Trạng thái ngoại tệ của TCTD

Một phần của tài liệu BÀI TIỂU LUẬN Chính sách thận trọng vĩ mô (Trang 40)

6. Những điểm mới của Đề tài nghiên cứu

3.1.3.2. Trạng thái ngoại tệ của TCTD

Trạng thái ngoại tệ (foreign exchange limits), thường được tính theo tỷ lệ % với vốn tự có của ngân hàng, là công cụ được nhiều quốc gia áp dụng để hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ, qua đó giúp tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Cùng với việc quy định trạng thái ngoại tệ, NHTW có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát ngoại hối như kết hối, quy định số lượng ngoại tệ mang ra nước ngoài... trong các giai đoạn thị trường ngoại hối nhiều bất ổn (Tô Ngọc Hưng (2014)).

Tại Việt Nam, ngày 20/03/2012 Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-NHNN, quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02/05/2012 và thay thế Quyết định số 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 07/10/2002 và Quyết định số 1168/2003/QĐ-NHNN ngày 02/10/2003 về sửa đổi Điều 1 Quyết định số 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 07/10/2002. Thông tư này quy định về trạng thái ngoại tệ của các TCTD hoạt động tại Việt Nam theo hướng thắt chặt hơn, hạn chế các ngân hàng vay ngoại tệ, hạn chế sự thao túng, tăng cường sức mạnh quản lý tập trung về Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn, qua đó giảm thiểu rủi ro trong quản lý thị trường ngoại hối.

Theo Thông tư, trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc; trạng thái nguyên tệ của ngoại tệ được tính trên cơ sở số dư các tài khoản có liên quan theo quy định tại phụ lục đính kèm thông tư này; quy đổi trạng thái nguyên tệ của từng ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi trạng thái; cộng các trạng thái ngoại tệ dương với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ dương; cộng các trạng thái ngoại tệ âm với nhau để tính tổng trạng thái ngoại tệ âm.

Đặc biệt, thông tư cũng quy định một số nội dung mới so với các quy định trước đây về giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ. Theo đó, giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ được tính bằng tỷ lệ giữa tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc tổng trạng thái ngoại tệ âm chia cho vốn tự có của tổ chức tín dụng. Vốn tự có để tính giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ là vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo; tổng trạng thái ngoại tệ dương của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có; tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có.

Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu đô la Mỹ trở xuống được phép áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ như sau: tổng trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 triệu đô la Mỹ; tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày quy ra đô la Mỹ không được vượt quá 5 triệu đô la Mỹ.

Như vậy, quy định này giúp hạn chế các ngân hàng găm giữ ngoại tệ, thao túng, đầu cơ gây bất ổn, từ đó giảm rủi ro ngoại hối xuống. Giảm trạng thái ngoại hối khiến lượng ngoại tệ để lại trong ngân hàng không quá lớn, do đó không có tác động lớn đến thị trường ngoại hối, hay hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cũng như hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trong giai đoạn căng thẳng cung cầu, sẵn sàng bán ra mạnh trên thị trường khiến ngoại hối âm để thu lợi khi giá ngoại tệ cao. Đồng thời, quy định giúp tăng cường sức mạnh quản lý Nhà nước về ngoại hối, tăng quy mô dự trữ ngoại hối và hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ. Khi nền tảng ngoại tệ ổn định, giá trị tiền đồng được khôi phục sẽ giúp tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và hỗ trợ cho quá trình phát hành trái phiếu Chính phủ ra bên ngoài.

Một phần của tài liệu BÀI TIỂU LUẬN Chính sách thận trọng vĩ mô (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(47 trang)