lặp lại nhiều lần và sử dụng thường xuyên trong qua trình học hát, học đàn, học kí -
xướng âm, học chỉ huy, học vận động theo nhạc… Khi sử dụng phương pháp này cần chú ý:
- Nắm vững mục đích, yêu cầu cụ thể của việc thực hành.
- Cần luyện tập thường xuyên, theo hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tap…đồng thời phải sửa sai kịp thời kể cả những lỗi sai nhỏ.
- Luyện tập dưới nhiều hình thức khác nhau như tổ, nhóm, cá nhân để các em tự phát hiện chỗ sai của bạn, sau đó GV nhận xét đánh giá.
- Trong quá trình cho SV luyện tập thực hành, GV nên khuyến khích, động viên và có thái độ nhẹ nhàng, chia sẻ với người học.
1.3.4.5. Phương pháp truyền khẩu
Khác với dạy hát ở độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo là hát cả bài cùng với GV, dạy hát ở Tiểu học là dạy hát từng câu theo lối truyền khẩu, móc xích câu nọ sang câu kia. Quá trình dạy bài hát thường theo các bước: Giới thiệu - Hát mẫu - Đọc lời ca - Dạy từng câu - Hát hoàn chỉnh - Hát truyền cảm - Hát và vận động.
Trong bước dạy từng câu, GV hát từng câu (khoảng 4 nhịp) rồi cho HS hát lại câu đó, GV nhận xét, sửa sai. Tập lần lượt câu nọ sang câu kia kiểu móc xích. Phương pháp này được sử dụng nhiều trong quá trình dạy bài hát vì phương tiện truyền thụ chính là giọng hát của GV, ít phụ thuộc vào nhạc cụ.
1.3.4.6. Phương pháp trình bày tác phẩm
Trình bày tác phẩm tức phải thực hiện, biểu diễn tác phẩm đó một cách đầy đủ, trọn vẹn theo tuần tự từ đầu đến cuối.
Đối với bộ môn ÂN, phương pháp trình bày tác phẩm là rất cần thiết vì khi nghe và xem hình ảnh qua phương tiện hoặc GV biểu diễn “độc tấu” hoặc “đơn ca”, người học sẽ nghe, thấy và cảm nhận được toàn bộ tác phẩm, từ đó sẽ nảy sinh hứng thú học tập.
Để có thể trình bày tác phẩm trước HS, GV phải có sự chuẩn bị chu đáo về nhạc cụ, phương tiện nghe nhìn; nghiên cứu về nội dung, chủ đề, thể loại và
trình bày tác phẩm đó một cách trọn ven, giàu cảm xúc. Ngoài ra còn phải quan tâm đến trang phục, đạo cụ, phong cách trình diễn…
1.3.4.7. Phương pháp ôn tập
GV cần vận dụng các hình thức trình bày khác nhau như hát giai điệu bằng nguyên âm “a”; “u” hoặc có thể xướng âm “la” (trong dạy đàn, dạy xướng âm, trò chơi âm nhạc), tổ chức hát nâng cao như: hát đuổi, hát nối tiếp, hát đối đáp, hát to hát nhỏ, hát nhanh hát chậm (trong dạy hát)… Giáo viên phải nắm được năng lực ÂN của từng em để phân loại học sinh, từ đó chọn dạng bài tập cho phù hợp.
Các phương pháp thường được kết hợp, đan xen một cách hợp lí, đúng thời điểm trong tiết dạy nhằm gây hứng thú và kích thích tính tò mò, khám phá nghệ thuật của các em.
- Phải căn cứ vào thời lượng; nội dung, độ khó của bài học và mức độ tiếp thu của người học để chọn những vấn đề cốt lõi cần ôn tập. Cho ôn tập tại lớp để các em biết dựa vào nhau, tự đánh giá bản thân, sẽ tránh được sự căng thẳng, mệt mỏi và tạo không khí vui tươi cho tiết học.