Kết quả ước lượng của mô hình 3 và mô hình 4 bằng phương pháp OLS và các kiểm định phương sai thay đổi, tự tương quan được trình bày trong Bảng 4.3.
Với mức ý nghĩa 5%, các biến tỷ số tổng nợ trên vốn chủ sở hữu (FL1), quy mô công ty (SIZE) và tỷ lệ chi trả cổ tức (DIV) có quan hệ với rủi ro hệ thống của công ty
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ của đòn bẩy nợ làm tăng rủi ro hệ thống, nghĩa là các công ty có càng nhiều nợ trong cơ cấu vốn sẽ có rủi ro hệ thống càng cao. Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của Imanueli D. Mnzava (2009) và Kheder Alaghi (2013).
Tương tự, quy mô công ty cũng có quan hệ cùng chiều với rủi ro hệ thống, nghĩa là các công ty có quy mô càng lớn sẽ có rủi ro hệ thống càng cao. Có một sự tranh luận về mối quan hệ giữa rủi ro hệ thống và quy mô công ty trong các nghiên cứu trước đây. Slliven (1978) cho rằng các công ty quy mô lớn có mức độ rủi ro hệ thống thấp hơn bởi vì các công ty quy mô lớn có thể kiểm soát các tác động thay đổi của nền kinh tế hiệu quả hơn các công ty có quy mô nhỏ. Titman và Wessels (1998) cho rằng các doanh nghiệp lớn có nhiều cơ hội cho việc đa dạng hóa và vì vậy họ có thể làm giảm rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây của Chee-Wooi, Hooy và Chyn-Hwa, Lee (2010), Toni Rowe và Jungsun (Sunny) Kim (2010), Khaldoun M. Al-Qaisi (2011) lại cho rằng quy mô công ty càng lớn thì rủi ro hệ thống của công ty càng cao.
Ngược lại, mối quan hệ giữa tỷ lệ chi trả cổ tức và rủi ro hệ thống là ngược chiều, nghĩa là các công ty có tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn thì có rủi ro hệ thống thấp hơn.
Bảng 4.3: Kết quả hồi quy OLS của mô hình 3 và 4
MÔ HÌNH 3 MÔ HÌNH 4
Beta 1 Coef. P > |t| Coef. P > |t|
FL1 hoặc FL2 0.024 0.027 0.002 0.944 OL 0.007 0.187 0.007 0.192 SIZE 0.080 0.000 0.087 0.000 DIV -0.291 0.020 -0.328 0.009 _Cons -0.205 0.125 -0.249 0.071 R2 0.089 0.084 Prob > Chi2 0.142 0.163 Prob > F 0.249 0.248
Nguồn: Tác giá tính toán
Với kết quả ước lượng này, tác giả tiếp tục thực hiện các kiểm định phương sai thay đổi và tự tương quan nhằm đảm bảo cho tính hiệu quả của mô hình khi được hồi quy bằng phương pháp OLS.
Kết quả kiểm định cho thấy giá trị Prob > chi2 của mô hình 3 và mô hình 4 lần lượt là 0.142 và 0.163 lớn hơn mức ý nghĩa 5%, vì vậy ta chấp nhận giả thiết H0 tức là mô hình không có hiện tượng phương sai thay đổi. Tương tự, kết quả tự tương quan cũng cho thấy cả hai mô hình không có hiện tượng tự tương quan vì giá trị Prob > F lớn hơn mức ý nghĩa 5%.