Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành âm nhạc

Một phần của tài liệu Nội dung, quy trình tổ chức hoạt động thực hành âm nhạc cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trường Đại học Vinh (Trang 41)

2.3.2.1. Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành nhạc lý

Một thực tế diễn ra trong nhiều năm đó là phòng học ÂN nói chung, nhạc lý nói riêng của SV ngành GDMN, GDTH được bố trí trong khu giảng đường, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới những lớp học khác vì ÂN là nghệ thuật của âm thanh, trong qua trình dạy học ÂN cần phải bộc lộ các âm thanh thông qua giọng hát, tiếng đàn. Phòng học cần có những trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy như đàn organ, loa máy…và phòng học cần bố trí xa khu trung tâm.

Thông thường sau khi dạy các kiến thức về lý thuyết, GV phải cho SV làm các bài tập thực hành bằng miệng hoặc trên đàn. Ví dụ: Bài “Phách – Nhịp”, SV vừa hát vừa vỗ tay theo phách, đến nốt ngân dài thì đếm “2; 3…” khi đủ trường độ thì GV làm động tác kết thúc! Việc bố trí phòng học như trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học của GV. Phòng học phải luôn đóng cửa vì sợ gây ảnh hưởng tới lớp học khác, có khi phải đàn nhỏ, hát nhỏ hoặc bỏ qua khâu thực hành trên lớp.

2.3.2.2. Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành dạy hát

Dạy hát cho SV ngành GDTH gồm hai nội dung chính đó là: dạy kỹ thuật hát và dạy bài hát tiểu học.

- Dạy kỹ thuật hát

Dạy kỹ thuật hát là dạy cách hít thở, lấy hơi; cách nhả chữ, đóng mở khẩu hình; cách hát rõ lời, cách pha trộn âm thanh; cách hát liền âm, ngắt âm; cách tạo độ vang cho âm thanh, cách trình bày bài hát... Để tiến hành dạy kỹ thuật hát, đòi hỏi GV phải nắm chắc kỹ thuật thanh nhạc, phải biết sử dụng đàn Piano để dạy luyện thanh. Bởi vậy mà những trường có nhiều GV ÂN, người ta thường chọn những GV thực sự có năng lực thanh nhạc để đảm nhiệm phân môn này.

Dạy kỹ thuât hát cho SV ngành GDTH nhằm giới thiệu những kiến thức cơ bản về thanh nhạc giúp các em có được những hiểu biết nhất định trong ca hát, tránh được các lỗi thông thường như: hít thở bằng ngực trên; lấy hơi tùy tiện; âm thanh lè nhè, giọng mũi, rời rạc, đứt quãng…

Hoạt động dạy kỹ thuật hát được thực hiện tại phòng học lý thuyết: GV hát mẫu từng âm, SV nghe rồi làm theo, GV nhận xét sửa sai cho SV. Ví dụ: “Mi i i i i; Mê ê ê ê ê; Ma a a a a… GV có thể cho một số SV trình bày rồi mời SV khác nhận xét…

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, chúng tôi nhận thấy GV thực hiện nội dung này chưa được tốt. Thường chỉ giới thiệu về kỹ thuật một cách chung chung mà không làm mẫu, không chỉ cho SV thấy được những đặc điểm của giọng nữ cao (Sôprano), nữ trầm (Altô), nam cao (Teno), nam trầm (Bass); chưa bày cách hát liền giọng (lêgatô), ngắt giọng (stắccatô); tạo độ vang giọng trán, giọng mũ; cách trình bày tác phẩm; cách bảo vệ giọng hát…

- Dạy bài hát tiểu học

Chương trình ÂN ở tiểu học quy định dạy 55 bài hát và một số bài bổ sung thay thế hoặc dùng cho ngoại khóa. (lớp 1, 2 mỗi lớp học 12 bài; lớp 3 học 11 bài; lớp 4,5 mỗi lớp học 10 bài). Như vậy, việc dạy ÂN ở tiểu học chủ yếu là dạy hát. Thông qua việc dạy hát để rèn luyện giọng hát, khả năng ca hát cũng như các kỹ năng ca hát thông thường như: Tư thế hát, cách lấy hơi, giữ hơi trong khi hát, hát rõ lời, hát đều nhịp và biết hát hòa giọng mình trong giọng tập thể.

Vì vậy, việc dạy cho SV các bài hát tiểu học là rất cần thiết và cần được tiến hành ngay sau khi dạy kỹ thuật hát. Phương pháp dạy hát cho SV là kết hợp xướng âm ghép lời với hát cả bài cùng với GV. Sau khi hát cả bài, GV thấy sai câu nào thì sửa câu đó chứ không dạy từng câu, truyền khẩu như ở Tiểu học.

Trong đề cương chi tiết môn ÂN do GV biên soạn, không có nội dung dạy các bài hát trong chương trình tiểu học. Bởi vậy, GV chỉ dạy được một số bài hát trong quá trình dạy nhạc lý.

