5.1. Xử lý khi bị say nắng, say nóng
5.1.1. Thế nào là say nắng và say nóng
- Say nắng và say nóng là tình trạng cơ thể bị phơi nhiễm quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở trong môi trường có nhiệt độ cao như trong hầm lò, lò nung gạch, lò luyện gang thép, đám cháy…
- Say nắng là một thể của say nóng, nhiệt độ cơ thể vượt quá nhiệt độ bình thường. - Say nóng thường xảy ra khi nhiệt độ môi trường lên cao trong những đợt nắng nóng, người già dễ bị tổn thương nhất hoặc xảy ra khi lao động, luyện tập với cường độ cao, ở môi trường có nhiệt độ cao và ẩm ướt, thường gặp ở người trẻ khỏe.
5.1.2. Dấu hiệu say nắng, say nóng.
- Say nắng: Da bệnh nhân nóng và khô. Dấu hiệu sớm là mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.
- Say nóng: Da bệnh nhân bị lạnh và ẩm ướt, tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút (vọp bẻ); mạch nhanh và yếu. Loạn nhịp tim, hạ huyết áp, hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn.
5.1.3. Xử lý cấp cứu say nắng, say nóng * Sơ cấp cứu:
- Nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, dùng quạt làm mát, đặt nạn nhân nằm ngửa, gác chân lên cao.
- Cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước lạnh có pha muối, tốt nhất là cho uống dung dịch oresol.
- Dùng khăn thấm nước đá chườm lạnh khắp người cho nạn nhân, nhất là cổ, nách, háng. Nếu nạn nhân bị ngừng tim cần nhanh chóng xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt.
- Chuyển đến bệnh viện ngay nếu nạn nhân không uống được nước, bị nôn liên tục, sốt tăng liên tục, bất tỉnh, kèm triệu chứng đau ngực, khó thở, đau bụng.
* Phòng tránh say nắng, say nóng:
- Khi lao động ngoài trời phải đội mũ nón rộng vành, tránh không cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy.
- Nếu khát phải uống nhiều nước có pha muối, hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol.
- Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng.
- Đối với trẻ em, người cao tuổi, người bị bệnh lâu ngày, người uống rượu bia không nên phơi nắng, nóng lâu.
- Mùa nắng nóng nên mặc quần áo rộng, thấm mồ hôi như vải coton.
5.2. Xử lý khi bị cảm lạnh
Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc môi trường lạnh, ẩm ướt trong thời gian dài, lượng nhiệt cơ thể mất đi nhiều hơn lượng nhiệt cơ thể sinh ra, tình trạng hạ thân nhiệt sẽ xuất hiện. Hạ thân nhiệt được định nghĩa là nhiệt độ bên trong cơ thể nhỏ hơn 35o
C).
5.2.1. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Run lẩy bẩy - Nói lắp bắp
- Nhịp thở chậm bất thường - Da lạnh, xám
- Mất phối hợp động tác - Mệt mỏi, bơ phờ hoặc thờ ơ
5.2.2. Chăm sóc đối với người bị hạ thân nhiệt:
- Gọi cấp cứu.
- Trong khi chờ người giúp đỡ, cần theo dõi hơi thở của người bệnh. Nếu hơi thở ngừng hay có vẻ chậm hoặc nông trầm trọng, bắt đầu hà hơi thổi ngạt ngay.
- Chuyển người bệnh đến nơi ấm. - Thay đồ ẩm ướt bằng đồ khô, ấm.
* Chú ý:
- Không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm nạn nhân.
- Không cố làm ấm tay và chân. Làm nóng tay và chân thúc đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não, gây hạ thân nhiệt trung tâm. Điều này có thể gây tử vong.
- Không cho người bệnh uống rượu, hãy cho người bệnh uống nước ấm không có cồn, trừ khi người bệnh bị nôn.
- Không xoa bóp hoặc chà xát người bệnh. Các động tác với người bị hạ thân nhiệt phải nhẹ nhàng vì bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim.
5.3. Sơ cứu khi bị rắn cắn
Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, chậm trễ… nhiều khi không cứu nổi. Sau khi cắn người, con rắn thường chạy mất, nạn nhân không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc, nhất là trong đêm tối… Do vậy, khi không may bị rắn cắn, nạn nhân phải thật bình tĩnh, nhanh chóng làm các việc dưới đây:
Hình 2.1.21. Vết cắn của rắn độc Hình 2.1.22. Vết cắn của rắn lành
Xác định sơ bộ xem đó là rắn lành hay rắn độc. Nếu tại vết cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành.
Còn nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc.
Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc, cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi hay chạy.
5.3.1. Cách sơ cứu
- Bước 1 cột dây ga rô: Cột dây ga rô sớm ở phía trên vết cắn 3 - 10 cm, trên đường máu về tim. Cứ 15 - 30 phút nới 15 - 30 giây. Thời gian cột không quá 5 - 6 giờ.
- Bước 2 rửa và rạch vết cắn: Dùng dung dịch thuốc tím 1%, nước sôi để nguội, nước sạch pha ít muối hay xà phòng rửa. Dùng vải sạch hoặc bông thấm khô. Rạch vết cắn theo hình chữ X dài 0,5 - 1 cm, sâu 0,3 - 0,5 cm. Vuốt nhẹ từ trên xuống 10 - 20 phút cho máu chảy ra.
- Bước 3 hút nọc: Dùng ống hút hay bơm tiêm 5 ml để rút nọc, có thể dùng miệng với ống áp lên vết cắn để hút rồi nhổ ra ngay, sau đó súc miệng bằng nước sạch.
- Bước 4 giải nọc và tiêm huyết thanh chống nọc: Nhai lá hay hạt, củ, rễ của một trong các loài cây: Gừng (lá, củ), cỏ lào, cỏ xước, chanh (lá, quả), đu đủ (rễ, quả non), gấc, hà thủ ô, lá lốt, long não, mào gà đỏ, mướp đắng hay khổ qua (lá, hạt), ớt, phèn đen, sòi tía, thầu dầu, trầu không, rau diệu, nuốt lấy nước, đắp bã vào vết cắn… Ngoài ra còn dùng thuốc lào, hạt đỗ (đậu) xanh, vôi ăn trầu, dấm thanh, quế thanh, phèn chua để xử lý.
- Bước 5 đưa nạn nhân đến nơi cấp cứu: Cố định tay hay chân bị rắn cắn, giữ cơ thể nóng, ấm. Dùng cáng chở bệnh nhân đến trạm y tế hay bệnh viện. Có thể tiêm dung dịch novocain 0,25% cho thêm 50 - 100mg hydrocortizon chung quanh vết cắn.
5.3.2. Đề phòng rắn cắn
Rắn thường kiếm mồi về đêm, ban ngày chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, hoặc treo mình trong bụi cây rậm rạp, ẩm thấp, tối tăm, do vậy:
Khi cần đi qua những nơi này, nhớ đi ủng, hoặc mang theo gậy dài vừa đi vừa khua để xua đuổi rắn. Không ngồi ở gò, đống, bờ bụi, gốc cây có nhiều hang hốc. Không nằm nghỉ dưới đất gần các bụi cây rậm rạp.