Nguồn dữ liệu:
Tác giả sử dụng dữ liệu từ các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) để đại diện cho đối tượng khảo sát vì những lý do sau:
- Những công ty niêm yết trên HOSE đều là công ty cổ phần có quy mô vốn lớn (vốn điều lệ tối thiểu là 80 tỷ đồng), bao gồm cả công ty được cổ phần hóa từ DNNN, các công ty cổ phần tư nhân và các công ty cổ phần có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Do tính sẵn có và dễ thu thập của dữ liệu, vì nhóm công ty này có nghĩa vụ phải công khai thông tin định kỳ, thông tin bất thường và thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban chứng khoán nhà nước) và cơ quan quản lý thị trường (HOSE) theo quy định.
Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ năm 2008 đến 2012 của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) theo các tiêu chí: loại bỏ các công ty tài chính, bảo hiểm; loại bỏ các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2009 trở về sau; loại bỏ các doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin cần thu thập.
Nguồn thông tin: báo cáo thường niên, báo cáo tài chính năm (đã kiểm toán), bản cáo bạch và một số thông tin thứ cấp đáng tin cậy được thu
thập từ các website của các công ty chứng khoán như:
http://finance.vietstock.vn, http://cafef.vn/, Trang Sở giao dịch HCM:
http://www.hsx.vn, Trang tổng cục thống kê Việt Nam:
http://www.gso.gov.vn
Với các tiêu chí thu thập dữ liệu nêu trên, có 131 công ty phi tài chính đáp ứng được yêu cầu của bài nghiên cứu.
Phương pháp xử lý dữ liệu:
Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2013 và Stata 11.
Trình tự xử lý số liệu bao gồm: mô tả và trình bày dữ liệu, khảo sát tương quan cặp giữa các biến độc lập và các biến kiểm soát, đánh giá độ phù hợp của phương trình tương quan.
Khảo sát tương quan cặp giữa các biến được thực hiện bằng cách thiết lập ma trận hệ số tương quan và xem xét hệ số tương quan cặp giữa
các biến độc lập và biến kiểm soát, tìm ra những cặp biến có hệ số tương quan cao. Để giảm thiểu hiện tượng đa cộng tuyến, tác giả đề xuất tiêu chí loại bỏ một biến ra khỏi phương trình hồi quy đối với các cặp biến có hệ số tương quan cặp ≥ 0,7.
Để chứng minh sự phù hợp của phương trình hồi quy trong việc giải thích bản chất, mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng tác giả sử dụng thước đo R2. Đối với các hiện tượng kinh tế- xã hội, R2
thường không cao như trong các hiện tượng tự nhiên hoặc kỹ thuật. Tiêu chí lựa chọn phương trình hồi quy phù hợp do tác giả đề xuất là R2 ≥ 0,3.
Để lựa chọn các biến giải thích từ phương trình hồi quy theo tiêu chí mức có ý nghĩa thống kê, tác giả sử dụng mức có ý nghĩa 1% và 5%. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, với giả định là dữ liệu thu thập chưa đầy đủ, có thể chấp nhận thêm mức có ý nghĩa 10%.