2.3.2.3. Thực thạng tổ chức hoạt động thực hành dạy nghe nhạc

Nghe nhạc góp phần hình thành những cơ sở ban đầu của văn hóa ÂN, hoàn thiện những đặc trưng tâm lý, phát triển trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo. Bởi vậy, GV cần cho các em nghe nhạc, làm quen với các yếu tố của âm thanh ÂN trong suốt quá trình dạy nhạc lý, xướng âm, nhạc cụ, chứ không chờ đến tiết nghe mới dạy nghe. Có như thế thì nội dung nghe mới phong phú; phương tiện nghe sẽ đa dạng và khả năng nghe, cảm thụ âm nhạc của SV mới được nâng cao. Qua thực tế chúng tôi được biết việc dạy nghe nhạc còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là không có phòng chức năng chuyên nhạc, thiếu trang thiết bị nghe nhìn; lớp học được bố trí chung trong quần thể Nhà B, sẽ khó cho việc trình diễn tác phẩm nên ít khi GV tổ chức cho SV nghe nhạc, nghe hát. Trong một số tiết dạy lý thuyết, GV có sử dụng đàn organ nhưng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được hứng thú cho người học.

2.3.2.4. Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành chỉ huy hát đồng ca

Hát đồng ca là hát tập thể đông người, có thể là một lớp, một khối hoặc cả trường cùng hát. Yêu cầu của đồng ca là phải hát hòa giọng, đều nhịp nên cần phải có người lấy giọng, bắt nhịp (còn gọi là người cầm càng).

Bởi vậy, trong quá trình dạy học ÂN, GV cần giới thiệu về tư thế của người chỉ huy: các động tác bắt vào nhịp đủ, nhịp thiếu, động tác diễn tả sắc thái tình cảm, thủ pháp hát bè theo quãng, đuổi ca nông, nối tiếp, đối đáp và nên áp dụng cho bài hát thiếu niên:Thật là hay (Hoàng Lân); Mùa hoa phượng nở (Hoàng Vân); Hành khúc Đội (Phong Nhã); Bài ca đi học (Phan Trần Bảng), hoặc bài hát dân ca: Trống cơm (Q.h Bắc Ninh), Lý ngựa ô (D.c Nam Bộ)...

Trong quá trình dạy học ÂN, tuy GV đã hướng dẫn cách đánh nhịp cơ bản nhưng chưa vận dụng để chỉ huy hát đồng ca hoặc cho SV làm quen với cách hát bè đơn giản.

2.3.2.5. Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành vận động theo nhạc

Dạy hát cho SV ngành GDTH không chỉ đơn thuần dạy hát đúng giai điệu và lời ca mà còn phải biết kết hợp vận động để sự cảm thụ âm nhạc được dễ dàng, sâu sắc hơn, đồng thời có thể áp dụng trong giảng dạy ở trường tiểu học.

Khi hát kết hợp với chuyển động thân thể hoặc thể hiện bằng những động tác múa minh họa làm cho sự cảm nhận ÂN đặc biệt về phương diện tiết tấu càng sâu sắc hơn. Học hát kết hợp vận động hoặc múa là một hoạt động vừa thể hiện phương pháp dạy học vừa mang ý nghĩa giáo dục ÂN. Mỗi bài hát thường có nhịp điệu, tiết tấu riêng, tìm ra những cách vận động vỗ tay, gõ đệm, minh họa cho lời ca hoặc một vài động tác múa đơn giản sẽ làm cho tinh thần học tập của SV hào hứng, thoải mái.

Trong quá trình dạy hát cho SV, GV bộ môn đã tiến hành dạy 3 cách vỗ tay thường dùng đó là: vỗ theo phách; vỗ theo nhịp; vỗ theo tiết tấu lời ca. Như vậy, nội dung vận động còn nghèo nàn và đơn điệu. Trong khi đó ở Tiểu học đã sử dụng hình thức vân động rất phong phú như: gõ đệm bằng nhạc cụ (mõ, thanh phách, xắc xô, trống con...), nhún nhảy theo nhịp điệu, vỗ tay theo tiết tấu chậm, tiết tấu nhanh, tiết tấu phối hợp và tùy nội dung bài hát để có thể biên đạo động tác múa, minh họa.

2.3.2.6. Thực trạng tổ chức hoạt động thực hành đàn organ

Phân môn đàn organ có thời lượng 1 tín chỉ (thực dạy 30 tiết), học theo nhóm khoảng 20 SV (ở trường đào tạo ÂN chuyên nghiệp, mỗi tiết học là 1trò). Phòng học đàn được bố trí trong trường MN thực hành nên ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của trẻ.

Tài liệu học tập của SV do GV biên tập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nội dung còn nghèo nàn. Hệ thống bài tập thực hành thiếu chọn lọc, biên soạn theo lối thủ công, không còn phù hợp với công nghệ hiên nay và chưa có sự gắn kết với chương trình tiểu học.

Đăc thù của phân môn này là nhóm không học chung một bài mà mỗi SV có thể đánh riêng một bài tùy theo năng lực và sự chỉ dẫn của GV. Như vậy, cùng một lúc GV phải soạn nhiều giáo án để dạy cho nhiều đối tượng SV.

Một phần của tài liệu Nội dung, quy trình tổ chức hoạt động thực hành âm nhạc cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trường Đại học Vinh (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)